VRNs (13.05.2011) – Vatican – Chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm ra ý nghĩa cuộc sống của mình, vì con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa và nó ước mong Thiên Chúa. Lời cầu nguyện diễn tả nỗi ước mong đó của con người.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm cnâu trong buổi tiếp kiến tại quảng trường thánh Phêrô, sáng thứ tư 11-5-2011.
Trong bài huấn dụ ngài đã tiếp tục nói về lời cầu nguyện và ý thức tôn giáo như là thành phần cuộc sống con người trong suốt lịch sử của nó. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:
Chúng ta sống trong một thời đại trong đó hiển nhiên có các dấu vết của khuynh hướng tục hóa. Thiên Chúa xem ra biến mất ở chân trời của nhiều người, hay trở thành một thức tại mà người ta thờ ơ với nó. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhận ra nhiều dấu chỉ cho thấy một sự thức tỉnh tôn giáo, việc tái khám phá ra tầm quan trọng của Thiên Chúa đối với cuộc sống con người, một đòi buộc tinh thần để thắng vượt một quan niệm thuần túy chiều ngang, vật chất về cuộc sống con người. Khi nhìn vào lịch sử mới đây, người ta nhận ra sự thất bại của những người từ thời chủ thuyết thiên quang luận đã báo trước rằng các tôn giáo sẽ biến mất và đã đề cao một lý trí tuyệt đối, tách rời khỏi đức tin, một lý trí sẽ đánh đuổi các bóng tối của khuynh hướng tín điều tôn giáo và làm tan thế giới cảu sự thánh thiêng, trao trả lại cho con người sự tự do, phẩm giá và sự tự lập của nó đối với Thiên Chúa. Kinh nghiệm của thế kỷ vừa qua với hai thế chiến thê thảm đã gây khủng hoảng cho sự tiến bộ mà con lý trí tự lập đó, mà con người không có Thiên Chúa đó xem ra có thể bảo đảm được.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trích giáo huấn của Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng qua việc tạo dựng Thiên Chúa kêu gọi mọi sinh vật từ hư không bước vào sự hiện hữu… Cả sau khi vì tội lỗi con người đã đánh mất đi sự giống Thiên Chúa của mình, nó vẫn là hình ảnh của Đấng tạo dựng ra nó. Nó duy trì ước muốn Đấng đã gọi nó vào đời. Mọi tôn giáo đều làm chứng cho sự kiếm tìm nòng cốt ấy của con người” (s. 2566). Chúng ta có thể nói rằng đã không có nền văn minh lớn nào từ thời xưa cho tới ngày nay, mà đã không có tôn giáo.
Tự bản chất của nó, con người là tôn giáo cũng như con người khôn ngoan và con người sáng chế. Ước muốn Thiên Chúa được khắc ghi trong trái tim của con người, bởi vì con người đã được Thiên Chúa tạo dựng và được tạo dựng cho Thiên Chúa (s. 27). Hình ảnh của Thiên Chúa được khắc ghi trong bản chất con người và nó cám thấy cần phải tìm ra một ánh sáng để trả lời cho các vấn nạn liên quan tới ý nghĩa sâu thẳm của thực tại, câu trả lời mà nó không thể tìm thấy nơi chính mình, trong sự tiến bộ hay trong khoa học thực nghiệm. Đó là lý do tại sao nảy sinh ra các hình thái tôn giáo khác nhau nhằm trả lời cho ước mong của sự tràn đầy, của hạnh phúc, của nhu cầu được cứu rỗi, và kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống. Con người kỹ thuật số cũng như con người của các hang động tìm trong kinh nghiệm tông giáo các con đường để vượt thắng sự hữu hạn của mình, và bảo đảm cho cuộc mạo hiểm tạm bợ trên trần gian này. Ngoài ra, một cuộc sống không có chân trời siêu việt sẽ không có một ý nghĩa trọn vẹn và niềm hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều hướng tới. Tuyên ngôn của Công Đồng Chung Vaticăng II về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo đã tóm tắt chờ mong đó của con người như sau: ”Con người mong đợi các tôn giáo giải đáp về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những bí nhiệm xưa nay vẫn làm tâm hồn họ phải xao xuyến sâu xa: con người là gì? Đời người có mục đích và ý nghĩa nào? Sự thiện và tội ác là chi? Đâu là nguyên nhân và mục đích của
đau khổ? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thực sự? Cái chết, sự phán xét, và thưởng phạt sau khi chết là gì? Sau cùng, cái huyền nhiệm tối hậu khôn tả vẫn bao trùm cuộc sống chúng ta là chi, chúng ta phát xuất từ đâu và chúng ta hướng về đâu?” (NA 1). Con người biết biết nó không thể một mình trả lời cho các vấn nạn này. Nó cần rộng mở cho một cái gì, hay cho một ai khác có thể ban cho nó cái nó thiếu.
