VRNs (09.05.2011) – Roma, Italia
II – Đặc tính trần thế.
Như vậy, tự bản thể của mình, người tín hữu giáo dân sống với phẩm giá chung của tất cả các tín hữu Chúa Ki Tô.
Nhưng phương thức nào làm cho họ khác biệt nhưng không tách biệt khỏi hàng giáo phẩm và tu sĩ?
Công Đồng Vatican II cho biết phương thức đó là đặc tính trần thế ( indole secolare) của họ.
Lời xác quyết có vẻ đơn sơ, nhưng không phải là đơn thuần mộc mạc, bởi đó muốn hiểu được ý nghĩa súc tích hàm chứa trong đó, cần phải đặt tầm quan trọng thần học của ” đặc tính trần thế “
- dưới ánh sáng cứu độ của Chúa
và trong mầu nhiệm của Giáo Hôi.
Giáo Hội có chiều kich trần thế đích thực, liên hệ đến bản tính và sứ mạng của mình. Bởi lẽ Giáo Hội sống giữa trần thế và được sai đi để tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Ki Tô.
Mọi thành phần của Giáo Hội đều tham dự vào chiều kích trần thế của Giáo Hội, nhưng mỗi người một cách khác nhau tùy địa vị và phận vụ của mình.
Nếu nền tảng thần học cho cuộc sống và tác động đều như nhau cho Cộng Đồng Dân Chúa, điều kiện trần thế – mặc dầu cũng chung cho cả Giáo Hội, vì đang sống giữa trần thế – đối với người tín hữu giáo dân ( trên một bình diện khác hơn bình diện bản thể ) là nền tảng cho một cuộc sống tích cực cá biệt và khác biệt với cách sống của hàng giáo phẩm và giáo sĩ.
Công Đồng Vatican II diễn tả điều kiện trần thế của người tín hữu giáo dân như là nơi chốn mà Chúa gọi họ: “ họ được Chúa gọi ở đó “.
” Nơi chốn ” ơn gọi của họ không phải chỉ là một thực thể và môi trường bên ngoài ( vật thể cũng như cuộc sống xã hội ), mà còn là một thực thể trần thế có được nơi Chúa Giêsu ý nghĩa hoàn hảo của mình ( có nghĩa là môi trường trần thế với cả ý nghĩa thần học của nó ).
Một ” nơi chốn tuyệt đỉnh như vậy, bởi đó không thể bỏ qua đi “, chúng ta có được ý nghĩa trong văn bản của A. Diogneto, được diễn tả bằng danh từ Hy Lạp “ taxis “, tức là trận địa, nơi người binh sĩ phải chiến đấu. Bởi đó người có bổn phận mà lìa bỏ, thoát thân, bị ghép vào tội ” đào ngũ “, phản bội.
Như vậy, nếu phải nói lên việc chuyên cần dấn thân phải có giữa trần thế của người tín hữu giáo dân, chúng ta phải liệt kê mọi bổn phận cá biệt và động tác trần thế mà con người bị ràng buộc trong cuộc sống của mình,
- từ việc làm cá nhân thường nhật
- cho đến việc dấn thân chính trị, xã hội, kinh tế, nghệ thuật, văn hoá, truyền thông…
Nói một cách ngắn gọn, phận vụ trần thế là tất cả những gì con người thực hiện theo giới răn của Chúa: ” cai quản đất đai ” như lúc Người dựng nên tổ phụ chúng ta:
- ” Ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh Ta, giống như chúng Ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất ” ( Gen 1, 26).
Nhưng ” cai quản ” hay ” làm bá chủ ” mặt đất có nghĩa là ” thiết định các sự vật như ý Chúa muốn “.
Và thiết định theo ý Chúa muốn có nghĩa là cần phải lưu tâm trước tiên sự vật thế nào theo bản thể của chúng, định chuẩn giá trị theo bản tính của chúng cho đến điểm thích hợp nhứt, làm cho mọi vật có được ý nghĩa hoàn hảo theo chân lý nội tại của chúng.
