VRNs (30.04.2011) – Sài Gòn – Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha
Sống Hiệp Thông
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với một nhóm giám mục đông đảo hồi năm 1995, trong đó tôi cũng có mặt: “Chúa Giêsu không kêu gọi các môn đệ theo Ngài một cách riêng rẽ, nhưng theo thể thức vừa cá nhân vừa cộng đồng. Nếu điều đó đúng với tất cả các tín hữu, thì càng đặc biệt đúng (…) với các Tông Ðồ và những người kế nhiệm các vị” (Insegnamenti di Gioavanni Paolo II, XVIII/1 (1995), Città del Vaticano 1997, p.382).
Tôi xác tín rằng Ngàn Năm mới này đang đòi hỏi một cuộc sống cộng đồng, cuộc sống thực sự có tính chất Hội Thánh, và điều này có liên hệ đặc biệt tới những người có trách nhiệm trong Giáo Hội.
Ðời tu vào thời sơ khai
Tôi muốn mời gọi anh em trở lại Ngàn Năm Thứ 1 trong giây lát.
“Hãy trốn tránh con người và con sẽ được cứu thoát”, đó là lời của ẩn sĩ Apadêniô hồi thế kỷ thứ V trong sa mạc Ai Cập. Ngài nói tiếp: “Tôi không thể đồng thời ở với Chúa và với loài người” (PG 31, 931.934). Ðứng trước một thế giới phù vân và xa hoa, sự rút lui vào nơi cô tịch để sống với Chúa có lẽ là con đường duy nhất để theo Chúa Giêsu trọn vẹn. Ðó là xác tín đã ghi đậm nét trong lịch sử dài của đời sống Kitô hữu. Sách Gương Chúa Giêsu quả quyết: “Các vị đại Thánh hết sức tránh sống chung với con người, và họ ưa thích phụng sự Chúa trong cô tịch. Một hiền triết đã nói: “Mỗi lần bạn ra đi gặp gỡ con người, khi trở về, con người bạn bị giảm sút (…). Ai thực sự xa tránh bạn hữu và những người quen biết, thì Thiên Chúa cùng với các Thiên Thần của Ngài sẽ đến gần người ấy” (Lib. I,c.20,1-6).
Quả thực, không gì có thể sánh bằng những lúc tâm hồn bỏ qua mọi sự, nói chuyện thân tình diện đối diện với Chúa.
Nhưng chính các đan sĩ xưa kia cũng đã nhận thấy rằng Kitô giáo không thể sống trọn vẹn nếu không đồng hành với nhau. Ví dụ Thánh Basiliô Cả đã viết: “Ðấng Sáng Tạo chúng ta đã muốn chúng ta gần nhau để sống hiệp nhất với nhau (…). Thực vậy, nếu bạn sống một mình, thì bạn có thể rửa chân cho ai? Bạn có thể săn sóc cho ai? Làm sao bạn có thể ngồi ở chỗ cuối cùng được? (…). Vì vậy, đời sống chung là một thao trường để chúng ta tập luyện như những vận động viên, là một nơi tập dợt làm cho chúng ta tiến bộ, là một cuộc thực tập liên tục về sự trọn lành trong các giới răn của Chúa” (Regola fusius fractatae, Interrogazione 7,3,1-2: PG 31,928-929).
Từ xác tín trên đây, các viện tu đã được lập nên để cùng nhau sống Tin Mừng và liên tục hưởng kiến sự hiện diện của Chúa Kitô.
Một Lễ Hiện Xuống mới
Ngày nay, theo thiển ý của tôi, chúng ta sống một sự tiến hóa tương tự và tuyệt diệu. Chúng ta biết trong những thế kỷ qua, do ảnh hưởng của sự quan tâm đối với cá nhân, theo trào lưu thời đại, người ta nhấn mạnh nhiều tới chiều kích cá nhân của đời sống Kitô hữu. Nhưng từ vài thập niên gần đây, trong cộng đồng Dân Chúa nổi bật chiều kích cộng đồng mạnh mẽ. Ðó chính là Giáo Hội “bừng tỉnh trong các tâm hồn”, như Rômano Guardini đã nói. Do hơi thở của Chúa Thánh Thần, một con đường mới đang mở ra trước mắt chúng ta mà cốt yếu ở tại koinonia: sự hiệp thông!
