Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

“Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa”

VRNs (16.05.2011) – Úc Đại Lợi – Chuyện phiếm Đạo – đời



“Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa?”
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên – Em HIền Như Ma Soeur)

(Mc 6: 3/Mt 27: 56; 28: 1)

Mới chỉ đưa em đi hay dắt em về dưới mưa thôi, mà nhà thơ đã lơ mơ cùng nghệ sĩ lại cứ bảo “nói năng chi cũng thừa”, thế là sao? Phải chăng, vì “cơn mưa đời phất phơ”, vẫn làm em hát mãi câu ca đầy thách thức: “chắc ta gần nhau chưa?”

Sự đời, kể cũng lạ. Lạ, đến hết biết. Và, hết hiểu nổi. Hiểu và biết, tâm hồn người nghệ sĩ cùng thi nhân, vẫn cứ lon ton/đon đả những đưa cùng đón em về dưới mưa, mà lòng thấy chưa gần. Để rồi lại bảo: “Em hiền như‘ma soeur”, giống hệt như: “Anh lành như mon frère”.

Thật ra, khi diễn tả đức tính thùy mị, dịu dàng của “người em” mà tác giả mô tả là “hiền như ma soeur”, thì không chắc đây có là cụm từ chỉ rõ nhân vật ấy là tu sĩ nam/nữ ở Đạo mình hay không! Bởi, bạn và tôi, hẳn ta vẫn nhớ ảnh hình người nữ tu chuyên trách chức giám thị của các trường tiểu học (còn gọi là “soeur surveillante”) với chiếc roi mây hay cây thước dài trong tay cứ đập xuống bàn, thì bầy em thơ có dạn dĩ cách mấy cũng phát khiếp, sẽ không còn cho bà là bậc nữ lưu hiền hoà nữa. Hoạ chăng, tác giả gọi “ma soeur” ở đây, là gọi và nói về người em nhỏ, đã ướt thấm đôi vai “ưu tình”, ở dưới mưa, vừa mới hát:

“Vai em tròn dưới mưa, ướt bao nhiêu cũng vừa
Như ưu tình đã xa, thấm linh hồn em yêu…”
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên – bđd)

Thật ra, thì: khi hát câu “em hiền như ma soeur” là hát và nói về người em nhỏ có hiền hay dữ cũng chẳng thành vấn đề. Vấn đề chỉ thành, khi người ca sĩ lại cứ gào thêm ngôn từ nghe đến sợ, như:

“Em hiền như ‘ma soeur’, vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta bệnh hoạn, em yêu này em yêu..
Ta nhờ em ru ta, hãy ru tên vô đạo,
Hãy ru tên khờ khạo, em yêu này em yêu…”
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên – bđd)

Nói làm sao đây, khi người em nhỏ rất ‘ma soeur’ ấy vẫn không hiền như nhà thơ hay nghệ sĩ vẫn nghĩ? Hoặc, giả như người nhà Đạo lại cho rằng chính mình mới đích thực là đấng hiền lành, chân chất, rất đáng yêu, thì thế nào?

Nói thế, tức vấn đề sẽ đi vào ngõ cụt, thật khó rút. Bởi, nếu nhận định như trên, cần phải xét lại hoặc nghiên cứu cho kỹ mới được. Thôi thì, hôm nay, mời bạn và mời tôi, ta đi vào nghiên cứu với sưu tra, xem ý lực nào thực chính đáng. Trước khi đi vào chi tiết, tưởng cũng nên nghe truyện kể nhè nhẹ về bé em ở huyện nhà, đã thổ lộ:

“Sáng hôm ấy, bố mẹ thấy bé Bính tự dưng sách cặp về nhà dõng dạc tuyên bố một câu rất thực về sự thật, rằng:

-Ba mẹ đừng hỏi sao hôm nay con lại quay về nhà, chẳng chịu học. Con có phép có tắc đàng hoàng hẳn hoi đấy!

