Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Khai mạc Ngày truyền thông Công giáo thế giới lần thứ 45

VRNs (03.06.2011) – Sài Gòn – Hơn 150 tham dự viên đã có mặt tham dự buổi khai mạc Ngày truyền thông Công giáo thế giới lần thứ 45 (ngày truyền thông), tại Nhà mục vụ, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, 38 Kỳ Đồng, quận 3, Sài Gòn. Chủ đề của ba ngày họp mặt này là Sự thật trong Internet.



Sự kiện này có sự tham gia của nhiều thành nhóm đủ mọi lứa tuổi, đa số là giới trẻ. Có những người đến từ Hà Nội, có ngườ iđến từ Miền Trung, có ngườ iđến từ Tây Nguyên, đông nhất vẫn là những cư dân ở Sài Gòn (xét theo điều luật về tự do cư trú của Hiến Pháp 1992 thì dù là tạm trú hay chẳng tạm trú mà vẫn cứ sống và làm việc cho Sài Gòn có thêm nhiều của cải thì đều xứng đáng gọi là cư dân Sài Gòn).

Để đến được với ba ngày tọa đàm này, nhiều tham dự viên phải “lập mưu đánh lừa” công an mới đi được. Một tham dự viên cho biết mấy ngày trước, công an đến đề nghị đừng vào Sài Gòn dự sự kiện Ngày truyền thông này. Tuy không gây áp lực mạnh, nhưng đã cố gắng nài nỉ đừng đi, để giữ uy tin cho an ninh tỉnh nhà với an ninh Sài Gòn.

Cha Hoàng Sơn đến từ Kontum, một giáo phận có 250 ngàn giáo dân, trong đó, người thuộc các sắc tộc thiểu số chiếm 60%. Ngài đến tham dự không như cung cách của một “chức vụ”, mà lăn vô như một nhà truyền thông chuyên nghiệp. Ngài dự định làm các disc audio và video cho sự kiện này.



Cha Hoàng Sơn đang kiểm tra hệ thống thâu âm của ngài.



Nhóm Tân Phú khởi động bằng bài múa "Chúa đến ban sức sống" của cha Quang Uy

Mở đầu chương trình của ngày đầu tiên 02/06/2011, nhóm thanh thiếu niên thuộc giáo xứ Tân Phú đã cùng với mọi người khởi động bằng bài múa Chúa đến ban sức sống, một sáng tác của linh mục Giuse Lê Quang Uy, CSsR, viế ttheo âm điệu của nhạc Jarai. Đây là bài đầu tiên cha Uy sáng tác theo giai điệu này, sau chuyến đi thực tế mục vụ Tây Nguyên đầu tiên của thời còn là sinh viên thần học. Sau đó anh Đavid Ngọc Hùng giới thiệu thành phần tham dự.



MC Đavid Ngọc Hùng

Đến dự hôm nay có cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, bề trên giám tỉnh DCCT VN, cha Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, Trưởng ban truyền thông giáo phận Kontum, cha Giuse Đinh Hữu Thoại, chánh văn phòng DCCT, cha Phaolô Nguyễn Xuân Đường, giám đốc mục vụ ơn gọi DCCT, quý ông bà trong Hội đồng mục vụ giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và hơn 150 tham dự viên.

Thầy Năng, một chủng sinh của Kontum, hiện đang phụ tá cho cha Sơn đã tham gia góp cho buổi hội thảo và các tham dự viên những giây phút thư giãn.



Thầy Năng cùng với mọi người đang múa bài Kìa nhìn xem con voi, sáng tác của cha Yuse Tiến Lộc, DCCT

Khai mạc ba ngày họp mặt, Cha giám tỉnh chia sẻ cái nhìn của Giáo hội về truyền thông, thay đổi từ truyền thông công cụ sang truyền thông hiện diện. Ngài nhắc lại lời của Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II, ghi trong thông điệp Sứ vụ Đấng cứu thế (Missio Redemptio), truyền thông đang tạo ra một nền văn hóa mới, và con người đang bị ảnh hưởng hay được phát triển trực tiếp từ nền văn hóa mời này.



