VRNs (07.05.2011) – Internet – MÂN CÔI được diễn dịch từ chữ ROSE, là hoa hồng, hay rosary, có ý nghĩa là tràng hạt Mân-côi, hay còn gọi là triều thiên hoa hồng. Điều nầy liên quan đến tục lệ thời xa xưa.
Để tôn kính Đức Mẹ, người ta thường kết 53 hoa hồng đỏ thắm, xen kẻ với 6 hoa hồng trắng đội lên đầu thánh ảnh Đức Mẹ. Tập tục tốt đẹp, vừa có ý nghĩa trong việc tôn sùng, vừa thể hiện lòng thành con thảo nầy bỗng chốc phổ biến khắp mọi nơi, qua nhiều thời đại. Từ đó, hoa hồng được mệnh danh là nữ hoàng các loài hoa.
Đến thế kỷ thứ 13, người ta còn dựa theo nguồn gốc Mân-côi nầy để thành lập hội hoa hồng nữa. Cũng vào thời đó, có một chàng trai vốn yêu kính Đức Mẹ cách riêng, mỗi ngày đi hái 150 đóa hồng, kết lại thành tràn hoa, rồi đặt lên bàn thờ Đức Mẹ. Sau đó, chàng ta vào dòng tu. Nhưng luật lệ trong dòng gò bó, chàng tu sĩ trẻ không thể đi hái hoa thường ngày được để dâng kính Dức Mẹ, nên thật buồn phiền trong lòng. Một hôm, Cha viện trưởng gạn hỏi và được chàng thổ lộ, nên quá cảm động về việc làm thật ý nghĩa đó. Cha liền an úi và còn gợi ý, “Nếu con không thể đi hái hoa dâng kính Đức Mẹ mỗi ngày được, con cũng có thể đọc mỗi ngày 150 kinh Kính Mừng để thay thế cũng tốt vậy thôi.” Thế rồi, chàng tu sĩ trẻ liền vâng lời thực hiện.
Một hôm ngang qua cánh rừng vắng, lại đến giờ đọc kinh, nên thầy liền quỳ xuống và bắt đầu đọc. Thình lình bọn cướp xuất hiện, vây quanh và toan trấn lột thầy. Nhưng chúng khựng lại, vì thấy có một mỹ nhân xuất hiện và ngăn cản chúng. Còn vị tu sĩ trẻ vẫn tiếp tục cầu nguyện, hầu như không không hề hay biết điều gì đang xảy ra. Nhưng bọn cướp lại phát hiện, cứ phút chốc, từ trên miệng của thầy lại có một đóa hồng lại bay ra và kết dần thành tràng hoa hồng. Bỗng dưng tràng hoa lại biến nhỏ thành tràng chuỗi hạt. Nhờ sự chứng kiến đó mà bọn cướp chẳng những không hãm hại vị tu sĩ trẻ mà còn tỉnh ngộ và ăn năn hối cải. Sau đó, tất cả đều vào dòng tu.
Một chuyện khác, được xảy ra vào năm 1206, thánh Dominic Gurman (1170-1221) con ông Felix Gurman và á thánh Joan of Aza tại Calaruega, Tây-ban-nha đang nổ lực dạy đám thổ dân dị giáo thất học ở nước Pháp biết cách cầu nguyện, Đức Mẹ liền hiện ra với chuỗi Mân-côi và bảo thánh nhân truyền dạy cho thổ dân biết cách suy ngắm về Chúa Cứu Thế. Cùng năm đó, thánh nhân đã lập dòng nữ tại Prouille, Albigensian, thuộc miền nam nước Pháp.
Một tục lệ khác, thời xưa, người tín hữu lại thực hiện chuỗi Mân-côi đi bộ (The outdoor rosary walk) theo con đường dài, cứ dừng lại mỗi chặng đường để ngắm một kinh Kính Mừng. Họ tiếp tục làm như vậy cho hết 150 kinh Kính Mừng. Cũng có vài tu viện thực hiện đường Mân-côi trong rừng vắng vẻ, để người ngắm khỏi chia trí chia lòng.
Thời Ki-tô-giáo sơ khai, người ta thành lập những vườn hoa để dâng kính Đức Mẹ. Đặc biệt là người ngoại giáo, tạo những vườn hoa tương tự để tôn vinh sự chiến thắng của đạo Công Giáo. Những cây hoa trong vườn cũng còn đặt tên để tôn vinh danh Mẹ. Đến thời trung cỗ, việc đặt tên cho từng loại hoa càng nhiều hơn và càng ý nghĩa hơn nữa, không những đặt tên các loài hoa về Đức Mẹ mà còn cho Thiên Chúa, và nhiều vị thánh đáng kính khác nữa. Sau đó, người ta còn lập vườn hoa riêng biệt để kính dâng Đức Mẹ, Chúa Giê-su hay các vị thánh khác.
Tại Hoa-kỳ, từ năm 1932 qua sự gợi ý của hai ông Stokes và Eward Mc Tague, bà Frances Crane Lille đã cho thiết lập vườn hoa rất tân kỳ, chung quanh thánh ảnh Đức Mẹ lên trời. Rồi sau đó, các vườn hoa khác cũng được thành lập khắp nơi trên lãnh thổ đất nước nầy.
PHS Sưu tầm