Cách đây nhiều năm, thần học gia Karl Rahner viết: “Người già chúng ta là những người cá nhân chủ nghĩa một cách thiêng liêng xét về nguồn gốc và cách thức được giáo dục của chúng ta”. Và nhà thần học nhấn mạnh rằng trong tương lai, nền linh đạo sống chung sẽ nắm giữ một vai trò quyết định. Kinh nghiệm về lễ Hiện Xuống đầu tiên chứng tỏ điều đó: “Ta có thể giả thiết rằng đó là một biến cố không tùy thuộc vào cuộc hội họp tình cờ của một số nhà thần bí theo Cá nhân chủ nghĩa, nhưng ở chỗ chính kinh nghiệm thật sự của cộng đoàn về Chúa Thánh Thần” (K. Rahner, Elementi di spiritualità nella chiesa del futuro, in T. Goffo – B. Secondin (a cura di), Problemi e prostettive di spiritualità, Brescia 1983, pp.440-441).
Thật cần thiết phải vui mừng trở lại với lối sống Kitô hữu có nhiều đặc sủng nhất: Lễ Hiện Xuống. Một cách dịu dàng nhưng đầy quyết liệt, Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta sống tinh thần hiệp thông không những như một hồng ân, nhưng còn như một lời đáp trả và gắn bó của chúng ta; không những như một sự tham gia thiêng liêng vào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, nhưng ngay chính trong đời sống cụ thể với nhau nhờ đó thực hiện được một Lễ Hiện Xuống mới của Giáo Hội, như các vị Giáo Hoàng gần đây vẫn đề cao.
Hiệp nhất – một dấu hiệu của thời đại
Chúng ta hãy nhìn chung quanh, để thấu hiểu hơn chiều kích này của đời sống hiệp thông thực sự.
Thế giới muốn tiến về hiệp nhất. Ðiều này được nhận ra qua nhiều dấu chỉ. Các tổ chức quốc tế phát sinh sau Thế Chiến thứ II như một toan tính tập hợp thế giới. Khoa học và kỹ thuật, các trao đổi văn hóa và mậu dịch, sự du hành dễ dàng, những biến cố thể thao, các phương tiện truyền thông xã hội, cho đến sự lan tràn mau lẹ của Internet… tất cả yếu tố này giúp các dân tộc xích lại gần nhau và gia tăng các cuộc gặp gỡ giữa cá nhân và các nền văn hóa. Thực vậy, thế giới ngày nay, trong các cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội của nó, dường như lệ thuộc lẫn nhau một cách mật thiết và có hệ thống.
Ðang tiếc là bao nhiêu lần, sự hướng về hiệp nhất như thế – ngày nay nó được mặc dưới lớp áo toàn cầu – lại do những tính toán lợi lộc khổng lồ hướng dẫn. Và trong khi một đàng người ta đề ra những dự án chung rất đẹp đẽ, thì đàng khác, hàng triệu hàng tỷ người lại bị gạt ra ngoài lề.
Vì thế, chính con người và ngay cả các Giáo Hội ngày nay đều yêu cầu một cách mạnh mẽ như một tiếng kêu gào đòi hỏi một cách thế toàn cầu hóa khác, không do lợi lộc hướng dẫn, nhưng do luật yêu thương. Chắc chắn là Chúa Thánh Thần đã đặt trong tâm hồn của con người ngày nay khát vọng hiệp nhất như thế, và cũng chính Ngài thúc đẩy Giáo Hội sống tình hiệp thông, để có thể đáp ứng khát vọng đó của nhân loại.
Như tôi đã trưng dẫn trên đây, Ðức Giáo Hoàng nói với các giám mục: “Thời đại chúng ta đang đòi hỏi một công cuộc truyền giáo mới”. Và Ngài giải thích rằng: Chỉ có thể rao giảng Tin Mừng một cách mới mẻ, chặt chẽ và hữu hiệu, nếu có kèm theo một linh đạo vững chắc về hiệp thông…” (Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XVIII/i, (1995), Città del Vaticano 1997, p.382).
Làm sao sống hiệp thông trong thời đại ngày nay?
Chúng ta hãy tìm hiểu xem sự mới mẻ của “một linh đạo hiệp thông vững chắc” hệ tại ở điều gì?
Tôi nghĩ nó hệ tại ở việc ý thức rằng hiệp thông huynh đệ, khi dựa trên Tin Mừng, chính là nơi đặc biệt để gặp gỡ Thiên Chúa. Ðó là một trong những đề tài căn bản của các bút ký Thánh Gioan: “Chưa hề có ai thấy Thiên Chúa; nếu chúng ta yêu thương nhau, Thiên Chúa ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài hoàn hảo trong chúng ta” (1Ga 4,12).
