VRNs (27.04.2011) – Hà Nội – Ngày thứ sáu Tuần Thánh năm nay (2005) có một nét đặc biệt. Trong 27 năm làm Giáo Hoàng, chẳng bao giờ Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô để ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trôi qua mà Ngài không đi Đường Thánh Giá với Giáo Dân ở trên quảng trường Colisée ngày xưa thấm máu các Thánh Tử Vì Đạo. Năm nay Đức Giáo Hoàng không tham gia Đường Thánh Giá nữa, mọi người hiểu rằng, Ngài đã yếu lắm rồi.
Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005: Từ nhà nguyện riêng, ĐGH John Paul II theo dõi trên màn hình để cùng đi đàng thánh giá đang được cử hành tại hý trường Coliseum, Rôma
Ngày thứ tư hằng tuần là ngày Ngài hay ra cửa sổ chào đón Giáo Dân tụ tập trước quảng trường Thánh Phê-rô; Tuần trước, thứ tư phục sinh, Đức Giáo Hoàng vẫn ra trước cửa sổ nhưng lần này Ngài không nói được tiếng nào. Mọi người chỉ nghe một tiếng thở hổn hển mà các loa phóng thanh loan đi vang dội khắp quảng trường Thánh Phê-rô không chỉ khắp quảng trường Thánh Phê-rô thôi, khắp thế giới nghe thấy tiếng thở hổn hển đó do các phương tiện truyền thông. Hình như Ngài muốn nói một điều gì đó mà rất đau không cất lên được tiếng nói. Cuối cùng Ngài mím môi, giơ tay ban phép lành và trước khi Ngài ban phép lành thì phụ tá bên cạnh kéo micro sang một bên, kẻo tiếng thở hổn hển đó cứ vang dội mãi.
Giờ phút cuối cùng của Ngài đã gần đến rồi. Đêm thứ sáu, tính theo giờ Việt Nam, Vatican loan tin Đức Thánh Cha đã chịu phép Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân thì mọi người đều hiểu là giờ cuối cùng đã đến. Cả thế giới gần như được chứng kiến cơn hấp hối của Ngài.
Trước đây cả thế giới đã chứng kiến cảnh Đức Giáo Hoàng của chúng ta năm mới đắc cử giống như một lực sĩ, giống như một minh tinh, một ngôi sao. Năm này qua năm khácNgài cứ già đi dần, cứ yếu đi dần mà vẫn một lòng thi hành nhiệm vụ của mình. Những năm cuối đời hình như đi một bước là một bước đau, nói một tiếng là một tiếng đau. Ngài vẫn trung thành, vẫn đi khắp mọi nơi, vẫn loan báo Lời Chúa. Trong quá trình đó, người lực sĩ, người minh tinh năm nào đến những năm gần đây cứ biến dạng dần để mang lấy hình ảnh “người tôi tá đau khổ”, hình ảnh của Chúa Ki-tô trên thập giá,Ngài không cần giấu giiếm nỗi đau đó, cứ để cho toàn thế giới nhìn thấy nó, nhìn thấy mình đang vác Thánh Giá đi theo Chúa Giê-su.
Và Giờ đã đến, Chúa Giê-su nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh…” Đêm thứ bảy vừa qua, người phát ngôn của Vatican nói: “Đức Thánh Cha đã ở trong vòng tay của Chúa”. Chúng ta nhớ lại lời của Thánh Gio-an: “Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy…”(1Gn 3,2) Và giờ phút xuất hiện của Đức Ki-tô cho Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2 của chúng ta đã tới.
Hôm nay chúng ta mừng kính Ngàigiống như một con sâu đã hóa bướm. Những hình ảnh đau đớn của Đức Thánh Cha trong năm vừa qua và đặc biệt là trong những tuần, những tháng cuối đời, đó là con sâu: “Thân tôi là thân sâu bọ chứ không phải thân người” (Tv 22,7). Nhưng con sâu đang ở trong quá trình hóa bướm. Và hôm nay chúng ta mừng kính Đức Thánh Cha đã hóa bướm, đã đi vào Sự Sống của Thiên Chúa.
Chúa có một sự sắp đặt đặc biệt, một sự Quan phòng. Đức Thánh Cha suốt đời mang lấy Mầu Nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô, suốt đời rao giảng sự sống của Đức Ki-tô, Ngài được ra khỏi thế gian này đúng vào ngày cuối cùng của Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Đúng vào lúc tuần lễ mừng Chúa Phục Sinh sắp kết thúc thì Ngài được đi giáp mặt với Chúa.
