Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Căn tính và phận vụ người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội và giữa trần thế (1)

VRNs (06.05.2011) – Roma, Italia - I – THỰC THỂ
Công Đồng Vatican II đã dành một sự chú ý đặc biệt đến thực thể người tín hữu giáo dân.



Chương IV của Hiến Chế Lumen Gentium là văn bản đầu tiên của Công Đồng trong cả lịch sử Giáo Hội được dành riêng để nói về căn tính và phận vụ của người tín hữu giáo dân.

Chúng ta đặc tâm chú ý đến hai yếu tố nói lên đặc tính của người tín hữu giáo dân trong sứ mạng của mình, đó là

Giáo Hội tính ( ecclesiologità) và trần thế tính ( secolarità ) ( U. Sartorio, Linee di dibattito sui laici nel postconcilio italiano, il ” Sinodo 1987 e la Christifideles laici “,, in Credereoggi, n.3, 1994, p.48).

a ) Giáo Hội Tính: người tín hữu giáo dân
- không những thuộc về Giáo Hội,
- mà còn là Giáo Hội,

và động tác làm cho mình hiện diện giữa trần thế không có gì khác hơn là làm cho Giáo Hội hiện diện giữa thế gian.

Hiểu như vậy, tư tưởng của Công Đồng đã vượt lên trên quan niệm cho rằng người tín hữu giáo dân chỉ là chiếc cầu gạch nối, là người đại diện của Giáo Hội trong các mối tương giao với thế giới.

- “ Người tín hữu giáo dân không còn chỉ là người đứng trung gian, mà chính là Giáo Hội ” giữa trần thế, giữa thế giới dân ngoại ” ( M.D. Chenu, I laici e la consacratio mundi),

b) Đặc tính trần thế: người tín hữu giáo dân được Chúa kêu gọi sống Giáo Hội tính của mình, theo phương thức trần thế, trong lãnh vực trần thế, nơi mà mình đang ra công dân dấn thân xây dựng Nước Chúa:
- ” Theo ơn gọi của mình, chính người tín hữu giáo dân tìm kiếm Nước Chúa bằng cách hành xử xây dựng các sự việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Chúa muốn ” ( Lumen gentium, n. 31).

Dưới hai đặc tính đó, chúng ta tuần tự đề cập đến
- Phép Rửa và đời sống mới Ki tô giáo,
- Tham dự vào phận vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Ki Tô,
- Đặc tính trần thế,
- Đặc tính giáo dân từ viễn ảnh vũ trụ quan đến Ki Tô luận,
- Đưọc mời gọi nên thánh thiện.

1 – PHÉP RỬA VÀ ĐỜI SỐNG KITÔ GIÁO

Từ Công Đồng Vatican II trở đi, Giáo Hội luôn luôn nhận thức cần phải khai triển nền thần học về căn tính người tín hữu giáo dân và, tiếp theo Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1987, Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II đã nêu lên những đường nét chính trong Huấn Dụ Christifideles laici của ngài.

Căn tính hay bản tính người tín hữu giáo dân, còn hơn cả những gì chỉ gồm trong quan niệm đối ngược tiêu cực, ” không phải là giáo sĩ “.

Căn tính người tín hữu giáo dân được định giá theo những gì tích cực, đó là
- ” Người tín hữu giáo dân, cũng như tất cả các thành phần của Giáo Hội, là những nhánh có gốc rễ trong Chúa Ki Tô, là Cây Nho thật, được Người làm cho sống và trở nên những người đem lại sự sống cho người khác ” ( Christifideles laici, n. 9).

Như vậy người tín hữu giáo dân có căn tính thiết yếu của mình bởi sự kiện là vì họ ở trong Chúa Ki Tô, như là cành nho sống.

Điều đó mặc nhiên hàm chứa đặc tính tín hữu giáo dân của tín hũu Chúa Ki Tô có nền tảng trước tiên trên quyết định của con người
- chấp nhận đồ án cứu rổi của Thiên Chúa, như là ơn ban nhưng không,
- chọn lựa Chúa Ki Tô như là khuôn mẫu của cuộc sống
- và để cho mình được biến đổi hình dạng trong trường phái của lời Người.

