VRNs (28.04.2011) – Hà Nội – “Người chết nối linh thiêng vào đời…” ( Trịnh Công Sơn )
Nửa đêm về sáng thứ bảy ngày 2.4.2005, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong cơn hấp hối lặp đi lặp lại nhiều lần: “Tôi tìm kiếm đã lâu, giờ đây mới được thấy mặt, xin cảm tạ…” Tiến sĩ Navarro Valls, trưởng Phòng Báo Chí Toà Thánh họp báo lúc 11 giờ 30 trưa, bình luận rằng: “Đêm qua, có lẽ Đức Thánh Cha đã có trong trí hình ảnh những bạn trẻ mà Ngài đã gặp… Thật vậy, dường như Ngài nhắc đến họ khi lặp đi lặp lại nhiều lần câu này”.
Không biết trong các Đại Hội Giới Trẻ, Đức Thánh Cha có hay nói câu nào như thế chăng, để cho ông Navarro Valls liên tưởng đến các bạn trẻ. Nhưng ông Navarro Valls cũng chỉ có thể dùng những cụm từ “có lẽ” và “dường như”, bởi Đức Gio-an Phao-lô II cứ nói mãi một câu lửng lơ. Ngài từng tìm ai? Và bây giờ giáp mặt với ai? Lời nói mông lung của một người như Ngài vào thời điểm sắp “ra khỏi thế gian” khiến cho ta cảm thấy đang ở trước cánh cửa mở toang vào cõi vô hình, vậy thì biết đâu không chỉ Navarri Valls mà cả ta cũng được phép đưa ra những điều “có lẽ” và “dường như”…
Đoạn cuối của di chúc được Đức Gio-an Phao-lô viết thêm trong Năm Thánh 2000 ghi: “Khi giờ cuối cùng của đời tôi đang dần đến, tôi nghĩ đến thời gian đầu, nhớ cha mẹ, nhớ anh, nhớ chị ( tôi chưa từng biết vì chị đã qua đời trước khi tôi sinh ra )…”
Vậy phải chăng giờ cuối, cũng là lúc gặp lại những người của thời gian đầu. “Tôi tìm kiếm đã lâu, giờ đây mới được giáp mặt, xin cảm tạ…”
Hãy nhìn lại tuổi thanh xuân của Karol Wojtyla, cái gia đình nhỏ bé ấy sao mà nhiều tang tóc vậy. Mới 9 tuổi Karol đã mồ côi mẹ, một vết thương lòng không sao hàn gắn nổi. Mười năm sau, chàng trai Karol viết những dòng thơ đầu đời ( dịch ra tiếng Việt đã mất nhiều hương vị):
Mồ mẹ phiến đá trắng
Hoa trắng ngát cõi đời
Con quỳ đây buồn bã
Bao tháng ngày đã trôi
Nghĩ như vừa đây thôi.
Ôi mẹ, tình yêu đã tắt
Môi con mệt mỏi thì thầm
Mẹ về an nghỉ vĩnh hằng…
Hai năm sau ngày mẹ mất, nỗi buồn vẫn còn ngùn ngụt, Karol lại mất luôn người anh Edmund mà cậu hết lòng cảm phục. Trên đời còn lại một bố, một con trai. Bố đưa con đi leo núi trượt tuyết, và đi hành hương: “Hình ảnh cha tôi quỳ gối cầu nguyện in đậm nét lên bước đường dấn thân của tôi”. Năm đó là 1941, Karol 20 tuổi. Từ đó Karol chỉ còn một mình, giữa một đất nước đang chìm đắm trong đêm dài của chế độ Quốc Xã Đức và trong Thế Chiến thứ 2.
Những mất mát đó là những chuẩn bị huyền nhiệm cho chàng trai lớn mạnh để rồi cuối cùng thành người khổng lồ tâm linh, thành vị Giáo Hoàng lay động cả thế giới. Mấy ai có thể đoán được vóc dáng sừng sững ấy lại được cấu tạo bằng những nỗi đau tử biệt sinh ly? 75 năm, 65 năm từ ngày mồ côi cha mẹ, hôm nay mới đi hết con đường dài, đi qua cái thế gian của những chia lìa xa cách ngàn trùng. “Tôi tìm kiếm đã lâu, giờ đây mới được giáp mặt, giờ đây gương vỡ lại lành, xin cảm tạ”.
Và có lẽ không chỉ xa cách cha, mẹ, anh, chị. Những thảm cảnh thế gian mà Karol trải qua cũng gợi lên biết bao trống vắng, bao xa cách về tình người. Giữa một thời nhiều người Công Giáo Ba Lan cũng mắc phải chứng bệnh bài Do Thái mù quáng và tàn ác, Karol Wojtyla có mối tâm giao đặc biệt với bạn bè Do Thái. Anh hiểu được nỗi đau của con cháu Abraham. Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II về sau đã gọi những nạn nhân Do Thái trong các trại tập trung hồi Thế Chiến thứ 2 là những người Tử Đạo. Suốt đời Karol Wojtyla rồi Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đi tìm thế giới của tình yêu, của sự sống.
Khẩu hiệu “Totus Tuus” ( Con thuộc trọn về Mẹ ) phát xuất từ lòng sùng kính rất truyền thống, cũng rất Ba Lan, nhưng ta có thể hình dung được nơi một con người đã mất cả gia đình, và đã chứng kiến những thảm cảnh của nhân loại, khẩu hiểu ấy lại càng thêm da diết. Cho tới khi Ngài thoát chết trong vụ mưu sát ngày 13.5.1981, mối liên kết với Đức Mẹ lại càng được gia tăng cường độ.