Điều đó bởi vì chân lý nội tại của các sự vật ( và cả các vật sống động) diễn tả ý muốn của Thiên Chúa là Đấng Tối Cao.
Đi vào thực tế, nói một cách đơn sơ, thiết định mọi sự theo ý muốn của Thiên Chúa là
- sống và hiểu biết tính dục trong giá trị nội tại của nó và có ý nghĩa để giải thoát con người khỏi cảnh sống cô đơn và làm cho con người có khả năng sinh sản ra đời sống mới;
- sống và hiểu biết xã hội tính đến định điểm cao nhứt: đó là tình huynh đệ, sống bạn bè với nhau;
- sống và hiểu biết việc làm như là phương thế để hoàn hảo hoá chính mình và làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn;
- sống và hiểu biết việc học hành như là phương tiện để đạt được đến chân lý của các sự vật và sự việc;
- sống và hiểu biết các môn chơi, giải trí như là phương thế và giây phút để làm cho mình thư thả, giải thoát được các mối bận tâm, để lấy lại sức và quân bình hóa tâm thần.
Áp dụng những gì vừa nói vào các môi trường khác của việc dấn thân trần thế, chúng ta sẽ thấy được khoảng không gian mênh mông được mở ra cho đời sống người tín hữu giáo dân.
Hướng dẫn các thực tại trần thế đạt được hoàn hảo ý nghĩa của mình làm cho trần thế được mở rộng ra trên cả những gì là thực thể của mình và có liên hệ đến những gì thuộc về ước vọng tối đa mà con người đang mang nơi mình: đó là Thiên Chúa.
Như vậy, nhờ vào sức mạnh của Phép Rửa, người tín hữu giáo dân được Chúa kêu gọi góp phần như là từ bên trong trần thế, tác động
- như là men bột, để thánh hoá trần thế,
- bằng động tác của chính mình, dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm
- và như vậy làm cho mọi người thấy được Chúa Giêsu,
- nhân chứng bằng chính đời sống mình và với ánh sáng chọi lọi của đức tin, niềm hy vọng và đức bác ái ( Lumen gentium, n. 31)
Bởi đó, chính trong vị trí giữa trần thế của người tín hữu giáo dân mà Thiên Chúa cho thấy rõ đồ án của Người và tỏ cho biết ơn gọi cá biệt, đó là tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách xử sự các sự việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Chúa muốn.
III – Đặc tính trần thế, từ viễn ảnh vũ trụ quang đến viễn ảnh Ki Tô Luận.
Cộng Đồng Vatican II, với các tài liệu liên quan đến người tín hữu giáo dân, như Lumen gentium và Gaudium et spes, Apostolicam actuositatem, đã cung cấp cho chúng ta diện mạo người tín hữu giáo dân không phải dưới viễn ảnh vũ trụ quan ( cosmologica ) mà Ki tô Luận ( Christologica).
Nếu chúng ta nghĩ đến người tín hữu giáo dân, dựa trên các tài liệu trước Công Đồng Vatican II, chúng ta được hướng dẫn để nghĩ đến họ là thành phần dân Chúa đang ở giữa trần thế.
Người tín hữu giáo dân được đặt vào các động tác liên quan đến các lãnh vực trần thế, để sống động hoá trần thế, tổ chức xã hội.
Suy nghĩ như vậy, chúng ta có chiều hướng suy nghĩ về bối cảnh thế gian, bối cảnh vũ trụ, trong đó người tín hữu giáo dân được ơn Chúa gọi sống trong đó, như là môi trường sống của mình.
Đó là cái nhìn vũ trụ quan.
Tuy nhiên, sống giữa trần thế, không phải chính là đặc tính cá biệt chỉ riêng cho người tín hữu giáo dân, mà với tư cách là con người. Tất cả chúng ta đều sống giữa thế gian, giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân.
Hiểu như vậy, chúng ta thấy được không phải vì sống giữa trần thế nói lên diện mạo của người tín hữu giáo dân như là người tín hữu Chúa Ki Tô, nhưng còn phải có một đặc điểm nào khác nữa, đó là đặc tính quy hướng về Chúa Ki Tô. Bởi đó không phải vô tình mà Thông Điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II được phát biểu dưới danh hiệu ” Christifideles laici ” ( Người tín hữu giáo dân của Chúa Ki Tô ).