Như vậy, nói cho cùng, căn tính hay bản tính của người tín hữu giáo dân chính yếu là
- được đặt nền tảng trên bản tính Chúa Ki Tô,
- trên sự kiện thuộc về Người, chớ không phải trên sự kiện “không phải là giáo sĩ “.

Căn tính vừa kể được đặt nền tảng kế đến trên việc
- đã được lãnh nhận Phép Rửa
– và nhờ Phép Rửa trở thành tạo vật mới trong Chúa Ki Tô.

Kế đến, trên căn tính nầy, mà trong lòng cộng đồng các môn đệ Chúa Ki Tô có được nhiều phận vụ khác nhau và các phẩm trật phân biệt nhau.

Như vậy Công Đồng Vatican II đặc tâm chú ý đến sự kiện là người tín hữu giáo dân cần phải được xem là người,
- không phải vì không có được một chức vụ thừa tác viên được truyền chức hay vì không phải là một tu sĩ,
- mà là người đã được rửa tội, hội nhập vào Chúa Giêsu và được kiến tạo thành dân Chúa nhờ Phép Rửa ” ( Lumen gentium, n. 31).

Và với tư cách đó, sự hiện diện của người tín hữu giáo dân giữa trần thế là sự hiện diện để hội nhập văn hoá Phúc Âm vào dòng lịch sử.

Chúng ta có thể xác nhận căn tính người tín hữu giáo dân theo 4 chiều hướng:

1) Người tín hữu giáo dân là người đã được nhận Phép Rửa.

Xác nhận điều đó, có nghĩa là chúng ta đặc tâm chú ý đến tiến trình, trong đó Thiên Chúa muốn cứu rổi nhân loại, ban cho con người có phương tiện để đến với đức tin và hội nhập hiệp thông với Người.

Trong phương thức đó, con người cảm nhận mình được liên hệ vào tiến trình làm cho mình dần dần ý thức được rằng Phép Rửa đã tác động thế nào trong cuộc sống mình và làm cho mình có được tất cả các đặc tính của người môn đệ Chúa Ki Tô, mà đặc tính trước tiên giữa các đặc tính đó, đó là Điều Răn Yêu Thương.

2) Người tín hữu giáo dân được hội nhập vào Chúa Ki Tô.

Xác nhận vừa kể nhấn mạnh rằng bản tính của người nhận được Phép Rửa, chúng ta cần phải tìm ra điều mới mẻ được tác dụng của Phép Rửa mang lại cho. Đó là Phép Rửa làm cho người nhận được trở thành con Thiên Chúa trong Chúa Giêsu.

c) Người tín hữu giáo dân là thành phần Dân Chúa.

Là phần của Dân Chúa mới, làm cho người nhận được Phép Rửa thành ” người được tuyển chọn “, được Chúa tuyển chọn với mục đích chính xác để nhớ rằng, bằng căn tính của mình, ngay cả trước khi bằng sứ mạng, nhân chứng cho tất cả mọi người Thiên Chúa hiện diện trong dòng lịch sử của họ để cứu độ họ, nhờ vào sự chấp nhận của họ trở nên thành phần dân Người.

d) Người tín hữu giáo dân khác với các thừa tác viên được truyền chức.

Người tín hữu giáo dân là người sống ơn gọi Phép Rửa của mình, thiết lập Vương Quốc của Chúa, bằng
- một cuộc sống theo tinh thần trọn hảo của Phúc Âm
- và thể hiện công cuộc chuyên cần dấn thân của mình loan báo Phúc Âm trước thế gian,
- gánh nhận lấy các vấn đề phức tạp trần thế, bởi vì người tín hữu giáo dân đang hiện diện giữa những thực thể đó như là dấu chứng đặc tâm nhân từ và cứu độ của Chúa.

Vị thừa tác viên được truyền chức trái lại, là thực thể được Vị Thầy Chí Thánh muốn, để cho cộng đồng Dân Chúa mới có được giữa các Tông Đồ
- những con người được Chúa Thánh Thần soi sáng,
- có khả năng xác nhận các ân sủng được Chúa ban cho trong Dân Chúa
- và phát huy các ân sủng đó vì lợi ích cho cộng đồng.

