Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Phúc phận

VRNs (17.06.2011) – Ai cũng biết một trong những mầu nhiệm lớn của Giáo hội đó là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và là một mầu nhiệm không dễ để hiểu. Trên bình diện đức tin, nhiều thần học gia cũng đã dùng mọi lý lẽ để giảng giải, suy niệm nhưng dường như trong tâm thức nhân loại, vẫn là một mầu nhiệm khó hiểu, khó tin.



Đã gọi là mầu nhiệm, tất nhiên chỉ dùng tri thức nhân loại, có lẽ khó để thủ đắc, nhưng khó không đồng nghĩa không thể. Thực ra, bức màn bí mật ấy từng bước được biểu lộ qua dòng lịch sử và kết thúc viên mãn qua sứ mệnh cứu chuộc của Đấng Thiên Sai. Nhìn vào Đức Giêsu, chiêm ngưỡng cuộc đời của Ngàu, ta có thể nhận ra dung nhan Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ba ngôi cùng hiện diện, cùng hoạt động trong công trình tạo dựng và cứu chuộc thế giới.

Việc phân tách từng Ngôi vị ứng với mỗi trách vụ trong một nhiệm thể Thiên Chúa phải chăng là con đường mô phạm để thế giới dễ dàng am hiểu mầu nhiệm yêu thương. Ba Ngôi Một Chúa hay Một Chúa Ba Ngôi cũng đều sống cho nhân loại và cứu chuộc nhân loại. Điều quan trọng vẫn là sự hiệp nhất nên một giữa các Ngôi vị trong cùng Thần khí. Bất kỳ phương diện nào, chỉ cần nhân loại hiểu rằng Thiên Chúa quá yêu thương họ, không chỉ tạo dựng cho con người sự sống với những nhu cầu cuộc sống được trao tặng cách hoàn hảo nhất, Ngài còn đổ chính máu mình ra chuộc lại lỗi lầm con người bất trung, sa ngã vấp phạm. Một tình yêu thương, hy sinh đến tận cùng, Ba Ngôi Thiên Chúa tự nguyện hy sinh chính mình cho con người hạnh phúc.

Chẳng phải cuộc sống, người người mỗi ngày đang sống hy sinh cho nhau để ai ai cũng được hạnh phúc? Chẳng phải thế giới luôn khao khát hạnh phúc, ước mơ điều hòa bình? Vậy tại sao có Đấng yêu thương dạy bảo con đường hạnh phúc yêu thương, thì con người lại đang tâm từ chối.

Nhân loại khôn ngoan, sáng tạo nhiều phương thế phục vụ nhu cầu cuộc sống cho đồng loại. Trong muôn vàn điều kỳ diệu của cuộc sống, vẫn không có điều kỳ diệu nào lớn hơn sự kỳ diệu của người dám hy sinh chính mình để sống cho tình yêu của người khác. Thời đại càng văn minh người ta càng chăm bẵm cho nhu cầu cá nhân bấy nhiêu, vậy mà chả mấy người nhìn ra sự hy sinh vĩ đại của Thiên Chúa. Phải chăng nhu cầu hưởng thụ vật chất là vô hạn, nhưng khả năng nhận biết lành dữ là có hạn, để rồi họ bỏ qua sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng hơi thở của đời thường.

Câu chuyện dụ ngôn minh chứng tình thương người cha dành cho con cái thời buổi này xem chừng phản tác dụng âu đã nhàm chán? Ngày nào trên làn sóng truyền thông, không đưa tin nóng sốt về những vụ sát nhân vô nhân tính không phân biệt huyết thống hay đạo đức nhân văn. Tại sao thế nhỉ? Trong khi nền văn minh khoa học tiến bộ phải hứa hẹn một thế giới giàu đẹp, phát triển mọi mặt chứ. Nguyên nhân nào đưa đến tình trạng xuống cấp đến mức báo động đỏ của một nền luân lý suy đồi như thế. Hình như nhân loại chỉ cần tiền để sống, để hưởng thụ chứ không cần công lý để chung tay phát triển một thế giới giàu đẹp thịnh vượng công bình hơn.

Giàu vật chất, nghèo đức tin. Trọng nhân nghĩa, khinh bạc tiền. Đứng trước một thế giới đang xoay vần trong bàn tay của thế lực sự dữ. Sức mạnh đồng tiền đã hóa trắng đổi đen thay vì đợi chờ công lý lên tiếng. Tiếng nói đi trước đã không còn thuộc về chân lý nữa rồi, nhường bước cho quyền lực và bất công. Thiên Chúa không còn chỗ đứng trong tâm thức nhân loại thì việc một Chúa hay mấy Ngôi đã không còn quan trọng. Bao nhiêu Chúa đi nữa cũng không thể thay đổi được chủ nghĩa cá nhân đang bá chủ trong não trạng thế giới, khi con người đặt trọn vẹn niềm tin vào sức mạnh bạc tiền.

Thiên Chúa yêu thương tạo dựng, Thiên Chúa nhân từ xót thương, để rồi Ngài bao dung tất cả, thứ tha tất cả. Không chỉ nói nhưng còn hành động, Thiên Chúa đã đi bước trước trên hành trình làm người với nhân loại. Nhưng khổ nỗi con người nhìn thấy điều kỳ diệu mỗi ngày mà vẫn ngoan cố bỏ quên. Phải chăng Thiên Chúa đã có lỗi trong công trình sáng tạo để rồi thất bại nhìn sự dữ ngày càng bành trướng, trong khi chẳng còn mấy ai tin nhận và bước theo chân lý đức tin. Thật ra, chính sự thinh lặng ấy lại là một mầu nhiệm, cho con người dần khám phá ra sự bất toàn của mình cũng như thế giới. Tin hay không tin, sống hay không sống là tự do tất yếu của nhân loại, nhưng quyết định chung cuộc lại thuộc về Thiên Chúa. Cứ nhìn xem công trình con người dày công xây cất bao nhiêu năm trường, Thiên Chúa chỉ cần trở ngược bàn tay là mọi sự đã hóa nên không tất cả. Thiên Chúa có đủ sức mạnh và quyền năng biến chuyển thế giới nhưng Ngài vẫn chọn hành động yêu thương và lòng bao dung tha thứ. Ngài kiên nhẫn chờ đợi và từng bước tiệm tiến trên hành trình biến đổi tâm linh nhân loại.

Hiểu được tấm lòng Thiên Chúa, thế giới sẽ biết yêu Ngài nhiều hơn, tin tưởng phó thác và sống hạnh phúc hơn. Đó cũng chính là phần phúc bất diệt. Thiên Chúa tất định, trường tồn không bao giờ thay đổi, tình yêu Ngài dành cho nhân loại bao giờ cũng là vô vị lợi, vô điều kiện. Thế nên, quan trọng vẫn là con người, có tin đủ vào tình yêu thương Thiên Chúa hay không mà thôi. Việc lo sợ là không hợp lý bởi vì có bao giờ Ngài thôi thương xót hay ngừng yêu thương. Quyền năng và sức mạnh của Ngài vượt trên mọi thế lực của tội lỗi và sự chết, có lý gì Thiên Chúa khoanh tay bỏ cuộc nhìn thọ tạo xoay vần hay sao?

Lạy Chúa, được sinh ra từ cung lòng yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa và được bảo vệ chở che dưới bóng cánh tay Ngài nhưng con đã thờ ơ, vô tình, lãnh đạm. Con quên mất từng phút từng giây Ba Ngôi Thiên Chúa đã đồng hành cho con cuộc sống, tình yêu, niềm tin và sức mạnh. Biết Thiên Chúa yêu thương thì dễ nhưng tin tình yêu ấy có thật lại rất khó, tha thứ cho con vì con mắt phàm xác thực, mãi lầm lũi trong mớ danh vọng đam mê trần hèn. Xin giúp con cảm nghiệm được nguồn bình an, hạnh phúc bất diệt trong cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, bởi niềm tin ấy có thật và sẽ trở thành phúc phận… đời con.

M. Hoàng Thị Thùy Trang