Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Tự do tôn giáo có nghĩa gì ở Việt Nam?

VRNs (29.06.2011) – Damau.org – Michael Benge đã trải qua 11 năm ở Việt Nam với tư cách là một giới chức ngoại giao và 5 năm là tù binh chiến tranh. Ông là một học viên về chính trị Đông Nam Á. Ông hoạt động trong lãnh vực phát triển nhân quyền và tự do tôn giáo và đã viết nhiều bài về những đề tài này. Bản dịch dưới đây được dịch từ nguyên bản Anh ngữ What Religious Freedom Means in Vietnam, American Thinker, June 12, 2011.

Bài viết thể hiện quan điểm độc lập của tác giả, VRNs trân trọng giới thiệu.



Với nhiều cựu chiến binh, ngày Chiến Sĩ Trận Vong không phải chỉ để tưởng niệm những người Mỹ đã chết trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng còn cả những chiến hữu người Việt Nam, Lào và Căm Pu Chia, những người đã chiến đấu cho tự do, và cho tất cả những ai vẫn còn chịu cảnh bị bách hại dưới chế độ cộng sản tàn bạo của những nước này.

Có vẻ như làn sóng vi phạm nhân quyền và bách hại tự do tôn giáo đã đạt đỉnh điểm với sự câu lưu trên 1.500 các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo vào trước Đại Hội lần thứ XI của Đảng Cộng Sản, nhưng sự tàn bạo của chế độ cộng sản đã phá kỷ lục của chính mình với tường trình vào tháng Năm vừa rồi là trên 75 người Hmong Kitô Giáo đã bị sát hại. Hàng trăm người khác đã bị thương hay bị bắt giữ và đem đi những nơi không được tiết lộ.

Vào khoảng 9.000 người Hmong, đa số là Công giáo hay Tin Lành, đã tụ tập ở huyện Mường Nhé, thuộc tỉnh Điện Biên ở Bắc Việt Nam vào ngày 01 tháng05 năm 2011, để mừng Đức Giáo Hoàng John Paul II được phong chân phước. Theo nguồn tin Công Giáo, cố “Giáo Hoàng Ba Lan”, người đã chống lại cả lực lượng phát xít Quốc Xã và chủ nghĩa cộng sản độc tài, là một nguồn cảm hứng cho nhiều tín hữu Kitô Giáo người Việt, người Lào, người Căm Pu Chia và người Hmong về lòng can đảm, đạo đức và lời kêu gọi “đừng sợ” mãnh liệt của ngài để đối phó với bất công xã hội và những chế độ kiểu Stalin trên khắp thế giới.

Các lễ nghi tôn giáo vinh danh giáo hoàng đã biến thành biểu tình ôn hòa của những người Hmong đòi hỏi tự do tôn giáo và chấm dứt những lạm dụng nhân quyền, tham nhũng hệ thống, bất công xã hội và trưng thu đất đai. Điện Biên là một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam, tọa lạc tại vùng núi non xa xôi giáp ranh Lào và Trung Quốc. Tỉnh này có khoảng 170.000 người Hmong, chiếm 35 % dân số của tỉnh (1,24% dân số toàn cõi Việt Nam), lợi tức của người Hmong chỉ vào khoảng dưới một phần mười so với người kinh.

Cũng giống như đối với những cuộc biểu tình của người Thượng Kitô giáo vào năm 2001 ở Cao nguyên miền Trung, và đúng kiểu phát xít, các giới chức cộng sản đã phản ứng quá đáng bằng cách phái hàng ngàn quân, cảnh sát đặc biệt, và trực thăng võ trang. Mọi thông tin bên ngoài đều bị chặn, điện bị cắt, tỉnh bị bao vây, nội bất xuất, ngoại bất nhập, tất cả tin tức truyền thông hay người ngoại quốc đều bị cấm tại vùng này. Một số người Hmong biểu tình trốn vào vùng núi bên cạnh đã bị săn đuổi bởi những đơn vị “đặc công” trực thăng vận. Có tin nói rằng một số người Hmong chạy trốn đã bị hành quyết khi bị bắt. Ít nhất hai làng người Hmong miền núi và nhiều nơi bị nghi là chứa chấp những người biểu tình chạy trốn đã bị trực thăng võ trang tấn công bằng hỏa tiễn, và súng liên thanh cỡ lớn. Không biết rõ có bao nhiêu người đã chết hay bị thương.

