Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

“Sao không thấy em lại”

VRNs (06.06.2011) – Úc Đại Lợi – Chuyện phiếm đạo – đời



“Sao không thấy em lại
để cùng anh thẩn thơ”
trước sân trăng vời vợi
để rồi cùng ước mơ”

(Phạm Đình Chương – Thuở Ban Đầu)

(1Cor 1: 4-7)

Đúng vào “thuở ban đầu” ấy, người người thường ước mơ. Trẻ, thì mơ mẹ đi chợ về, mua cho bé rất nhiều quà. Già, lại ao ước mọi việc cứ thế thông suốt rất êm ả. Thẩn thơ. Nhà Đạo mình, cũng có những ước và những mơ. Mơ gì đây? Chắc hẳn, chẳng mơ và ước được Chúa sớm rước về? Ở đâu đó! Mà là, mơ như nghệ sĩ cũng từng ước và rất mơ, ở câu thơ:

“Sao không thấy em lại?
hàng dừa nghiêng thương nhớ
và khúc ân tình biết trao về đầu…”

(Phạm Đình Chương – bđd)

Khúc ân tình, còn biết trao về đâu nữa? Há chẳng phải là trao như “thuở ban đầu”, nơi chất chứa tình thương-yêu nhung-nhớ, vẫn cứ đẹp? Chất chứa, “sâu (nơi) đáy mắt”, rất “xanh tươi”. Niềm nhớ ấy, còn là câu ca được diễn tả ngọt ngào, nào ta hát:

“Ôi! đẹp sao là thuở ban đầu
chìm sâu đáy mắt một màu xanh khơi
niềm thương không nói nên lời
chỉ nghe xao xuyến một trời bâng khuâng.”

(Phạm Đình Chương – bđd)

Hát xong, hẳn bạn và tôi, ta rồi sẽ nghĩ: “thuở ban đầu” của tôi và của bạn, ở nhà Đạo, chắc cũng “Ôi đẹp sao!”, một thuở đầy “màu xanh khơi”, nơi đáy mắt. Ban đầu, là thuở mà Hội thánh Nước Trời nhà Đạo, được đầy ơn thánh sủng, của Ngôi Ba. Là, Thần Khí Chúa đầy ắp những ơn và huệ Ngài ban, cho ta.

Ơn và huệ, mà Thần Khí Chúa vẫn ban, nhiều hình thức. Có hình thức rất êm đềm. Mượt mà. Chẳng ai lạ. Cũng có hình thức sôi động. Nhiều suy tư. Khuất tất. Một trong những hình thức của quà tặng từ trên, nói theo kiểu méo mó nghề nghiệp, thật rất “phiếm”, là nói như truyện kể, ở dưới:

“Có mẹ già nọ sống ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Chồng của mẹ mất sớm, nhưng mẹ vẫn ở vậy tần tảo nuôi con những 25 năm. Đến lúc con của mẹ rày khôn lớn đã công thành danh toại ở nước ngoài, mẹ vẫn chắt chiu, quý trọng mọi thứ. Vẫn dành để ít nhiều cho con. Cả, những món quà con gom góp tháng tháng gửi về, cho mẹ. Tuy không nhiều. Chỉ vài hàng vắn vỏi gói trong thư và hai ba tờ trăm đô, để mẹ tiêu.

Xuân này đến xuân kia, con vẫn bận rộn hết việc này đến việc khác, không tìm ra được giờ nghỉ để bay về thăm mẹ mà cảm kích tấm lòng người mẹ ban cho con, như ân huệ trân quý. Kịp đến khi mẹ mất, con mới tức tốc bay về, dự định tổ chức tang lễ thật to, cho thiên hạ biết rõ gia đình mình cũng sung túc. Khá giả. Nhưng, tuyệt nhiên chẳng có tiếng khóc cũng chẳng một lời than lời vãn, với nước mắt.

