Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Chứng nhân hy vọng (14)

VRNs (26.04.2011) – CẦU NGUYỆN CÙNG ĐỨC CHÚA CHA



Liên lỉ cầu nguyện

Sau khi tôi được trả tự do có nhiều người nói với tôi rằng: “Thưa cha, trong tù chắc cha đã có nhiều giờ để cầu nguyện”. Nhưng thật không đơn giản như chúng ta nghĩ đâu. Chúa đã cho phép tôi cảm nghiệm tất cả sự yếu đuối và mỏng dòn của thể xác cũng như tinh thần của tôi. Trong tù thời gian chậm chạp, đặc biệt trong thời gian biệt giam. Các bạn hãy cứ tưởng tượng một tuần, một tháng, hai tháng trong thinh lặng… Thời gian dài kinh khủng. Nhưng khi trở thành năm, chúng trở thành vĩnh cửu. Có những ngày tôi bị kiệt lực vì mệt mỏi, bệnh tật, một kinh tôi cũng không đọc nổi!

Nhưng cũng đúng thật là người ta có thể học hỏi nhiều về cầu nguyện, về tinh thần cầu nguyện tinh tuyền, ngay khi phải khổ đau vì không thể cầu nguyện, vì yếu nhược thể xác, vì không thể cầm trí, vì sự khô khan nguội lạnh, cảm thấy Thiên Chúa bỏ rơi và sống xa Ngài tới độ không thể nào nói lên được Lời nào với Ngài.

Và có lẽ chính trong những lúc này người ta mới khám phá ra cái cốt yếu của lời cầu nguyện và mới biết có thể sống giới răn của Ðức Giêsu như thế nào: “Cần phải cầu nguyện luôn” (x. Lc 18,1).

Từ các Giáo Phụ sống trong sa mạc cho tới Nhóm Người Hành Hương Nga, từ các vị đan tu Tây Phương cho tới đan tu Ðông Phương, tất cả chỉ có một ưu tư, một tìm kiếm say mê: đó là có thể thực hành một lời cầu nguyện kiên trì. Giáo phụ Caisianô nói: “Tột đỉnh của sự trọn lành là biến tất cả cuộc sống với mọi nhịp đập của con tim của chúng ta trở thành một lời cầu duy nhất không ngưng nghỉ” (Giovanni Cassiano, Thuyết giảng 10,7: SC 54, tr.81).

Một kinh nguyện đơn sơ

Tôi thích cầu nguyện với các lời kinh phụng vụ, các Thánh Vịnh, và Thánh Thi. Tôi rất thích bình ca, nên tôi nhớ thuộc lòng phần lớn. Nhờ việc huấn luyện trong chủng viện, các bài thánh ca phụng vụ đó đã thấm nhập sâu đậm trong tim tôi! Thế rồi, các lời kinh trong tiếng mẹ đẻ rất cảm động, mà toàn gia đình đọc mỗi chiều trong nhà nguyện gia đình, làm tôi nhớ lại tuổi thơ. Ðặc biệt ba kinh Kính Mừng Maria và Kinh Hãy Nhớ mà mẹ tôi đã dậy cho tôi đọc mỗi sáng chiều.

Tôi yêu lời kinh của Thánh Phanxicô thành Assisi, người đã suốt đêm ở giữa tuyết lặp đi lặp lại: “Lạy Chúa con, là tất cả của con!”, và lời kinh của linh mục Marmion, đan viện phụ Maredsous: “Lạy Chúa con, lòng thương xót của con”. Thật thế, trong số các phương tiện giúp duy trì sống động tinh thần cầu nguyện, có các lời kinh rất ngắn gọn như những mũi tên bắn lên trời, mà không gì trên thế giới này có thể cấm đoán hay ngăn chặn được, chính vì chúng là hơi thở của linh hồn và là nhịp đập của con tim.

Tôi nhìn lên Chúa Giêsu như là mẫu gương cầu nguyện.

