VRNs (29.05.2011) – AsiaNews - Tác giả J.B. Vu trên AsiaNews có viết một bài với đề tựa: “Church’s social doctrine, to promote charity and justice”, tạm dịch “Giáo huấn về xã hội của Giáo hội giúp đẩy mạnh bác ái và công lý”.
Hội thánh Công giáo Việt Nam gần đây phải gánh chịu những sức ép và khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài. Giáo hội tại Trung Quốc lại đang đứng trước nguy cơ ly khai do sự can thiệp thô bạo của nhà cầm quyền Trung cộng. Người Công giáo Việt Nam nếu quan tâm đến tương lai của Hội thánh sẽ không thể không lo lắng. Họ ưu tư tìm kiếm những hướng dẫn của các vị “mục tử nhân lành”, những vị được giáo dân tín nhiệm, để thúc đẩy các giá trị của “bác ái và công lý”, đồng thời bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho Hội thánh.
Một cuộc thăm dò ý kiến của 70 giáo dân tại Sài Gòn cho thấy: người Công giáo Việt Nam cảm nhận được tình trạng chia rẽ giữa các Kitô hữu cũng như giữa giáo sĩ. Cuộc thăm dò này được tiến hành hôm 21/5/2011 tại các giáo xứ ở Sài Gòn còn cho thấy nhiều giáo dân Việt Nam đang rất “lúng túng” và cần sự hướng dẫn của những vị “mục tử nhân lành”. Những giáo dân được hỏi ý kiến cho rằng họ hơi thiếu tôn trọng và tin tưởng nhau. Những khó khăn và áp lực từ “bên ngoài” Hội thánh do nhà cầm quyền cộng sản áp đặt những luật lệ phi lý liên quan đến tôn giáo đã làm cho những khó khăn kia càng thêm trầm trọng.
Trả lời phỏng vấn AsiaNews, cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của sự “hiệp thông giữa các Kitô hữu”. Ngài nghĩ rằng các vị mục tử phải “phổ biến các giáo huấn về xã hội của Hội thánh Công giáo”, chẳng hạn như bản Tóm lược Học thuyết Xã hội. Ngài còn cho rằng cần phải giúp cho giáo dân ý thức về phẩm giá làm người, về ơn cứu độ của Thiên Chúa và về những giá trị của công bằng và bác ái.
Cha Thành cũng nhắc lại một vấn đề kéo dài khá lâu mà vẫn chưa được nhà cầm quyền giải quyết dứt khoát, đó là vấn đất đai và tài sản của Hội thánh Công giáo bị chiếm dụng chưa được trả lại cho chủ sở hữu. Ngài nói rằng những vấn đề ấy đã tạo nên tình trạng tham những, gây ra những bất công và áp bức trong xã hội. Ngài khuyến cáo nhà cầm quyền phải sửa lại Luật Đất đai để đáp ứng những mong đợi của người dân, đồng thời cũng phải trả lại những tài sản vốn thuộc về Hội thánh và cần phải phân biệt rõ ràng giữa mượn và sở hữu.
Các tu sĩ DCCT cũng lên tiếng phải đối hàng loạt các bất công gây ra cho người dân, đặc biệt là giáo dân, những người bị nhà cầm quyền sử dụng bạo lực cả về thể lý lẫn tinh thần. Vì thế, chúng ta cần phải cầu nguyện và làm theo lời Chúa, tức là giúp đỡ và ủi an những người đau khổ và bị bách hại. Ngài còn thêm rằng, sứ mạng của các tu sĩ DCCT là phục vụ những người nghèo khổ tất bạt, những anh chị em khuyết tật và những người xa quê.
Cha Giám tỉnh cho biết trước năm 1975, khi chế độ cộng sản chưa có ở miền Nam Việt Nam, các tôn giáo được tự do đóng góp vào lãnh vực giáo dục, y tế và các việc xã hội. Nhưng từ sau năm 1975 nhà cầm quyền cộng sản đã cấm tất cả những hoạt động của Hội thánh trong các lãnh vực này. Chính điều đó đã gây ra biết bao đau khổ và bất công cho người dân ở Việt Nam.
Cha Vinh Sơn nói rằng: “Hội thánh Việt Nam phải nhìn vào những gương mẫu tích cực như Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức cố Hồng Y P.X. Nguyễn Văn Thuận. Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mô tả cuộc đời Đức cố Hồng Y P.X. Nguyễn Văn Thuận là “một cuộc đời kiên nhẫn và trung thành một cách anh hùng trong ơn gọi của mình.”
HIẾU MINH, VRNs lược dịch
Nguồn: http://www.asianews.it/news-en/Vietnamese-Priest:-Church%27s-social-doctrine,-to-promote-charity-and-justice-21656.html#