VRNs (07.05.2011) – “Tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là hai nỗi lo lớn nhất hiện nay của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến chống “diễn biến hòa bình” đang len lỏi vào sâu không chỉ trong nội bộ cán bộ, đảng viên và cả quân đội nữa.
Chuyện này không còn là lời đồn thổi hay bịa đặt của các “thế lực thù địch” nhằm chống lại tổ quốc và nhân dân như các cơ quan tuyên truyền của nhà nước vẫn tìm cách đánh lạc hướng nguy cơ tự phát muốn xa đảng của cán bộ, đảng viên và bộ đội mà là những điều nói ra từ cửa miệng những người có thẩm quyền trên Báo Quân đội Nhân dân (QĐND), cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Trước hết, hãy nghe Bắc Hà cảnh giác trên QĐND ngày 24-04 (2011): “Những thành tựu đã đạt được trong 20 năm thực hiện Cương lĩnh Đổi mới-(Cương lĩnh 1991) đã đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống của nhân dân đã có những cải thiện đáng kể, vị thế, uy tín của Việt Nam đã được nâng cao rõ rệt,… Tuy nhiên đất nước vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có Chiến lược “diễn biến hòa bình” (DBHB) của chủ nghĩa đế quốc, lợi dụng dân chủ, nhân quyền nhằm “can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam” (Báo cáo chính trị Đại hội XI, trang 65). Đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn DBHB của chủ nghĩa đế quốc, các phần tử phản động, tay sai và những kẻ thoái hóa về chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng ta trong giai đoạn cách mạng mới.”
Nhưng những “phần tử phản động, tay sai và những kẻ thoái hóa về chính trị “ở trong nước bây giờ là ai, nếu không phải là những người dân, cán bộ, đảng viên và bộ đội không còn muốn liên hệ với đảng nữa?
Những thành phần bị Bắc Hà lên án nằm trong hàng ngũ đảng, nhưng “chủ nghĩa đế quốc” từ đâu đến, do ai chủ trương và nhắm mục đích gì thì không thấy Bắc Hà nói. Ai cũng biết người viết bài muốn ám chỉ đến các nước Tây Phương, đứng đầu bởi Hoa Kỳ là những chính phủ vẫn thường xuyên lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp những người đấu tranh đòi dân chủ tự do.
Bắc Hà viết tiếp: “Liên hệ đến Việt Nam, phương Tây đang mơ đến cuộc “cách mạng hoa sen”… Tất nhiên, không có một chiến thắng nào của chủ nghĩa đế quốc lại không dựa trên việc tận dụng những sai lầm, khiếm khuyết của các đảng cầm quyền, các nhà lãnh đạo chính phủ hiện hữu, cũng như không dựa trên tình trạng xã hội có nhiều vấn đề bức xúc, như đói nghèo, bất công, cán bộ công chức quan liêu, tham nhũng… Đây là một bài học cho tất cả các quốc gia không phân biệt hệ tư tưởng, chế độ chính trị, trình độ phát triển…”
Nhưng Việt Nam có những khuyết điểm để cho “phương Tây” lợi dụng không? Đảng và nhà nước Việt Nam có những sai lầm và khuyết điểm không? Xã hội Việt Nam có tồn tại bất công không? Tình trạng cách biệt giầu-nghèo, quan liêu, tham nhũng đã giảm bớt chưa hay vẫn cao như núi?
Các cuộc đình công chống bóc lột, đòi tăng lương, đòi công bằng của công nhân có được nhà nước giúp giải quyết không hay các cán bộ công đòan của nhà nước đã “bắt cá hai tay” để thông đồng với chủ nhân các xí nghiệp bóc lột công nhân?
Bắc Hà hãy đi “thăm dân cho biết sự tình” để thấy những mầm mống tạo nên các cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Bắc Phi và Trung Đông có khác gì với hòan cảnh của nhiều tầng lớp người dân ở Việt Nam không?
Tác giả Bắc Hà còn nói rằng: “Đối với Việt Nam, chiến lược DBHB đã có những thay đổi quan trọng, nó không còn theo nguyên nghĩa – chỉ là những tác động về tư tưởng, lý luận như phê phán mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin… (thời kỳ từ giữa những năm 80 đến đầu những năm 90 thế kỷ XX). Cho đến nay, chiến lược đó đã chuyển sang kết hợp DBHB về tác động về tư tưởng, lý luận với tiến công về chính trị – công kích trực tiếp vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chế độ XHCN, thể chế quốc gia – trong đó có Điều 4 Hiến pháp 1992 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và hệ thống pháp luật Quốc gia; xuyên tạc, lên án sự nghiệp cách mạng của dân tộc trên một nửa thế kỷ qua, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh gian khổ của cả dân tộc.”