Trước ngày an táng mẹ, con gái mới mở hộp quý mẹ để ở đầu giường xem mẹ đựng gì mà quý giá đến thế. Vừa mở nắp, cô bỗng òa lên khóc nức nở, ôm quan tài mẹ hét lên như điên như dại: “Mẹ đâu rồi! Mẹ ơi! Ôi, Mẹ!…”

Mọi người vội đến xem trong hộp có gì khiến cô khóc gào đến như thế. Thì ra, trong hộp đựng rất nhiều tờ đôla Mỹ còn rất mới, có buộc dây. Cạnh đó, là mẩu giấy nhỏ sắc mầu hoen úa, trên giấy nguệch ngoạc đôi ba giòng chữ nhỏ li ti có dán tấm hình của cô con, khi lọt lòng mẹ. Trong giấy có ghi: “Con à, con gửi cho mẹ nhiều tiền quá, mẹ xài không hết. Mẹ vẫn nhớ con lắm, mỗi khi nghe tiếng xe hông-đa nổ ngoài ngõ, là mẹ chạy ra xem có phải con về không. Lần nào mẹ cũng mừng hụt, vì người đó không phải là con. Con à! Số tiền này, mẹ để dành lại cho con, phòng khi đau ốm con cứ lấy mà xài. Ký tên: Mẹ của con. Má Năm”

Và bên dưới câu truyện kể ở trên, cũng lại có lời bàn rất “Mao Tôn Cương” của người kể, ghi rằng: “Cô con gái trong truyện đã có tất cả những gì mà người phụ nữ có thể có, đó là: tiền tài, danh vọng, địa vị, chồng con ngoan hiền, và sự thành đạt. Nhưng cô lại đã để mất đi một điều vô cùng thiêng liêng quý giá, đó là: lòng cảm kích biết ơn, người mẹ hiền. Kịp đến khi nhận ra được điều ấy, thì mẹ già không còn nữa, mà cảm tạ.”

Cảm ơn hay cảm tạ, về ân huệ có từ người đời, và do người đời ban tặng, là như thế. Rất gọn nhẹ. Như, tình mẹ vẫn cho con. Thế mới quý. Chứ, những đồng tiền giấy người con gửi cho mẹ, làm sao mẹ xài cho hết. Ân huệ nơi nhà Đạo, cũng là những ân và huệ, do Chúa ban. Được mấy ai trong nhà Đạo, nay cảm kích. Có vị, lại không coi đó là huệ lộc/ân tình, từ Đức Chúa. Có vị, cứ tuởng mọi việc do mình tạo ra. Nhiều vị thực tâm hơn, vẫn chẳng biết thế nào là ơn mưa móc trời ban, nên có thư về với đấng bậc ở Sydney, để rồi hỏi:

“Thưa Cha, có thể nào xin Cha giải thích cho biết có gì khác biệt giữa hoa quả và quà cáp Chúa Thánh Thần ban tặng được không. Điều này con nghe nhiều người nói, rất thao thức, nhưng chưa hiểu.” (Một giáo dân ở Sydney)

Nghe nói nhiều và thao thức không thiếu, nhưng chưa hiểu, thì làm sao biết đường mà cảm kích. Với biết ơn. Nay, hiểu tâm trạng của phần đông bà con đi Đạo, nên đấng bậc ở Sydney đã có đôi lời giải thích với trích dẫn, như sau:

“Quả như ngôn từ diễn tả nơi câu hỏi, hai chữ hoa quả và quà tặng từ Chúa Thánh Thần, mang ý nghĩa rất khác. Quà tặng, theo giải thích ghi trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là “những bố trí sắp đặt cách thường xuyên khiến người người chịu nghe theo lực đẩy của Thánh Thần.” (x. GLHTCG #1830).

Bằng vào cụm từ “bố trí sắp đặt cách thường xuyên”, Hội thánh muốn nói đến thói quen đã ổn định nơi linh hồn. Quà tặng lần đầu ta nhận lĩnh là vào lúc thanh tẩy, được củng cố thêm bằng Bí tích Thêm sức và ta chỉ mất đi khi lầm lỡ rất nặng, mà thôi.