Lời cầu của Ngài chân thành và đơn sơ hướng về Chúa Cha. Cũng có khi lời cầu nguyện của Chúa thật dài, không theo các công thức dọn sẵn, như lời cầu linh mục sau Bữa Tiệc Ly: nồng cháy và tự phát.

Nhưng thông thường, những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, Ðức Trinh Nữ, và các Tông Ðồ thật ngắn gọn, nhưng cao đẹp, được liên kết với cuộc sống thường ngày. Tôi là người yếu đuối và nguội lạnh, tôi yêu thích các lời kinh ngắn gọn này trước nhà tạm, nơi bàn làm việc, đọc trên đường đi, hay khi ở một mình. Các lời cầu nguyện này càng được lập đi lập lại, càng thấm nhập vào trong tôi:

“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38)
“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa… ” (Lc 1,46-45)
“Họ không còn rượu nữa” (Ga 2,3)
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)
“Này là con Bà, đây là Mẹ con” (x. Ga 19,26-27)
“Xin hãy nhớ đến tôi khi nào Ngài vào nước của Ngài” (Lc 23,42)
“Trong tay Chúa con xin phó thác hồn con” (Lc 23,46)
“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì” (Cv 22,10)
“Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự. Chúa biết con yêu Chúa” (Ga 21,17)
“Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13)

Tất cả những lời cầu ngắn gọn này, nối liền nhau, làm thành một cuộc sống cầu nguyện. Cũng vậy, giống như một dây xích được làm nên bằng những cử chỉ kín đáo, những cái nhìn, và lời nói thân tình, tạo thành một cuộc sống yêu thương. Tất cả giúp giữ chúng ta luôn ở trong một bầu khí cầu nguyện, mà không buộc chúng ta phải xa rời nhiệm vụ hiện tại, nhưng trái lại giúp chúng ta thánh hóa mọi sự.

Sống trong trạng thái cầu nguyện

Những điều gì có thể giúp chúng ta ở luôn trong trạng thái cầu nguyện, nghĩa là kết hiệp với Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày, giữa cái nhàm chán của công việc, và giao tế?

Khi đọc các Giáo Phụ sống trong sa mạc, là những người coi thinh lặng như là điều kiện không thể thiếu cho việc cầu nguyện liên lỉ, có một giai thoại đã đánh động tôi.

Người ta kể rằng một ngày nọ, thầy Antôniô có được một mặc khải lạ thường: “Trong thành phố có một người giống ngươi: ông ta cũng là y sĩ. Ông cho người nghèo khó tất cả của cải thừa thải và suốt ngày hát lời kinh chúc tụng Thánh Thánh Thánh với các Thiên Thần” (Cuộc sống của các Giáo Phụ sa mạc, Rôma 1975, tr.90). Làm sao vị y sĩ vô danh này của thành Tebaide lại có thể thi hành một hình thức cầu nguyện cao vời như thế được? Có lẽ thánh Augustinô cho chúng ta có được chìa khóa giải thích điều này, khi Thánh Nhân khẳng định rằng: “Khát vọng của bạn là lời cầu nguyện của bạn; nếu khát vọng liên lỉ thì lời cầu cũng liên lỉ” (Lời kể lể trong Thánh vịnh 37,14 PG 36,404).

Ðối với Thánh Augustinô, khát vọng đó được đồng hóa với lòng mến và lòng mến dẫn đưa tới chỗ làm việc thiện. Do đó có một cách khác khiến cho lời cầu nguyện được liên tục đó là làm điều thiện, đó là hành động tốt.

“Ai có thể lập lại suốt ngày lời chúc tụng Chúa? (…) Ai có thể kiên trì trong việc chúc tụng Chúa suốt ngày? Tôi đề nghị với bạn một phương thế chúc tụng Chúa suốt ngày, nếu như bạn muốn. Ðó là tất cả những điều bạn phải làm, hãy làm thật tốt, như thế là bạn đã chúc tụng Chúa rồi” (Ibd, 34, II, 16: PL 36, 341).