Và Đức Thánh Cha khai triển điểm này như sau: Con người mang trong mình một khát vong sự vô tận, một nỗi nhớ nhung sự vĩnh cửu, một kiếm tìm vẻ đẹp, một ước mong tình yêu, một nhu cầu ánh sáng và sự thật đẩy nó tới với Đấng Tuyệt Đối: con người mang trong mình ước mong Thiên Chúa. Và trong một cách thức nào đó, con người biết nó có thể hướng tới Thiên Chúa và cầu khấn Ngài. Thánh Toma thành Aquino, một trong các thần học gia lớn nhất của lich sử, định nghĩa lời cầu nguyện là ”sự diễn tả ước mong Thiên Chúa của con người”. Sự lôi kéo tới với Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa đã đặt để trong con người, là linh hồn của lời cầu nguyện. Nó mặc lấy biết bao nhiêu hình thái và phương cách theo lịch sử, thời gian, thời điểm, ơn thánh và cả tội lỗi của người cầu nguyện nữa. Lịch sử con người đã biết tới các hình thái cầu nguyện khác nhau, bởi vì nó đã phát triển các phương thức khác nhau rộng mở cho Đấng Khác và cho Đấng Ơ Bên Kia, đến độ cầu nguyện là kinh nghiệm hiện hữu trong mọi tôn giáo và mọi nền văn hóa.
Thật thế, lời cầu nguyện không bị cột buộc vào một bối cảnh đăc biệt nào, mà được khắc ghi trong trái tim của từng người và của từng nền văn hóa. Nó là một thái độ nội tâm, trước khi là một chuỗi các thực hành và công thức. Nó là một kiểu sống trước mặt Thiên Chúa, trước khi là việc chu toàn các hành động phụng tự hay nói lên bằng lời. Lời cầu nguyện có trung tâm và đâm rễ sâu trong nơi cùng thẳm nhất của con người, vì thế không dễ mà có thể đọc được nó, và cũng vì thế nó có thể là lý do gậy ra các hiểu lầm và việc mầu nhiệm hóa nó. Do đó kinh nhgiệm của lời cầu nguyện là một thách đố đối với tất cả mọi người, một ơn cần phải khẩn nài, một ơn của Đấng mà chúng ta hướng tới.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bai huấn dụ: Trong lời cầu nguyện trong mọi thời đại lịch sử, con người tự nhìn mình và tình trạng của mình trước mặt Thiên Chúa. Từ Thiên Chúa và trong trật tự đối với Thiên Chúa nó kinh nghiệm được mình là thụ tạo, cần được trợ giúp, không có khả năng tìm ra cho mình việc hoàn thành cuộc sống và niềm hy vọng của chính mình. Trong tương quan đó với Thiên Chúa, là Đấng trao ban ý nghĩa cho cuộc sống, lời cầu nguyện có một trong các diễn tả đặc thù của nó là qùy gối xuống. Người ta qùy gối vì bị bắt buộc bởi điều kiện nghèo túng hay nô lệ của mình, nhưng người ta cũng có thể qùy gối một cách tự phát, bằng cách tuyên bố sự hạn hẹp của mình, sự cần tới một Đấng Khác. Và tôi tuyên bố với Người rằng tôi yếu đuối, tôi cần được trợ giúp, tôi là kẻ tội lỗi. Trong minh nghiệm của lời cầu nguyện, con người thụ tạo diễn tả tất cả ý thức về mình, tất cả những gì nó có thể tiếp nhận được từ cuộc sống của nó; đồng thời nó hướng tất cả cuộc sống về Đấng, mà nó ở trước mặt; và nó hướng linh hồn về Mầu Nhiệm, từ đó nó trông chờ sự thành toàn các ước mong sâu thẳm nhất và sự trợ giúp để thắng vượt sự nghèo nàn nơi cuộc sống của nó.
Đức Thánh Cha định nghĩa thêm lời cầu nguyện như sau: Lời cầu nguyện là sự rộng mở và nâng lên cao của trái tim tới Thiên Chúa, như thế, trở thành tương quan cá nhân với Ngài. Và cả khi con người có quên Đấng Tạo dựng ra nó đi nữa, Thiên Chúa hằng sống và chân thật vẫn không ngừng đi trước kêu gọi con người bước vào cuộc găp gỡ nhiệm mầu trong lời cầu nguyện. Như sách Giáo Lý khẳng đinh: ”Bước chân tình yêu đó của Thiên Chúa tín trung luôn luôn tới trước trong lời cầu nguyện; bước chân của con người luôn luôn là một lời đáp trả. Từ từ Thiên Chúa tự mạc khải và mạc khải con người cho chính nó, lời cầu xuất hiện như một lời gọi nhau, một biến cố của giao ước. Qua các lời nói và cử thỉ biến cố đó khiến cho trái tim con người dấn thân đáp trả. Nó tự mạc khải trong suốt lịch sử cứu độ” (s. 2567).
Chúng ta hãy tập dừng lại nhiều hơn trước mặt Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô; chúng ta hãy học nhận ra trong sự thinh lặng, và trong nơi thẳm sâu nhất của chính mình, tiếng nói của Đấng mời gọi chúng ta và dẫn đưa chúng ta tới sự chiều sâu cuộc sống của chúng ta, tới suối nguồn của sự sống, suối nguồn của ơn cứu độ, để làm cho chúng ta vượt thắng sự hạn hẹp của cuộc sống và rộng mở chúng ta cho mực thước của Thiên Chúa, cho tương quan với Đấng là Tình Yêu Vô Tận.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Tchèques, Croat, Slovac, Ucraine, Lituani, và Ý. Chào các bạn trẻ, các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ngài xin mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ trong tháng 5 để suy niệm các mầu nhiệm cứu độ và nhận được nhiều ơn lành của Mẹ Thiên Chúa cho cuộc sống của mình.
Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người
Linh Tiến Khải
Radio Vatican – Tiếng Việt