Căn tính của người tín hữu giao dân cũng khác với căn tính của các tu sĩ và các thành phần được truyền chức . Khác, nhưng không phải vì đó mà căn tính của người tín hữu giáo dân thấp kém hơn, đúng hơn chỉ khác nhau mà thôi,
- khác nhau về phương diện thuộc về chức linh mục của Chúa Ki Tô đối với sứ mạng nội bộ của Cộng Đồng Dân Chúa và cấu trúc,
- cũng như khác nhau về phương diện dấn thân chuyên cần giữa thế giới.

Qua những gì vừa duyệt xét để tìm hiểu, chúng ta được hướng dẫn một cách ngắn gọn vào phẩm giá của người tín hữu giáo dân ( Christifideles laici, n. 14)

Nhân phẩm của người tín hữu giáo dân, trước tiên chúng ta nên nên tìm hiểu dựa trên sự kiện họ là con người và với tư cách là con người, phẩm giá của họ được dựa trên nền tảng cá biệt của mình, đó là hình ảnh và giống như . Thiên Chúa.

Điều đó cho biết con người là tạo vật duy nhứt giữa các tao vật trần thế có ý thức và tự do, trung tâm điểm và thượng đỉnh của tất cả những gì hiện hữu trên mặt đất.

Như vậy, nguồn mạch xa của phẩm giá người tín hữu giáo dân là tính chất ” bà con, máu mủ ” giữa người tín hữu giáo dân tạo vật và Thên Chúa, Đấng Tạo Hoá, tức là ” được dựng nên giống hình ảnh và giống như Thiên Chúa ” ( Gen 1, 26 – 27).

Điều vừa kể, một khi được biết đến nhờ Mạc Khải cho, sẽ hướng dẫn người tín hữu giáo dân chấp nhận con đường Ki Tô giáo, và qua Phép Rửa, trở thành thành phần sống động của Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô, đó là Giáo Hội, mà người tín hữu giáo dân là thành phần cấu trúc, để đem ơn cứu rổi được Chúa Giêsu tác động vào lịch sử hằng ngày của thế gian.

Tất cả những điều đó trở thành khả thi, bởi lẽ nhờ ân sủng Phép Rửa, người tín hữu giáo dân đã trở thành “ con trong Chúa Con “, và là đàn em của Chúa Giêsu.

Trở thành em của Chúa Giêsu có nghĩa là mình đã được thông hiệp với Chúa Cha, mà Chúa Ki Tô là Con, thông hiệp nhờ động tác của Chúa Thánh Thần.

2 – THAM DỰ VÀO CHỨC VỤ TƯ TẾ, NGÔN SỨ VÀ VƯƠNG GIẢ CỦA CHÚA KITÔ

Vẫn nhờ Phép Rửa, người tín hữu giáo dân thể hiện sâu đậm hơn căn tính nầy của mình, bằng cách chia xẻ chức vụ phục vụ của Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ Chúa, bằng cách thực hiện và tham dự, giữa thực tại trần thế, ba “munera Christi, ” phận vụ của Chúa Giêsu “, tư tế, ngôn sứ và vương giả.

a) Tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Ki Tô.

Công Đồng xác nhận rằng, người tín hữu Chúa Ki Tô, với Phép Rửa, đã trở nên mật thiết kết hợp với đời sống và sứ mạng của Chúa Ki Tô, từ đó cũng tham dự vào chức vụ tế tự của Người.

Như Chúa Giêsu đã biết dâng hiến chính mình, trở thành của lễ đẹp lòng Chúa Cha để hoà giải lại giữa Thiên Chúa và con người, cũng vậy người tín hữu giáo dân phải nhìn và đặt mục đích cho thực tại trần thế, thiết định trong đời sống của mình một sự thông hiệp sâu đậm với Chúa Thánh Thần. Bởi vì chính Người cho họ có khả năng “ làm cho trở nên thánh thiện ” – nghĩa là đưọc Chúa chấp nhận – việc làm, niềm vui, sự đau khổ, lời cầu nguyện của mình.

