VRNs (06.06.2011) – Ephata – “Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.
Trên đây là lời ngỏ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với toàn thể thế giới nhân ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 43 ( 1 tháng 1 năm 2010 ).
Hòa bình đang là một khát khao của mọi người cách riêng người Việt Nam chúng ta. Năm 1975, Việt Nam chấm dứt chiến tranh, trên nguyên tắc không còn tiếng súng trên quê hương đất nước đau khổ nhiều vết thương bom đạn, nhưng thực tế không như vậy, tiếng súng vẫn tiếp tục nổ trên chiến trường Tây Nam, nhiều lớp thanh niên đã gục ngã trong và ngoài phía biên giới tổ quốc này, tiếng súng tiếp tục nổ trên chiến trường Bắc Tây Bắc, vẫn còn đó những con người kiên cường hy sinh mạng sống cho đất mẹ thân yêu.
Nếu hòa bình được xem là một cuộc sống con người được bảo vệ khỏi những nguy cơ đe dọa an sinh và ngoài tầm của những bất ổn tinh thần cũng như thể xác, hòa bình là một cuộc sống an vui hạnh phúc, trong đó con người được tôn trọng phẩm giá xứng đáng là con người, thì hòa bình vẫn còn là một khát vọng sâu xa, chính đáng, còn rất diệu vợi đối với người Việt Nam hôm nay. Những nguy cơ rình rập ở bất cứ nơi đâu, bất cứ ngóc ngách nào trên đất nước này mà không ai trong chúng ta có thể ngờ.
“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.
Sau ngày chiếc du truyền của nhà hàng Dín Ký bị lật nhào giữa cơn phong ba ở một khúc sông Sàigòn làm chết 16 mạng người, có một bài báo trên trên mạng Yahoo ký tên một vị với chức danh bác sĩ, tác giả bài báo đề cập đến ý thức của người tham gia các phương tiện thụ hưởng, ông chia sẻ rằng: người sử dụng các phương tiện thụ hưởng phải tự ý thức không tham gia các phương tiện không an toàn, cần phải thẳng thắn kiểm tra sự an toàn trước khi tham gia.
Tôi hiểu thiện ý của ông bác sĩ, tôi hiểu ông muốn chia sẻ với mọi người quyền của người tham gia các phương tiện, nhưng theo một người bạn cũng chia sẻ, nói như ông thì chúng ta không nên ra ngoài đường, vì đường phố ở ta không an toàn chút nào cả ! Đi sai đương nhiên chết mà có khi đi đúng cũng vẫn chết. Không làm gì, ngồi chơi trước cửa nhà, hoặc đang ngủ ngon lành trong nhà cũng có thể chết ! Báo chí hàng ngày cho ta những thông tin đó, nhiều đến nỗi đọc tin tai nạn có người chết, nhiều người vô cảm như không có gì xảy ra !
Hòa bình vẫn còn là một khát vọng chính đáng nhưng xa vời vợi với những con người đang lo sợ hàng giờ bởi những đe dọa bất ổn, những người lăn lộn bên thân xác của người thân chết oan uổng từng ngày, của những người đang khổ đau vì những mất mát vô lý không sao ngăn cản nổi ( tai nạn giao thông, vướng cáp dọc đường, lọt hố tử thần, điện rò rỉ giật chết người, …), của những người ngày ngày lê thân đi tìm công lý, công bằng, công chính.
“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.
Thiên nhiên đang bị tàn phá nặng nề, những năm gần đây, mạng thông tin toàn cầu cho ta biết những đổ vỡ khủng khiếp giữa con người và thiên nhiên, trong đó, người ta đã chỉ ra rằng chính chúng ta là thủ phạm của những đổ vỡ đó, để rồi chính chúng ta lại là những nạn nhân của đổ vỡ gây ra. Người ta có thể thống kê những thiệt hại, từ mạng người đến hàng hóa, vật chất, hệ điều hành… Người ta có thể dự đoán những thiệt hại và lên dự báo về hiểm họa thay đổi khí hậu toàn cầu, nhưng chúng ta không thể hình dung và thống kê ra được những tổn thương về tinh thần, về gía trị con người, về giá trị của tình thương… khủng khiếp như thế nào.