Cha giám tỉnh, một người thiết tha với sứ vụ truyền thông

Sau phần nghi thức, cha Antôn Lê Ngọc Thanh, trường trực Truyền thông Chúa Cứu Thế bắt đầu đề dẫn đề tài đầu tiên dựa trên Sứ điệp của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI (sứ điệp), nhân Ngày truyền thông Công giáo lần thứ 45: Sự thật, việc loan báo và sự sống thực trong kỷ nguyên kỹ thuật số.



Cha An Thanh đang đề dẫn đề tài

Theo cha Thanh: “Sự xuất hiện mạng lưới truyền thông Internet tạo ra những đổi thay sâu sắc diễn ra trong lãnh vực truyền thông đang điểu khiển những phát triển văn hóa và xã hội quan trọng. Các công nghệ mới đang thay đổi chính sự giao tiếp của con người à Chúng ta đang sống trong một giai đoạn biến đổi văn hóa rộng lớn. Truyền thông và tri thức tạo ra một lối học hỏi và suy nghĩ mới, với những cơ hội chưa từng có cho việc thiết lập các mối quan hệ và tình thân hữu.” Ngài dùng nhiều ví dụ cụ thể để giải thích Sứ điệp.

Một câu hỏi được xem là quan trọng nhất của ngày đầu tiên nay cho các tham dự viên thảo luận, đó là Dựa vào đâu để xác định thông tin nào trên internet là thật, thông tin nào là giả?

Các tham dự viên được chia ra làm 8 nhóm, mỗi nhóm trên dưới 20 người một chút để thảo luận.



Thảo luận nhóm

Ý kiến của tham dự viên tập trung vào những điểm chính như sau:

Để biết đâu là tin tức thật, đáng tin cậy, đâu là tin giả không thể tin được, cần làm những việc này: Kiểm tra số lượng người truy cập bài và trang đăng thông tin đó. Nếu bài có nhiều đọc và là một trang uy tín thì đáng tin. Hỏi thăm những người cùng đọc thông tin đó và người có trách nhiệm về nguồn tin. Đi thực tế hoặc hỏi những người ở gần nơi có xảy ra sự kiện được đưa tin. Cập nhật tin từ nhiều nguồn. Xác địch mục đích của việc đưa tin là để trình bày sự thật hay để bôi xấu người khác. Suy luận cá nhân dựa trên thực tế và sự hiểu biết, rồi phán đoán trong tinh thần vị tha. Chúa Yêsu là sự thật, Ngài là Nhà truyền thông tuyệt hảo. Một tiêu chuẩn thú vị để xác định tin đúng sự thật là tin đó đứng về phía người nghèo, bảo vệ người nghèo.



Những ý kiến hay, nhưng trái ngược nhau vẫn được đón nhận

Muốn xác định được tin đúng hay sai phải tìm hiểu xem nguồn gốc tin từ đâu? Mục tiêu là gì? Chứng nhân của sự kiện có hay không? Nguồn tin uy tín thường có nhiều ý kiến phản hồi. Nội dung các phản hồi cũng cho ta biết mức độ trung thực của thông tin. Khi nghe âm thanh tính xác thực sẽ rất rõ ràng. Cũng có thể dựa vào trực giác. Một bạn ở tuổi teen nói: “Chuyện tình cảm là thật, vật chất là giả”. Đào sâu thông tin cũng là cách biết đó là tin thật hay giả. Một tham dự viên quả quyết nguồn Tin Lành là thật, nguồn tin ác là giả. Nghe một bài phỏng vấn nguyên văn với những ngập ngừng thì độ tin cây cao hơn một đoạn ghi âm trơn tru. Từ ngữ cũng là vấn đề giúp hiểu thật hay giả.