Sống là cầu nguyện

Theo các tác giả thiêng liêng, chặng cuối cùng của lời cầu nguyện là khi không những chỉ cầu nguyện luôn mà còn trở thành sống như thế với các lời sau đây:

“Dù họ có ăn, có uống, có ngủ hay làm bất cứ điều gì khác, và cho tới cả trong giấc ngủ sâu nhất, hương thơm lời cầu nguyện tự con tim họ vẫn tỏa bay lên không chút mệt mỏi. (…) Các chuyển động của trái tim và tâm trí được thanh tẩy là những tiếng hát đầy dịu ngọt mà những con người như thế không ngừng âm thầm ca hát dâng Chúa” (Diễn văn khổ chế, 85 trích dẫn bởi O. Clement, Về nguồn Giáo Phụ, Rôma 1987, tr. 205).

Một tác giả tu đức hiện đại đã cô đọng lại trong ít lời tất cả truyền thống và sự nhậy cảm của con người ngày nay đối với lời cầu nguyện như sau: “Con đường đích thực của lời cầu nguyện là cuộc sống. (…) Một lời cầu liên tục là một cuộc sống hoàn toàn tận hiến phục vụ Chúa. Ðó là phương cách duy nhất giúp cầu nguyện luôn. Lời cầu nguyện trở nên liên tục khi biết yêu thương liên lỉ. Tình yêu liên lỉ khi nó duy nhất và hoàn toàn” (Lời cầu nguyện. Kinh Thánh. Thần học. Kinh nghiệm lịch sử, phát hành bởi E. Ancilli, I, Rôma 1988, tr.34).

Nếu cuộc sống chúng ta trở thành “một cử chỉ yêu thương duy nhất trải dài trong thời gian”, nếu nó phản ánh từng lúc cuộc sống của Chúa Giêsu, khi đó chúng ta cũng có thể hiểu được lời xác quyết đơn sơ và chính xác này của chị Chiara Lubich: “Làm thế nào để cầu nguyện liên lỉ. Hãy trở nên Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu luôn luôn cầu nguyện”.

Công thức ngắn gọn sau đây của Thánh Augustinô bao gồm tất cả cốt tủy của lời cầu nguyện: “Chính Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta như là linh mục của chúng ta; cầu nguyện trong chúng ta như là đầu của chúng ta; và được chúng ta khấn cầu như là Chúa của chúng ta” (Lời kể lể trong Thánh Vịnh 85,1: PL 37, 1081).

Những lúc không thể cầu nguyện nữa

Trong cuộc sống của tôi, có những thời gian dài tôi đã đau khổ vì không thể cầu nguyện được. Tôi đã kinh nghiệm cái vực thẳm của sự yếu đuối thể xác và tâm thần. Nhiều lần tôi đã kêu lên như Chúa Giêsu trên Thập Giá: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?”

Nhưng Chúa đâu có bỏ tôi.

Trong tù, một vài người trong số các công an canh giữ tôi đã học tiếng La tinh để có thể đọc các tài liệu của Giáo Hội. Một ngày nọ có một người hỏi tôi:

- Ông có thể dạy tôi một bài thánh ca bằng tiếng Latinh không?
- Ðược, nhưng có nhiều bài lắm, bài nào cũng hay.
- Vậy ông hát đi, tôi nghe rồi tôi sẽ chọn.

Thế là tôi hát: Kính Chào Mẹ Là Sao Bắc Ðẩu… (Ave maris stella), Chào Mẹ… (Salve Mater), Lạy Thần Khí Sáng Tạo Xin Hãy Ðến… (Veni Creator Spiritus). Và anh ta chọn bài sau cùng.

Tôi không bao giờ ngờ rằng một người công an vô thần đã học thuộc lòng bài hát thánh thi đó và lại càng không ngờ rằng anh ta hát bài thánh thi đó mỗi sáng lào lúc 7 giờ, khi leo xuống thang gỗ để tập thể dục và đi tắm trong vườn. Anh ta hát đi hát lại bài thánh thi nhiều lần và làm các cử điệu khác nhau khi múc nước tắm: “Lạy Thần Khí Sáng Tạo xin hãy đến, viếng thăm tâm trí các tín hữu Chúa…”. Và anh ta kết thúc các lời cuối cùng của bài thánh thi “…cho đến muôn đời. Amen” khi bước vào phòng với quần áo chỉnh tề.

