VRNs (02.05.2011) – Sài Gòn – Trong Thánh Lễ tạ ơn mừng Đức tân chân phước Gioan Phaolô II tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chiều Chúa Nhật, ngày 1 tháng 5, Cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng, chánh xứ Phú Trung được Cha Giám Tỉnh DCCT Việt nam mời giảng lễ.
Ngài chia sẻ “những cảm nghiệm về cuộc đời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với sứ điệp “Đừng sợ” của Đức Kitô”. Cha Giuse Maria đã thổi vào người nghe tinh thần của vị tân Chân phước. Bài viết này xin ghi lại vài ý chính và vài cảm nhận về bài giảng “có lửa” ấy.
Vị giảng thuyết nhấn mạnh rằng “Đừng sợ” là kết quả của một cảm nghiệm sâu xa của Đức Giáo Hoàng khi ngài phải sống trong thời Thế chiến thứ II và phải chìm ngập trong nhiều nỗi sợ hãi của một nước Ba lan cộng sản, với những hệ quả tai hại của sự sợ hãi.
Cha Giuse Maria nói “Đức Giáo Hoàng hiểu rõ sứ điệp của Đức Giêsu không dựa vào mãnh lực thế gian, ý thức hệ con người hay tiền bạc, vũ khí… mà là dựa vào sức mạnh đến từ nơi Thiên Chúa”.
Cha cũng khẳng định “Can đảm không chỉ là quật cường, bất khuất. Can đảm bất khuất chỉ gây chống đối, loại trừ”, mà can đảm, “đừng sợ” là con đường của Tình Yêu. Chúa Giêsu vì yêu mà chấp nhận chết nhục nhã để cứu độ nhân loại. “Đừng sợ” nghĩa là phải biết yêu, phát triển, cảm hoá, xây dựng hoà bình, kiến tạo công lý. “Đừng sợ” phải khởi đi từ tình yêu, bênh vực cho người nghèo khổ, chịu bất công, để xây dựng xã hội có hoà bình, chân lý, tự do.
Tin Mừng Đức Kitô là kim chỉ nam cho chúng ta. Mọi chủ thuyết của thế gian có thời có lúc, nhưng Tin Mừng Chúa Giêsu thì không bao giờ thay đổi.
Ngày xưa, nhiều người thấy rõ bản án Chúa Giêsu là bất công, nhưng không dám phản đối, vì họ sợ hãi, kể cả những người thọ ơn Chúa, môn đệ Chúa. Trong xã hội này có nhiều bất công, tuổi thơ bị ăn cắp, người già không được nghỉ ngơi, nhiều người gặp khốn cùng, nhưng không ai lên tiếng vì “sợ, sợ, sợ”.
Và cha giảng thuyết kết luận: “Hãy kín múc sức mạnh từ Đức Giêsu Kitô như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để không phải sợ hãi.”
Nghe bài giảng này, chúng tôi nhớ lại nhiều người trước đây cố tình bỏ quên lời kêu gọi này của Đức Giáo Hoàng. Bây giờ khi lời này đã vang lên khắp nơi, thì mới đây lại có người cố tình giải thích “Đừng sợ nghĩa là đứng sợ hy vọng, đừng sợ đối thoại”.
Đọc giải thích ấy, ai cũng muốn bất cười vì người viết có vẻ chưa hiểu nghĩa từ “sợ” là gì. Từ xưa đến nay, con người chỉ sợ bạo quyền, sợ gian tà, sợ điều bất chính, chứ có ai sợ các giá trị cao quý? Cho nên khi ai đó nói “đừng sợ đối thoại” là họ đã hiểu rằng “đối thoại” của họ là một thứ trang sức rẻ tiền che đậy giùm cho một thế gian mưu mô. Đức Giáo Hoàng không hề nói đến loại “đối thoại” mà người nói thì nói bằng vũ lực mà người nghe thì rúm người lại. Có điều lạ là những người cổ vũ “đối thoại” thì lại không dám đối thoại với dân Chúa, với người nghèo, người bị oan khiên.
Bài giảng này cũng nhắc cho chúng ta rằng ở xã hội này người ta cổ vũ sự bất khuất kiên cường với ý nghĩa là bạo lực và thù hận. Đó không phải là lòng can đảm, bởi vì can đảm, “đừng sợ” phải gắn với yêu thương những người nghèo và người bị bỏ rơi. Ca ngợi tình yêu thì dễ, nhưng yêu ai mới là vấn đề. Bây giờ có phong trào “yêu người quyền thế và người có… võ”! “Đừng sợ” chính là dám nhìn vào những kẻ gây bất công, đòi công lý cho những người thấp cổ bé họng.
Bài giảng của Cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng còn là tiếng kêu giữa hoang địa, một hoang địa vắng vẻ dù có đông người. Những con người đang bước đi lầm lũi ấy như chưa được ai thúc giục hoặc chỉ có những tiếng thúc giục không ai hưởng ứng. Bây giờ ngọn lửa của lời hiệu triệu bắt đầu lan đi. Tia hy vọng đã loé sáng.
Chúng con cúi mình kính xin Đức tân Chân Phước Gioan Phaolô II cầu bàu cho chúng con được thoát khỏi những cơn sợ triền miên, và được thật sự cảm nếm hồng ân Chúa đã ban cho những con người có phẩm giá và nhân vị.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs