VRNs (29.04.2011) – Hà Nội – Đến hôm nay thì đã thấy rõ: sau khi nhắm mắt lìa đời, Đức Gio-an Phao-lô 2 đã biến thành một lời rao giảng vang dội khắp hành tinh. Tác giả Thánh Vịnh ngày xưa chiêm ngắm bầu trời rồi cảm thán:
“Chẳng rằng, chẳng nói,
Không vang một tiếng hòng lọt thấu tai,
Mà kia văn lý thấu toàn cõi đất,
Và lời lẽ đạt đến tận cùng dương gian” ( Tv 19, 4 – 5 ).
Mấy ngày vừa qua, chúng ta không chiêm ngắm bầu trời, mà chiêm ngắm mặt đất. Còn Đức Gio-an Phao-lô thì “chẳng rằng, chẳng nói”. Lời cuối cùng Ngài nói trước khi đi vào vĩnh hằng, là: “Tôi chờ bạn đã bao lâu nay, bây giờ bạn đã đến”. Từ đấy Ngài chẳng nói gì nữa. Chỉ còn lại một thân xác câm nín.
Đang chiêm ngắm thi hài nằm như một bức tượng rất đẹp trong Đền Thánh Phê-rô, ta bỗng giật mình. Hình như mình đang sống lại thân phận của mấy phụ nữ đi viếng mồ Chúa. Nghe như có ai nhắn bảo: “Sao lại tìm người sống ở trong xác chết? Người không có đây nữa. Người đang đi trước anh em tới Ga-li-lê” (x. Lc 24, 5; Mt 28, 6 – 7).
Thưa Ga-li-lê ở chỗ nào? Người đi trước chúng tôi là đi đâu? Giê-ru-sa-lem xưa có lúc tan hoang vắng vẻ, giống như một bà mẹ già đơn chiếc, tàn tạ qua ngày trên nền nhà cũ, trước kia gia đình đầm ấm yên vui, nhưng nay đã bị sóng thần thế gian cuốn trôi đi hết. Một lần Giê-ru-sa-lem bỗng thấy con cháu mình ở đầu từ xa kéo về tầng tầng lớp lớp, và tim mẹ già đập như muốn vỡ lồng ngực (Is 49, 60).
Nghe nói nhiều Nhà Thờ ở Phương Tây bây giờ trống vắng, lâu nay rất nhiều người bỏ Giáo Hội. Nếu vậy thì hôm nay Giáo Hội hãy ngước mắt lên mà xem, và hãy nói như mẹ già Giê-ru-sa-lem:
“Những người ấy, ai đã sinh ra chúng cho Tôi.
Tôi đã mất con, lại là son sẻ,
Một thân lưu đồ, cô quạnh biệt lập.
Những con người kia ai đã dưỡng dục?
Này Tôi đã còn sót lại một mình,
Thế thì những kẻ ấy ở đâu ra?” (Is 50, 21).
Gio-an Phao-lô bây giờ sống ở đâu ư? Ga-li-lê ở chốn nào ư? Hãy nhìn hàng triệu con người như sóng thuỷ triều đang dồn về Rô-ma. Họ mang danh hiệu “Thế hệ Gio-an Phao-lô 2”. Đa số còn trẻ. Họ không quản đường xa, không quản mệt mỏi, đêm đến họ nằm trên vỉa hè, ngoài quảng trường. Tất cả đều hừng hực niềm tin và lòng mến. 27 năm gieo giống. Mùa gặt đấy, lúa chín đầy đồng rồi.
Lần này Đức Gio-an Phao-lô không còn giảng bằng lời nữa. Sự hiện diện của những người từ khắp năm châu, mọi màu da, tiếng nói, nước mắt và nụ cười của họ, những bước chân của họ, tinh thần cầu nguyện toả ngát chung quanh họ, đấy là bài giảng của Gio-an Phao-lô. Bài giảng ấy được cả thế giới nghe, bởi vì suốt một tuần lễ hình ảnh hàng triệu những con người ấy tràn ngập các kênh truyền thông.
Giống như một khuôn đúc, khi tháo mở mới thấy những gì đã tượng hình nơi khoảng trống bên trong, Đức Gio-an Phao-lô được cất đi ta mới thấy tâm hồn, dung mạo Ngài hiện hình nơi đoàn người vô vàn vô số hôm nay đoàn tụ, không chỉ bằng xương, bằng thịt ở Rô-ma, mà còn bằng tâm linh, bằng cầu nguyện ở mọi nơi, mọi chân trời góc biển của thế giới.
