VRNs (19.06.2011) – Suy niệm Tin mừng lễ Chúa Ba Ngôi
Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18
Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 3,16-18) là một phần trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô (2,23 – 3,21). Chúng ta sẽ có thể hiểu rõ hơn những lời trích trong bài Tin Mừng hôm nay khi đặt những lời ấy vào trong ngữ cảnh của chúng.
Sau cuộc xuất hiện mang tính Mêsia trong đền thờ, trong đó Chúa Giêsu đã nghiêm khắc phê phán sự áp bức và thẳng thắn loan báo sự thay thế đền thờ bằng chính bản thân Người, tác giả Gioan trình bày những phản ứng của người ta, trước hết là của những con người thuộc hàng lãnh đạo và am hiểu lề luật. Những người này được đại diện bởi một nhân vật thuộc hàng ngũ những người có quyền lực, một người Do Thái bảo thủ và một bậc thầy về Luật: ông Nicôđêmô. Ông chờ đợi một vị Mêsia của trật tự, vị thầy có khả năng giải thích Luật và làm cho người ta thực thi Luật để xây dựng con người và xây dựng xã hội theo lý tưởng Do Thái. Vấn đề tập trung trên giá trị của Luật tôn giáo, vốn được coi là nguồn mạch sự sống và là quy chuẩn hướng dẫn cuộc sống, tức là phương thế xây dựng con người và xã hội như Thiên Chúa mong muốn và hứa hẹn.
Chúa Giêsu bác bỏ tiền giả định của ông Nicôđêmô. Người quả quyết rằng con người ta không thể đạt tới sự viên mãn và sự sống thật nhờ vào sự tuân giữ Lề Luật, mà là nhờ vào tình yêu mến. Tình yêu mến này, vốn là ân huệ Thánh Thần, đến từ Thiên Chúa và hoàn thành định mệnh con người. Bây giờ, cả hai khía cạnh cốt yếu trong giá trị của Lề Luật đều được tập trung và hiện thực nơi chính bản thân Chúa Giêsu được giương cao lên: chính Người là nguồn mạch sự sống đích thật và là quy chuẩn cho con người đạt tới sự viên mãn.
Trong Ga 3,13-15, quả thực, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng Đấng Mêsia được giương cao lên chính là nguồn mạch sự sống đích thật và viên mãn. Bài Tin Mừng hôm nay (cc.16-18) nằm trong phần giải thích lời khẳng định quan trọng ấy. Chúa nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”.
Ở cc.14-15 thực tại Mêsia được mô tả từ phía con người: Con Người được giương cao, như một dấu hiệu thấy được; bây giờ, thực tại ấy được nhìn từ phía Thiên Chúa, Đấng có sáng kiến can dự vào lịch sử thật sự: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống muôn đời” (c.16). Chúa Giêsu là ân huệ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Con Người được giương cao (như con rắn đồng trong sa mạc xưa) đồng thời cũng chính là Con độc nhất của Thiên Chúa. Đó là thực tại huyền nhiệm được tỏ lộ ra trong cuộc “được giương cao lên” của Người, nhờ đó, tình yêu của Thiên Chúa dành cho trần gian được diễn tả hùng hồn và trọn vẹn.
Chương trình cứu độ đầy tình yêu mến đó của Thiên Chúa không hề tạo nên những sự phân biệt hay kỳ thị, nhưng ban tặng sự sống cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ. Nếu có người nào không đạt tới sự sống ấy, thì đó chính là vì người ấy đã từ chối quà tặng sự sống khi không tin vào Chúa Giêsu, còn “ai tin vào Con thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống muôn đời”.
“Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (c.17). Sự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa Cha và sự ân ban Chúa Con độc nhất của Người (c.16) bây giờ được miêu tả trong những hạn từ diễn tả sứ vụ: sai đến thế gian. Tuy nhiên, cả hai câu (16 và 17) đều chỉ có một chủ ngữ là Thiên Chúa và có cùng một đích điểm là nhân loại, là trần gian: Thiên Chúa yêu thế gian, ban Con Một cho thế gian và sai Con Một đến thế gian. Tình yêu của Thiên Chúa làm nên cuộc vận hành của việc Chúa Cha sai Con của Người đến thế gian, và mục đích của cuộc vận hành thần linh ấy chính là để cứu độ mọi người. Không có bất cứ một sự loại trừ tiêu cực nào. Chương trình của Thiên Chúa là tình yêu tích cực và phổ quát. Con độc nhất của Thiên Chúa được sai đến thế gian không phải để lên án, cũng chẳng phải để loại trừ bất cứ ai khỏi ơn cứu độ. Trong Chúa Con – ân huệ và bằng chứng tình yêu viên mãn của Thiên Chúa, chỉ sáng lên huy hoàng vinh quang của Người, tình yêu của Người và lòng nhân lành của Người đối với nhân loại. Từ nay, ngay cả sự ưu tuyển dành cho Israel cũng chấm dứt: ơn cứu độ là thực tại dành cho toàn thể nhân loại.
