Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Phận vụ tông đồ của người tín hữu giáo dân trong công đồng Vatican II

VRNs (09.06.2011) – Roma, Italia – Giáo sư Nguyễn Học Tập là một thần học gia giáo dân, ông thao thức rất nhiều về các vấn đề của người Kitô hữu giáo dân đối với Giáo hội và xã hội. Chúng tôi xin trân trọng giới thiếu bài viết Phận vụ tông đồ của người tín hữu giáo dân trong công đồng Vatican II, bài được viết theo tài liệu Thông Tấn Xã Toà Thánh Vatican, www.zenit.org, 06.12.2005, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Công Đồng Vatican II đã kết thúc.



1 – Điều gì đã khiến cho các Nghị Phụ Công Đồng Vatican II đã áp dụng một nhãn quang rộng rãi hơn về phận vụ tông đồ của người tín hữu giáo dân,được thể hiện lên trong Nghị Quyết Apostolicam Actuositatem?

Có hai yếu tố: đó là các dữ kiện và yếu tố thần học.

a ) Các dữ kiện:

Trước hết đứng trước tình trạng phong trào thế tục hoá ( secularisazione ) và chống đối hàng giáo phẩm (anticlericalismo), các linh mục và giáo sĩ trên thực tế không thể hiện diện trong nhiều lãnh vực xã hội ở nhiều Quốc Gia trên thế giới.

Và do đó, đây là yếu tố thứ hai, nếu Giáo Hội muốn hiện diện trong những môi trường đó, Giáo Hội chỉ có thể hiện diện qua các tín hữu giáo dân

Trong thời Công Đồng Vatican II vấn đề đã trở thành quan trọng khến cho nhiều Giáo Hội phải là ” Giáo Hội thầm lặng ” phía bên kia lằn ranh giới giữa thế giới tự do và thế giới độc tài vô thần và phi nhân, nhưng một cách nào đó chúng ta cũng có ” Giáo Hội thầm lặng ” cả ở những Quốc Gia Tây Phương: Giáo Hội nói, nhưng nhiều người không muốn nghe.

b) Yếu tố thần học:

Yếu tố thần học đó là cách hiểu biết mới với ý nghĩa Giáo Hội là mầu nhiệm thông hiệp , mà chúng ta gặp được thể hiện lên trong Hiến Chế Lumen Gentium.

Thay gì Giáo Hội được diễn tả như là hình một kim tự tháp đảo ngược, Giáo Hội của Công Đồng Vatican II được hiểu như là một cấu trúc phẩm trật, với các phận vụ và động tác khác nhau, nhưng trong đó mỗi thành phần đều có địa vị và quyền hạn căn bản như nhau.

Trong ý nghĩa đó, Giáo Hội được diễn tả như là ” Thân Thể Chúa Ki Tô “, là ” Cộng Đồng Dân Chúa “.

Điều quan trọng căn bản, đó là địa vị và phân vụ của các thành phần Giáo Hội, đều thoát xuất từ Phép Rửa, làm cho mọi người có quyền và bổn phận tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội.

Từ ngữ tổng quát để ám chỉ sứ mạng đó là “ phận vụ tông đồ “. Và vì đó việc tham dự của người tín hữu giáo dân vào sứ mạng của Giáo Hội được gọi là ” phận vụ hay sứ mạng tông đồ của người tín hữu giáo dân “.

Một điều khác cũng không kém phần quan trọng, như Hiến Chế Lumen Gentium đã nói rõ, người tín hữu giáo dân cũng như giáo sĩ và tu sĩ, tất cả đều được Chúa kêu gọi hãy hưóng đến mức thánh thiện cao nhứt, hãy trở nên thánh. Đó là những gì Hiến Chế đã xác nhận rõ rệt trong chương V, trong khi đó thì tình trạng người tín hữu giáo dân liên hệ với Giáo Hội và với sứ mạng của mình được thể hiện nơi chương IV.

Hiểu như vậy, chúng ta thấy được Nghị Quyết Apostolicam Actuositatem là bản văn diễn tả cách áp dụng thực tế và có chương trình các nguyên tắc đẵ được Hiến Chế Lumen Gentium tuyên bố. Hai tài liệu bổ túc cho nhau.

2 – Đâu là quyền và bổn phận của người tín hữu giáo dân trong phận vụ tông đồ mà Nghị Quyết Apostolicam Actuositatem đã đề cập đến, trong cuộc sống hằng ngày ?

Khác với vị thế của thời gian trước Công Đồng Vatican II về việc tông đồ của người tín hữu giáo dân, theo đó thì việc tông đồ của người tín hữu giáo dân là sự tham dự, đáp ứng đối với sự ủy nhiệm của hàng giáo phẩm, Công Đồng Vatican II dạy rằng người tín hữu giáo dân có quyền và bổn phận làm phát triển các động tác tông đồ, đơn thuần bởi vì họ là thành phần của Giáo Hội.

