Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Canh Tân trần thế

VRNs (10.06.2011) – Đồng Nai – Ở đời ai cũng mong được sống bình yên. Ai cũng mong được cơm no áo ấm. Ai cũng cần được tôn trọng và yêu thương. Như thế, ai cũng mong cho thế giới không còn kẻ gian ác. Ai cũng muôn xã hội không còn kẻ làm hại người hại đời bằng sự thiếu trách nhiệm, lười biếng và bê tha tội lỗi. Thế nhưng, cuộc đời đâu mấy khi êm xuôi. Sự ác vẫn hoành hành. Người vô tội vẫn đong đầy nước mắt của oan ức truân chuyên.



Nếu chúng ta đọc qua những thông tin nơi báo chí, trên các trang mạng Internet hay truyền hình truyền thanh, chúng ta có thể thấy những tin thời sự luôn báo động về tình trạng suy đồi, băng hoại trong xã hội Việt Nam:

“Đó là những vụ chủ tịch tỉnh bị cáo buộc mua dâm ở Hà Giang;
Hai vợ chồng bị kết án 20 năm tù mỗi người vì hành hạ một bé trai tại Cà Mau;
Một nữ sinh cứa cổ người tình;
Một thanh niên chặt đầu người yêu cũ;
Hai người vợ đốt chồng một ở Long An và một ở Nghệ An;
Bên cạnh đó là tệ trạng hàng ngàn phụ nữ và trẻ em bị buôn lậu với giá nhiều khi chỉ một triệu đồng Việt Nam (tương đương khoảng 50 MK) một người…”
Nỗi nhục nhã ê chề cho con rồng cháu tiên là cảnh các cô gái đứng xếp hàng để cho các chàng trai nước ngoài chọn vợ như chọn một mớ hàng rau hàng thịt . . .

Theo tác giả Võ thị Hảo (Nguồn: vtc.vn) sở dĩ có những chuyện thương tâm đánh mất tình người xảy ra là vì:

* Xã hội Việt Nam hôm nay, từ trên xuống dưới, có quá nhiều gương xấu, mà lại quá ít gương lành, nên con người dễ ngả theo cái ác.
* Cái quan trọng nhất là những tấm gương, những nhà quản lý xã hội, những người lãnh đạo… cho đến những người như thầy cô giáo, thầy thuốc… những người ít ra phải sống đàng hoàng, đáng tin cậy, có đạo nghĩa… nhưng đáng tiếc đa số họ cũng bán rẻ lương tâm để chạy theo lợi nhuận đồng tiền.

Về việc này, trên báo tuổi trẻ Online, tác giả Nguyễn Ngọc đã viết một bài với tựa đề báo động đỏ về lương tâm xã hội như sau:

“Có một khía cạnh thậm chí còn đáng sợ hơn tất cả tội ác cụ thể đã được tiết lộ. Đó là sự tê liệt hầu như hoàn toàn của cộng đồng xã hội ở quanh đó trước tội ác trắng trợn và tày đình kia”.

Nhà báo kết luận rằng: “Tôi cho rằng đây là một vụ báo động đỏ về lương tâm xã hội, trăm ngàn lần còn nghiêm trọng hơn là chuyện đồi bại của đôi ba con người cụ thể nào đó. Bởi cái ác, kẻ ác thì thời nào, nơi nào cũng có. Nhưng khi xã hội đã khiếp nhược đến thản nhiên, dửng dưng, im lặng quay mặt đi trước cái ác thì không còn là vấn đề của từng người nữa rồi”.