Anh Gioan Lê Quang Vinh đang phỏng vấn Anna Quyên Quyên, biên tập viên bản tin Công giáo quốc tế trên DucMe.tv

Một trong những lưu ý quan trọng là phải xem xét mức độ quan trọng của thông tin hay không cái đã rồi mới truy tìm sự thật. Ví dụ, vợ của một cầu thủ bóng đá sử dụng bóp cá nhân bằng da thú thật hay giả da là chuyện không quan trọng, không cần mật giờ tìm hiểu sự thật làm gì. Tham khảo website chuyên ngành, tìm website đối lập để đối chiếu, đọc các web trung lập cũng giúp xác định thông tin thật giả.



Anh Võ Duy Trung thay mặt nhóm trình bày ý kiến thảo luận

Những ý kiến các tham dự viên đã đưa ra trong thảo luận là đúc kết những kinh nghiệm quý báu, tuy nhiên, trong Sứ điệp, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI có đưa ra một vài tiêu chuẩn đánh giá thật giả, theo cha An Thanh trình bày, như sau:

Giá trị của sự thật mà chúng ta chia sẻ không phải do nhiều người ưa thích hay chú ý mà nó là thật. Sự thật cần được thông tin cách toàn vẹn, thay vì cố gắng thay đổi hay thích nghi gì đó làm cho người ta dễ chấp nhận nó hay làm nó nhẹ nhàng đi. Sự thật ấy phải trở nên lương thực hằng ngày chứ không phải một điều hấp dẫn thoáng qua. Chân lý Tin Mừng không phải là điều để tiêu thụ hay sử dụng một cách hời hợt, nhưng là một ân huệ đòi hỏi sự đáp trả tự do. Tuy loan báo trong không gian ảo của internet, Tin Mừng cũng phải nhập thể vào thế giới thực và nối kết với những khuôn mặt thực của anh chị em chúng ta.



Cha Xuân Đường trả lời phỏng vấn Thục Nhi

Trong buổi khai mạc hôm nay, cha Xuân Đường xuất hiện trước mọi người trong chiếc áo dòng đen truyền thống của DCCT. Ngài tâm sự với sứ mạng của Nhà Dòng trao phó, ngài đang cố gắng thu thập tất cả các sáng tác của các nhạc sĩ trong Dòng, từ Cố nhạc sĩ Hoàng Diệp (tác giả bài Kìa Bà Nào) đến Thành Tâm, Trần Sĩ Tín, Vũ Khởi Phụng, Tiến Lộc, Hoàng Phúc, Quang Uy. Đến nay ngài đã làm được 7 CD Hoan ca Cứu Thế. Mục tiêu chính của hoạt động này là chia sẻ xác tín về Chúa Cứu Độ, đồng thời mời gọi các bạn trẻ quảng đại hiến mình cho Chúa phục vụ Giáo hội và xã hội.



Cha Xuân Đường chia sẻ bằng chính giọng ca của ngài.



Chị Quế Phương thay mặt các tham dự viên trao quà kỷ niệm cho cha Xuân Đường

Trước khi kết thúc buổi họp mặt đầu tiên, cha An Thanh thay mặt cho Ban tổ chức lưu ý về chương trình ngày mai, 03/06/2011, sẽ có sự tham gia chia sẻ trên diễn đàn của các blogger:

- Mẹ Nấm: Blog trang nhật ký cá nhân
- Người Buôn Gió: Blog và trách nhiệm công dân
- Tạ Phong Tần: Blog, những gì người ta không viết, tôi viết
- Phạm Văn Lượng: Blog và sứ vụ của Giáo hội
- Uyên Vũ: Blog và thủ thuật blog.

Chương trình vẫn có phần thảo luận nhóm theo chủ đề: Bạn có thể đóng góp gì cho mạng lưới thông tin toàn cầu internet, nhất là để phục vụ cộng đồng người Việt. Chương trình sẽ có phần giao lưu với ca sĩ Ksor Dưk, một giáo dân vùng truyền giáo Pleichuet, thuộc giáo phận Kontum.

Những anh chị chưa đăng ký, nhưng muốn tham gia có thể đến trước giờ khai mạc (18:30 pm) để được BTC sắp xếp.

Tin: Thụy Minh, VRNs
Ảnh: Hiệp Hòa, VRNs