Quy hướng về Chúa Ki Tô, một cách nào đó, cũng đã có trong nền thần học trước đó, nhưng là được đề cập đến một cách mặc nhiên ( implicite ).
Trước Công Đồng Vatican II nền thần học không có khả năng làm sáng tỏ ( minh nhiên, explìcite) quan niệm Ki Tô Luận nơi người tín hữu giáo dân, bởi hai lý do ngăn cản:
a) Lý do thứ nhứt, đó là do quan niệm xã hội tính và quản trị tính của các thừa tác viên trong Giáo Hội.
Quan niệm xã hội tính đó là quan niệm cho rằng các thừa tác viên được liên quan với Giáo Hội, được hiểu như là các viên chức với tước vị của mình trong xã hội. Bởi lẽ Giáo Hội, được coi như là một tổ chức xã hội hoàn hảo có
- những vấn đề cơ cấu tổ chức nội bộ
- và những vấn đề đối ngoại ( các mối tương quan cá biệt xã hội – Giáo Hội ) với các tổ chức xã hội trần thế.
Như vậy, khi bắt đầu nhận thức được đặc tính cá biệt của người tín hữu giáo dân, nhận thức đó được diễn tả theo quan niệm, theo đó thì
- hàng giáo phẩm có phận vụ trong nội bộ xã hội Ki Tô giáo và có đầy các quyền năng, có phận vụ năng động tích cực để xây dựng dân Ki Tô giáo.
- Trong khi đó thì người tín hữu giáo dân có lãnh vực cá biệt của mình trong các mối tương quan đối ngoại, trong việc làm sống động hoá lãnh vực trần thế.
Liên quan đến quan niệm nầy là phận vụ tác động. Hàng giáo phẩm hay các Thừa Tác Viên, tức là ” làm những điều gì đó “,
- các Linh Mục ” tác động trên những lãnh vực thiên thánh “;
- các tín hữu giáo dân làm những chuyện khác, các việc trần thế.
b) Lý do thứ hai cản trở đó là quan niệm bề ngoài về sự thiện hảo Ki Tô giáo.
Trên thực tế, hiện nay quan niệm cho rằng sự thánh thiện là ” tình trạng thiện hảo “, đã được coi như lỗi thời và thay vào đó là quan niệm trưởng thành về mọi người đều được Chúa kêu gọi trở nên thánh thiện ( mặc dầu còn có nhiều phân biệt khác nhau )
Từ thời Thánh François de Sales ( 1567-1622), trong ” Introduction à la vie dévote ” ( Dẫn nhập vào cuộc sống mộ đạo ), ngài đã viết:
- ” Cuộc sống mộ đạo hay cuộc sống thánh thiện không phải chỉ là cuộc sống của người vào sống trong tu viện, mà còn là cuộc sống của những ai thành lập gia đình, của ai là hoàng tử, của ai là người lính…mọi trạng thái con người đều có thể đưa chúng ta đến sự hoàn hảo của đời sống Ki Tô giáo “.
Lý do khiến cho nền thần học có được một cái nhìn cởi mở về sự thánh thiện được dành cho tất cả đó được diễn tả như sau: ai trong trạng thái sống của mình sống theo ý Chúa muốn, người đó đang bước đi trên con đường thánh thiện.
Điều vừa kể có thể giải thích bằng cái nhìn vào lý do ngoại tại ( motif exterieur) : thánh ý Chúa mà tôi vâng nghe chính là nguyên nhân làm cho động tác của tôi có giá trị, chớ không phải động tác của tôi tự nó có giá trị:
- không phải sự hiện hữu của tôi giữa trần thế hay tôi làm những việc gì đó làm cho tôi nên thánh,
nhưng chính vì tôi đang ở đây, trên thực tế tôi đang hành xử động tác vâng lời của tôi đối với thánh ý Chúa, mặc dầu cho thế giới có thế nào cũng vậy ( với các điều kiện thuận lợi hay đối nghịch ) và việc làm của tôi trong các điều kiện nào cũng vậy ( được nhiều thành công mỹ mãn hay có thể bị thất baị ).