Thực tế phũ phàng. Xã hội mất tình liên đới sẽ dẫn đến sự ác ngày một gia tăng. Người bị hại ngày một nhiều. Vì không có tình liên đới thì “mạnh ai người ấy sống”, và “cá lớn nuốt cá bé”. Con người sống bên nhau nhưng hoàn toàn dửng dưng và bàng quan trước những bất hạnh của anh em mình. Không có tình liên đới thì pháp luật cũng không được thi hành trọn vẹn theo đúng nghĩa là cán cân công lý. Không có tình liên đới người ta sống thiếu trách nhiệm với nhau, đôi khi còn tìm cách hạ bệ nhau vì lợi ích của bản thân mình. Nhất là với trào lưu hưởng thụ ngày nay con người đặt đồng tiền trên nhân phẩm và tình người thì con người đang tự biến mình thành một thứ hàng hoá để có thể trao đổi nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Sự lợi dụng nhau đến mức độ thâm nhập vào từng gia đình nơi mà các thành viên đáng lý được bảo vệ an toàn nhất nay cũng không còn vì sự độc ác từ chính những người thân dành cho nhau.

Cách đây hơn hai ngàn năm đã xảy ra một vụ án thật nghiêm trọng. Giết người vô tội. Con Thiên Chúa bị giết giữa ngàn vạn người. Ai cũng biết Ngài vô tội. Chính quyền cũng biết. Người dân cũng biết. Nhưng tất cả đều làm ngơ, phủi tay vô can trước sự dữ đang diễn ra. Có kẻ còn hùa theo những kẻ gian để giết người công chính. Đó là cái chết thập tự của Chúa Giê-su.

Sau cái chết của Chúa Giê-su, người ta tưởng rằng không còn ai dám nói sự thật. Không còn ai dám làm chứng cho sự thật. Thế nhưng, với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, đã đổi mới hoàn toàn. Các tông đồ trước đó lo âu sợ sệt nay nhờ ơn Chúa Thánh Thần các ngài đã can đảm làm chứng cho thật. Các tông đồ trước kia tầm thường nay trở nên những con người phi thường đã làm thay đổi cả địa cầu. Nhờ Chúa Thánh Thần đã quy tụ các tông đồ nên một tông đồ đoàn, nên một giáo hội hiệp nhất ra đi gieo vãi tình thương và ơn cứu độ đến tận cùng thế giới. Và nhờ sự hiệp nhất của mọi thành phần dân Chúa, Giáo hội vẫn tiến bước bình an, cho dẫu có gặp những chống đối, bách hại của thế gian, Giáo hội vẫn làm chứng cho sự thật, vì “sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ”. Giáo hội không thể làm ngơ trước những bất công và sa đoạ đang diễn ra trên thế giới. Giáo hội càng không thể im lặng trước những sự dữ đang làm băng hoại nhân cách và phẩm giá con người. Giáo hội luôn phải có nhiệm vụ xây dựng trần thế này thành một môi trường phúc âm hoá ngập tràn yêu thương và hạnh phúc và bình an.

Ở thế gian cái ác vẫn hoành hành. Sự tội vẫn tràn làn. Đây là một thách đố đối với người ky-tô hữu phải làm chứng cho sự thật. Người ky-tô hữu không thể toa rập với phường gian ác. Người ky-tô hữu phải đẩy lùi sự ác ra khỏi thế gian. Muốn được như thế, mỗi người chúng ta cần phải đón nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần để có thể canh tân thế gian này nên tốt hơn. Sự canh tân đó cũng cần phải khởi sự từ chính tâm hồn mỗi người chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong đường ngay nẻo chính. Hãy để Chúa Thánh Thần làm chủ từng hành vi của chúng ta luôn thể hiện đức ái yêu thương.

Vâng, ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn đang tác động trên từng cuộc đời chúng ta. Ngài đang đòi lương tâm chúng ta phải sống theo sự thật và làm chứng cho sự thật. Chính Chúa Thánh Thần vẫn đang tố giác về thế giới gian tà và truỵ lạc này đang làm cho con người ra sa đoạ và hư vong. Chính Chúa Thánh Thần vẫn đang khơi dạy nơi tâm hồn chúng ta hướng về chân thiện mỹ. Đó là con đường giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc của tội lỗi và dám sống làm chứng cho Nước trời mai sau.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần, Đấng đã biến đổi các tông đồ, cũng biến đổi chúng ta thành những con người dám sống cho sự thật, dám bảo vệ chân lý, dám sống chứng nhân cho Nước Trời trong một xã hội đang khô cằn tình người hôm nay.

Lm.Jos Tạ duy Tuyền