-Thế cơ đấy, phép tắc là phép gì vậy?

-Dạ, con đã thưa với bà thầy rằng: nhà con vừa có thêm một em bé, ngay tức khắc bà thày bảo là: con có thể về nghỉ để vui niềm vui chung với gia đình mình…

-Ấy, mẹ mình sinh một lúc những hai em sinh đôi cơ! Con có nói với cô như thế không?

-Con có ngu gì đâu bố. Cái đó, con để dành cho tuần tới mới tuyến bố… hì hì.

Sinh đôi hay sinh ba, bé em vẫn là người em nhỏ Chúa tặng ban cho gia đình mình vui. Chả thế mà, hồi còn trẻ nhiều bé em thường vui hát bài ca sinh hoạt có câu thơ rất ư là ồn, rằng: “Càng đông, chúng ta càng vui nhiều. Càng vui nhiều càng thú nhiều. Càng đông, chúng ta càng vui nhiều, càng vui nhiều càng yêu…”

Vâng. Đúng như thế. Càng vui nhiều, ta lại càng yêu. Yêu, như yêu người em nhỏ “hiền như ma soeur”, hay “lành như mon frère” ở Nước Trời nhà Đạo rất tôn kính vẫn có câu Kinh Sách từng xác quyết, về anh/chị hoặc em của Chúa, như sau:

“Ông ấy không phải là bác thợ,
con bà Maria,
và anh em với Giacôbê, Giôsê, Giuđa và Simôn đó ư?
Và, các chị em của ông,
lại không ở giữa ta đây sao? “
(Mc 6: 3)

Được làm anh chị em của Đức Giêsu ở Nước Trời, hẳn đó phải là ân huệ từ trời ban cho mới được. Ân huệ ấy, nhà Đạo mình đều cảm nghiệm một cách thân thương. Bởi, có cảm nghiệm rất thân và rất thương như thế, nên các người anh/người chị trong cộng đoàn Hội thánh, đôi lúc cũng có những ưu tư nhè nhẹ, khá thắc mắc. Ưu tư, là ưu phiền tạo tâm tư sầu lắng như câu hát, ở dưới:

“Em mang hồn vô tội, đeo thánh giá huy hoàng
Còn ta nhiều sám hối mà sao vẫn hoang đàng..
Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Đưa em về dưới mưa, có nhau mà như xa…”
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên – bđd)

Ưu tư của nghệ sĩ/thi nhân ngoài Đạo khi xưa có thể là như thế. Tức, “có nhau mà như xa”. Còn ở đây, thắc mắc của bà con thành viên Hội thánh ở Nước Trời, lại khác hẳn. Khác, như lời hỏi han với han hỏi, lâu nay rày vẫn thấy:

“Mới đây, con có xem một cuốn phim tài liệu trên truyền hình thấy người thuyết minh đã nói như đinh đóng cột, về chuyện Đạo bảo rằng: Mẹ Maria có đến 5 người con. Đọc Kinh thánh, con thấy thánh Máccô cũng nói đến “anh em/chị em của Chúa Giêsu”. Không hiểu sao mấy người đi Đạo bạn con, lại vẫn bảo: Chúa Giêsu là Con Duy Nhất của Đức Mẹ. Trường hợp này, Cha giải thích sao đây? (Người hỏi là cư dân ở Sydney, lại vẫn không ghi tên mình)

Ghi hay không ghi tên tuổi ở thư từ, cũng chẳng thành chuyện. Bởi, hễ cứ hỏi là sẽ được đấng bậc phụ trách mục hỏi/đáp sẽ có lời giải mã. Và, đấng bậc giải mã hôm nay sẵn sàng đáp trả bất cứ lời nào có liên quan đến thần học Kinh thánh, như sau:

“Như anh/chị nói đó, trong Tân Ước cũng có một vài đoạn nói về các người anh hoặc chị em của Đức Giêsu, hoặc chỉ đơn giản nói về anh/em hoặc “các anh em của Chúa”. Nay, ta hãy xem xét về chuyện này, để không bị kết tội là nhắm mắt mà làm ngơ, không cứu xét.

