VRNs (17.06.2011) – Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Ba Ngôi (Ga 3, 16-18)
Tình yêu của con người
Tình Cha yêu con, tình Mẹ yêu con… thiêng liêng và cao quí lắm. Nhưng việc cho con, bán con, bỏ con, giết con… đang là một chuyện thường ngày mang tính thời sự cao ở những nước nghèo tiền bạc, nghèo học thức, nghèo luân lý, nghèo ánh sáng Tin Mừng, nghèo tình người. Người ta “cho con mình” cho người khác, vì không nuôi con nổi, hoặc để giải quyết chuyện riêng của mình: “cho con đi” để rảnh rang mà lấy chồng khác, “cho con riêng” vì mâu thuẫn trong nhà quá lớn, chẳng hạn.
Năm 1980, có vợ chồng người ở Giáo xứ bên cạnh đến nhờ tôi làm thông dịch viên cho vợ chồng ông bà người Pháp đang đến nhà, vì vợ chồng ấy muốn cho họ hai đứa con: 3 tuổi và 1 tuổi. Tôi tần ngần mãi, nhưng rồi đồng ý, may ra mình có chút tiền để mua gạo. Đến nhà, các giấy tờ phía người cho đã xong, chỉ còn thiếu cái test của viện Pasteur. Họ yêu cầu tôi đưa họ ra Sở Tư Pháp tỉnh. Đến Phan Thiết, họ bảo tôi đưa họ đến Bưu điện. Cả hai vợ chồng người Pháp vào chung một buồng điện thoại. Họ gọi cho Viện Pasteur. Và họ ôm nhau khóc nức nở, vì kết quả test của hai em là siêu vi gan dương tính. Họ bước ra, đưa giấy tờ cho tôi, nhờ tôi mang về. Còn họ, cho tôi hai mươi ngàn, rồi ra bến xe về Sài gòn. Tôi mừng lắm, và tạ ơn Chúa- không vì hai mươi ngàn, nhưng vì như thế là hai đứa con của ông bà kia được sống với Cha Mẹ nó, và tôi khỏi mang tội tiếp tay.
Một chuyện khác ở xóm nghèo chúng tôi: Bà B và con gái 13 tuổi, trưa hôm ấy vui hẳn lên, chuẩn bị cơm trưa ngon hơn thường lệ, vì chỉ một lý do thôi là đợi chồng về để báo một tin vui: “Anh à, con gái mình mới gặp được chú kia sang trọng hứa sẽ nuôi con mình ăn học đến nơi đến chốn, ít là hết Đại học. Em mừng quá”. Ông B đi cưa về, vào dùng cơm, nghe vậy, ông bỏ đũa nói: “Bà có biết: con gì mà người ta nuôi, thì trước sau người ta cũng “thịt” không?”. Cha nuôi thịt con gái mình, đầy trong báo kìa… người ta bỏ tiền ra nuôi để thịt”.
Chuyện bán con cho người thành phố, người nước ngoài để lấy tiền nuôi sống nhà mình đang nghèo khổ nợ nần ở dưới quê, hoặc tự nó đi bán mình lấy tiền nuôi cha mẹ… đã phổ biến đến nỗi có vùng không còn đứa con gái nào ở nhà để đi cấy, chỉ còn toàn bà già. Chuyện bỏ con đỏ hon hỏn trên đường phố, trước khách sạn, trước nhà Dòng …cũng không hiếm. Và nhất là chuyện giết con mình từ trong trứng nước thì vào loại nhất nhì thế giới rồi, không ai phủ nhận được, vì đó là chủ trương.
Như vậy, “cho con” đã là mất con, huống nữa là bán con, bỏ con hay giết con. Chỉ có con người mất nhân tính mới có cách yêu thương như thế: Không có tình yêu, chỉ là sự ích kỷ vô cùng -không yêu con, chỉ yêu mình. Đối với những con người ý thức rằng mình được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa thì không thể làm thế được. Phải noi gương tình yêu của Thiên Chúa.
Còn Thiên Chúa, thì sao?
Thiên Chúa trao ban Con Một của mình cho nhân loại, vì yêu thương nhân loại. Chính Ngài là Tình Yêu- Tình Yêu tinh tuyền, Tình Yêu đích thực, Tình Yêu đúng nghĩa “cho đi” để nhân loại “nhận được” sự sống đời đời.
