Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Mạc khải cho kẻ bé mọn

VRNs (29.06.2011) – Roma, Italia – Suy niệm Phúc Âm, Chúa nhật XIV thường niên năm A (x. Mt 11, 25-30).



Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay được Thánh Matthêu viết lại dưới dạng thức lời cầu nguyện của Chúa Giêsu tạ ơn Cha Ngài:

- “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha…” (Mt 11, 25-30).

Trong khi nguyện cầu cùng Chúa Cha, Đức Giêsu cảm tạ Chúa Cha đã dành đặc ân cho những kẻ bé mọn (Mt 11, 25-26), cảm tạ Chúa Cha đã ban cho Ngài mọi quyền hành trên trời dưới đất cũng như nói cho chúng ta biết mối thân tình Cha- Con giữa Ngài và Chúa Cha (Mt 11, 27), khuyến khích mọi người hảy theo con đường Ngài đã vạch cho để được an nghỉ hạnh phúc ( Mt 11, 28-30).

Muốn hiểu rỏ tại sao Đức Giêsu dùng những lời lẽ trên để cầu nguyện cùng Cha Ngài trước mặt những người Do Thái, chúng ta nên đặt đoạn Phúc Âm vừa kể (Mt 11, 25-30) vào văn mạch của sách Phúc Âm Thánh Matthêu đang viết (Mt 11, 20-24) và (Mt 11, 16-19).

Trong đọan Phúc Âm (Mt 11, 16-19) Đức Giêsu than phiền những người Do Thái cứng tin, mà Ngài đã khổ công, nhưng không có cách gì thuyết phục họ được:

- “Ta phải ví thế hệ nầy với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: ” Chúng tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; chúng tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than “.

Thật vậy ông Gioan đến , không ăn uống, thì thiên hạ bảo: ” Ông ta bị qủy ám” . Con Người đến , cũng ăn uống như ai, thi thiên hạ lại bảo : ” Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và người tôi lỗi” ( Mt 11, 16-19).

Và đoạn Phúc Âm kế đến (Mt 11, 20-24):

- ” Bây giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: ” Khốn cho các ngươi, hỡi Corazin! Khốn cho ngươi, hỡi Betsaida! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tiro và Sidone, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro trên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tiro và Sidone còn được xử khoan hồng hơn các ngươi…” (Mt 11, 20-24).

Như vậy lời nguyện của Đức Giêsu trong đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay là lời nói của Ngài tường thuật lại với Chúa Cha những thất bại của việc ngài rao giảng Tin Mừng ở các thành phố ở miền Tiberiade, những than phiền đối với lòng cứng tin của họ, mặc cho những lời giảng dạy và phép lạ.

Qua lời cầu nguyện Ngài muốn dạy chúng ta thể thức cầu nguyện và những mạc khải nội dung mới mẻ của Phúc Âm.

Lời nguyện cám ơn Thiên Chúa của Đức Giêsu chứng tỏ rằng Ngài là người Do Thái, thông biết và cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa như ông cha họ đã cầu nguyện tạ ơn trong Cựu Ước, là Đấng Cứu Thế đem Tin Mừng Giải thoát đến cho họ:

- ” Lạy Đức Chúa là Vua, con xin cảm tạ Ngài, ca ngợi Ngài là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ con…Ngài quả là Đấng bảo vệ và trợ giúp con, Ngài đã cứu con khỏi hư mất, xin cứu con thoát khỏi lưới dò của kẻ chuyên đặt điều vu khống và kẻ ưa nói điêu ngoa…” (Sir 51, 1-2).

Nhưng điều khác biệt của Chúa Giêsu khác hơn đối với ông cha người Do Thái trong Cựu Ước là Đức Giêsu không cảm tạ Chúa Cha cho chính mình, mà cho những người khác, mặc dầu lời nguyện vẫn là lời nguyện của Ngài:

- “ Con xin ngợi khen Cha, vì Cha giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng mạc khải cho những người bé mọn” ( Mt 11, 25).

Chính trong lời nguyện vừa kể Chúa Giêsu dạy cho chúng ta một số tư tuởng, mà chúng ta có thể suy niệm.

a) Thiên Chúa là Cha

Trước hết Thiên Chúa của người tín hữu Chúa Ki tô không phải là vị hung thần , ẩn hiện với sấm sét trong các đám mây đen kịt trên núi Văn Vú, lúc nào cũng hăm he ra oai giáng họa, tính sổ tội phước ke re cắt rắt như một nhân viên kế toán hậm hực sẳn sàng phạt vạ.

Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu, ” con xin ngợi khen Cha” và cũng là Cha của chúng ta. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Ngài là Cha, khi chúng ta cầu nguyện với Ngài:

- ” Khi cầu nguyện , anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ , vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

Vậy anh em hảy cầu nguyện như thế nầy: Lạy Cha chúng con ở trên trời…..” ( Mt 6, 7-9).

Và thánh Phaolồ còn quả quyết hơn nữa để chúng ta xác tín:

- ” Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em để anh em kêu lên: Abba, Cha ơi! Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” ( Gal 4, 6-7).