Nhưng đâu phải chỉ có người Việt Nam ở nước ngòai và các Tổ chức dân chủ, nhân quyền trên thế giới đòi như thế mà cả những thành phấn trí thức và cựu đảng viên, lão thành cách mạng cũng đòi hỏi đảng CSVN phải từ bỏ độc quyền lãnh đạo, chấm dứt vai trò độc tôn của đảng ghi trong Điều 4 Hiến pháp tự mình viết ra để chấp nhận đa nguyên, đa đảng.
Dưới lăng kính “gắp lửa bỏ bàn tay” của đảng CSVN thì diễn biến hòa bình còn chủ trương lật đổ đảng CSVN và xóa bỏ cả Nhà nước nữa.
Vì vậy Bắc Hà đã báo động: “Tính chất nguy hại của chiến lược DBHB hiện nay là ở chỗ, một khi những quan điểm cực đoan của phương Tây về đa nguyên chính trị, dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền của các dân tộc thiểu số được kích động sẽ chuyển thành những hành động chính trị phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phá hoại sự ổn định xã hội, thậm chí có thể hủy hoại thành quả cách mạng trên một nửa thế kỷ qua của nhân dân ta, đưa nước ta sang con đường tư bản chủ nghĩa.”
Nhưng với tình trạng người dân không có quyền làm chủ đất nước như quy định trong Hiến pháp năm 1992 thì nếu người dân có đứng lên đòi các quyền tự do của mình cũng không làm ai ngạc nhiên.
AI ĐÒI TÁCH QUÂN ĐỘI KHỎI ĐẢNG?
Trong khi đó, Trung tướng Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Bình viết trên Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) ngày 20-04 (2011) cũng lên án “diễn biến hòa bình” có âm mưu muốn tách quân đội ra khỏi đảng.
Bình viết: “Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch tăng cường những âm mưu, thủ đoạn nhằm “phi chính trị hóa” quân đội, tập trung bài xích cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, kích động khuynh hướng tuyệt đối hóa vai trò của chỉ huy, hạ thấp vai trò của hệ thống tổ chức đảng, hệ thống chính ủy (chính trị viên), cơ quan chính trị và chế độ công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong quân đội.
Chúng ra sức truyền bá quan điểm và thúc đẩy xu hướng đòi “Quốc gia hóa quân đội”, yêu cầu “Luật hóa mọi vấn đề về tổ chức và hoạt động của quân đội” theo kịch bản “Cách mạng pháp luật” của phương Tây tư bản chủ nghĩa. Một số cán bộ, đảng viên và nhân dân ta cũng ngộ nhận đối với quan điểm này, có lập luận cho rằng, trong kháng chiến chống Pháp quân đội ta đã từng là “Quân đội quốc gia”.
Nhưng lực lượng thù địch nào, ở đâu, do ai giật giây đã xúi bẩy quân đội hãy quay về với nhân dân để bảo vệ tổ quốc thay vì chỉ biết phục vụ cho quyền lợi thiểu số mang danh nghĩa lãnh đạo đảng, hay đó là phản ứng tự nhiên của những người lính thức thời đã nhìn ra trách nhiệm đích thực của họ nằm ở chỗ nào?
Do đó Bình đã cảnh giác và hù họa: “Trong bối cảnh đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc diễn ra rất gay go và phức tạp, thực chất của quan điểm “Quốc gia hóa quân đội” là nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm cho quân đội mất định hướng chính trị, hiệu lực lãnh đạo, chỉ huy bị suy yếu, bị tha hóa biến chất và không đủ sức bảo vệ Tổ quốc XHCN; đồng thời làm cho Đảng không nắm được quân đội, dẫn đến mất vai trò đảng cầm quyền, đưa đất nước lâm vào tình trạng mất ổn định và nguy cơ suy thoái… Với lẽ đó, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội không chỉ có ý nghĩa chiến lược, mà còn mang tính cấp thiết.”
Ông Trung tướng này còn khuyến cáo tòan quân: “Cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của quân đội trong thời kỳ mới; kiên quyết khắc phục nếp nghĩ “nuôi quân ba năm dùng một giờ”, coi việc xây dựng quân đội chỉ để dùng trong chiến tranh và lo đối phó với chiến tranh.”