“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Con Một Người sẽ không phải chết, mà được sống đời đời “(Ga 3,16).
Không có lý trí nào có thể hiểu nỗi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mà nhất là hiểu được Thiên Chúa Cha, và Tình Cha của Thiên chúa. Không một phép so sánh nào giữa “một có ba”, “ba trong một” có thể dùng để so sánh với Thiên Chúa Ba ngôi mà giảng giải cho đúng. Thiết nghĩ, cách giải thích mầu nhiệm ba ngôi như ba tính chất của một ngọn lửa hoặc một vài hình tượng khác không còn phù hợp lắm. Hoặc trường hợp thánh Ignatio Loyola trong một lần cầu nguyện, nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất, cũng chỉ là một cảm nghiệm cá nhân, không thể toát hết được đời sống nội tại của Ba ngôi Thiên Chúa..
Ước ao giải thích rốt ráo là căn bệnh của những Giáo lý viên tích cực, nhiệt thành. Coi chừng, không những lệch lạc mà còn sai lầm khi đem những thực tại hữu hình so sánh với Thiên Chúa vô hình nhằm giáo huấn dân Chúa theo cái suy nghĩ rất riêng của mình. Đừng quên rằng, đối với những mầu nhiệm, thì ta nên tin và sống với mầu nhiệm ấy hơn là muốn thỏa mãn cuộc tìm kiếm mang tính lý trí mong đào sâu, múc cạn mầu nhiệm Thiên Chúa, như trường hợp của Thánh Augustino.
Như vậy, điều quan trọng là tin và sống với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo công giáo. Chắc chắn rằng: mỗi tín hữu sẽ tự giải thích cho mình bằng chính cảm nghiệm của mình đi qua cả một cuộc đời Kitô hữu công giáo: sống khao khát, tìm kiếm và kết hiệp với Ba ngôi Thiên Chúa qua Người Con. Vì “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Con Một Người sẽ không phải chết mà được sống đời đời”(Ga 3,16).
Nói cách khác, các tín hữu có thể hiểu Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bằng cảm nghiệm sâu sắc của chính mình và của cộng đoàn khi thực hành Lời Chúa, và kết hiệp mật thiết với Thánh Thể Chúa Giêsu.
Khi thực hành Lời Chúa Giêsu trong đời sống hằng ngày, các tín hữu luôn được đặt trước những chọn lựa dứt khoát cho Thiên Chúa hay dứt khoát cho những cuốn hút của thế gian. Và khi họ dứt khoát cho Thiên Chúa, chấp nhận sống theo tinh thần của Tin Mừng, họ không chỉ sống với Ngôi Con, mà còn lôi kéo cả Ngôi Cha và Ngôi Thánh Thần xuống đồng hành với cuộc đời họ.
Họ có thể cảm nghiệm được tình yêu, lòng khoan dung, sự quan phòng cả trong lúc cuộc đời tưởng như là đen tối. Niềm tin yêu, và hy vọng của Đức Cố Hồng Y P.X. Nguyễn Văn Thuận chắc chắn phải bắt nguồn từ việc kết hiệp với Đức Kitô tử nạn phục sinh đang cùng ngồi tù với Ngài, và Ngài nhận ra cả Ba Ngôi Thiên Chúa đang có mặt nơi bị bức bách.