Như vậy, phận vụ tư tế của người tín hữu giáo dân là hoán chuyển trong thực tại nơi mình đang sống và hành động thành chiều kích thiêng liêng, bằng cách làm trở thành tư tưởng và ý nghĩa điều mà tâm hồn nhân loại cảm nhân và tìm cách thực hiện trong nhũng hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

Người tín hữu giáo dân tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Ki Tô, khi thực hiện các động tác của mình trong nhãn quang Phúc Âm và dâng lên Chúa Cha, như là dấu chứng ngợi khen và yêu thương Người.

b) Tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Ki Tô.

Suy nghĩ về những gì Công Đồng Vatican II đã nói, Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II cho biết thế nào căn tính kể trên của người tín hữu giáo dân trở nên nguồn mạch để họ có khả năng tác động:

- ” Việc tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Ki Tô…khiến cho người tín hữu giáo dân có khả năng và bổn phận phải đón nhận Phúc Âm trong đức tin và loan báo bằng ngôn từ và bằng hành động, bằng cách không nghi ngại can đảm tố giác sự ác. Hiệp nhứt với Chúa Ki Tô, ” Vị Đại Ngôn Sứ ” ( Lc 7, 16), và được thiết lập nên trong Chúa Thánh Thần thành ” các chứng nhân Chúa Phục Sinh “; các tín hữu giáo dân được làm cho tham dự theo ý nghĩa đức tin thiêng liêng của Giáo Hội không thể sai lầm vào đức tin, cũng như vào ân sủng của lời Chúa ( Act 2, 17-18; Ap. 19, 10). Người tín hữu giáo dân cũng được kêu gọi làm chiếu sáng lên điều mới mẻ và sức mạnh của Phúc Âm trong đời sống hằng ngày của mình, trong gia đình, ngoài xã hội; cũng như phát biểu lên, với lòng nhẫn nại và can đảm trong các trạng thái đối nghịch của thời đại hiện tại sự hy vọng của mình vào niềm vinh quang, ngay cả trong các cấu trúc của đời sống trần thế ” ( Christifideles laici, n. 14).

Tham dự vào địa vị ngôn sứ của Chúa Ki Tô bắt buộc người tín hữu giáo dân chính yếu phải sống điều mà mình là nhân chứng của Phúc Âm.

c) Tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Ki Tô.

Công Đồng Vatican II phát hoạ đường hướng chức vụ vương giả của Chúa Ki Tô và sự tham dự của người tín hữu giáo dân vào chức vụ đó như sau:
- ” Chúa Ki Tô đã làm cho mình vâng lời cho đến chết và bởi đó Người được Chúa Cha nhắc lên vào vinh quang của Vương Quốc; dưới chân Người mọi vật đều được đặt phục tùng bên dưới, để cho Người đặt chính mình và mọi tạo vật vâng phục Chúa Cha, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi loài. Quyền năng nầy, Chúa Giêsu đã thông ban cho các môn đệ, để các các vị cũng được thiết lập nên trong tự do vương giả ” ( Lumen Gemtium, n. 36).

Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II lấy lại tư tưởng đó và xác nhận:
- ” Nhờ vào việc họ thuộc về Chúa Ki Tô là Chúa và là vua vũ trụ, người tín hữu giáo dân tham dự vào chức vụ vương giả của Người và họ được mời gọi phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa và loan truyền Vương Quốc đó trong lịch sử. Họ sống đời sống vương giả Ki tô giáo, trước tiên là qua việc chiến đấu thiêng liêng để chiến thắng nơi chính mình vương quyền của tội lỗi ( Rom 6,12) và kế đến bằng việc dâng hiến chính mình để phục vụ, trong bác ái và công lý. Chính Chúa Giêsu hiện diện nơi tất cả đàn em của Người, nhứt là nơi những ai bé mọn ” ( Mt 25, 40) ( Christifideles laici, n. 14).

Như vậy, người tín hữu giáo dân có thể nhập thể và thực hiện phận vụ vương giả của Chúa Ki Tô, bằng ba phương thức:
- bằng cách chiến thắng nơi chính mình vương quyền của tội lỗi,
- đưa anh em vào Vương Quốc của Chúa Ki Tô
- và thiết lập mọi sự trong Chúa Ki Tô.

NGUYỄN HỌC TẬP