Hội thánh rút tỉa ý nghĩa của lời dạy về quà tặng, từ sách tiên tri Ysaya, trong đó nói đến Thần Khí Yavê đậu xuống nơi Đức Mêsia: “Trên Ngài, Thần Khí Yavê sẽ đậu xuống, Thần Khí khôn ngoan và trí tuệ, Thần Khí mưu lược và anh dũng, Thần Khí hiểu biết và kính sợ Yavê.” (Is 11: 2).

Theo truyền thống, Hội thánh vẫn dạy rằng: Thần Khí Chúa ban cho ta tất cả bẩy quà tặng, đó là: ơn khôn ngoan, hiểu biết, kiến thức, mưu lược, lòng dũng cảm và sự sốt sắng, kính sợ Chúa. Chỉ mỗi sự sốt sắng là không thấy nói trong sách tiên tri Ysaya, thôi.

Ngang qua quà tặng của Thần Khí Chúa, ta trở nên dễ theo lực đẩy của Chúa ở mỗi địa hạt của quà tặng Ngài ban. Khi thấm nhuần đặc trưng ấy rồi, chính chúng ta sẽ có động thái mang cung cách của đặc trưng ấy. Trường hợp quà tặng của Thần Khí Chúa, có sự trợ giúp của đặc trưng, thì chính Thần Khí sẽ xui khiến thúc giục ta hành động theo cách thường tình là vuợt khả năng của riêng mình.

Quà tặng này, được nhiều người ví von như cánh buồm lướt gió giúp thuyền vượt sóng bằng gió nguồn của Thần Khí, trong khi đó các đặc tính được sánh ví như mái chèo được các tay chèo sử dụng. Các quà tặng liên kết với 7 đặc trưng rất nhuần nhuyễn được kể đến, là: niềm tin, hy vọng, tình bác ái, khôn ngoan, công bằng, lòng dũng cảm và sự kềm chế. Xem thế thì, quà tặng khôn ngoan khiến ta hiểu biết và ưa thích sự việc Chúa ban, để rồi gia tăng lòng yêu mến ta vẫn có, với Ngài.

Quà tặng tạo kiến thức giúp ta thấm nhập sâu sắc vào với sự thật của niềm tin và thấy được sự hài hoà ở trong đó và cũng nhờ đó gia tăng thêm niềm tin của ta. Quà tặng về kiến thức giúp ta am hiểu mọi thụ tạo trong tương quan với Đấng Tạo Hoá, củng cố đặc trưng hy vọng, bằng vào việc cho thấy sự trống vắng các vật được tạo dựng, khiến ta khao khát Chúa, hơn mọi sự.

Quà tặng mưu lược là để suy tôn tính khôn ngoan, hầu giúp ta phân biệt những gì cần làm trong mỗi hoàn cảnh; cả trong cuộc sống của riêng ta, và cả vào việc mưu sự cho người khác nữa.

Quà tặng tạo sự dũng mãnh hoàn-thiện-hoá uy lực, giúp ta làm được những gì mang tính anh hùng đích thực mỗi khi cần đến, ngay cả khi ta chấp nhận chết cho Đạo.

Quà tặng tạo sự sốt mến hoàn-thiện-hoá, đặc trưng của tôn giáo, là thành phần của sự công bằng, khả dĩ giúp ta nhận biết Chúa là Cha khiến ta biết mà phụng thờ yêu mến Ngài.