Hôm nay chúng ta hãy nghe lại Lời của Chúa nói với chúng ta: “Đã đến Giờ Con Người được tôn vinh. Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi thì nó sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”(Gn 12,23-26).
Chúng ta có thể nói, Đức Thánh Cha là người đã vì Chúa mà coi thường sự sống mình, từ những ngày còn trẻ, từ ngày Ngài dám chống lại chế độ Đức Quốc Xã trong Thế Chiến thứ hai, từ ngày Ngàidám can đảm rao giảng Lời Chúa giữa thời Cách Mạng ở Ba Lan. Và khi lên ngôi Giáo Hoàng, Ngàikhông lùi bước trước một ai, phương Đông, phương Tây, phe tả phe hữu, thế giới tư bản chủ nghĩa, thế giới xã hội chủ nghĩa. Hễ chỗ nào mà có một vấn đề có thể làm tổn hại đến nhân phẩm con người thì Ngài lên tiếng. Cho nên thế giới kính phục Ngài mà cũng có nhiều người phía này phía khác không bằng lòng Ngài. Nhưng “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất”. Ngài cứ một mực nói Lời của Chúa. Và Ngài đã suýt mất mạng sống thật. Chúng ta nhớ tới lúc Ngài bị ám sát và phải giải phẫu rất đau đớn.
Khi phương Tây hoan hô Ngài thì phương Đông bực bội. Phương Tây hoan hô chưa xong, Ngài lại nói sự thật về phương Tây, đến lượt phương Tây bực bội. Ngài bênh vực mạng sống con người thì những người đòi phá thai bực bội. Ngài bênh vực người nghèo thì những người bóc lột bực bội. Ngài chủ trương hòa bình thì những người gây chiến bực bội. Cho nên một đàng người ta công nhận Ngàilà một người khổng lồ, là một lãnh tụ tinh thần rất lớn, nhưng đàng khác cũng không thiếu những chỉ trích, những chê bai dành cho Ngài.
Những năm đầu của Ngài trong nhiệm vụGiáo Hoàng, mọi người, như thể bỡ ngỡ thấy một nhân vật phi thường như thế xuất hiện, nhưng càng về sau, người ta càng bảo Ngàisao mà bảo thủ, sao mà cố chấp, sao mà bướng bỉnh, sao mà không chịu đi theo thời đại. Nhiều lời chỉ trích lắm chứ không phải chỉ là những lời hoan hô đâu. Nhưng Chúa đã nói: “Ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất”. Và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là một con người như vậy.
Và đến ngày hôm nay, Ngài nằm xuống thì mới thấy con người mới cách đây dăm ba tháng, mới cách đây một năm, hai năm bị chê là bảo thủ, con người ấy đã tạo một ấn tượng sâu đậm thế nào trong tâm linh thời đại. Hình như chưa có ai trên thế gian này khi nằm xuống lại làm chấn động thế giới như Ngài.
Và như thế, chẳng cần phải đợi đến đến ngày phán xét, chẳng cần phải đợi đến ngày loài người sống lại, chúng ta đã thấy thực hiện Lời của Chúa Giê-su: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi thì nó sinh được nhiều hạt khác”. Từ đâu mà tạo ra cái biển người suốt mấy ngày hôm nay dồn dập ùa về Rô-ma. Mới hôm qua chính quyền thành phố Rô-ma ước lượng hai triệu người sẽ đến viếng Đức Giáo Hoàng. Rôma cũng đã hơi lo rồi, lấy phương tiện đâu mà cho những người đó đến viếng Đức Giáo Hoàng. Ngày hôm nay chính quyền thành phố Rô-ma ước lượng số người lên gấp đôi, không phải là hai triệu nữa, mà là bốn triệu. Số đông ấy nảy nở từ đâu? Thưa, hạt lúa có chết đi thì mới sinh nhiều hạt khác.
