VRNs (27.04.2011) – Dân tộc của Hy Vọng: Thịt Ta để cho thế gian được sống
Cùng huyết nhục với Ðức Kitô
Chúng ta đọc thấy trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba rằng, Năm 2000 “sẽ là một năm có chiều kích Thánh Thể mãnh liệt. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Cứu Thế, nhập thề cách đây 20 thế kỷ trong cung lòng Mẹ Maria, tiếp tục hiến thân cho nhân loại như nguồn mạch sự sống thần linh” (TMA, n.55). Và chúng ta chuẩn bị biến Rôma thành nơi cử hành Ðại Hội Thánh Thể quốc tế (Statio Orbis).
Của ăn nuôi các chứng nhân
Năm 1975, khi bắt đầu ở tù, tôi lo âu tự hỏi: “Tôi có thể dâng lễ được nữa hay không?” Ðó cũng là câu hỏi mà về sau các tín hữu đã hỏi tôi. Vừa khi thấy tôi, họ hỏi: “Trong tù Ðức Cha có làm lễ không?”
Trong lúc thiếu thốn mọi sự, Thánh Thể là điều chúng ta nghĩ đến trước nhất: đó là Bánh hằng sống. “Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời, và bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
Biết bao nhiêu lần tôi đã nhớ đến câu nói của các Vị Tử Ðạo ở Abitene (thế kỷ thứ IV): Sine Dominico non possumus! – Chúng tôi không thể sống mà không cử hành Thánh Lễ” (Cf Giovanni paolo II, Dies Domini, số 46).
Trong mọi thời đại, nhất là trong thời kỳ bách hại, các Kitô hữu sống bí quyết Thánh Thể: là lương thực của các chứng nhân, là Bánh Hy Vọng.
Eusebio thành Cêdarêa nhắc nhở rằng các Kitô hữu đã không bỏ qua việc cử hành Thánh Lễ ngay cả giữa những cuộc bách hại: “Mỗi nơi chịu khổ hình đều trở thành nơi cử hành Thánh Lễ cho chúng tôi… dù đó là một cánh đồng, một sa mạc, một con tàu, một quán trọ hay một nhà tù…” (Historia ecclesiastica VII, 22,4: PG 20,687-688). Tử Ðạo Thư của thế kỷ 20 cũng đầy những trình thuật về các buổi cử hành Thánh Lễ bí mật trong cái trại tập trung. Bởi vì không có Thánh Thể, chúng ta không thể có sức sống của Thiên Chúa!
“Ðể nhớ đến Thầy”
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã sống giờ phút tột đỉnh trong cuộc đời trần thế của Ngài: món quà tuyệt vời biểu lộ tình yêu đối với Chúa Cha và với chúng ta được tỏ bày qua hy tế trao ban chính Mình và Máu Ngài.
Chúa để lại cho chúng ta giờ phút tột đỉnh ấy để tưởng niệm Ngài, chứ không phải giờ phút khác, cho dù giờ phút đó có chói sáng rạng ngời thế nào đi nữa, như lúc Chúa hiển linh hoặc một trong những phép lạ của Ngài. Nghĩa là Ngài để lại trong Hội Thánh sự hiện diện – tưởng niệm của giờ phút tột đỉnh của tình yêu thương và đau khổ trên Thập Giá mà Chúa Cha đã biến nó thành vĩnh cửu và để sống nhờ Ngài, để sống và chết như Ngài.
Chúa Giêsu muốn Hội Thánh tưởng niệm Ngài và sống những tâm tình cũng như những đòi hỏi của việc tưởng niệm ấy qua sự hiện diện sinh động của Ngài. “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (cf 1Cr 11,24).
Trở lại kinh nghiệm của tôi. Khi bị bắt, tôi phải ra đi tay không, đi ngay lập tức. Ngày hôm sau, tôi được phép viết cho những người thân để xin những thứ cần thiết nhất như quần áo, kem đánh răng… Tôi viết: “Xin vui lòng gửi cho tôi một chút rượu thuốc để chữa bệnh đường ruột”. Các tín hữu hiểu ngay. Họ gửi cho tôi một chai nhỏ đựng rượu lễ, bên ngoài có ghi: “Thuốc chữa bệnh đường ruột”, còn bánh lễ thì họ dấu trong một ống nhỏ chống ẩm thấp.
Giám thị hỏi tôi:
- Ông bị bệnh đường ruột?
- Phải.
- Ðây, có ít thuốc cho ông đây.
Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết niềm vui lớn lao của tôi: mỗi ngày, với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ. Và đó cũng là bàn thờ, là nhà thờ chính tòa của tôi! Ðó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi: “thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sự sống trong Chúa Giêsu”, như Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã nói (Ad Eph, 20,2: Patres Apostolici, I, Ed. P.X. Funk, pp.230-231).
Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay và đóng đinh mình vào Thập Giá với Chúa Giêsu và cùng với Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài hòa với máu của tôi. Ðó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi!
Ai ăn Ta, sẽ sống vì Ta
Và thế là trong nhiều năm trời tôi được nuôi dưỡng bằng Bánh Sự Sống và Chén Cứu Ðộ.
Chúng ta biết rằng khía cạnh hy tế của thức ăn nuôi dưỡng và thức uống bổ sức gợi lên sự sống Chúa Kitô ban cho chúng ta và sự biến đổi do Ngài thực hiện: “Hiệu quả riêng của phép Thánh Thể là biến đổi con người thành Chúa Kitô” (cf Alberto Cả, In IV Sent. d.12, p.2, a.1: Opera omnia, X, Parigi, 1939, p.307), như các Giáo Phụ đã quả quyết. Thánh Lêô Cả nói: “Sự thông phần vào Mình và Máu Chúa Kitô không gì khác hơn là biến chúng ta thành điều mà chúng ta nhận lãnh” (Cf Serm. 63,7: PL 54, 357, được LG 26 trưng dẫn). Thánh Augustinô diễn tả câu nói của Chúa Giêsu bằng những lời này: “Không phải con thay đổi Ta thành như lương thực cho thể xác con, nhưng con được biến đổi thành Ta” (Conf. I, VI, 10, 16: PL 32, 742). Như Thánh Cirilo thành Giêrusalem nói: “Nhờ Thánh Thể, chúng ta trở thành đồng thân thể và máu huyết với Chúa Kitô” (Cat. Myst. 4,3: PG 33, 1100). Chúa Giêsu sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Ngài, như một loại “thẩm thấu”: Ngài sống trong tôi, ở lại trong tôi và hành động nhờ tôi.
Dâng Thánh Lễ trong trại cải tạo
Thế là, trong nhà tù, tôi cảm thấy chính trái tim của Chúa Kitô đập trong tim tôi. Tôi cảm thấy rằng cuộc sống của tôi là cuộc sống của Ngài, và cuộc sống của Ngài là của tôi.
Thánh Lễ trở thành một sự hiện diện âm thầm và đầy khích lệ cho tôi và các Kitô hữu khác giữa đủ mọi khó khăn. Chúa Giêsu Thánh Thể được các bạn tù Công giáo thờ phượng một cách kín đáo, như bao nhiêu lần đã xảy ra trong các trại tù của thế kỷ XX.
Trong trại cải tạo, chúng tôi được chia thành từng nhóm 50 người. Chúng tôi ngủ chung trên một cái giường thật dài, mỗi người được 50 centimét. Mỗi đêm, chúng tôi thu xếp làm sao để có 5 người Công giáo nằm cạnh tôi. Vào lúc 9 giờ rưỡi tối, tất cả chúng tôi phải tắt đèn đi ngủ. Lúc ấy, tôi cúi mình trên giường để làm lễ thuộc lòng, và phân phát Mình Thánh Chúa bằng cách luồn tay dưới mùng muỗi. Chúng tôi chế cả những túi giấy nhỏ bằng bao thuốc lá, để giữ Mình Thánh và mang cho người khác. Tôi luôn mang Mình Thánh Chúa trong túi áo sơ-mi.
Mỗi tuần đều có một buổi học tập chính trị và cả trại đều phải tham dự. Các bạn tù Công giáo lợi dụng những lúc giải lao để chuyển những túi giấy nhỏ đựng Mình Thánh Chúa cho bốn nhóm tù nhân khác: tất cả đều biết rằng Chúa Giêsu ở giữa họ. Ban đêm, các tù nhân thay phiên nhau chầu Mình Thánh. Sự hiện diện âm thầm của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể đã làm nên những việc kỳ diệu: nhiều người Công giáo đã bắt đầu tin tưởng trở lại một cách nhiệt tình. Và xác chứng của họ về sự yêu thương và phục vụ có một ảnh hưởng ngày càng lớn trên những tù nhân khác. Ngay cả những anh em Phật tử và bên lương cũng tìm được đức tin. Sức mạnh tình yêu của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ không thể cưỡng lại.
Và thế là đêm tối của nhà tù đã trở thành ánh sáng phục sinh, và hạt giống đã được gieo vào lòng đất trong bão tố. Nhà tù trở thành trường dạy giáo lý. Các tín hữu Công giáo rửa tội cho các bạn đồng tù và trở thành những người đỡ đầu cho họ.