Ban đầu tôi lấy làm lạ lắm, nhưng dần dần tôi nhận ra rằng chính Chúa Thánh Thần đã dùng anh công an đó để giúp một giám mục bị tù cầu nguyện, khi vị đó quá yếu nhược và mất tinh thần đến độ không còn cầu nguyện được nữa. Chỉ có công an mới có quyền hát to bài “Lạy Thần Khí Sáng Tạo”. Tôi không bao giờ được hát lên như vậy bởi vì làm thế là tôi đã vi phạm quy định của nhà tù, và tôi đã cố ý công khai báo cho mọi người biết có một linh mục đang bị biệt giam ở trong ngục đây.

Khi không thể cầu nguyện được, tôi thường cầu cứu Ðức Mẹ và nói: “Mẹ ơi, Mẹ thấy con kiệt sức rồi, con không đọc được lời kinh nào nữa. Vậy con sẽ chỉ đọc kinh Kính Mừng thôi với tất cả lòng mến của con. Con đặt mọi sự trong tay Mẹ và con sẽ lập lại “Kính Mừng Maria. Con xin Mẹ phân phát lời cầu này cho tất cả những ai cần đến nó trong Hội Thánh, trong giáo phận của con…”

Ðể đặt mình trong bầu khí cầu nguyện, tôi tìm cách trở nên một Kinh Kính Mừng sống động.

Một cách thế khác giúp tôi cầu nguyện đó là Kinh Lạy Cha.

Khi quá suy yếu không còn sức để cầu nguyện nữa, tôi nghĩ tới Lời Kinh của Chúa Giêsu trong một công thức khác rất ngắn gọn và chính xác:
Cho Thiên Chúa Cha: danh Cha, nước Cha và ý Cha.
Cho nhân loại: lương thực của chúng con, các nợ nần của chúng con, chước cám dỗ của chúng con.

Thật không thể tưởng được sức mạnh của các lời cầu kinh phụng vụ. Trong tù, mỗi khi cảm thấy tinh thần mình xuống dốc, tôi thầm hát thánh thi kinh chiều các Thánh Tử Ðạo (Công Nghiệp Các Thánh) và mỗi lần như thế tôi lại như được Chúa Thánh Thần tiêm vào một liều thuốc bổ thật mạnh giúp tôi hồi sinh:

“Muôn thử thách, vì Ngài đâu sá kể,
Không hé một lời oán trách thở than!
Chẳng xôn xao, lòng thơ thới yên hàn,
Trước sau vẫn hiền hòa, luôn kiên nhẫn.

Di chúc Chúa Giêsu

Cách thức cầu nguyện cuối cùng của vị giám mục bị cầm tù đó đã dẫn tôi vào chìm ngập trong tận di chúc của Chúa Giêsu, trong những lời nói và hành động cuối cùng của Ngài.

Tôi tự hỏi: “Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta điều gì trước khi Ngài về trời?” Và câu trả lời là: “Ngài đã để lại cho chúng ta Lời Ngài, Thân Thể Ngài, Mẹ Ngài, Giáo Hội của Ngài, chức linh mục của Ngài và sự bình an của Ngài”.

Trong tình yêu thương vô biên (Ngài yêu thương cho đến cùng). Ngài đã để lại cho chúng ta tất cả. Và khi suy nghĩ như thế tôi cảm nhận một làn sóng hạnh phúc xâm chiếm tôi.

Khi đó tôi tự hỏi: “Chúa Giêsu đã hứa ban cho chúng ta điều gì?” Và tôi nhớ tới những điều Ngài đã hứa với các môn đệ trước khi về cùng Chúa Cha: “Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,20); “Ta sẽ gửi Thánh Thần xuống cho các con” (x. Ga 14,16.26): “Chúa Cha yêu thương các con” (x. Ga 16,17); “Nếu các con cầu nguyện nhân danh Ta thì sẽ được” (x. Ga 14,13); “Ở đâu có hai ba người họp nhau lại nhân danh Ta thì Ta sẽ ở giữa họ” (x. Mt 18,20).