Được cứu độ tức là được vượt qua từ sự chết đến sự sống vĩnh cửu, và cuộc vượt qua đó được trở thành hiện thực nhờ Đức Giêsu, Đấng ban Thánh Thần. Ai tin vào Ngài thì được cứu độ, “nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (c.18).
Trách nhiệm, như thế, nằm trong tay con người chứ không phải trong tay Thiên Chúa. Vì thế, từ câu 18, thái độ của con người sẽ bắt đầu được mô tả, và chính con người chứ không phải Thiên Chúa sẽ đóng vai trò chủ ngữ ngữ pháp.
Người ta hoặc tin vào Chúa Giêsu hoặc chống lại Người; không tồn tại khả năng “lấp lửng”. Đứng trước món quà tình yêu được ân ban, hoặc người ta đón nhận, hoặc người ta từ chối. Vấn đề tùy thuộc vào quyết định của con người. Nếu trong thực tế có những người bị loại khỏi ơn cứu độ và bị lên án, thì đó là vì họ đã từ chối quà tặng tình yêu và sự sống mà Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu. Người tin vào Chúa Giêsu thì không bị xét xử, vì Thiên Chúa không hành động như một vị quan án, nhưng là Đấng ban sự sống. Còn kẻ từ chối tin vào Chúa Giêsu thì tự kết án chính mình. Tương ứng với sự từ chối triệt để, quyết liệt và xác định trong việc dấn thân tin vào Chúa Giêsu, sẽ là sự tự loại trừ vĩnh viễn. Chúa Giêsu – Con Người được giương cao lên, chính là Đấng làm cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại thành hiện thực. Từ chối Người, chính vì vậy, là tự loại mình khỏi tình yêu và sự sống của Thiên Chúa.
Như thế, vấn đề là tin vào Đức Giêsu – Con của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (c.17). Đức Giêsu là sự thật và sự sống. “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có. Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (1,17-18). Chính Người khẳng định: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (14,6). “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (16,15). “Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con” (17,10). Nói cách khác, Chúa Cha ban cho Đức Giêsu mọi thực tại nơi Người. Đức Giêsu có mọi thực tại thần linh đó, biết mọi thực tại thần linh đó và mạc khải cho chúng ta.
Nhưng thật ra, như ít nhất hai lần tác giả Tin Mừng Ga sẽ nói rõ, ngay cả các đồ đệ trực tiếp của Đức Giêsu cũng chỉ hiểu những hành động của Đức Giêsu sau khi Người đã phục sinh (2,22) hoặc ít nhất là sau khi Người đã chết (12,16). Vì thế, chính Đức Giêsu sẽ nói với các đồ đệ của Người: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (14,16-17). “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (14,26). “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (15,26-27). “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (16,13). Thánh Thần lấy tất cả sự sống Chúa Giêsu đã nhận từ nơi Chúa Cha mà thông truyền cho chúng ta. Tất cả đều bắt nguồn từ Chúa Cha. Ngài là nguồn mạch duy nhất của tất cả những gì Chúa Giêsu và Thánh Thần mang đến cho chúng ta.
Vậy, như Chúa Cha đã sai Đức Giêsu đến (17,3.8), thì Người cũng sai Thánh Thần đến (14,26). Thánh Thần không mang tới một sứ điệp khác với sứ điệp của Đức Giêsu, nhưng là giúp các đồ đệ đi tới chân lý vẹn toàn, nhờ đó, họ gắn bó với Chúa Giêsu để “khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống muôn đời” (3,16).
Tóm lại, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống muôn đời” (3,16). “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (1,17). Chúa Giêsu sai lại Chúa Thánh Thần đến với các đồ đệ. Chúa Thánh Thần là Đấng đến từ nơi Cha và sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu, tức là sẽ làm cho người ta nhận biết Chúa Giêsu và sẽ xác nhận công trình của Chúa Giêsu (x.15,26-27). Như thế, giữa Chúa Cha, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần có một mối liên kết và hiệp thông sâu xa. Mầu nhiệm liên kết và hiệp thông sâu xa ấy là nguồn mạch ơn cứu độ của chúng ta.
Đó chính là mầu nhiệm mà chúng ta đang cử hành, ngợi khen, cảm tạ và suy niệm hôm nay vậy.
LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R