Lời kêu gọi thẻ hiện phận vụ tông đồ được Chúa Ki Tô kêu gọi người tín hữu giáo dân và được đặt trên nền tảng Phép Rửa và Phép Thêm Sức.

Phận vụ tông đồ của người tín hữu giáo dân không phải là những gì được hàng giáo phẩm ủy thác cho, mặc dầu dĩ nhiên để hành động nhân danh Giáo Hội, người tín hữu giáo dân phải được giáo quyền cho phép và nhứt là được hàng giáo phẩm dạy bảo cho, đặc biệt đối với những gì có liên quan đến lãnh vực tín lý và luân lý.

Sau những gì được đề cập, Công Đồng Vatican II xác nhận thi hành việc tông đồ là động tác tự lập của người tín hữu giáo dân, có thể được thể hiện dưới hai hình thức: tông đồ cá nhân và tông đồ dưới hình thức hội đoàn.

Tất cả mọi tín hữu giáo dân, nam cũng như nữ, có tham dự vào việc tông đồ tập thể hay không, đều được mời gọi hãy thực hiện việc tông đồ cá nhân trong cuộc sống của mình.

Người tín hữu giáo dân được mời gọi thực hiện nhãn quang nầy của việc tông đồ trong đời sống hằng ngày của mình, theo cách chuẩn đinh cá nhân của mình.

Thiên Chúa gọi chúng ta thế nào, ở đây và hiện thời, để phục vụ người thân cận chúng ta và làm phát triển công trình cứu rổi của Chúa Ki Tô, sứ mạng của Giáo Hội ?

Thái độ trả lời cá nhân, được đặt trên chuẩn định ơn gọi, nói lên cho chúng ta hình thức cá biệt phận vụ tông đồ mà người tín hữu giáo dân liên hệ sẽ thể hiện. Những người khác có thể giúp cho ý kiến, lời khuyên bảo, chuẩn định những phương thức có thể thực hiện được. Nhưng nói cho cùng, chính việc chuẩn định cá nhân ơn gọi là điều mà chủ thể liên hệ phải chính mình đứng ra thực hiện.

3 – Theo tài liệu Apostolicam Actuositatem, người tín hữu giào dân không nên chỉ giới hạn việc tông đồ của mình vào lãnh vực họ đạo, nhưng họ được khuyến khích hãy trải rộng động tác tông đồ của mình ra cả tầm mức Quốc Gia và đến cả tầm mức Quốc Tế nữa. Điều đó có nghĩa là gì ?

Họ đạo không phải là môi trường dành riêng và đặc thù, nơi người tín hữu giáo dân thể hiên sứ mạng phận vụ tông đồ của mình. Cũng vậy đối với bất cứ các cấu trúc hay cơ chế nào khác của Giáo Hội.

Động tác tông đồ của người tín hữu giáo dân trước tiên được nhằm vào lãnh vực trần thế, và đó là nơi mình phải tác động, như những gì Nghị Quyết Actuositatem Apostolicam nhằm nói đến:

- ” Người tín hữu giáo dân phải đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là bổn phận cá biệt của chính mình ” ( n. 7).

Tầm mức quan trọng quá đáng hiện nay dành cho động tác của người tín hữu giáo dân trong nội bộ cấu trúc và cơ chế Giáo Hội đã có từ thập niên ’70. Công Đồng Vatican II đã đề cập đến ít, quá ít về chức năng ( ministère ) của người tín hữu giáo dân.

Đối với việc tham dự của người tín hữu giáo dân vào sứ mạng của Giáo Hội, Công Đồng đề cập đến nhứt là phận vụ tông đồ của người tín hữu giáo dân, bằng cách xác nhận một cách rõ ràng rằng việc chính yếu phận vụ tông đồ của họ là nhằm đem Phúc Âm vào trần thế.

4 – Ý thức đến sự giảm thiểu số lượng linh mục, nhứt là ở các Quốc Gia Tây Phương, Nghị Qquyết Apostolicam Actuositatem có tầm quan trọng nào ?

Sự giàm thiểu số lượng linh mục và tu sĩ làm cho vai trò của người tín hữu giáo dân càng trở nên quan trọng hơn trong việc tạo lại được trớn sức mạnh tiến mau lên của Giáo Hội.

Nhưng chúng ta cần xác định rõ: đó là chúng ta đang nói đến các hình thức chức năng khác nhau, ví dụ như thừa tác viên Phép Thánh Thể, các giáo lý viên giáo dân và những gì tương tợ như vậy, chúng ta đang nói đến chức năng chớ không đang nói đến phận vụ tông đồ.