Vấn đề bảo tồn nhiên nhiên là vấn đề của toàn cầu, vấn đề lớn của những nhà lãnh đạo các cường quốc trên thế giới, giới doanh nhân tư bản… Họ cãi nhau mãi vẫn không xong, lượng khí thải không hề thuyên giảm, mỗi ngày lại phát sinh thêm những loại độc hại mới, những nguy cơ mới. Trong một quốc gia, bảo tồn là vấn đề của chính phủ, chính phủ có trách nhiệm quy hoạch, thực hiện các dự án và hỗ trợ các dự án, các biện pháp bảo tồn…
Đủ thứ văn bản, đủ thứ pháp lệnh, thế nhưng rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá, sông suối cạn kiệt, ô nhiễm khắp nơi, khai thác khoáng sản bừa bãi, Hà Nội và Sàigòn không tìm được con sông nào không bị ô nhiễm. Những con sông một thời oanh liệt, gắn liền với bao chiến công lẫy lừng của dân tộc, những con sông một thời lưu chuyển dòng nước mát nuôi sống toàn bộ dân Việt, nay phải cõng trên mình hơn 600 đập thủy điện và sẽ tiếp tục cõng thêm cái qui hoạch quái quỷ mệnh danh là “tầm nhìn 2020” với hơn 1.000 đập thủy điện khác nữa.
“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.
Nhưng vấn đề bảo tồn thiên nhiên lại là vấn đề của mỗi người chúng ta, thay vì ngồi đó gào thét hoặc chê trách, cằn nhằn số phận, chúng ta phải mau chóng ý thức, truyền bá ý thức và hành động để cứu chính chúng ta. Hãy bắt tay vào những việc nhỏ nhưng không nhỏ chút nào, xét về ý nghĩa và về cả hiệu năng của nó, xin hãy làm ngay không chậm trễ những gì có thể làm được, nó sẽ cho chúng ta hiệu quả ngay tức khắc và người ưu tiên được thụ hưởng đó là chính chúng ta, xin mạo muội với một vài đề nghị, ít là:
- Chống hút thuốc lá. Không đốt vàng mã, không đốt pháo, …
- Nói không với bao nylon, hộp mốp, ly xốp.
- Thu gom và phân loại rác.
- Vệ sinh đường phố, không đổ nước ra đường, nuôi thả chó, phóng uế bừa bãi…
- Không chặt cây xanh, săn bắn chim, không nuôi hay phóng sinh rùa tai đỏ, không nuôi đỉa…
- Không ăn thịt thú rừng.
- Tiết kiện điện, nước…
- Không chạy xe máy khi không cần, chuyển dần sang dùng xe đạp.
- Tắt máy xe khi gặp đèn đỏ từ 30 giây trở lên.
- Không chạy máy điều hòa không khí khi không cần thiết.
- Không tiêu thụ các sản phẩm làm hại môi trường.
- Giảm tiếng ồn tối đa, không lạm dụng máy móc, còi xe…
“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.
Tích cực hơn, chúng ta hãy…
- Tìm mọi cách phủ xanh thành phố ( trồng cây xanh, trồng phủ dây leo trên các ban công nhà nhất là hướng Tây Nam, làm vườn treo trên sân thượng tăng gia sản xuất rau mầm… ). Hãy tưởng tượng cả thành phố tràn ngập dây leo sẽ xanh mát chừng nào, giảm được tiếng ồn và giảm được cả khói bụi.
- Thu giữ nước mưa bằng các bồn nước để bổ xung nước sinh hoạt, giảm lượng nước thải khi có mưa tránh hoặc giảm ngập lụt. mở thêm các thảm cỏ, cây trồng nếu có đất, để giảm bớt diện tích mặt bê tông tăng diện tích thẩm thấu nước mưa bổ xung mực nước ngầm và giảm ngập lụt.
- Bày tỏ quan điểm và thái độ ủng hộ các chương trình bảo vệ môi trường, thực phẩm sạch. Tích cực vận động việc bảo vệ môi trường, thực phẩm sạch. Giáo dục các thanh thiếu niên qua các bài Giáo Lý về môi trường, phổ biến sâu và rộng Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt về chương Môi Trường.
- Vận động và xây dựng các nhà vệ sinh công cộng, trước tiên mỗi Nhà Thờ, mỗi Giáo Xứ có nhà vệ sinh công cộng ngay trong khuôn viên Nhà Thờ.
- Sáng kiến các hàng tiêu dùng xanh, kiến trúc xanh, đem thiên nhiên vào nội thất. Mỗi sân Nhà Thờ là một khu vực xanh, thân thiện với thiên nhiên, mát mẻ và hiếu khách, …
Trước khi kết thúc một vài suy nghĩ nhân ngày Mội Trường Thế Giới ( 5 tháng 6 ), xin được nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân ngày Hào Bình Thế Giới 2010:
“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 5.6.2011
Theo Ephata, số 462