VRNs (16.06.2011) – Hà Nội – Do sự phát triển nhanh chóng của báo chí Việt Nam trong những năm gần đây nên những kiến thức về pháp luật trong truyền thông hiện nay là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong hoàn cảnh chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một nhà nước Pháp quyền, sống và hành xử theo Pháp luật. Đó là nội dung buổi chiều, còn giờ buổi sáng hôm nay, cha chánh xứ Thái Hà, Giuse Nguyễn Văn Phượng trình bày đề tài quan trọng giới truyền thông Công giáo hiện nay là Đạo đức Internet.
Cha Phượng trình bày những nét chính yếu, được lấy ra từ các văn kiện hướng dẫn mục vụ truyền thông, đặc biệt là internet của Tòa thánh. Những điều này giúp người làm truyền thông Công giáo biết mình cần phải làm gì và vì cái gì chứ không chạy theo tiếng khen, lợi nhuận hay sự mua chuộc để biến con người thành công cụ và biến truyền thông thành kênh lưu chuyển sự gian dối. Truyền thông phải giúp con người là người trong ý định yêu thương trọn vẹn của Thiên Chúa.
Cha Phượng đang chia sẻ
Trong hơn ba tiếng làm việc, luật sư Giuse Lê Quốc Quân đã cùng các tham dự viên tại khoá học phân tích những điều luật cơ bản liên quan đến truyền thông ,giúp cho mọi người phần nào nhận thức được về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm báo.
Sau khi được phổ biến những kiến thức cơ bản về quyền và nghĩa vụ của một nhà truyền thông, các tham dự viên được chia thành những nhóm nhỏ và cùng nhau thảo luận một số tình huống, tai nạn có thể xảy ra trong quá trình tác nghiệp. Mặc dù là những người không chuyên nhưng bằng công cụ tra cứu tìm kiếm trên internet, nhiều nhóm đã biết trích dẫn những điều luật trong hiến pháp hiện hành liên quan đến tinh huống cần phân tích, thảo luận. Tuy vậy, theo giảng viên Lê quốc Quân, các tham dự viên hầu hết đều phạm phải một điểm yếu là không đọc kĩ tình huống, dẫn đến sự thiếu chính xác của ngôn từ trong khi luật pháp đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối .
Ngoài ra ông Quân cũng chia sẻ nhiều tài liệu truyền thông, những kĩ năng phỏng vấn và khai thác thông tin giúp các học viên bước đầu định hình những kĩ năng cơ bản trong một lĩnh vực luôn đòi hỏi tính thay đổi cao theo xã hội.
Một bác nhà báo đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề, đa dạng về các lĩnh vực báo in, báo ảnh cũng có những chia sẻ với các tham dự viên về kinh nghiệm của bản thân trong khi tác nghiệp cũng như những lời khuyên dành cho những ai muốn tiến sâu trong nghề báo. Vì hành lang pháp lý trong lĩnh vưc báo chí của Việt Nam còn khá thiếu chi tiết nên vấn đề cấp thẻ nhà báo đôi khi làm cho các nhà báo tự do rất khó khăn trong vấn đề tác nghiệp. Sự thành bại của nhà truyền thông phần lớn phụ thuộc vào sự khôn ngoan, khả năng ứng phó linh hoạt của chính họ.
Các tham dự viên đặt nhiều câu hỏi và giả định nhiều tình huống có thể sẽ gặp phải trong khi tác nghiệp trong bối cảnh xã hội Việt Nam còn đang chông chênh và đầy khó khăn như hiện nay. Các giải pháp phù hợp với nguyên tắc pháp luật trong nước cũng như các quy ước quốc tế về tự do báo chí, tự do ngôn luận cho mọi người đặc biệt là cho người làm truyền thông ‘tự do’, đồng thời phải chuẩn mực với đạo đức xã hội, nhân phẩm con người. Tất cả hướng nhắm đến là phục vụ con người thăng tiến tốt đẹp nhất.
Buổi tối mọi người tiếp tục cùng nhau làm việc về mảng phóng sự với những chia sẻ của Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh và những hướng dẫn thực tập theo nhóm cho ngày 16.06 .2011. Sau một ngày học khá vất vả nhưng dường như sự chuẩn bị cho buổi thực tập đến cuối ngày vẫn rất sôi nổi hào hứng.
Các tham dự viên thảo luận nhóm
Hy vọng rằng sau khoá học truyền thông công giáo tại Thái Hà lần thứ III này, sẽ xuất hiện thêm nhiều nhà truyền thông với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy xã hội hoá báo chí Việt Nam, đồng thời gia tăng đội ngũ những người làm báo bắt kịp công nghệ trong thời đại mới -kỷ nguyên của Internet với cách tiếp cận thông tin đa chiều.
Đỗ Lương Tâm