27 năm, Ngài sải chân đi khắp nơi, tìm đến với mọi hạng người, đối diện với mọi hắc ám, để rao giảng nền văn minh của Tình Thương và Sự Sống, để xua tan nền văn minh bạo lực hiếu sát. Ngài đấu tranh không mệt mỏi cho công lý, cho hoà bình, cho những con người thấp cổ bé miệng bị hất hủi, từ thai nhi còn trong lòng mẹ đến những bệnh nhân AIDS ở giai đoạn cuối. Xét cho cùng, bao nhiêu lời đã nói, bao nhiêu việc đã làm cũng chỉ gói gọn trong một chủ ý đã được Ngài nói lên ngay từ ngày đầu trên ngôi Giáo Hoàng: “Đừng sợ! Hãy mở lòng đón Chúa Ki-tô”.
“Tình yêu của Chúa Ki-tô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5, 14). Cho nên Ngài đã cả tiếng nói lên tiếng nói của Lòng Tin giữa những biến thiên long trời lở đất của cuối thế kỷ 20 đầu thế lỷ 21.
Từ bức tường Berlin sụp đổ đến những cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 và chiến tranh Iraq, chỗ nào cũng thấy bóng dáng Ngài xuất hiện. Ngài đi qua trại tập trung Auschwitz cũng như đi qua những tha ma nhầy nhụa các thai nhi bị nghiền nát. Ngài ôm hôn tha thiết kẻ đã bắn mình suýt chết và cũng yêu cầu các nước giàu xoá nợ của các nước nghèo để mừng thiên niên kỷ mới. Ngài tập họp hàng triệu người từ khắp năm châu và hoà mình vào những khách hành hương từ Czestochowa đến Fatima, Lộ Đức. Ngài đã lên tiếng kêu gọi và rất nhiều người cảm thấy xốn xang.
Bây giờ không còn sống trong cái thân xác đã 84 tuổi mỏi mòn, thì Ngài đang sống trong biển người đã đứng lên, đã cất bước đưa chân. Họ làm chứng rằng họ đã nghe ra tiếng Ngài và họ đã đáp lại bằng một cõi tâm thành bốc lửa. Quang cảnh thế giới đại đồng khiến cho tang lễ giống như một cuộc khải hoàn. Ta không quên rằng Ngài đã bị chống đối nhiều. Nếu không ai chống đối sao lại bị ám sát? Một kẻ ám sát, nhưng biết bao nhiều người lu loa phê phán, chê trách. Chỉ cần Ngài chống phá thai, gạt phăng cái bao cao-su, không chấp nhận hôn nhân đồng tính, không tán thành cái việc gọi là “trợ tử”, thế là đủ để bị xếp vào loại người lạc hậu, cố chấp, có ai đó còn coi người như tội phạm nữa.
Không phải chỉ có những người không chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội. Ngay trong nội bộ Giáo Hội cũng có những chỉ trích thế này thế nọ. Và không thể vơ đũa cả nắm để bảo mọi chỉ trích đều sai. Sinh thời, chính Đức Gio-an Phao-lô cũng có lúc nhìn nhận trong một số vụ việc Toà Thánh đã xử sự vụng về. Nhưng tất cả đã trở thành tiểu tiết. Người khổng lồ đã nằm xuống. Và thiên hạ nhận ra tầm mức rộng, dài, cao, sâu của Ngài.
Vâng, mấy ông mấy bà đang hô hoán đòi giải phóng con người bằng tự do phá thai, tự do bao cao-su, tự do đồng tính, tự do chích thuốc kết liễu đời sống bệnh nhân v.v… quả là nói năng say sưa, lý luận tưng bừng và chấp nhận đủ mọi sự dễ dãi để thoả mãn mọi thèm muốn. Quý ông bà cũng có nhiều thế lực, nhiều tiền bạc hỗ trợ. Chỉ có điều chúng tôi chẳng muốn ra khỏi nhà, chẳng muốn lặn lội đường xa, ngủ bờ ngủ bụi, hè phố, quảng trường, chẳng muốn sắp hàng cả ngày để viếng một thi thể, chẳng muốn nhìn trời rồi quỳ xuống cầu nguyện cho những điều quý ông quý bà cổ vũ.