Thánh Mátthêu kể lại rằng khi Đức đang giảng dạy tại Hội đường “ở xứ sở” của Ngài, thì dân chúng nói: “Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13: 55; Mc 6: 3; Mc 6: 1-3)

Rõ ràng, là: điều mà dân chúng nói đến không hẳn chỉ là anh em hoặc chị em của Đức Giêsu theo nghĩa rộng trong đó kể cả các tông đồ cũng được coi là anh em của Ngài, nhưng đúng hơn chính là bà con thân thuộc theo đúng nghĩa.

Về sau, khi doãn lại cảnh trí diễn ra trên thập giá, thánh Matthêu nói có nhiều phụ nữ có mặt ở đó, trong số này có “bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xếp, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê.” (Mt 27: 56). Như thế, rõ ràng điều này có nghĩa là thánh Giacôbê, Josê không phải là anh em của Đức Giêsu, đúng hơn là con của phụ nữ khác có tên là Maria.

Thánh Gioan tiếp thêm chút ánh sáng cho vấn đề này. Mô tả cảnh trí nơi thập giá có Chúa, thánh sử viết: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala.” (Ga 19: 25)

Rất có thể là bà Maria này, vợ ông Clôpát, cũng vẫn là bà Maria, Mẹ của thánh Giacôbê và Jôsê. Như thánh sử Gioan có nói: Bà là chị của Mẹ Maria, thân mẫu của Chúa.

Điều này chứng minh tại sao thánh Giacôbê và Jôsê được biết là “anh/em” hoặc “các anh em” của Đức Giêsu. Như thế, các ngài là anh/em họ hoặc ít ra cũng là bà con gần nhất với Đức Chúa.

Bản dịch tiếng Anh qui chiếu nói về thánh Giacôbê và Jôsê là “anh/em” đúng hơn là “các anh em”. Xem thế thì đã rõ, đoạn Kinh thánh đây cho biết các vị này không phải là anh/em cho bằng là họ hàng gần với Đức Giêsu, thôi. Và, cụm từ “Các anh em” đã được Văn Bản Chuẩn Mực của Ấn Phẩm Công Giáo có Sửa Sang đã sử dụng là bản văn chính xác.

Cùng một ý hướng như thế, cụm từ “chị/em” được dùng để chỉ về bà Maria, vợ của Clôpát, trong quan hệ với Đức Mẹ không thể coi là chị/em ruột nhưng chỉ là người chị hoặc em theo nghĩa rộng của người bà con hoặc họ hàng rất gần, thôi.

Xem như thế, thì thánh Giacôbê và Jôsê không thể là anh em họ với Đức Giêsu cho bằng là bà con họ hàng thuộc nhánh nào đó. Cũng như khi thánh sử Mátthêu nói đến ông Simôn và Giuđa là các anh em của Đức Giêsu, phải hiểu rằng có thể các ngài là bà con họ hàng với Chúa, thôi. Cũng như thế, khi Tân Ước qui chiếu nói về các người “chị/em” của Đức Giêsu, người đọc phải hiểu các vị này theo nghĩa như thế.

Để tóm kết, cũng nên qui chiếu sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng có viết: “Hội thánh luôn hiểu rằng các đoạn sách thánh đây không dẫn về những người con nào khác của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Thật ra, thì thánh Giacôbê và Jôsê , “anh/em của Đức Giêsu” là con của bà Maria khác, cũng là đồ đệ theo Chúa, mà thánh Mátthêu nói rõ: “Và, một bà khác cũng tên là Maria” (x. Mt: 27: 56; 28: 1). Tức các bà là họ hàng rất gần với Đức Giêsu, hiểu theo nghĩa của Cựu Ước” (x. Sáng Thế Ký 13: 8; 14: 16; GLHTCG #500)

Ngoài các văn bản Kinh thánh như ta vừa xem xét, lý do rất vững chãi cho thấy tại sao Hội thánh lại dạy con dân mình rằng Đức Giêsu không có anh/em hoặc chị/em là lấy từ Thánh Truyền mà ra.