Chúa Giêsu trở thành ngưỡng cửa của niềm hy vọng tiến vào bên trong nội thất Thiên Chúa. Còn những cảm nghiệm tương tự của các linh mục tuyên úy thời kỳ hậu chiến, của những giáo dân như chiên lạc đàn mà sức sống của Thiên Chúa , tình yêu của Thiên Chúa vẫn dồi dào như xuân trai trẻ cho dù cửa nhà thờ đóng lại. Ấy là sức Xuân của Ba ngôi Thiên Chúa nơi Lời Chúa Kitô vẫn tồn tại và vẫn luôn đem lại cho mỗi chúng ta sức sống dồi dào của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Còn nỗi sướng vui ngây ngất nào bằng được giao hòa với Ba ngôi Thiên Chúa nhờ lòng khoan dung tha thứ và giá chuộc của Chúa Giêsu qua lời xá tội của Linh mục nơi tòa cáo giải. Rồi cảm nghiệm về Chúa Ba Ngôi lên đến tột đỉnh hạnh phúc khi có Chúa Giêsu Thánh Thể ngự trong lòng, vì lúc ấy, hơn lúc nào hết, mỗi tín hữu “ngộ”ra cái hạnh phúc vô biên mà Giáo lý đã dạy: “được làm con cái Thiên Chúa là Cha, được là chi thể của Chúa Con, và là Đền thờ Chúa Thánh Thần”. Giáo lý dạy cho người ta hiểu và sống điều đã hiểu, nhưng về Chúa Ba Ngôi, giáo lý dạy người ta tin, sống với Chúa Ba Ngôi rồi hiểu được tình yêu của Chúa Ba Ngôi qua muôn ơn của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Thế thì, đây là tình yêu của Thiên Chúa: Đức Giêsu cho biết tình yêu của Thiên Chúa Cha của mình bằng một sự “cho đi” người Con để nhân loại “nhận được” sự sống và sống dồi dào, sống muôn đời. Ngài đã cho đi vì yêu thương nhân loại. Ngài đã không cho đi vì mưu lợi cho vinh quang của Ngài. Tất cả cho nhân loại. Vì thế, chỉ nơi người Con Chí Ái, các tín hữu có thể hiểu được nội tâm của Thiên Chúa Cha, có thể khám phá ra một Thiên Chúa Ba Ngôi với tình Phụ tử yêu thương và công minh chính trực, với tình Mẫu tử có lòng thương xót, khoan dung, nhân hậu vô biên, với tình huynh đệ chí cốt của Chúa Giêsu hy sinh đến cùng, và tình thông hiệp toàn vẹn trong chỉ một Thánh Thần chân lý duy nhất là: Thiên Chúa duy nhất, giáo hội duy nhất, Thiên Chúa thánh thiện, giáo hội thánh thiện…
Con ước ao kết hiệp cùng Chúa Giêsu
Để kết mấy dòng suy tư, tôi xin chia sẻ chút tâm tình của anh bạn tôi, anh HXT, gọi điện cho tôi sau giờ kinh Lòng Thương xót của anh:
“Hoàng ơi, nếu ngày xưa anh đã tội lỗi ghê gớm lắm, và đã từng thách thức Chúa rằng: “Ông làm gì tui thì làm đi”, thì ngày nay anh đã nhãn tiền việc Ngài đang làm cho anh đây, là: Ngài đã làm cho anh muốn chết lịm trong tình thương yêu quá sức diệu kỳ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mấy hôm nay anh vẫn hát câu nầy “Con ước ao kết hiệp cùng Chúa Giêsu như giọt nước trong rượu nho, khăng khít nên một với Người, sống trong Người, trong nguồn ơn Chúa xuống cho” mà quên mất nguyên bài hát nầy là thế nào. Vì chỉ có kết hiệp với Chúa Giêsu anh mới thấy tận cùng cái tồi tệ của mình, và tình thương của Thiên Chúa Ba Ngôi len lỏi vào mọi ngõ ngách tồi tệ nhất ấy, trong sâu thẳm lòng anh. Việc kết hiệp với Chúa Giêsu cũng liên kết anh với mọi người đang kết hiệp với Ngài. Khi nào tìm được cái bài hát tuyệt vời kia, nhớ phone cho anh với… Anh cúp máy đây.”
Mười phút sau. Tôi đã gọi lại cho anh và hát nguyên bài hát ấy cho anh nghe:
“Con kính dâng Cha cùng bánh và rượu nho
Hồn con đây với xác con đây, đền vì bao tội lỗi xưa nay
Con dám trông mong thành áng trầm thơm tho
Bay tới trước dung nhan thánh Người,
cám mến Cha lành,
tự tình khúc nôi.
Con ước ao kết hiệp cùng Chúa Giêsu,
như giọt nước trong rượu nho.
Khăng khít nên một với Người,
sống trong Người,
trong nguồn ơn Chúa xuống cho”.
PM. Cao Huy Hoàng