Và cuối cùng, quà tặng để biết mà kính sợ Chúa giúp ta hoàn-thiện-hoá đặc tính biết tự kềm chế, khiến ta lo sợ mất đi lòng mến Chúa vì dám đeo đuổi những vui thú không xứng hợp. Đây không là niềm hãi sợ hạ cấp của giới nô lệ ở dưới, vẫn cứ sợ bị trừng phạt, cho bằng niềm cung kính biết sợ của con cái vẫn cứ lo và sợ xúc phạm người cha của mình; và, sợ mất đi tình yêu thương của người cha/bố. Kinh nghiệm về sức mạnh của quà tặng như thế, ta đều từng trải, vào lúc khác nhau. Chẳng hạn như, ngang qua quà tặng kiến thức, có thể là ta sẽ bất chợt có được nhận thức ấy qua nguyện cầu đi vào sự thật của niềm tin, mà ta chưa từng nghe biết, trước đó. Hoặc quà tặng mưu lược trong khuyên nhủ, có thể ta cũng nghĩ đến một biện chứng khả dĩ đã thuyết phục bạn bè/người thân quay về với bí tích hoà giải, chẳng hạn. Nói chung, tất cả đều là quà tặng của Thần Khí, rất quí báu.”

Về tâm tình cảm nhận quà tặng từ Trên, cũng nên lắng nghe thêm một chút ý nghĩa nơi ca từ của nhạc bản, khi người nghệ sĩ vẫn cảm kích lúc em cười, đã lại hát:

“Bâng khuâng lúc em cười
Kìa hàng cây ngẩn ngơ
sáng trăng xanh khung trời
dặt dìu nhạc với thơ.

(Phạm Đình Chương – bđd)

Hoặc, cả vào khi không thấy lòng bâng khuâng “lúc em cười”, người nghệ sĩ còn hát thêm:

“Nhưng không thấy em lại
hàng thùy dương chếch bóng
và lũ hoa thầm khép hương chờ mong.”

(Phạm Đình Chương – bđd)

"Lũ hoa thầm khép hương”, hay “hàng thuỳ dương chếch bóng”, là lúc người anh/người chị của ta cũng nhận ra “hoa quả đầu mùa” từ Trên ban tặng. Nhận thức này, là ý thức về một hiểu biết như đấng vị vọng thân quen của ta, đà quả quyết:

“Về hoa quả do Thần Khí tác tạo, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có nói: “Đó là sự toàn năng toàn hảo được Chúa Thánh Thần tạo thành trong ta, như hoa quả đầu mùa của vinh quang trường cửu.” (GLHTCG # 1832)

Thánh Phaolô cũng liệt kê như thế như một tương phản giữa hoa quả của cuộc sống theo tính xác thịt, với thành quả của sự sống có Thánh Thần Chúa dẫn dắt.

Truyền thống Hội thánh lâu nay nhấn mạnh rằng 12 loại hoa trái ấy, là: lòng bác ái, niềm vui tươi, sự an bình, tính nhẫn nhục, sự tử tế, tốt lành, đại độ, hoà nhã, lòng trung thực, tính khiêm tốn, sự tự chế và lòng khiết trinh.” (x. Gal 5: 22-23)

Nếu ta biết sống đàng hoàng luôn nghe theo sự thôi thúc của Thánh Thần Chúa, thì chắc chắn mọi hoa quả sẽ đến với ta, rất tự nhiên. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo gọi hoa quả ấy là vị ngọt của thiên đường, tức ‘hoa quả đầu mùa của vinh quang trường cửu.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly, 12/9/2011, tr. 12)

Về “hoa quả đầu mùa” mà Thần Khí Chúa vẫn ban cho mọi người, đấng bậc vị vọng cũng đã nhận được ơn khôn ngoan/thông thái, nên mới giải thích rõ như thế. Phần người đọc, chắc hẳn người người cũng cần ân huệ của Ngài mới đả thông được mọi ý nghĩa chí lý của sự việc.

Ân và huệ để thông hiểu mọi ý nghĩa nơi “hoa quả đầu mùa” do Thần Khí Chúa tặng ban, Ngài đã ban cho ta ngay từ “Thuở ban đầu”, rất đẹp. Đẹp như tiếng hát, nghệ sĩ vẫn ca đi hát lại một giai điệu:

“Sao không thấy em lại
Hàng dừa nghiêng thương nhớ
Này khúc ân tình biết đưa về đâu.”

