Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Một thẩm phán kiện nữ thủ tướng Đức ra tòa

VRNs (11.05.2011) – Hamburg, Đức Quốc – Một đất nước tự do dân chủ được xây dựng với thượng tôn pháp luật: già trẻ lớn bé, kẻ sang người hèn đều được bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước cầm quyền đất nước và người dân có thể kiểm soát hoạt động của chính quyền.



Chẳng phải những gì nhà nước ra quyết định điều hành quốc gia đều đúng cả, đều hợp lòng dân, chẳng hạn tại Anh quốc trong tuần vừa qua, ngày 06 tháng 5, cuộc trưng cầu ý kiến chống lại cuộc cải cách bầu cử đã đạt được thắng lợi lớn lao. Dân chúng Anh đã bỏ phiếu cho 68 phần trăm chống lại hệ thống bầu cử mới này. Nhà nước Anh phải nghe theo đa số quần chúng biểu quyết. Đây là sự thất bại của đảng Dân chủ Tự do đang cầm quyền.

Tại Đức, sau khi tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh thực hiện vụ tấn công vào ngày 29/4 nhằm tiêu diệt kẻ chỉ huy al-Qaida là Bin Laden đang ẩn náu tại Abbottabad. Cuộc tấn công chớp nhoáng giết được Bin Laden và sau đó được thông báo qua báo chí, truyền hình bởi tổng thống Mỹ: “Chào quý vị! Tối nay, tôi thông báo đến quốc dân Hoa Kỳ và thế giới rằng Hoa Kỳ đã thực hiện một kế hoạch tiêu diệt Osama bin Laden, thủ lãnh al Qaida và là kẻ khủng bố chịu trách nhiệm về việc giết hại hàng ngàn đàn ông, đàn bà và trẻ em vô tội”, thì bên trời Tây nữ thủ tướng Angela Mrekel bày tỏ qua cuộc họp báo với câu nói hớ hênh hoặc vì phấn khởi quá đỗi: “Tôi rất vui mừng về sự thành công giết chết Bin Laden” – (“Ich freue mich darüber, dass es gelungen ist, Bin Laden zu töten”).

Câu nói này đang làm cho bà thủ tướng Đức gặp nhiều khó khăn tại chính trường Đức trong những ngày vừa qua và chịu nhiều sự chỉ trích vì: không một ai được vui mừng về một người bị giết. Sự chống đối này đến từ phe đối lập, công chúng, tôn giáo và thậm chí ngay cả người trong đảng của bà thủ tướng.

Cường độ chống đối cho câu nói này đã gia tăng khi một thẩm phán tại Hamburg chính thức đưa đơn kiện bà thủ tướng vào ngày 06/5/2011 vì “công khai chấp nhận một vụ giết người có chủ ý.”

Đây là quan điểm của người tố cáo được đánh giá “như muốn chấp nhận một hành vi phạm tội giết người”, vị phát ngôn viên của Công tố viện Hamburg, ông Wilhelm Moeller cho biết khi nhận được đơn kiện thủ tướng. Công tố viện Hamburg sẽ bàn giao vụ án cho Công tố viện tại thủ đô Berlin để xem xét điều tra vì “nơi phạm tội” nằm trong thẩm quyền của họ.

Theo luật hình sự Đức, điều khoản 140 thì đây là một loại phát biểu công khai có thể làm nhiễu loạn “hòa bình công cộng”.

Nữ thủ tướng Merkel đã cố gắng sửa sai và nhận ra rằng lời tuyên bố của bà đã được coi là không phù hợp trong cách diễn tả này. Bà Merkel đã chỉ muốn bày tỏ rằng: “thế giới đang hy vọng có một chút an toàn hơn,” phát ngôn viên chính phủ, ông Steffen Seibert trả lời với báo chí.

Nơi phương Tây, đúng là người dân đang hưởng một nền luật pháp nghiêm minh. Ai cũng có thể thưa kiện chính phủ đến nơi đến chốn, và dĩ nhiên chẳng bao giờ bị kết tội “diễn biến” hoặc đưa vào tội danh “tuyên truyền chống đối nhà nước”.

Nhìn về Việt Nam, đã có một ví dụ kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như đã xảy ra ở Đức được nêu trên qua luật sư tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ (SN 1957) – Tiến sĩ Luật đại học Sorbonne (Paris).

2 đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của luật sư tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ

1. Ngày 11/6/2009, Ls Cù Huy Hà Vũ gửi đơn khởi kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc ký quyết định cho phép Trung Quốc khai thác quặng Bauxit ở Tây Nguyên. Một dự án được đông đảo quần chúng, đặc biệt là tầng lớp trí thức quan tâm đặc biệt. Ls Cù Huy Hà Vũ cho rằng khi ra quyết định phê duyệt dự án này mà không thông qua Quốc hội, ông Dũng đã vi phạm pháp luật Việt Nam: trong đó có luật bảo vệ môi trường, luật bảo vệ di sản văn hóa, luật quốc phòng, và luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo ông Cù Huy Hà Vũ thì việc các công ty Trung Quốc khai thác bauxite tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên chỉ là “trá hình” cho việc Trung Quốc xâm lược cả “mềm” lẫn “cứng” lãnh thổ của Việt Nam.

2. Ngày 14/9/2010, Ls Cù Huy Hà Vũ lại gửi đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hành vi “ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể, trái với hiến pháp và pháp luật”.

Ngày 6/11/2010, Cơ quan an ninh điều tra – Bộ công an họp báo cho biết Ls Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt vì tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, trong đó các đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có “tài liệu đi kèm”, chứng cứ cho hành vi “bịa đặt, xuyên tạc sự thật lãnh đạo và quản lý của nhà nước, chính phủ, gây hoang mang trong nhân dân, kích động, cổ súy, hô hào chống nhà nước” và “vu khống, xúc phạm danh dự các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước, chính quyền”.

Ngày 15/11/2010, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với ông về hành vi “tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam” theo điều 88 Bộ luật hình sự. Chiều 17/12/2010, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố ông về tội danh trên.

Vào ngày 04/4/2011, phiên tòa xét xử Ls Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội đã tuyên án “bản án ô nhục” 7 năm tù và 3 năm quản chế tại địa phương.

Nhìn chung

Cách hành xử và thực thi luật pháp của chính quyền Đức đúng là đứng về lẽ phải. Ai làm sai luật thì bị trừng phạt cho dù là thủ tướng.

Ngược lại tại VN luật pháp đang bị lèo lái chỉ nhằm bảo vệ cho người nắm quyền, nói đúng ra bảo vệ nhà nước và đảng csVN. Người dân không có một quyền nào để “kiểm soát” và “giám sát” chính phủ, bởi thế mới có Vinashin, PMU-18, Bauxit ở Tây Nguyên, và rất nhiều vụ cảnh sát công an đánh dân, giết dân, v.v…

Và cuối cùng hiến pháp VN chỉ đẻ ra các vị quan tòa “ngoan ngoãn” như ông thẩm phán Nguyễn Hữu Chính tại Hà Nội vào ngày 04/4/2011.

Hà Long