Trong nhãn quan tiền Công Đồng vừa kể được coi như là sự dâng hiến bên ngoài : điều đó có nghĩa là thánh ý Chúa được xem như là yếu tố trên sự việc, khiến cho động tác của tôi có giá trị.
Động tác của tôi, tự nó không có lý do để trở thành động tác thánh thiện.
Bởi đó cho đến khi nào chúng ta chưa thể hiểu được rằng sự hiện diện giữa thế giới có giá trị Ki Tô giáo, bởi vì ngay sự hiện hữu đó tự mình đã được Chúa Ki Tô tham dự mật thiết: như vậy, yêu mến thế giới cùng với Chúa Ki Tô trở thành của lễ thánh thiện, đẹp lòng Chúa Cha.
Và chính vì sự không hiểu biết đó mà vấn đề người tín hữu giáo dân được diễn tả như là phía bên kia, ngược lại với hàng giáo phẩm:
- hàng giáo phẩm năng động trong việc kiến tạo cộng đồng Ki Tô giáo,
- người tín hữu giáo dân năng động trong việc đan kết các mối tương quan giữa cộng đồng Ki Tô giáo và các thực thể khác, xã hội khác, các lãnh vực trần thế khác.
Chỉ có trong tư tưởng thứ hai vừa kể, người tín hữu giáo dân mới có thể trở thành thánh, dường như mặc dầu họ phải đụng chạm với các sự việc trần thế.
Giữa thế gian, người tín hữu giáo dân trở nên thánh, không phải vì ở giữa trần thế, mà là vì họ hành động theo thánh ý Chúa, mặc dầu sống giữa môi trường trần thế.
Công Đồng Vatican II đã phá đổ đi bức tường hai lý do trên, cản trở không cho người tín hữu giáo dân thể hiện được một cách hoàn hảo, không phải diện mạo vũ trụ quan, mà là diện mạo Ki Tô Luận của mình:
- tín hữu giáo dân là một phương thức ở trong Chúa Ki Tô,
- trước khi là thực thể hiện diện giữa trần thế.
Chính mối tương quan với Chúa Ki Tô xác định thực thể của người tín hữu giáo dân.
Và hiện diện giữa trần thế là một giá trị Ki Tô giáo, bởi người tín hữu giáo dân ở giữa thế gian, như Chúa Ki Tô ở giữa thế gian, mặc dầu Người không thuộc về thế gian; và cho thế gian, mặc dầu đôi khi Ngưòi cũng chống lại thế gian, vì những sai trái của thế gian.
Được hội nhập vào Chúa Ki Tô không phải là tách lìa khỏi thế gian, mà là nâng cao các giá trị của thế gian bằng giá trị của Phúc Âm.
Cả cộng đồng dân Chúa đều hiện diện giữa thế gian, thông hiệp với thế gian và đời sống của người tín hữu Chúa Ki Tô liên hệ với các thực tại trần thế.
Thật vậy, Giáo Hội
- không tách lìa khỏi trần thế
- và người tín hữu giáo dân không phải là người trung gian của Giáo Hội.
Bởi lẽ nếu như vậy, chúng ta phải nhìn Giáo Hội như là một tổ chức xã hội phẩm trật.
Không phải Giáo Hội có trước, kế đến là các nhu cầu và các vấn đề của thế giới, mà Giáo Hội phải đáp ứng.
Đúng hơn
- trước hết có con người
- và kế đến là sự cứu chuộc của Chúa Ki Tô,
- ơn cứu chuộc đó được Giáo Hội tiếp tục thực hiện trong thế gian ( Gaudium et spes, n. 43).
III – Ơn gọi nên thánh.
Chương V của Hiến Chế Lumen gentium nói lên tính cách phổ quát lời kêu gọi trở nên thánh thiện, bằng cách đưa ra một định nghĩa mới.