(Phạm Đình Chương – bđd)

Cuối cùng ra, tất cả là “khúc ân tình” ta nhận từ nhiều phía, rất cảm kích. Biết ơn. Chính vì có ân tình, nên vẫn cần sự cảm kích, biết ơn. Biết, cả ơn từ những người đóng vai chuyển tải những ơn và huệ từ Đức Chúa. Như ý nghĩa của truyện kể được minh hoạ ở bên dưới:

“Truyện rằng:

“Có hai thiên sứ Nhà Trời được sai xuống trần gian, thực hiện một khảo sát rất ngắn gọn để xem loài người sống ở hành tinh có tên gọi là “mặt đất” lâu nay hành xử ra sao, trong quan hệ với Chúa. Để thực hiện công cuộc khảo sát theo cung cách của người trần, mỗi thiên sứ mang một bao bị đặc biệt hầu đựng dữ kiện của khảo sát. Cụ thể là, một thiên sứ mang bao bị đựng toàn những lời khấn nài xin xỏ, của người phàm. Thiên sứ kia, mang bao bị cũng ngang bằng một tầm kích. Nhưng, đựng toàn lời cảm kích/biết ơn, thôi.

Hoàn tất khảo sát rất tốt đẹp, hai thiên sứ quay về Thiên Đình báo cáo với Đức Chúa của Nhà Trời, về những gì mình đạt được. Đức Chúa nhìn thiên sứ mang bao bị đựng “những lời xin” thấy vị này cứ là khệ nệ những mang cùng xách, rất vất vả. Trong khi đó, bao bị của thiên sứ kia, chẳng có được là bao những dữ kiện cảm tạ, và biết ơn. Hỏi ra mới biết, người đời chỉ xin nhiều chứ ít biết mà cảm tạ, Chúa Thánh Thần.”

Truyện kể chỉ bấy nhiêu. Cũng không dài. Chẳng lòng thòng, miêu dạng. Tuy nhiên, ở đây, hôm nay cũng nên đính kèm lời bàn của người kể, bảo rằng: “Trong sống đời ở trái đất, rất hành tinh, người người đều nhận lãnh ân huệ, ngang bằng nhau. Nhưng, chừng như ai cũng muốn “xin thêm”, chứ nào có mấy người thấy đó làm đủ, và biết nói lời cảm kích/ biết ơn người tặng ban.”

Lời cuối chuyện phiếm hôm nay, phải là lời cảm nhận để nói rằng: bạn bè/người thân đọc đến đây chắc đã đủ? Chẳng ai muốn có thêm một lời bàn nào khác? Nếu thế, bần đạo xin kết thúc bài phiếm hôm nay bằng lời ngỏ rất “biết ơn” bạn và tôi, đã dõi theo giòng chảy có những “đoản khúc suy tư”, thực hư đều rất phiếm. Những mong rằng, cả tôi và bạn, ta sẽ cứ thế mà biến hoa quả đầu mùa mà Chúa Thánh Thần. Cứ thăng hoa, triển nở mãi, với mọi người. Để rồi tìm đến Lời Chúa mà nghĩ suy thêm, như sau:

“Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em,
về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su.5
Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su,
anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện,
phong phú vì được nghe lời Chúa
và hiểu biết mầu nhiệm của Người.
Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc
vào lòng trí anh em,
khiến anh chị em không thiếu một ân huệ nào,
trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta,
mặc khải vinh quang của Người.”

(1Cor 4-7)

Nói cho cùng, thì ơn Người và ơn đời, vẫn là việc của tôi và của bạn, vẫn cần làm thường ngày ở huyện đời. Nhà Đạo. Rất dễ thương

Trần Ngọc Mười Hai
vẫn muốn chuyển
đôi ba tư tưởng mọn
đến bạn bè/người thân
nhân lễ Ngũ Tuần.
Ở đời.