Tôi xác tín rằng trong thời đại chúng ta, Chúa Thánh Thần đã gieo vãi những đoàn sủng thiêng liêng mới có tính chất cộng đoàn, thích hợp để thực hiện một cuộc canh tân đời sống Kitô hữu theo chiều hướng đó.
Cách đây vài năm, tôi đọc được một đoạn văn đã gây ấn tượng thật mạnh trong tôi. Ðoạn văn ấy diễn tả cái nhìn mới được gợi hứng theo sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi:
“Thiên Chúa ở trong tôi, Ngài dựng nên tâm hồn tôi. (Cùng với các Thánh và các Thiên Thần) Chúa Ba Ngôi an nghỉ trong tôi. Chúa cũng ở trong tâm hồn những người anh em khác. Do đó, không có lý do gì để tôi chỉ yêu mến Chúa trong tôi mà không mến Chúa nơi người khác.
“Vì thế, căn phòng của tôi (như các linh hồn sống thân mật với Chúa) là chúng tôi: Thiên Ðàng của tôi ở trong tôi vậy (…)
Cần phải luôn luôn hồi niệm, cả khi ở trước mặt người anh em, nhưng không trốn chạy thụ tạo – trái lại, đón nhận thụ tạo trong Thiên Ðàng của mình hoặc hồi niệm bản thân trong Thiên Ðàng của người anh em” (J.M Povilus, “Chúa Giêsu ở giữa” trong tư tưởng của Chiara Lubich, Rôma 1981, p.73).
Ðó chính là sự mới mẻ: người anh em không còn là chướng ngại cản trở sự nên thánh, nhưng là con đường nên thánh. Thay vì trốn chạy để sống thân mật với Chúa, cần làm sao để cùng với người anh em kiến tạo một “khoảng không gian thần linh trong đó chúng ta có thể cảm nghiệm sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa Phục Sinh” (GIoavanni Paolo II, Tông Huấn Vita consecrata, n.42).
Những chiều kích cụ thể
Qua ba ví dụ sau đây, chúng ta tìm cách trình bày việc ý thức như thế bao hàm những gì đối với cuộc sống của chúng ta.
1. Khổ chế hằng ngày
Thân phụ tôi là người xây cất nên tôi đã học được điều này là để xây một căn nhà bằng bê tông cốt sắt, cần phải chùi sạch tất cả các yêu tố: sắt, cát, sỏi, xi măng. Sự vững chắc của căn nhà tùy thuộc công trình chùi sạch, loại bỏ mọi yếu tố ô nhiễm.
Sự hiệp thông giữa chúng ta cũng theo cách thức đó. Biết chống lại cái tôi của mình và khổ chế là điều không thể thiếu được. Có nhiều cách thực hành để đạt tới mục đích đó, ví dụ ăn chay và nhiều cách khác. Nhưng cách hợp với tinh thần Tin Mừng hơn cả và đồng thời vừa tầm tay hơn hết, có thể thi hành trong mọi lúc, đó là tương quan với tha nhân: đón nhận người khác, luôn sẵn sàng, biết lắng nghe, kiên nhẫn, trở nên mọi sự cho mọi người, đặt quyền lợi của tha nhân lên trên tư lợi của mình, đó là một sự liên tục từ bỏ cái tôi và đặt chúng ta trong Chúa.
Tôi đã viết khi còn ở tù:
“Hiệp thông là một chiến thắng từng giây phút.
Tình thương đưa đến sự thông hiệp với nhau.
Trong hiệp thông con người cùng nhịp bước với anh em.
Vì hiệp thông không phải hạnh phúc thụ động.
Hiệp thông mở cửa tình huynh đệ cho mọi người.
Tự bản chất nó, tình thương tỏa lan ra.
Tình thương hay lan sang người khác, đưa mọi người đến hiệp thông.
Con phải tạc dạ rằng: Hiệp thông là một chiến thắng từng giây phút.
Sơ hở trong chốc lát có thể làm tan vỡ hiệp thông:
Vì một tư tưởng thiếu bác ái, bảo thủ ý kiến,
Vì con bám víu vào một tình cảm, một khuynh hướng bất chính, tham vọng, một vụ lợi.
Vì con hành động vì con, không phải vì Chúa.
Xin Chúa cho con năng xét mình:
“Ai là trung tâm của đời tôi?”
“Tôi hay Chúa?”