Thánh thiện không có nghĩa là
- trạng thái hoàn hảo của những ai thoát tục, xa lánh trần thế,
- hay la trạng thái hoàn hảo của những ai sống giữa trần thế, bất cần điều gì có thể xảy ra, ngay cả để thi hành thánh ý Chúa,
- mà là bác ái, tham dự vào tình yêu của Chúa Ki Tô.
Thánh thiện là sống bác ái của Chúa Ki Tô, bác ái của Người đối với lịch sử con người, đối với thế giới, đối các sự vật ở trần thế nầy, đưọc dựng nên trong Chúa KiTô, được dựng nên vì Chúa Ki tô và chỉ có trong Người, mọi sự vật gặp được sự thực hiện hoàn hảo của chính mình.
Và mọi tín hữu Chúa Ki Tô, không phân biệt tước vị, lãnh vực, nói như Hiến Chế Gaudium et spes, n. 43,
- ” là người công dân của thị xã nầy hay thị xã khác ”
và họ được khuyến khích
- ” hãy trung thành thực hiện các phận vụ trần thế của chính mình ” ,
băng cách vượt thắng lằn mức phân chia giữa đời sống đức tin và đời sống thường nhật, bằng cách theo gương Chúa Ki Tô, quy tựu
- ” tất cả những cố gắng, nghị lực con người, nghề nghiệp, khoa học và kỷ thuật vào một Tổng Hợp Sinh Động Duy Nhứt cùng chung với các điều thiện mỹ tôn giáo, dưới sự điều hành tối thượng tất cả những điều đó để phối hợp nhằm vinh danh Thiên Chúa ” ( Gaudium et spes, n. 43a).
Như vậy, người tín hữu giáo dân không phải là nhịp cầu nối kết giữa Giáo Hội và trần thế.
Theo Hiến Chế Gaudium et spes, n. 43, không có một người tín hữu Chúa ki Tô nào, giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, đều được miễn chuẩn cho mình khỏi phải thực hiện nơi mình một sự tổng hợp sống động giữa những phận vụ trần thế và phận vụ tôn giáo, nhằm vinh danh Thiên Chúa.
Như vậy, ngay cả hàng giáo phẩm cũng không thể cảm thấy mình được miễn chuẩn có một mối tương quan xây dựng với động tác con người, giao trách cho người khác.
Dĩ nhiên là các vị hành xử trong giới mức những gì giáo luật cho phép, để không vượt ra bên ngoài và có thể làm cho tiếng nói của mình không còn là tiếng nói phổ quát chung cho mọi người, chớ không phải là tiếng nói thiên vị phe phái ( cfr. Can. 285, 3).
Tuy nhiên, sự kính trọng đối với lãnh vực tự lập chính đáng của các thực tại trần thế cần phải đươc hành xử theo lưong tâm ngay chính của mình.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đọc được trong Hiến Chế Gaudium et spes:
- ” Đối với người tín hữu giáo dân bổn phận đối với các việc dấn thân chuyên cần và động tác trần thế chính là của họ, mặc dầu không phải chỉ là cá biệt của họ ” ( Gaudium et spes, n. 43b).
Người tín hữu giáo dân được khuyến khích
- sống đối với lãnh vực mà chính yếu thuộc vị trí và thẩm quyền của họ,
- mặc dầu không phải chỉ là những lãnh vực dành riêng độc quyền cho họ,
trong tinh thần tôn trọng nguyên tắc tự lập chính đáng các thực tại trần thế.
Trong thực tế, điều đó có nghĩa là hành động như người công dân của Quốc Gia, cần phải học hỏi để có khả năng, thẩm quyền trong các lãnh vực mà mình phải hành xử tác động, cộng tác với những người khác có cùng một mục đích, xác quyết có sáng kiến mới mẻ và đem ra thực hiện.
Dĩ nhiên người tín hữu giáo dân biết rằng
- “ lương tâm của mình, được đào tạo thích hợp, có phận sự ghi khắc lề luật Chúa vào đời sống của thị xã trần thế ” ( Gaudium et spes, n. 43b).