Ngay từ đầu, Hội thánh luôn tin tưởng và dạy dỗ con dân mình rằng Đức Maria đồng trinh vẹn toàn không chỉ vì Mẹ sinh ra Đức Giêsu thôi mà vì suốt đời Mẹ, Mẹ vẫn sống như thế. Mẹ không có quan hệ xác thịt với thánh cả Giuse vào lúc nào hết. Vì thế nên, Mẹ không có người con nào khác.

Chuyện này cũng rất ăn khớp với điều mà các nhà viết sách tu đức từng bày tỏ rằng nếu không, thì chuyện Mẹ có nhiều con khác sẽ không xứng hợp với cung lòng tinh tuyền vô nhiễm tội truyền của Đức Mẹ, tức cung lòng thánh thiêng được Chúa chọn làm nơi trú ngụ trong suốt thời gian Mẹ cưu mang.

Trong số cvác thánh Giáo phụ của Hội thánh, thánh Ambrôsiô, thánh Giêrônimô, thánh Âu Tinh, Êpiphanô và thánh Basiliô hoặc một số thánh cả khác đều đã quả quyết rằng tính chất đồng trinh của Đức Mẹ là điều xảy ra vĩnh viễn, suốt đời Mẹ. Thánh Basiliô có nói: “Bạn bè Đức Kitô không thể nào nhân nhượng được nếu như các ngài nghe được rằng Mẹ của Thiên Chúa lại chấm dứt không còn đồng trinh sạch sẽ nữa.” (x. Bài Giảng về Thế Hệ Đức Kitô Rất Thánh, #5).

Cũng theo Thánh truyền, thì Công Đồng Chung thứ 5 về Đại Kết tổ chức tại Constantinople năm 553 sau Công nguyên, đã tặng ban cho Đức Mẹ Maria tước hiệu là “Mẹ Đồng trinh vĩnh hằng”, tiếng Hy Lạp gọi là “Aeiparthenos”. Và, đây là tín điều buộc mọi người Công giáo chúng ta phải tin thôi. (x. Lm John Flader, Question time, The Catholic Weekly 10/4/2011, tr. 10)

Đụng vào vấn đề của niềm tin, mà lại phiếm, thật ra cũng không phải phép cho lắm. Nhưng phiếm ở đây, không có nghĩa là bàn chuyện “bá láp bá xàm” nhưng là dám bàn cả chuyện đứng đắn, nhưng theo hình thức lai rai, nhè nhẹ. Trong khuôn khổ thâm thấp của nhà Đạo ở chốn dân gian, rất không trang trọng. Không vụ hình thức. Thế mới gọi là phiếm. Là, một chút mạn đàm, chốn bình dân.

Bình dân đây, hoàn toàn không có nghĩa thấp hèn hoặc lèm bèm như trong buổi “khilikhitô” cũng năng nổ, có luận và có bàn, nhưng không đưa đến một phản bác, xét lại hoặc ưu tư. Luận và bàn, ở đây, theo tính cách dân gian cho dễ hiểu, để còn tin và yêu, rất trân trọng. Có ý thức. Thanh minh, minh định và rào đón thế xong, nay xin mời bạn và mời tôi, ta đi vào địa hạt thơ văn người đời có những lời na ná của nghệ sĩ, từng khuyến khích:

“Đưa em về dưới mưa, chiếc xe lăn dốc già
Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa
Đưa em về dưới mưa, hỡi cô em bé nhỏ
ôi duyên tình đã qua, có bao giờ không xưa?”