Đức Hồng Y Tucci, người rất thân cận với Đức Giáo Hoàng, kể lại: “Đức Thánh Cha là người đối thoại liên tục với Thiên Chúa, và với Đức Mẹ. Lúc nào cũng cảm thấy cần nói chuyện với Đức Ki-tô. Cả khi đi nước ngoài Ngài vẫn thức dậy rất sớm và cứ thế cầu nguyện bất động cả tiếng đồng hồ. Đôi khi tôi nghe Ngài hát khe khẻ những bản thánh ca Ba Lan. Ngài không thích gì bằng được quay mặt lên bàn thờ mà làm việc, đến nỗi khi làm Tổng Giám Mục ở Crakow, Ngài có cả một bàn quỳ đặc biệt có thể sử dụng làm bàn viết”.
Và hôm nay, Ngài sắp lên đường đi một chuyến quyết định. 8 giờ tối thứ bảy, Thánh Lễ Đồng Tế Chúa Nhật Kính Chúa Giàu Lòng Thương Xót được cử hành trong phòng Đức Thánh Cha. Bài Thánh Thư hôm nay trích trong Thư thứ nhất của Thánh Phê-rô: “Tuy không thấy Người ( Chúa Ki-tô ), anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả” ( 1Pr 3,8).
Có phải vì vậy mà, theo lời vị thư ký riêng của Ngài, Đức Ông Mieczyslaw Mokrzycki, Đức Thánh Cha đã nhắn lại một lời cuối cùng: “Cha rất hạnh phúc và các con cũng nên vui mừng. Đừng khóc. Hãy cầu nguyện trong niềm vui”… Vâng, “Tôi tìm kiếm đã lâu, giờ đây mới được giáp mặt, xin cảm ơn”…
Bây giờ là sáng Chúa Nhật ngày 3.4.2005. Di hài Đức Gio-an Phao-lô II mặc áo lễ đỏ thắm, đặt trong Cung Clementina. Trong đoàn người vây quanh linh sàng, gồm các Hồng Y và các nhân viên trong Giáo Tông Đường, phóng viên mô tả thái độ của vị trưởng Đoàn Hồng Y: “Ngài Ratzinger cúi mình, hai tay ôm đầu”.
Chắc rằng Ngài Ratzinger không thể khong biết chỉ ít hôm nữa thôi điều gì có thể xảy đến cho mình.
Và rõ ràng có một điều gì liên tục khi ba tuần lễ sau trên quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Bê-nê-đich-tô XVI khai mạc Giáo Triều Giáo Hoàng của mình bằng những lời này:
“Tất cả chúng ta đã cảm thấy cô đơn biết bao sau khi Đức Gio-an Phao-lô II qua đời, vị Giáo Hoàng hơn hai mươi sáu năm qua đã chăn dắt và hướng dẫn chúng ta đi trên đường đời! Người đã bước qua ngưỡng cửa đời sau, đi vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nhưng người không đi bước ấy một mình. Ai tin thì chẳng bao giờ cô đơn, dù khi sống hay khi chết. Vào lúc đó, chúng ta có thể kêu gọi các thánh thuộc mọi thời đại, là bạn hữu, là các anh, các chị của người trong đức tin, và ta biết rằng các đấng ấy sẽ làm một đoàn rước sống động để cùng với người đi vào thế giới đời sau, đi vào vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng người đang ở với những đấng đồng thanh đồng khí với mình, người đang ở trong nhà mình.
Chúng tôi cũng được an ủi khi chúng tôi long trọng tiến vào Mật Hội, để bầy người Chúa đã chọn. Chúng tôi làm sao mà nhận rõ danh tính người ấy? Làm sao 115 vị Giám Mục, thuộc mọi nền văn hoá và mọi nước, có thể phát hiện ai là người Chúa muốn ban cho sứ mệnh ràng buộc và tháo cởi? Một lần nữa, chúng tôi biết mình không cô đơn, chúng tôi biết rằng có các bạn hữu của Thiên Chúa vây quanh mình, dẫn đường và chỉ hướng cho mình.
Và giờ đây, vào lúc này, tôi tá hèn yếu của Thiên Chúa như tôi lại phải đảm trách một nhiệm vụ quá sức lớn lao, đúng là vượt quá mọi khả năng của con người. Làm sao tôi làm được? Sức đâu mà làm? Các bạn thân mến, tất cả các bạn vừa kêu cầu toàn thể đạo binh các Thánh, mà tiêu biểu là những đại danh trong lịch sử Thiên Chúa giao tiếm với loài người. Như vậy tôi cũng có thể nói với một niềm xác tín mới: Tôi không cô đơn. Tôi không phải một mình gánh vác những điều thực sự tôi không thể gánh vác một mình. Tất cả các Thánh của Thiên Chúa ở đây để bảo vệ tôi, nâng đỡ tôi. Và thưa các bạn thân mến, lời cầu nguyện, lòng khoan dung, tình yêu mến, niềm tin, niềm cậy của các bạn cùng đi với tôi.
Quả thực, mầu nhiệm các Thánh Hiệp Thông không chỉ bao gồm những vĩ nhân nam nữ đã đi trước chúng ta và chúng ta đã biết danh. Tất cả chúng ta đều thuộc về mầu nhiệm các Thánh Hiệp Thông, chúng ta đã được chịu phép rửa nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, chúng ta đã lãnh nhận sự sống được ban tặng cho chúng ta trong Mình và Máu Chúa Ki-tô, nhờ đó Chúa biến đổi chúng ta và cho chúng ta nên như Chúa…”
Vũ Khởi Phụng