Tổng cộng có khoảng 300 linh mục tù nhân. Sự hiện diện của các vị trong các trại khác nhau thật là một điều do Chúa Quan Phòng xếp đặt, không những chỉ cho các tín hữu Công giáo mà thôi, nhưng còn là dịp cho một cuộc đối thoại liên tôn kéo dài, tạo nên sự cảm thông và tình thân hữu với mọi người.
Chúa Giêsu đã trở thành “người bạn đường đích thực của chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể” như Thánh Nữ Têrêxa Avila đã nói (Libro de la Vida, cap. 22, n.6).
Cùng một bánh, cùng một thân xác
Và Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta thành Hội Thánh của Ngài.
“Vì chỉ có một bánh duy nhất, nên chúng ta tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể duy nhất: thực vậy, tất cả chúng ta đến tham phần vào bánh duy nhất” (1Cr 10,17). Thánh Thể làm nên Hội Thánh: Mình Thánh làm cho chúng ta thành Thân Thể Chúa Kitô. Hay nói theo hình ảnh của Thánh Gioan: tất cả chúng ta đều là một thân cây nho duy nhất, có cùng nhựa sống của Thánh Linh lưu thông mỗi người và mọi người (cf Ga 15).
Quả thực Thánh Thể làm cho chúng ta nên một trong Chúa Kitô. Thánh Cirilô thành Alexandria nhắc nhở: “Ðể làm cho chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau, và để liên kết chúng ta với tha nhân. Con Duy Nhất… đã nghĩ ra một phương thế diệu kỳ: nhờ một thân mình duy nhất, thân mình của Ngài, Ngài thánh hóa các tín hữu trong sự hiệp thông huyền nhiệm, làm cho họ nên một thân thể với Ngài và với nhau” (In Ioan. Ev. 11: PG 74, 560).
Chúng ta là một, sự hiệp nhất này được thể hiện trong việc tham dự Thánh Thể. Ðấng Phục Sinh làm cho chúng ta nên một với Ngài và với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Phép Thánh Thể tạo nên hiệp nhất, tình huynh đệ giúp ta sống hiệp nhất. Trong sự hiệp nhất ấy, Chúa Kitô có thể nắm giữ vận mệnh loài người và đưa họ đến cứu cánh chân thật: Thiên Chúa là Cha duy nhất và mọi người là anh em.
Cha chúng con, lương thực của chúng con
Nếu chúng ta nhận ra được ý nghĩa hiệp nhất trong Thánh Thể, chúng ta sẽ liên kết ngay hai lời nói trong Kinh Lạy Cha: “Cha chúng con” và lương thực của chúng con”. Hội Thánh sơ khai đã làm chứng về điều đó. Sách Tông Ðồ Công Vụ kể lại: “Họ chuyên cần… trong việc bẻ bánh” (2,42). Và sách ấy cho thấy ảnh hưởng trực tiếp: “Ðông đảo các tín hữu có cùng một lòng với nhau và không ai nói của mình là của riêng, nhưng mọi sự đều được để làm của chung” (Cv 4,32).
Nếu Thánh Thể và sự hiệp thông là hai mặt không thể tách rời nhau của cùng một thực tại, thì tình hiệp thông ấy không chỉ có tính chất thiêng liêng mà thôi. Chúng ta còn được mời gọi để chứng tỏ cho thế giới cảnh tượng cộng đoàn trong đó không những có cùng một đức tin, nhưng còn thực sự chia sẻ vui mừng, khổ đau, của cải và những nhu cầu thiêng liêng cũng như vật chất.
Sứ vụ của tôi tại Giáo triều Rôma nhằm phục vụ cho công lý và hòa bình giúp tôi đặc biệt nhạy cảm đối với vấn đề đó. Cần làm chứng rằng thân mình Chúa Kitô thực là “của ăn để cho thế gian được sống”.
Tất cả chúng ta đều biết trong hai thế kỷ vừa qua, nhiều người cảm thấy nhu cầu cần có một nền công bằng xã hội đích thực. Họ không tìm thấy trong môi trường Kitô giáo một chứng tá rõ rệt và mạnh mẽ, nên chạy đi tìm những niềm Hy Vọng giả dối. Và tất cả chúng ta đều chứng kiến những thảm kịch thực sự. Người thì nghe kể lại, kẻ khác lại cảm nghiệm trong chính bản thân mình.
Ngày nay, những vấn đề xã hội không hề giảm bớt. Rất tiếc là phần lớn nhân loại trên hoàn cầu vẫn tiếp tục sống trong cảnh lầm than không xứng với phẩm giá con người. Hiện nay, người ta đang tìm cách toàn cầu hóa mọi lãnh vực, nhưng điều này có nguy cơ làm cho các vấn đề thêm trầm trọng thay vì giải quyết tốt đẹp. Thế giới đang thiếu một nguyên tắc hiệp nhất chân thực nhằm liên kết con người lại với nhau để làm tăng thêm giá trị, chứ không biến họ thành đám đông. Thế giới cũng thiếu một nguyên tắc hiệp thông và huynh đệ đại đồng: chính Chúa Kitô, bánh Thánh Thể làm cho chúng ta nên một trong Ngài và dạy chúng ta sống theo kiểu mẫu hiệp thông trong phép Thánh Thể.