Như vậy đã rõ ràng những người lính thời bình của Việt Nam đã nhận ra những phí phạm của thời gian phục vụ trong quân đội không đáp ứng được nhu cầu thiết thực cho đời sống và nhiệm vụ của họ đối với tổ quốc.
Bên cạnh việc tập huấn chiến đấu, người lính CSVN ngày nay còn phải làm cả nhiệm vụ sản xuất kinh tế, nhưng lợi nhuận lại không nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho quân đội mà ngược lại, phần nhiều hơn của cải làm ra đã rơi vào túi tham nhũng hay bị san sẻ cho các cơ sở kinh tế thua lỗ khác của nhà nước.
Vì vậy, trong quân đội mới nẩy sinh ra hiện tượng “tự chuyển hoá” như lời thú nhận của Bình: “Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch tăng cường “can dự” sâu hơn vào quá trình chuyển tiếp các thế hệ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của quân đội ta, ra sức mua chuộc, lôi kéo những cán bộ có biểu hiện tha hóa về đạo đức và lối sống để thúc đẩy “tự chuyển hóa” về chính trị, nhằm tạo ra lớp cán bộ “đỏ vỏ, xanh lòng” làm nhân cốt thực hiện “phi chính trị hóa quân đội”. Do đó, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng, thực hiện tốt chiến lược cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của quân đội, nhất là cán bộ cấp chiến dịch – chiến lược.”
LÃNH ĐẠO TUYỆT ĐỐI
Ngòai ra Nguyễn Thanh Tuấn, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cũng viết bài cho Thông tấn xã Việt Nam phổ biến ngày 03-05 (2011) khẳng định quân đội phải tuyệt đối thuộc quyền lãnh đạo của đảng.
Tuấn viết: “Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước là yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội ta, đó còn là vấn đề đảm bảo cho quân đội luôn là lực lượng chính trị trung thành, lực lượng chiến đấu sắc bén bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân.
Theo Tuấn thì: “Trong điều kiện hiện nay cần hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc cơ chế và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Cơ chế lãnh đạo hợp lý, khoa học là bảo đảm hoạt động lãnh đạo, chỉ huy và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị… bảo đảm cho Đảng nắm chắc quân đội trong mọi tình huống.”
Lạ chưa, nếu không có chuyện bất thường xẩy ra trong hàng ngũ thì tại sao lại cần phải có lời tái xác nhận về vai trò của đảng đối với quân đội của một ông Thiếu tướng ,Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân?
Hay là đòi hỏi đưa quân đội ra khỏi quyền “cai trị” của đảng đã đến mức nghiêm trọng nên chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối tháng 4 sang đầu tháng 5 (2011) mà đã có hai bài báo nói về hiện tượng có khuynh hướng muốn quân đội đứng độc lập với đảng?
Hãy nghe Nguyễn Thanh Tuấn nói tiếp: “Để tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đảng xác định: “Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh….”
“….Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo không có thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào, một lực lượng chính trị nào khác. Nhà nước quản lý quân đội thống nhất chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Vì vậy, tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với quân đội đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt đối với quân đội hiện nay, có như vậy quân đội mới thực sự phát huy được vai trò, sức mạnh của mình. Kiên quyết đấu tranh với những luận điệu đòi “phi chính trị hóa” quân đội và những biểu hiện coi nhẹ hay buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước đối với quân đội.”
Như vậy rõ ràng là có “một bộ phận không nhỏ” trong Quân đội CSVN đã “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” tư tưởng trong công tác bảo vệ tổ quốc và phục vụ đồng bào.
Chuyện còn lại là nguy cơ “diễn biến hòa bình” theo cảnh báo của Bắc Hà thì đã ăn sâu, bám rễ trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên cũng không bình thường chút nào.
Nhưng nếu cùng một lúc mà Quân đội CSVN phải đối phó với hai “kẻ thù” vô hình nhưng nguy hiểm này thì những người Lãnh đạo Đảng và Quân đội có bao giờ dám nghĩ rằng, chưa chắc “diễn biến hòa bình” đã do “Đế quốc phương Tây” gây ra mà không chừng âm mưu làm cho Quân đội suy yếu đã đến từ anh láng giềng Phương Bắc với 16 chữ vàng:‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần 4 tốt: ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’”?
Phạm Trần
(05/011)