Với địa vị là con Thiên Chúa như vậy, người tín hữu Chúa Ki tô cầu nguyện là trực tiếp bày tỏ tâm tình Cha con với người Cha nhân ái của mình,

- người Cha ” đã biết rỏ những gì anh em cần, trước khi anh em cầu xin“,

- người Cha biết lo lắng cho ” hai con chim sẻ chỉ bán được một hào……, thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý muốn của Cha anh em… Anh em đừng sợ, anh em còn qúy giá hơn muôn ngàn chim sẻ “( Mt 10, 29. 31),

- người Cha biết tiên liệu ” thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” ( Mt 10, 30).

b) Cầu nguyện không bằng hình thức bên ngoài

Như vậy lời cầu nguyện của người Ki Tô hữu là cử chỉ bộc lộ trực tiếp tâm tình Cha con với Thiên Chúa là Cha mình.

Người Ki tô hữu cầu nguyện không phải là để biểu diển phô trương cho người khác thấy công đức, tài năng, phẩm trật của mình cho mọi người thán phục, mà là bày tỏ mối liên hệ thân tình với Thiên Chúa là Cha:

- ” Khi anh em cầu nguyện, anh em đừng như bọn đạo đức giả, chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh , khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh , Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” ( Mt 6, 5- 6).

Cũng vậy, ăn chay, sống khổ hạnh, tự chúng không có một giá trị nào , nếu chúng ta không hy sinh , chịu đựng, sống thiếu thốn để sống thân tình với Chúa hơn và hy sinh để giúp đở anh em:

- “ Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm ra vẻ thiểu não,để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm , để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì nơi kín đáo, sẽ trả lại cho anh” ( Mt 6, 16-17).

Ngay cả lúc làm việc thiện, người Ki Tô hữu hành động giúp anh em, trước sự hiện diện của Thiên Chúa, chớ không phải để phô trương cho người đời:

- ” Khi anh em làm việc phúc đức, anh em hảy coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không anh em chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng” ( Mt 6,1).

c) Một cái nhìn phán đoán

Người Ki tô hữu có Thiên Chúa là Cha nhân lành, ” biết rỏ những gì anh em cần, trước khi anh em cầu xin“.

Do đó lời nguyện của họ không cần phải là những lời nguyện ồn ào hình thức bên ngoài, cũng không nhất thiết phải là lời nguyện để nhận được ân huệ hoặc lời nguyện như là giấy bảo chứng để khỏi bị ác thần trừng phạt.

Người Ki Tô hữu

- là con của một Người Cha toàn năng và nhân lành,

- là người con với Thánh Linh ở trong tâm hồn, chớ ” không còn phải là người nô lệ nữa” nên phải sợ sệt và thu tóm ân huệ phòng thân cho ngày mai.

Nhưng với tư cách là con Thiên Chúa, người KiTô hữu không thể nào không có một cái nhìn phán đoán đâu là ý muốn của Thiên Chúa và đâu là quan niệm hành xử của thế tục.

Đó là điều Đức Giêsu dạy chúng ta, khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha:

- “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” ( Mt 11,25-26).

” Những điều nầy” là những điều nào?

Là những điều mà Đức Giêsu đã rao giảng và minh chứng bằng các phép lạ cho các người thông thái luật, các vị giáo sĩ và dân chúng ở các thánh phố miền Tiberiade, như Corazin và Betsaida.

“Những điều nầy” là những điều Ngài rao giảng và được Phúc Âm ghi lại, ai trong chúng ta cũng biết: kính yêu Thiên Chúa và thương mến anh em.

Kính yêu Thiên Chúa trong việc

- nhận biết Ngài là ” Chúa Tể trời đất“,

- nhận biết ngài là người Cha” biết rỏ những gì anh em cần trước khi anh em cầu xin“,

- và tiếp xúc thân tình Cha con trực tiếp với Ngài trong nội tâm, Ngài là ” Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” .

Ngài là chân lý, thấu suốt những ưu tư nội tại của chúng ta, nên chúng ta không cần thờ phượng Ngài bằng cách phô trương ra bên ngoài, không cần nơi chốn và kiểu cách:

- ” Nhưng đã đến giờ… những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật …” ( Jn 4, 21-24).

Thiên Chúa là Đức Chúa như vừa kể, dạy chúng ta lối hành xử với anh em, khác với cách hành xử của thế tục, của các bậc thông thái luật và những đạo sĩ của tôn giáo trong Cựu Ước.

Tôn giáo của Ngài là tôn giáo tha thứ , quảng đại rộng lượng :

- “ Anh em nghe luật dạy rằng: Mắt thế mắt, răng đền răng… Hảy yêu thương đồng loại và ghét kẻ thù. Còn Thầy , Thầy bảo anh em: hảy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em…” ( Mt 5, 38).

Người tín hữu Chúa Ki tô không những biết rộng lượng một lần, mà còn biết thương tha thứ anh em mỗi lần dấp phạm:

- “ Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giêsu đáp: Thầy không bảo bảy lần, mà bảy mươi lần bảy” ( Mt 18, 19-20).

