Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Thời sự: Ngày mai bầu cử

VRNs (21.05.2011)- Cần Thơ – Kinh nghiệm 12 nhiệm kỳ QH qua, các chính sách thuộc lập pháp cũng như hành pháp và tư pháp không thực sự vì dân và sự phát triển an toàn của quốc gia Việt Nam.



A. Pháp lệnh dân số và Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh là một bằng chứng. Nghị định Số: 20/2010/NĐ-CP, điều 2 viết: “Điều 2. Những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con:

1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng có hai con chung trở lên và hiện đang còn sống.

7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Lý do đưa đến những quy định này là gì? Phải chăng là an ninh lương thực? Hay bản chất là muốn loại trừ những cộng đồng sắc tộc nhỏ?

Một người Mơnong ở Đăklăk trả lời lại một cán bộ kế hoạch hóa gia đình, khi người này hoạch họe họ rằng tại sao sinh con nhiều như sau: “Nếu chúng tôi kế hoạch hóa không sinh con, thì đến bao giờ chúng tôi mới thôi là dân tộc thiểu số để thành dân tộc đa số như các ông bà?”

Trên báo Thanh Niên (báo in), phát hành thứ sáu, ngày 13/05/2011 cho biết: “Ông Dương Quốc Trọng, tổng cục trưởng tổng cục dân số cho biết, số liệu của tổng cục thống kê năm 2010 và một số nghiên cứu khác cho thấy, dân số VN đang già hóa với tốc độ chưa từng có trong lịch sử.” Bài báo cho biết tiếp: “VN đang có tốc độ nhanh nhất thế giới của giai đoạn từ ‘già hóa’ (10% dân số trên 60 tuổi) chuyển sang già (20% dân số trên 60 tuổi).

Thực tế cuộc sống cho thấy cách làm luật của QH không thực sự do dân bầu, chọn ngay từ ban đầu, mà dân chỉ được bầu theo quyết định của đảng “quán triệt trúng cử” mà thôi chỉ đẩy đất nước đến tình trạng người thiểu số càng ngày càng mất đất sống, mất dòng tộc và quốc gia trở nên không còn nguồn nhân lực phát triển.

B. Riêng về tư pháp và hành pháp, sinh viên Nguyễn Anh Tuấn, người đã viết đơn tự thú sau khi theo dõi sự kiện xét xử tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã nhắc nhở nhiều người lớn và gián tiếp truyền lửa cho các bạn cùng trang lứa. Ngày 13/05/2011 vừa qua Nguyễn Tuấn Anh đã phải làm việc với an ninh. Sau buổi làm việc đó, Nguyễn Tuấn Anh viết: “Tính đến hôm nay, ngày 19-05-2011, đã qua 20 ngày kể từ ngày tôi gửi đơn tự thú, vẫn chưa thấy thông báo nào từ cơ quan chức năng gửi cho tôi để trả lời về việc giải quyết nội dung đơn. Điều này cũng phù hợp với những gì mà cơ quan an ninh đã truyền đạt miệng đến tôi trong buổi triệu tập. Quan điểm của tôi như sau:

Thứ nhất, tôi cho rằng, việc nhà chức trách không trả lời đơn từ của một công dân trong thời hạn luật định thể hiện thái độ thiếu tôn trọng công dân, đi ngược lại mục tiêu xây dựng nhà nước “của dân, do dân, vì dân”.
Thứ hai, tôi tin rằng, việc đối thoại, tranh luận trên tinh thần bình đẳng giữa công dân với nhà nước là cần thiết cho sự phát triển của mọi quốc gia. Bất hạnh dành cho những đất nước mà sự thiện chí chỉ đến từ một phía – công dân.
Thứ ba, theo tôi hiểu, việc nhà chức trách không khởi tố tôi đã thể hiện, hoặc là sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật của cơ quan chức năng, hoặc là gián tiếp thừa nhận Điều 88 Bộ luật Hình sự đã trở nên không còn phù hợp nữa với nền pháp quyền mà đất nước đang theo đuổi.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, nhiều người biết chuyện, đã tỏ ra lo lắng và khuyên bảo tôi nên cân nhắc sự an toàn của bản thân. Tôi cảm ơn tất cả sự quan tâm đó. Ngoài ra, cũng nhờ thế mà tôi nhận rõ thêm một nguyên nhân khiến tiến bộ xã hội ở nước ta vẫn còn trì trệ. Cũng bởi chúng ta tham lam quá: vừa muốn những điều tốt đẹp- tự do hơn, dân chủ hơn lại vừa muốn yên lành, an toàn để hưởng những điều tốt đẹp ấy.

Nhưng, không có hạnh phúc nào giá rẻ cả. Tôi vẫn hằng tin thế”. (nguồn: basam.info).

Đến bao giờ VN mới có một QH thực sự của dân? Việc này phải do dân quyết định chứ không thể đợi người khác quyết định thay cho mình.

K. Thuyên
Tác giả gởi trực tiếp cho VRNs, tác giả tự bảo lưu quan điểm.