Đức Thánh Cha nằm xuống, tự nhiên trong lòng bao nhiêu con người thấy trỗi dậy một điều gì đấy. Chúng ta hãy mở truyền hình ra mà xem. Hãy nhìn nét mặt của những người đến viếng. Không phải là những người tò mò xem cảnh lạ đâu. Đó là những người cầu nguyện. Đó là những người trầm tư. Đó là những người cảm thấy cái chết của Ngài có một tiếng vang vọng gì lớn lắm trong lòng mình; lúc bình thường nó tiềm ẩn, nó cứ nằm một chỗ, bây giờ nó vùng dậy.
Trong những ngày Đức Thánh Cha hấp hối, tôi nhìn thấy từng đoàn giới trẻ châu đầu vào nhau trên quảng trường Thánh Phê-rô khe khẽ hát Thánh Ca. Tôi lắng nghe xem họ hát cái gì. Họ hát: “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, ha-lê-lui-a. Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Ha-lê-lu-ia Người đã sống lại thật”.
Và khi Đức Thánh Cha vừa nằm xuống, Thánh Lễ đầu tiên cử hành trên quảng trường Thánh Phê-rô là lời cầu chúc của Đức Ki-tô: “Bình an cho anh em. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”(Gn 20,21). Cho nên hôm nay chúng ta được chiêm ngưỡng một cảnh tượng tuyệt đẹp.
Linh cữu Ngài được đặt trước bàn thờ Thánh Phê-rô. . Nhưng có thể nói như thiên thần nói với hai bà phụ nữ đi viếng mồ của Chúa Giê-su: “Các bà đến đây làm gì? Tại sao lại đi tìm người sống giữa kẻ chết?”(Lc 24,5). Sự sống của Đức Gio-an Phao-lô II bây giờ là cái biển người kia chứ không phải là cái thân xác nằm đây. Ngài đã chuyền lửa. Ngài đã chuyền niềm tin cho hàng triệu người. Bây giờ đến lúc Ngài nằm xuống thì họ xuất hiện và lên tiếng. Khi đó ta mới cảm thấy rằng, trong hai mươi bảy năm, Ngàiđã ra công khó nhọc cày bừa cho Chúa, Ngài đã để lại một niềm tin, để lại một giá trị tinh thần, đã để lại một cõi tâm linh mà cái thế gian quá ư là tham lam vật chất của chúng ta vẫn đói vẫn khát nhưng không biết. Ngài đi rồi mới thấy cái sức hút ấy to lớn chừng nào.
Mỗi một tiếng đồng hồ, mười lăm ngàn người sắp hàng dài một cây số, sắp hàng đi từng bước trong bảy tám tiếng đồng hồ chỉ để vào nhìn Ngài một phút rồi đi ra. Mỗi giờ mười lăm ngàn người đi qua trước linh cữu của Ngài, bởi vì họ cảm thấy tiếng Ngài vang trong lòng. Không phải là đi du lịch. Nếu chỉ muốn ngồi xem cảnh lạ thì ngồi nhà mở máy xem rõ hơn. Nhưng người ta lại sẵn sàng bằng lòng đứng bảy tám tiếng đồng hồ. Đêm ở Rô-ma lạnh 6 độ. Ngủ ngoài quảng trường. Ngủ ngoài hè. Ngủ ngoài phố. Đấy là cảnh tượng khó thấy. Và nay mai người ta sẽ còn đến nữa. Đấy là tiếng vang, là sự sống của Đức Gio-an Phao-lô trong lòng người khác. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.
Có những câu chuyện xảy ra mà chúng ta thấy như là công của Ngài gieo. Mấy tháng vừa rồi, bên Pháp người ta mừng kỷ niệm một chuyện rất kỳ cục. Kỷ niệm ba mươi năm ngày luật pháp cho phép… phụ nữ phá thai! Và từ ngày luật pháp cho phép phụ nữ phá thai thì mỗi năm có đến hai trăm ngàn thai nhi bị giết ở Pháp. Người ta tổng cộng lại ba mươi năm qua, số thai nhi bị giết ở Pháp bằng số người Do-thái bị chết trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Thế nhưng điều lạ xảy ra năm vừa rồi là: trong khi một số người tổ chức ăn mừng kỷ niệm ba mươi năm được phá thai, thì con số những người đi biểu tình đòi tôn trọng sự sống, lần đầu tiên, đã đông hơn hẳn những con số của những người tụ họp để đòi phá thai!