Nếu Chúa là trung tâm,
Ngài sẽ qui tụ mọi người hiệp thông.
Nếu thấy thiên hạ quanh con dần dần rút lui tản mác,
Ấy là dấu con đang tự đặt mình làm trung tâm”.
(Preghiere di speranza. Tredici anni in carcera, Cinisello Balsamô 1997, pp.44-45).
2. Một kinh nguyện cốt yếu
Tất cả các bậc thầy tu đức đều dạy cách cầu nguyện: cần phải chuẩn bị, cần phải hồi niệm, cần biết đi vào chiều sâu. Dầu vậy, nhiều khi kinh nguyện của chúng ta khô khan. Và các buổi cử hành của chúng ta có nguy cơ trở thành một tập quán thánh thiện không hơn không kém. Có một câu nói của Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường tuyệt hảo: “Nếu người dâng của lễ trên bàn thờ và tại đó người chợt nhớ người anh em có điều gì bất hòa với ngươi… hãy đi làm hòa với anh em ngươi trước đã” (Mt 5,23-24).
Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm rằng, sau một cuộc gặp gỡ sâu xa với tha nhân, sau khi đã tái lập sự cảm thông hoàn toàn và thân thiện với những người chúng ta sống hoặc làm việc với họ, thì kinh nguyện xuất phát tự nhiên từ tâm hồn và việc cử hành Thánh Lễ có một cường độ đặc biệt.
Nếu không có sự hiệp thông giữa chúng ta, thì kinh nguyện cũng không làm đẹp lòng Chúa. Thực vậy, làm sao Ngài, vốn là hiệp nhất, lại có thể ở trong linh hồn chúng ta, nếu chúng ta chia rẽ?
3. Không phải chỉ im lặng, nhưng cả lời nói và chia sẻ nữa
Nhưng còn có một biểu hiện khác rất quan trọng của đời sống thiêng liêng trong sự hiệp thông, đó là lời nói. Khi được huấn luyện, chúng ta đã học về giá trị của thinh lặng để nghe rõ Tiếng Chúa trong tâm hồn. Giờ đây, chúng ta phải học cách quí chuộng lời nói như một phương tiện hiệp thông: trao ban cho người khác một cách đơn sơ kinh nghiệm thiêng liêng của mình. Thật lạ lùng khi thấy nhiều lần trong chính môi trường Giáo Hội, chúng ta cũng nói rất ít về kinh nghiệm bản thân của chúng ta về Thiên Chúa.
Theo Thánh Inhaxiô Lôyôla, thiếu hiệp thông như thế là một khí giới của ma quỉ. Ma quỉ “khi thấy đầy tớ Chúa tốt lành và khiêm nhường đến độ người ấy, tuy tuân hành thánh Ý Chúa, nhưng vẫn nghĩ mình thật là vô dụng [...], nên hắn xúi người ấy nghĩ rằng, nếu mình nói về ơn thánh được Chúa ban cho mình, nói về những công việc, dự tính và mong ước, thì sẽ phạm tội háo danh, vì đó là nói về vinh dự của mình. Vì vậy ma quỉ làm sao để người ấy không nói về những ơn lành đã được Chúa ban, và thế là ngăn cản không cho những ơn lành ấy sinh ích nơi người khác và nơi bản thân người ấy, bởi lẽ việc nhớ lại những ơn lành đã lãnh nhận luôn giúp thực hiện những việc cao cả hơn nữa”. (Lettera del 18.6.1537, in: Gli scritti di Ignazio di Loyola. Epistolario, Torino 1977, pp.725-726).
Thánh Lôrensô Giustiniani viết rằng: “Không gì trên thế giới có thể chúc tụng Thiên Chúa và cho thấy Ngài đáng ngợi khen cho bằng sự khiêm tốn trao đổi trong tình huynh đệ những hồng ân thiêng liêng: vì chính các hồng ân ấy củng cố đức bác ái, vì nhân đức này không thể tươi nở trong cô quạnh. (…) Và (…) Chúa truyền phải luôn luôn thi hành nhân đức ấy, bằng lời nói và việc làm, đối với các anh em chúng ta. Vì thế, nếu không muốn vi phạm luật Chúa và bị xét xử như những linh hồn coi rẻ, không quan tâm đến phần rỗi của người anh em, thì những ai đã nhận được ơn thiêng từ trời, phải hết sức cố gắng truyền thông cho người khác những hồng ân Chúa đã ban cho mình, nhất là những ơn có thể giúp đỡ họ trong đời sống trọn lành” (Disciplina e perfezione della vita monastica, Rôma 1967, p.4).