Như vậy, người tín hữu giáo dân qua động tác của mình, chiếu soi và sắp xếp các thực tại trần thế
- ” thế nào để các thực tại đó có thể được thực hiện theo Chúa Ki Tô, cho chúng được phát triển và trở thành lời ngợi khen đến Đấng Tạo Hoá và Đấng Cứu Độ ” ( Lumen gentium, n. 31).
Từ đó, người tín hữu giáo dân hoàn hảo hoá ơn gọi trở nên thánh thiện mà Chúa Cha kêu gọi mình.
Một khi đã cứu vãn lại được viễn ảnh Ki Tô Luận, cần phải đi thêm một bước nữa xác nhận việc tham dự vào tình yêu mà Chúa Cha dành cho thế giới qua Chúa Giêsu. Việc tham dự đó có thể được sống dưới nhiều hình thức khác nhau, bởi vì Chúa Giêsu vô cùng sung mãn và chúng ta được mời gọi trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần để khai triển về phương diện nầy hay phương diện khác thực thể của Chúa Ki Tô.
Dĩ nhiên người tín hữu Chúa Ki Tô khai triển tất cả các chiều kích trọng đại Ki Tô giáo:
- là người ở giữa thế gian ( ngay cả một vị nữ tu dòng kín cũng có cách sống trần thế của mình, ngay trong tu viện),
- nhưng không thuộc về thế gian ( cả khi con người có đôi tay đang nhúng vào các diễn biến phức tạp của kinh tế, không phải là con người bị kết thúc trong đó ),
- là người cho thế gian ( mỗi người phải chia xẻ số phận của thế gian,bởi vì thế gian được Chúa yêu thương và Chúa muốn dựng nên ),
- nhưng là con người chống lại thế gian ( bởi vì yêu thương thế gian, nên nhiều khi phải chống lại, khi thế gian đóng kín đối với đồ án Thiên Chúa).
Mỗi người tín hữu Chúa Ki Tô đều được kêu gọi thực hiện bốn chiều hướng tính cách trần thế đó của Chúa Ki Tô, nhưng mỗi người được mời gọi nhấn mạnh hơn về phương diện nầy hay phương diện khác.
Tù đó phát sinh ra nhiều ơn gọi khác nhau trong việc sống giữa trần thế.
a) Hình thức thứ nhứt của ơn gọi phân biệt người tín hữu giáo dân.
Trong trường hợp nầy, người tin hữu giáo dân là người được mời gọi ” sống giữa trần thế “, mặc dầu không thuộc về trần thế.
Và người tín hữu giáo dân được mời gọi hãy tỏ ra bằng cách hành động cụ thể để phục vụ và dấn thân như khuôn mẩu Chúa Ki Tô phục vụ ở trần thế.
Nhưng người tín hữu giáo dân cũng chống lại trần thế, khi trần thế đóng kín mình, khước từ đồ án Thiên Chúa.
Ngược lại cũng vậy, cũng có thể là người tín hữu Chúa Ki Tô bằng cách sống một cách tổng quát đặc tính trần thế nầy. Được mời gọi tuyên xưng mình là người tín hữu Chúa Ki Tô, có nghĩa là ” không thuộc về trần thế “, với một hình thức tách rời, khước từ, xa lánh để nhấn mạnh môt khía cạnh nào đó của cuộc sống mình, không phải là cả đời sống mình.
b) Hình thức ơn gọi thứ hai sống đặc tính trần thế Ki tô giáo, phân biệt các người tín hữu giáo dân thành nhiều diện mạo khác nhau.
Giữa chính các tín hữu giáo dân với nhau cũng có những phương thức sống khác nhau để sống chính đặc tính trần thế Ki Tô giáo, đối với những phương thức cụ thể mà qua đó mỗi người tổ chức các cách sống cá biệt và dựa trên việc đặc tâm chú ý nhấn mạnh nào trong việc thực hiện bốn chiều kích vừa kể.
NGUYỄN HỌC TẬP