Chúng ta thấy ở đó hạt giống Đức Gio-an Phao-lô đã gieo. Và không chỉ mìnhNgài, các Giáo Hoàngtiền nhiệm Ngàicũng luôn luôn nói về một nền văn minh của sự sống, văn minh của tình yêu chống lại nền văn minh của bạo lực, sự chết. Bây giờ chúng ta thấy nền văn minh đó đang nảy mầm, đang lớn lên. Đồng lúa đang mọc đây.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa. Chúng ta hân hoan vui mừng vì biển người tụ tập chung quanh Đức Thánh Cha trong những ngày này. Bởi vì cái biển người ấy chính là những con người Đức Gio-an Phao-lô luôn luôn nhắm tới trong bao nhiêu chuyến đi của Ngài. Trong biển người ấy có biết bao nhiêu là người trẻ, với những nét mặt hết sức nghiêm túc, hết sức cầu nguyện. Công khó Ngài đã gieo cho Hội Thánh là ở đấy. Và chúng ta cảm thấy Ngài ra đi nhưng sứ điệp của Ngài vẫn sống. Tức là cái hồn của Ngài vẫn đang sống trong lòng những người đã chịu ơn Ngài.
Nay họ đến từ nhiều miền, từ những châu lục xa xôi, họ trở nên những chứng nhân chung quanh linh cữu Ngài.
Chúng ta không có cơ hội để hòa nhập vào đoàn người đông đảo đó, nhưng trong Đức Tin, trong Chúa, chúng ta biết không có khoảng cách, chúng ta hòa chung lời cầu nguyện, hòa chung lời ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn, chúng ta cùng đi trong dòng người. Và chúng ta xin đặt Ngài vào trong lòng bàn tay yêu thương của Chúa, xin đặt Ngài vào trong bình an của Chúa, xin đặt Ngài vào trong ánh sáng của Chúa.
Một điểm thứ hai chúng ta cầu nguyện hôm nay, ấy là cầu nguyện cho vị Tân Giáo Hoàng sắp đến. Nay mai sẽ có một ai đấy được Chúa gọi phải đứng ra lãnh lấy nhiệm vụ kế tục, kế vị Đức Gio-an Phao-lô. Giờ này chúng ta chưa biết đó là ai. Mới ngày hôm qua Đức HồngY Tổng Giám Mục của chúng ta đã lên đường đi Rô-ma để dự hội bầu Giáo Hoàng mới. Trước khi đi, Ngài có dặn chúng tôi một điều, là xin nói với anh chị em Giáo Dân rằng, mỗi ngày mỗi người hãy cầu nguyện cho Đức Hồng Y để Ngài cùng với các Hồng Y khác của Hội Thánh được Chúa soi sáng, mau mắn tìm ra người sẽ kế vị, sẽ đi tiếp con đường mà Đức Gio-an Phao-lô 2 đã đi.
Quang cảnh người ta đến với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô làm chúng ta mừng, và cảm động, nhưng chúng ta đừng quên Giáo Hội còn đang phải đương đầu với biết bao nhiêu những vấn đề cực kỳ gai góc. Kích thước của Giáo Hội càng lớn thì những vấn đề phải đối phó cũng càng nặng nề, càng lớn theo. Đức Gio-an Phao-lô 2 đã đối phó với những vấn đề đó trong suốt cuộc đời của Ngài. Bây giờ vị nào sắp sửa được Chúa kêu gọi để lãnh lấy gánh nặng này cũng rất cần được chính Giáo Hội, chính chúng ta cầu nguyện.
Ngày hôm nay Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn của chúng ta đã ở Rô-ma rồi. Ngài đi từ tối hôm qua. Các vị Hồng Y sẽ tập họp với nhau và sớm tìm ra người mà Chúa đã chỉ định trước để hướng dẫn Giáo Hội. Trong số 117 vị Hồng Y sắp sửa bước vào mật hội sẽ có một vị nào đấy bây giờ chúng ta chưa thể biết sẽ kế vị.
Chúng ta hãy cầu nguyện. Cầu nguyện trong Lòng Tin. Cầu nguyện xin Chúa đã tập họp Hội Thánh Chúa một cách tốt đẹp trong suốt mấy ngày vừa qua thì Chúa cũng đưa Hội Thánh qua khúc quanh này và sớm có một người đại diện của Chúa để chúng ta lại cùng nhau tiến bước một đoàn chiên và một chủ chăn. Amen.
Vũ Khởi Phụng