Còn nữa, ” Ngươi phải thương yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31), yêu thương có nghĩa là ra tay hành động, thể hiện tình thương bằng việc làm, phục vụ anh em chớ không phải ngồi chờ kẻ khác phục vụ:

- “Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em ” ( Jn 13, 14-15).

Cách hành xử của Chúa Giêsu khác với lối hành xử của trần gian:

- “Chúa Giêsu bảo các ông: vua các dân thì dùng uy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế , trái lại ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ nhất, và kẻ cầm đầu thì phải như người phục vụ “ (Lc 22, 25-26).

Còn nữa, trong cách cư xử với người khác, người Ki tô hữu không phải là người khoát lác, khoe khoan để được mọi người trọng vọng, mà là người biết khiêm nhường để cho anh em mình được trổi vượt:

- “Ai tự coi mình như em nhỏ nầy, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” ( Mt 18, 4).

Ki Tô giáo với lối hành xử như vậy là một tôn giáo ” nghịch lý ” với lối hành xử của thế tục. Do đó chúng ta không lạ gì mà các bậc khôn ngoan thông thái của thế tục không chấp nhận.

Từ đó, chúng ta sẽ thấy rằng Ki Tô giáo là tôn giáo được mạc khải cho những người bé mọn, hay là tôn giáo được các người bé mọn đón tiếp.

Sánh với các bậc không ngoan thông thái, những người bé mọn là khối dân chúng thông thường ( ‘am ha’ aretz ) , những người nghèo khổ, thất học, không có địa vị gì trong xã hội, những kẻ làm các nghề hèn hạ, là công dân hạng hai như người Samaritano, người siết thuế và những kẻ tội lỗi , bị dân chúng miệt thị như Thánh Matthêu ( Mt 9, 9), như bà Maria Magdala, ông Giakêu.

Đối với những hạng người yếu thế , bé mọn, bị khinh khi đó, Đức Giêsu đứng về phía họ:

- ” Ta đến không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” ( Mc 2, 17).

Và cũng chính vì đó mà những người bé mọn, tội lỗi được can đảm thêm, tự tin hơn ở lòng đại lượng ưu ái của Chúa, đến ngồi đồng bàn với Ngài:

- ” Khi Đức Giêsu đang dùng bửa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến cùng ăn với Người và các môn đệ” ( Mt 9, 10).

d) Một chương trình hành động thiết thực.

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách cầu nguyện với Chúa Cha, dạy chúng ta ý muốn của Thiên Chúa khác với thói hành xử của thế tục và dạy chúng ta cách đối đãi với anh em đồng loại, nhứt là đối với những giới yếu kém .

Nhưng Chúa Giêsu không phải chỉ đem đến cho chúng ta những lời giảng dạy. Những dòng đầu tiên của Phúc Âm Thánh Gioan đã cho chúng ta biết là Thiên Chúa tỏ tình thương của Ngài bằng hành động:

- “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” ( Jn 1, 14).

Và cả cuộc đời của Ngài được Phúc Âm diển tả lại bằng các động tác , can thiệp vào cuộc sống thiếu thốn, khốn cùng của nhâân loại. Ngài đã biến nước thành rượu, hóa cá và bánh ra nhiều để nuôi dân chúng đói khát, làm phép lạ cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo đưọc nghe Tin Mừng” ( Mt 11, 5).

Ngài đứng ra bênh vực,bảo vệ kẻ yếu thế:

- “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ nầy uống, dù chỉ một chén nước lã thôi,…… người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”( Mt 10, 42).

Ngài đứng ra bênh vực những kẻ bị khinh bỉ, kẻ tội lỗi để cho họ có cơ hội trở lại thân tình Cha con với Thiên Chúa:

- “Ta đến không để kêu người công chính, mà để kêu người tội lỗi” ( Mc 2, 17).

– “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi…Ta cũng vậy, Ta không lên án con. Thôi con cứ ra về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” ( Jn 8, 7.11).

Thấu hiểu được lời giáo huấn của Thiên Chúa và xác tín được đường lối hành xử của Ngài khác với cách thức cư xử của thế tục thôi chưa đủ, người Ki tô hữu còn phải có đường lối hành động thiết thực để nâng đở và bênh vực những người yếu thế, biến tình thương thành động tác thiết thực,

Hay nói rỏ hơn như Công Đồng Vatican II :

- “Người KiTô hữu phải hợp tác với tất cả những người khác trong việc tổ chức dứng đắn những lãnh vực kinh tế, xã hội” ( Ad Gentes Divinitus, 12).

Và: “Người Ki Tô hữu có bổn phận nặng nề, phải hợp tác với tất cả những người khác trong việc xây dựng một thế giới xứng đáng với địa vị con người hơn” ( Gaudiumet Spes, 57).

Đức tin không được biến cải thành hành động là đức tin bất động, đức tin chết !

NGUYỄN HỌC TẬP