Xây dựng Hội Thánh
Chúng ta hãy đọc Kinh Thánh.
Chúa Giêsu đã chẳng tạo nên dân mới của Thiên Chúa, thông ban cho các môn đệ tất cả những Lời của Cha Ngài sao?
Và Mẹ Maria đã chẳng kể lại kinh nghiệm thầm kín nhất của Mẹ khi hát bài ca Magnificat đó sao?
Và Thánh Phaolô đã chẳng xây dựng các cộng đoàn bằng cách kể lại cho họ điều Ngài đã sống đó sao? Ngài nói mọi sự về mình: sự hoán cải, con đường tông đồ, thậm chí cả những kinh nghiệm sâu xa nhất, như được đưa lên tầng trời thứ ba, quan hệ thần bí với Chúa Kitô, nhưng cả những lo âu vây bủa Ngài khi nghĩ đến dân tộc của mình không đón nhận mạc khải của Chúa Kitô, hoặc những yếu đuối của Ngài, những thử thách và cái “dằm” trong thân xác Ngài. Chúng ta có thể nói rằng Thánh nhân đã thông ban cho tha nhân tâm hồn, cuộc sống của Ngài, và qua đó, Ngài xây dựng Hội Thánh.
Tại đất nước tôi, vì các hội đoàn Công giáo bị giới hạn, dân Chúa hoàn toàn tập trung vào việc sống Lời Chúa. Vì không có sách thiêng liêng được ấn hành, họ thông truyền cho nhau những thành quả của việc sống Lời Chúa. Họ chỉ có sách Tin Mừng và sự truyền thông cho nhau những gì họ sống. Và với sự thu hẹp vào những điều nòng cốt như thế, đời sống Kitô được triển nở.
Trái lại, khi một Hội Ðồng Giám Mục bị chia rẽ, ở đâu cũng có chia rẽ, uy tín đối với người dân sẽ không còn. Một số giám mục Ðông Âu đã nói với tôi về điều đó trong thập niên 1970. Các giám mục chỉ sống cạnh nhau, nhưng không có sự hiệp thông vốn liên kết Chúa Giêsu với Chúa Cha.
“Lâu đài bên ngoài”
Thánh nữ Têrêxa Avila, tiến sĩ Hội Thánh, nói về “lâu đài nội tâm” rạng ngời: đó là thực tại của tâm hồn được Chúa Ba Ngôi chí thánh ngự trị. Ðó là một thực tại cần được khám phá trong chúng ta, giúp soi sáng hoàn toàn cuộc sống và đưa tới sự kết hiệp trọn vẹn với Chúa và phục vụ tha nhân.
Trong thời đại toàn cầu hóa này, trong thời điểm của Giáo Hội Hiệp thông, phải chăng đã đến lúc cần khám phá, soi sáng và xây dựng, không những “lâu đài nội tâm”, nhưng cả “lâu đài bên ngoài” nữa sao? Nghĩa là sự hiện diện của Thiên Chúa không những trong chúng ta, nhưng còn ở giữa chúng ta nữa. Ðó là lâu dài của hai hoặc nhiều người hiệp nhất với nhau nhân danh Chúa, một lâu đài không bao giờ có thể phá hủy được, nhưng cần phải liên tục xây dựng và bảo vệ trong mọi tương quan, cho đến khi được hiệp nhất hoàn toàn.
Thánh Augustinô đã viết: “Chúng ta cũng họp nhau thành nhà của Chúa, nhưng chỉ chúng ta liên kết với nhau trong tình yêu mà thôi” (Discorso 336, 1,1: PL 37, 1736); “Chúng ta là đền thờ của Chúa, một cách tập thể cũng như cá nhân. Ngài muốn ở trong sự kết hiệp của tất cả và từng người”. (La Città di Dio, 10,3,2: PL 41,280).
Tôi mơ ước Giáo Hội của Ngàn Năm Thứ Ba như Căn Nhà bảo tồn sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống, như một Thành Thánh từ trên cao xuống; không như một toàn thể các viên đá rải rác, nhưng như một tòa nhà được cấu trúc hài hòa, vững chãi, nhờ tình hiệp thông đích thực. Tôi mơ ước Thành Thánh ấy bảo tồn nơi trung tâm của mình Chiên Con như nguồn ánh sáng cho toàn thể nhân loại.
Cố HY. PX. NGUYỄN VĂN THUẬN