Sự cần thiết phai chạm trán với trào lưu trần tục hóa ” sécularisation ” của xã hội dựa vào động tác tông đồ của các tín hữu giáo dân là điều kiện phải có, không tùy thuộc gì vào việc thiếu thốn nhân sự giáo sĩ và tu sĩ. Và điều cần thiết đòi buộc đó, ai cũng thấy rõ, càng ngày càng trở nên khẩn cấp.

5 – Động tác tông đồ của gia đình là gì, mà Công Đồng Vatican II đề cập đến?

Cách diễn tả vừa kể mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

a ) Một trong những động tác ” cho gia đình ” đó, chinh yếu là việc chuyên cần dấn thân để giáo huấn và nâng đỡ các gia đình và hôn nhân.

Đây là điều cấp thiết ai cũng thấy được, theo bản thống kê, hiện nay ở Hoa Kỳ phân nữa các cuộc hôn nhân được kết thúc bằng ly dị và áp lực rất nặng nề cho việc hợp thức hoá các trường hợp đồng tính luyến ái, ở một vài nơi trào lưu đó cũng thắng thế được.

b) Động tác tông đồ ” của gia đình ” có liên quan đến việc chuyên cần của cặp vợ chồng và của gia đình, tác động việc tông dồ với tư cách là gia đình, trong khi trợ giúp người thân cận và bạn bè bằng các gương mẫu tốt lành và bằng lời nói.

Các gia đình cũng có thể và phải liên kết nhau để liên đới hỗ trợ nhau.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II đã đề cập rất nhiều về vấn đề nầy và nói rất hay trong Huấn Dụ ” Familiaris Consortio ” của ngài.

6 – Người tín hữu giáo dân có vai trò trong việc huấn luyện tông đồ và về đàng thiêng liêng, liên quan đến ơn gọi tông đồ của mình không?

Huấn luyện tông đồ là điều thiết yếu tuyệt đối và không thể tách rời khỏi việc huấn luyện về đàng thiêng liêng.

Một trong những sự cộng tác qúy báu mà các hiệp, tổ chức mới, như các Phong Trào Giáo Dân ( Movimenti laici ), Công Tác của Chúa ( Opus Dei ), Thông Hiệp và Giải Thoát ( Comunione e Liberazione ), Phong Trào Tân Tòng ( Neocatecumenali ) và các tổ chức khác nữa, cung cấp cho đó là việc chuyên cần chăm lo về việc huấn luyện giáo dân.

Điều vừa kể có tầm quan trọng gấp đôi, bởi vì gần như tất cả các việc huấn luyện người tín hữu giào dân được giao cho chức năng của các giáo dân. Dĩ nhiên, các thừa tác viên giáo dân phải được huấn luyện, và phải được huấn luyện tốt đẹp.

Nhưng ngay cả ai đặt tầm quan trọng vào việc tông đồ giữa trần thế cũng cần có được một nền giáo dục vững chắc và liên tục . Nhưng rât tiếc là có nhiểu trường hợp điều đó không được thực hiện đầy đủ. Nhiều trường hợp có vẻ như các họ đạo và các trường công giáo không không đặt tầm quan trọng, ưu tiên đủ cho vấn đề vừa kể.

Một vần đề thiết yếu khác và thường khi việc huấn luyện người tín hữu giáo dân không quan tâm đến, mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II đã đề cập đến trong Thông Điệp Christifideles Laici của ngài. Đó là việc huấn luyện người tín hữu giáo dân, hay ít là huấn luyện mà người tín hữu giáo dân phải có, phải được coi như là một ơn gọi:

- ” Việc huấn luyện người tín hữu giáo dân có mục đích căn bản là để khám phá ra càng lúc càng rõ hơn ơn gọi của mình và làm cho mình luôn luôn sẵn sàng hơn và đại lượng hơn sống ơn gọi đó trong việc chu toàn sứ mạng của chính mình ” ( n. 58).

Đức Thánh Cha đang nói về sự huấn luyện các tín hữu giáo dân để họ chuẩn định được ơn gọi. Các nhóm và các tổ chức vừa được đề cập, và hy vọng sẽ còn có nhiều tổ chức khác nữa sẽ được thiết lập cùng nhằm mục đích, có lẽ hiểu được ngụ ý của Đức Thánh Cha muốn nói đến.

Ước gì những cá nhân và tổ chức khác cũng nhận thức được như vậy, hàng gíáo phẩm, các học viện công giáo, cũng như các tổ chức và hội đoàn.

Phận vụ tông đồ của người tín hữu giáo dân: đem ánh sáng Phúc Âm vào giữa trần thế.

NGUYỄN HỌC TẬP