Biết sao được, người ta không chỉ sống bằng cơm, bằng bánh. Lại càng không chỉ sống bằng những biện pháp cắt rễ chặt ngọn sự sống của quý ông bà. Tưởng như quý ông bà tháo tung mọi ràng buộc, vậy mà chúng tôi lại cảm thấy chật chội ngột ngạt. Chúng tôi thấy mình thành bùn. May thay trong bùn lại mọc lên hoa sen, và chúng tôi yêu hoa sen. Cho nên chúng tôi tìm đến con người cho chúng tôi nhìn thấy đất trời cao rộng, nhìn thấy người ta giống như hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng tôi thèm Trời mới Đất mới.
Còn những phê phán về điểm này điểm kia chưa đạt trong nội bộ Giáo Hội, cả những nhà Thần Học có tiếng đã nghiêm khắc phân tích, mổ xẻ, thôi thì thời gian còn đó, tha hồ mà tỉa tót ngọn ngành, Giáo Hội có bao giờ không cần cải tổ đâu? Nhưng hiển nhiên những phân tích dẫu đúng, dẫu sắc sảo, vẫn chỉ như những dây leo trên một thân đại thụ của Lòng Tin và Lòng Mến. Thế gian không ngấm những tư tưởng phê bình kia bằng ngấm Lòng Tin và Lòng Mến này. Lòng Tin và Lòng Mến cứ là một lớp phù sa nuôi dưỡng những hạt mầm tương lai.
Trong đời Đức Gio-an Phao-lô có một nỗi buồn lớn đọng lại từ những vụ tai tiếng trong Giáo Hội, điển hình là những vụ lạm dụng tình dục vị thành niên nơi nhiều Giáo Sĩ. Đúng là đã xảy ra những chuyện như bôi tro trát trấu vào mặt Giáo Hội, tưởng chừng như Giáo Hội không còn mặt mũi nào mà ngửng đầu lên nữa. Cần phải biểu dương cộng đồng Dân Chúa ở những nơi lắm tai tiếng vẫn kiên trì làm chứng, vẫn đón tiếp vào Giáo Hội nhiều anh chị em mới. Dù sao cũng vẫn phải nhìn nhận uy tín của Giáo Hội đã bị giáng những đòn trời đánh, đã bị tổn thương rất nghiêm trọng, có thể suy đoán hậu quả trên hàng Giáo Sĩ vốn đã bị khủng hoảng mà sự thiếu Ơn Gọi sẽ còn dài dài.
Thế nhưng hôm nay, trong vầng sáng Gio-an Phao-lô, trong mến yêu của hàng triệu con người như có một dòng thác lũ cuốn phăng những chuyện bệ rạc ấy đi. Ai cũng thấy rõ hồn của Giáo Hội không cạn kiệt ở những vụ việc thê lương ấy. Hồn sâu lắng của Giáo Hội hôm nay nổi lên bề mặt mênh mang hồng thủy. Đây mới là tinh hoa. Đây mới là báu vật chôn dưới đất sâu. Đây mới là sứ điệp của Giáo Hội cho con người.
Tất cả sức sống thường chìm sâu ấy, Đức Gio-an Phao-lô, bằng sự chết của mình, đã làm cho xuất hiện. Không phải ngẫu nhiên mà chung quanh linh cữu Ngài, thế giới đã mang một nét mặt mới. Tổng thống Mỹ Bush với tổng thống Iran Khatami ngày thường vẫn coi nhau là hiện thân của gian tà, ở đây cùng cúi đầu cầu nguyện. Thủ tướng Palestin Qurei nói Đức Gio-an Phao-lô là bạn của dân tộc Palestin, thì thủ tướng Israel Sharon cũng nói Đức Gio-an Phao-lô là bạn của dân tộc Israel. Tổng thống Israel Kastav và tổng thống Syri Bashar Al Assad có thể coi là kẻ tử thù của nhau lại bắt tay nhau. Tín đồ Hồi Giáo và tín đồ Do-thái Giáo sát cánh với nhau.
Cứ coi các hình ảnh hòa bình đẹp đẽ ấy chỉ là một thoáng phù du trong cái thế giới nhiều biến loạn này, thì vẫn cần cảm tạ Đức Gio-an Phao-lô đã tạo nên cái phép lạ ấy. Sự kiện ấy tự nó có tính cách ngôn sứ. Có thể đấy chưa phải là hiện thực hôm nay, nhưng sao chẳng là ước vọng tương lai trong lòng những người lãnh đạo cũng như vô số dân thường?