Tôi còn hỏi thêm: “Chúa Giêsu đòi hỏi nơi Hội Thánh của Ngài điều gì?”

Và tôi nhận ra Chúa Giêsu muốn để lại một Giáo Hội nghèo: Ngài đã không có nhà cửa để dùng Bữa Tiệc Ly cuối cùng và dâng hiến lễ tế tột cùng trên Thập Giá không mảnh vải che thân.

Chúa Giêsu muốn để lại một Giáo Hội phục vụ: Ngài đã rửa chân cho các môn đệ.

Chúa Giêsu muốn để lại một Giáo Hội có bóng dáng hiền mẫu của Mẹ Maria, khi từ trên Thập Giá Ngài phó thác Mẹ cho Tông Ðồ Gioan và đổ Thánh Thần xuống trên các vị.

Chúa Giêsu muốn để lại một Giáo Hội truyền giáo, khi Người sai các Tông Ðồ ra đi như các chứng nhân của Ngài cho đến tận cùng trái đất.

Chúa Giêsu muốn để lại một Giáo Hội can đảm đương đầu với các thách đố của thế giới, khi Ngài cầu nguyện: “Con không xin Cha cất chúng ra khỏi thế gian nhưng xin Cha giữ gìn chúng cho khỏi sự dữ (Ga 17,15).

Sau cùng tôi tự hỏi: “Ðâu là điều răn lớn nhất mà Ngài để lại cho chúng ta?” Và câu trả lời là: “Yêu thương cho đến hiệp nhất”.

Di chúc của Chúa Giêsu là kho tàng vô tận dưỡng nuôi đời sống thiêng liêng của tôi để duy trì niềm Hy Vọng trong các thử thách của tuyệt vọng, của cô đơn, của bệnh tật, giữa biển khởi, trên núi cao, giữa sự tàn ác.

Hãy tình thức và cầu nguyện

Anh em thân mến, xin cho phép tôi được kết thúc bài suy niệm này với lời cầu sau đây:

Lạy Chúa, chính qua lời cầu nguyện mà con sống trong Chúa.
Linh hồn con ở trong Chúa, như bé thơ nép mình trong lòng mẹ, hơi thể hiệp nhất với hơi thở của mẹ, con tim đập nhịp với con tim của mẹ…
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mẫu gương của con.
Tin Mừng chỉ cho con thấy Chúa cầu nguyện suốt đêm trên núi.
Chúa cầu nguyện trước khi làm một phép lạ,
trước khi chọn các Tông Ðồ,
trong Bữa Tiệc Ly…
Chúa cầu nguyện khi mồ hôi máu chảy dài trên trán
trong vườn Giêtsêmani,
khi Chúa hấp hối trên Thập Giá.
Chúa cầu nguyện với lời của Thiên Chúa…
Cuộc sống của Chúa đã là một lời cầu liên lỉ.
Hướng mắt về Thiên Chúa Cha, với một con tim yêu mến,
hoàn toàn phục vụ danh Ngài:
“Xin cho danh Cha cả sáng,
nước Cha trị đến”.
Chúa đợi chờ với lòng sốt mến
giờ của Cha đến,
để thực hiện hy lễ tình yêu.
Chúa đã nói:
“Thầy và Cha Thầy là một”
“Hãy cầu nguyện không biết mỏi mệt”
“Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Cha Ta”
Chúa làm cho con hiểu rằng
lời cầu liên lỉ là sự hiệp thông với Chúa Cha
và trong thực hành
nó hệ tại ở chỗ
luôn làm theo ý muốn của Chúa Cha
dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Con chỉ muốn sống theo di chúc Chúa Giêsu.

Cố HY. PX. NGUYỄN VĂN THUẬN