Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Mâu thuẫn xã hội bùng nổ ở Trung Quốc

VRNs (16.06.2011) – Internet – Những mâu thuẫn xã hội gay gắt đã dẫn tới hàng loạt cuộc biểu tình bạo động và những vụ đánh bom nhắm vào cơ quan công quyền tại Trung Quốc trong thời gian qua.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 13-6 đưa tin hai ngày trước, hơn 1.000 người lao động nhập cư từ tỉnh Tứ Xuyên đã đổ ra đường phố thị trấn Tân Đường, tỉnh Quảng Châu để đập phá cửa sổ, đốt các tòa nhà công quyền, ném chai lọ, gạch đá vào cảnh sát và lật xe cảnh sát. Lực lượng cảnh sát chống bạo động đã bắn hơi cay và điều xe bọc thép để trấn áp đám đông biểu tình. Tổng cộng 25 người đã bị bắt giữ, hàng chục chiếc xe cảnh sát bị đốt cháy.

“Nhiều người chạy trên đường phố như điên khùng, tôi phải đóng cửa hàng từ 19g và không dám bước ra đường” – báo South China Morning Post dẫn lời một chủ cửa hàng trong khu vực xảy ra bạo động.

Theo South China Morning Post, vụ việc bắt đầu từ tối 10-6 khi cảnh sát Tân Đường đi dẹp hàng rong trên phố. Một cặp vợ chồng bán hàng rong người Tứ Xuyên đã cãi cọ dữ dội với cảnh sát và người vợ mang thai bị đẩy ngã. Vụ việc khiến cộng đồng người lao động nhập cư từ Tứ Xuyên bức xúc, từ sáng 11-6 cả ngàn người đã bao vây đồn cảnh sát Tân Đường để phản đối và bạo lực bùng phát.



Cảnh sát và người dân đối đầu trong vụ biểu tình ở Lichuan ngày 9/6/2011 - Ảnh: AFP

Cuối tuần trước, hơn 1.500 người dân thành phố Lichuan, tỉnh Hồ Bắc đã đụng độ dữ dội với cảnh sát sau vụ một ủy viên hội đồng nhân dân địa phương bị chết trong đồn cảnh sát. Thời báo Hoàn Cầu cho biết người này bị bắt vì tội nhận hối lộ từ nhà thầu xây dựng, nhưng người dân địa phương lại cho biết trước đó ông đã vận động người dân chống lại việc chính quyền địa phương thu hồi một diện tích đất đai lớn trong thành phố.

Nhà chức trách đã phải bắt giữ hai công tố viên địa phương có liên quan đến cái chết của nạn nhân. Cảnh sát phải điều xe bọc thép đến tuần tra ở Lichuan để giữ gìn an ninh.

Nhân Dân Nhật Báo đưa tin ngày 6-6 ở Triều Châu, Quảng Đông, khoảng 200 công nhân nhập cư cũng từ Tứ Xuyên đã đụng độ với cảnh sát địa phương và đập phá xe cộ. Ít nhất 40 chiếc xe đã bị đập nát. Vụ việc xảy ra sau khi một công nhân nhập cư làm việc tại một nhà máy đồ gốm địa phương bị ông chủ đâm do cãi cọ về chuyện lương bổng. Cha của nạn nhân cũng bị đánh trọng thương.

Cộng đồng công nhân nhập cư đã nổi giận, đòi chính quyền địa phương phải trừng phạt kẻ thủ ác và bạo lực xảy ra.

Tháng trước, ở khu tự trị Nội Mông, hàng trăm người gốc Nội Mông bản địa đã đổ ra đường biểu tình phản đối vụ xe tải một mỏ than đâm chết một người chăn nuôi gia súc địa phương. Người dân Nội Mông cũng bức xúc với việc ngành khai thác than do người Hán kiểm soát đã hủy hoại sinh thái và môi trường sống ở Nội Mông, cũng như đe dọa tới truyền thống sinh hoạt du mục của người bản xứ.

Trong ba tuần vừa qua cũng xảy ra liên tiếp ba vụ đánh bom ở Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, hôm 10-6 một người đàn ông “muốn trả thù xã hội” đã cho nổ bom bên ngoài tòa nhà chính quyền địa phương ở thành phố cảng Thiên Tân, làm ít nhất hai người bị thương. Người này mang theo tới 20 quả bom tự tạo và ném bốn quả vào tòa nhà chính quyền huyện Hexi. Không rõ bao nhiêu quả bom đã nổ.

Một ngày trước đó, một cảnh sát đã thiệt mạng và hai người khác bị thương trong vụ nổ ở đồn cảnh sát thị trấn Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Nam. Toàn bộ đồn cảnh sát bị phá hủy. Chính quyền địa phương cho biết nguyên nhân vụ nổ là do tai nạn, xuất phát từ chất nổ chứa trong đồn.

Tuy nhiên, một số nguồn tin khẳng định đây là vụ tấn công báo thù cảnh sát tham nhũng. Hai tuần trước đó, một người đàn ông 52 tuổi cho nổ ba quả bom ở trước tòa nhà hành chính thành phố Phúc Châu, tỉnh Giang Tây. Hung thủ, bị chết trong vụ nổ, đã bày tỏ sự tuyệt vọng trên Internet về việc không thể đòi bồi thường vì bị thu hồi đất đai.

Những vụ bạo động và đánh bom này đang làm lộ rõ sự bất ổn đáng báo động trong xã hội Trung Quốc vốn xuất phát từ những bức xúc xã hội liên quan đến tình trạng bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo và nạn tham nhũng, đặc biệt là từ việc thu hồi đất đai.

Tân Hoa xã cho biết ý thức sâu sắc trước nguy cơ này, mới đây Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã lên tiếng cảnh báo về những “mâu thuẫn xã hội sâu sắc” tại nước này. Ông yêu cầu chính quyền cần có những nỗ lực khẩn cấp và lâu dài để giải quyết các vấn đề liên quan đến “hệ thống hành chính, luật pháp và cách thức điều hành đất nước”.

Hiếu Trung