Trong việc này, chúng ta được mời gọi đóng góp phần chủ yếu. Nhiều Kitô hữu trong những thế kỷ đầu tiên đã hiểu rất rõ điều đó. Chúng ta đọc thấy trong sách Ðiđakê: “Nếu chúng ta chia sẻ những của cải thiêng liêng, tại sao chúng ta lại không chia sẻ cả những của cải vật chất nữa?” (IV, 8, Patres Apostolici, I, Ed. P.X. Funk, pp.12-13). Thánh Gioan Kim Khẩu nhắn nhủ chúng ta hãy chú ý đến sự hiện diện của Chúa Kitô nơi người anh em khi cử hành Thánh Lễ: “Ðấng đã nói: ‘Này là mình Thầy’… và đã bảo đảm với anh chị em về sự thật bằng lời của Ngài, cũng là Ðấng đã nói: điều mà các con từ chối làm cho kẻ bé mọn nhất, tức là các con từ chối làm cho chính Thầy” (In Math. Hom. 50, 3,4: PG 57, 507-510). Nhớ lại điều đó, Thánh Augustinô đã thành lập tại Hippone một “Nhà Bác Ái” gần nhà thờ chính tòa của Ngài. Và thánh Badiliô đã thành lập Thành Bác Ái ở Cêsarêa. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo quả quyết: “Thánh Thể đòi phải dấn thân đối với người nghèo. Ðể thực sự rước Mình Máu Thánh Chúa đã hiến mình vì chúng ta, chúng ta phải nhận ra Chúa Kitô nơi những người nghèo nhất, những anh em của Ngài (Mt 25,40)” (s.1397).
Nhưng đặc tính xã hội của Thánh Lễ còn đi xa hơn nữa. Giáo Hội cử hành Thánh Lễ cần phải có khả năng biến những cơ cấu bất công của thế giới này thành những hình thức mới nhắm đến công ích, thành những hệ thống kinh tế trong đó trổi vượt ý thức về hiệp thông chứ không phải chỉ quan tâm tới lợi lộc.
Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đề ra chương trình tuyệt diệu này: “biến Thánh Lễ thành một trường tu đức sâu xa và thành thao trường tuy thầm lặng nhưng đòi hỏi nhiều dấn thân về xã hội học Kitô giáo” (Insegnamenti di Paolo VI, VII (1969), Libreria Ed. Vaticana, 1970, p.1130).
Chúa Giêsu, Bánh Sự Sống, thúc đẩy chúng ta phải làm việc để khỏi thiếu lương thực mà nhiều người vẫn còn cần đến: bánh công lý và hòa bình, ở những nơi chiến tranh đang đè nặng và không tôn trọng các quyền của con người, của gia đình, của các dân tộc; bánh tự do đích thực, tại những nơi không có tự do tôn giáo chân thực để tuyên xưng công khai tín ngưỡng của mình; bánh huynh đệ tại những nơi không nhìn nhận và thực thi ý thức hiệp thông đại đồng trong hòa bình và hòa hợp; bánh hiệp nhất gữa các Kitô hữu, vẫn còn chia rẽ nhau, trên đường cùng chia sẻ một bánh và một chén rượu.
Một Bánh Thánh lớn
Và tôi kết luận với một ước mơ.
Tôi mơ ước Tòa Thánh, cùng với tất cả các cơ quan của mình, như một Bánh Thánh lớn, một chiếc bánh duy nhất được dâng hiến trong hy tế thiêng liêng, giữa lòng Giáo Hội như một nhà Tiệc Ly rộng lớn, cùng với Ðức Maria, Mẹ của Thân Mình Chúa Kitô, và cùng với Phêrô người thi hành sứ vụ hiệp nhất phục vụ tất cả. Và tất cả chúng ta cùng với họ, như những hạt lúa, chấp nhận chịu nghiền nát bởi những đòi hỏi của tình hiệp thông, để họp thành một thân mình duy nhất, hoàn toàn liên đới và hoàn toàn trao tặng, như bánh sự sống cho thế giới, và như một dấu chỉ Hy Vọng cho nhân loại.
Một bánh duy nhất, một thân mình duy nhất. Ôi lạ lùng thay! Chẳng có miệng lưỡi nào ca ngợi cho đủ được! (O res mirabilis! Nec laudare sufficit!).
Cố HY. PX. NGUYỄN VĂN THUẬN