(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên – bđd)

Với thi nhân họ Nguyễn và nghệ sĩ lão gia họ Phạm, thì khi gọi “cô em bé nhỏ”, nào những “ma soeur, này ma soeur”, là các vị chỉ muốn nói về những “duyên tình nào đã qua”, có chuyện tình “nào (lại) không xưa”. Chuyện tình xưa, như chuyện dưới mưa. Cũng là “đeo thánh giá huy hoàng”, còn bản thân ta “nhiều sám hối”, mà “sao vẫn hoang đàng?”

Ngồi buồn phiếm “loạn” hôm nay, chắc bạn và tôi, ta không phải là thi nhân “hoang đàng” hoặc “sao đó”, nhưng chỉ là những người vẫn “đeo thánh giá huy hoàng”, rất “sám hối”, dù “vô tội” hay vô số tội, vẫn cứ hát:

“Đưa em về dưới mưa,
nói năng chi cũng thừa.
Như mưa đời phất phơ,
chắc ta gần nhau chưa?”

(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên – bđd)

Đưa nhau về dưới mưa, dù mưa đó có lưa thưa, phất phơ như cuộc đời của ai đó, hẳn người người sẽ nhắn nhau chỉ đôi câu, rất “không thừa”, nhưng tràn đầy ý nghĩa, đó là: “chắc ta gần nhau chưa”.

Đúng thế, trong cuộc đời của người và của nhà Đạo, vấn đề quan trọng cần lưu tâm /lưu ý hết mọi vị, vẫn luôn là “chắc ta gần nhau chưa”. “Gần” ở đây, chưa hẳn là gần gũi theo diện họ hàng/hang hốc, rất bà con. Mà, chữ “Gần” ở đây, vẫn có thể là sự “cận kề” rất thân quen, mật thiết. Như lời Thầy Chí Ái từng nhắc nhở, ở thánh kinh, rằng:

“Có kẻ thưa Người rằng:
“Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia,
tìm cách nói chuyện với Thầy.”
Người bảo kẻ ấy rằng:
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói:
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.
Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi,
Đấng ngự trên trời,
người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
(Mt 12: 47-48)

Và hôm nay, qua luận phiếm về tính cách bà con/họ hàng của Chúa, “những người thi hành ý muốn của Cha”, vẫn còn đó câu hát của thi nhân ngoài Đạo cũng rất buồn: “Chắc ta gần nhau chưa?” Nói nôm na, thì sẽ bảo: nếu ta vẫn tự hào là người Công giáo, mà sao chưa xác tín lời dặn của Chúa, trích ở trên. Hay, ta cũng đã xác tín, nhưng vẫn hỏi một câu để đời, rằng: “Chắc ta gần nhau chưa?” Tức, chắc gì ta đã là “anh em của Đức Chúa”? Hỏi ở đây, hôm nay phải chăng là đã trả lời rồi, hỡi bạn và hỡi tôi, những người anh/người chị cũng “hiền như ma soeur”, hay rất “lành như mon frère”, của chúng mình!

Bần đạo nay không tin rằng: hỏi tức đã trả lời rồi. Bởi, nếu quả có thế, thì sao nhiều vị vẫn thích nghe nhạc bản có lời cứ ê a, mà rằng:

“Em hiền như ma soeur,
vết thương ta bốn mùa,
Trái tim ta bệnh hoạn,
ma soeur này ma soeur”…
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên – bđd)

Hát thì hát thế, nhưng vẫn cứ mong sự thật không phải thế hỡi bạn hiền, những “mes soeurs” hoặc “mes frères”, của tôi và của bạn, ở ngoài đời. Hoặc trong Đạo.

Trần Ngọc Mười Hai
Cũng ít hát câu
“em hiền như ma soeur”
vì rất sợ và không tin
em hiền như thế.