Lại một lần nữa Đức Gio-an Phao-lô cho thấy những hoa trái Ngài đã thu lượm trên đường dài đi tìm hòa bình. Những buổi cầu nguyện Liên Tôn như ở Assisi, những lúc Ngài cởi giầy bước vào một Đền Thờ Hồi Giáo hay đặt một lời cầu nguyện vào Bức Tường Than Khóc ở Giê-ru-sa-lem đều là những chặng đường tiếp nối cho những bước khởi hành mà Ngài đã minh họa bằng biểu tượng trong Năm Thánh 2000 khi Ngài muốn đặt bước chân hành hương dọc Lịch Sử Cứu Độ từ núi Xi-nai, qua Bê-lem và Giê-ru-sa-lem, đến lộ trình của Thánh Phao-lô. “Bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho anh em ở gần” (Ep 2,17). Bên linh cữu Ngài, những anh em thù nghịch được trở nên tông đồ rao giảng hòa bình.
Còn một nhóm tông đồ rao giảng nữa cũng cần nhắc đến, đó là các phương tiện truyền thông: báo chí, truyền thanh, truyền hình. Từ khi Đức Gio-an Phao-lô lâm bạo bệnh cho đến khi an táng Ngài, họ làm như thể trên thế giới chỉ còn một đề tài đáng nói: Đức Gio-an Phao-lô. Cũng không ngờ những kênh truyền thông ấy lại biến thành những nhà giảng thuyết trong suốt một tuần lễ. Đài RAI của nước Ý vẫn thường truyền hình trực tiếp các Thánh Lễ, nhưng ngoài những lúc đó ra vẫn có nhiều nội dung phù phiếm linh tinh. CNN hay TV5 là những đài hết sức thế tục. Thậm chí đài Al Jazeera là của các nước A Rập vùng Vịnh vốn rất hà khắc đối với Ki-tô Giáo. Tất cả họ đều quan tâm đến sứ điệp của Đức Gio-an Phao-lô. Những đài ấy đưa hình ảnh, đưa tâm hồn và hoa trái của Đức Gio-an Phao-lô đến tận những nơi chẳng có bước chân thừa sai nào chạm đến.
Tóm lại, từ khách hành hương đến các nhà chính trị, đến các giới truyền thông, mỗi người mỗi cách đều đã thành những nhà rao giảng.
Trong Cựu Ước, sách Dân Số có đoạn thuật truyện ông Mô-sê mỏi mệt vì nặng gánh Ít-ra-en. Ông phàn nàn với Đức Chúa: “Nào tôi có sinh chúng ra đâu, mà Ngài lại bảo tôi: Hãy bồng lấy nó vào lòng như vú nuôi bồng con đỏ mà đem nó vào Đất Ta đã thề hứa…”
Ya-vê phán với Mô-sê: Hãy triệu tập cho Ta bảy mươi người… Ngươi sẽ đem chúng đến trướng Tao Phùng và chúng sẽ đứng trực ở đó với ngươi. Ta sẽ xuống và ở đó Ta sẽ phán bảo ngươi, Ta sẽ rút Thần Khí ở nơi ngươi mà đặt trên chúng, và chúng sẽ gánh vác với ngươi gánh nặng dân này”…
Mô-sê triệu tập bảy mươi người… và ông đặt họ đứng xung quanh trướng. Ya-vê xuống trong đám mây và phán bảo ông, Ngài trút Thần Khí ở nơi ông mà đặt trên bảy mươi vị. Mà thoạt khi Thần Khí đậu xuống trên họ, họ liền nói tiên tri…
Có hai người còn lại trong trại, tên là En-đát và Mê-đát. Thần Khí đậu xuống trên họ… và họ đã nói tiên tri trong trại… Yô-sua, con của Nun, tôi bộc của Mô-sê… cất tiếng nói: “Thưa đức ông Mô-sê, xin ngăn cản họ lại!” Nhưng Mô-sê bảo: “Vì ta, ngươi sinh ghen tuông sao? Phải chi toàn dân Ya-vê đều được nói tiên tri, bởi được Ya-vê ban Thần Khí xuống trên họ” ( Ds 11, 12 – 29 ).
Còn ngôn sứ Giô-en tuyên sấm rằng:
Thiên Chúa phán: “Trong những ngày sau hết,
Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên mọi xác phàm.
Và con trai, con gái các ngươi sẽ tuyên sấm.
Thanh niên các ngươi sẽ thấy thị kiến,
Kẻ già lão các ngươi sẽ chiêm điềm mộng…
Và mọi kẻ kêu danh Chúa sẽ được cứu…”
( Ge 3, 1 – 5; được trích lại trong Cv 2, 17 – 21 ).
Hình như mấy ngày qua cũng xảy ra một cái gì tương tự…
Vũ Khởi Phụng