Theo Ủy Hội các Chuyên viên được thành lập do Quyết nghị 780 của Hội đồng Bảo an LHQ, thanh lọc sắc tộc là “chính sách chủ ý được lập ra bởi một sắc tộc hay một nhóm tôn giáo để loại bỏ bằng bạo lực hay bằng các phương tiện gây sợ hãi đối với nhóm thường dân thuộc chủng tộc hay tôn giáo khác từ một vùng địa dư nào đó”. Đối với những người Thượng vào năm 2001, và hiện tại với người Hmong, chế độ cộng sản Việt Nam có tội thanh lọc sắc tộc.

Điều 70 Hiến pháp 1992 của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quy định rằng “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”.

Tuy nhiên, điều 70 còn kèm theo cảnh báo này: “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Cảnh báo này đã được nói rõ thêm trong Quy định về Tín ngưỡng và Tôn giáo, không kể Hiến pháp (Nghị định Chính Phủ 22/2005) và Nghị định Chính Phủ 26/1999 đã dựa trên một chỉ thị của Đảng Cộng Sản (Số 37 CT/TW).

Pháp luật được nhắc đến trên đây đầy mơ hồ và mâu thuẫn và không cho một tiêu chuẩn về cái gì bị coi là “lợi dụng”, nhưng chúng chỉ căn bản nói rằng tất cả mọi tôn giáo, các giáo phái, giáo hội, giáo sĩ, và hoạt động tôn giáo phải được chấp thuận bởi chính quyền trung ương thì mới được coi là hợp pháp. Các sắc dân thiểu số theo Thiên Chúa Giáo thường bị quấy nhiễu, hành hung, và tra tấn bởi các giới chức cộng sản trong cố gắng buộc họ phải chối bỏ niềm tin vào Chúa. Chính quyền Việt Nam hiện đang đề nghị sửa lại những luật hiện hành đã quá khắt khe để xiết chặt hơn nữa tự do hành đạo và tất cả mọi hoạt động liên hệ tới giáo hội.

Việt Nam đòi hỏi việc phong chức các phẩm trật tôn giáo (đặc biệt là “Giám Mục” và “Hồng Y”) phải được chấp nhận bởi chính quyền, mà trong nhiều trường hợp ứng viên do Vatican đề nghị đã bị phủ nhận. Giới chức Việt Nam sẽ không cho các linh mục Công Giáo được phục vụ bốn cộng đồng Công Giáo ở vùng Điện Biên, nơi được gọi là “vùng trắng”, trong đó tầm mức hạn chế tôn giáo cao nhất trong nước.

Bất cứ ai tham dự mà không được phép vào các hoạt động tôn giáo, kể cả cầu nguyện ngoài trời, phản đối, hay biểu tình, đều phạm tội “phá hoại đoàn kết quốc gia của Việt Nam”, một tội bị phạt tù 10 năm hay cao hơn. Ngay cả nếu người Hmong Công Giáo không phản đối ôn hòa, chỉ riêng việc họ tổ chức cầu nguyện ngoài trời để vinh danh Đức Giáo Hoàng John Paul II được phong chân phước đã đủ để họ bị bắt và cầm tù.

Trong thời gian người Hmong phản đối, bộ máy tuyên truyền của cộng sản Việt Nam đã có các chuyên viên sách động, giáo sĩ giáo hội cộng sản, và công an mật đổ ra trà trộn với những người biểu tình. Một vài nhà tuyên truyền tuyên bố rằng họ “đợi Chúa đem họ tới miền Đất Hứa”, trong khi những người khác lên tiếng vận động thành lập một vương quốc Hmong tự trị. Những đề tài sai sự thực này cho nhà cầm quyền Việt Nam lý do để gọi những người biểu tình là “thành viên sùng bái cá nhân”, “bọn đòi lại lãnh thổ”, “bọn quá khích”, và “bọn hoạt động chống lại cách mạng”, do đấy biện minh cho việc sử dụng quân đội đề chống lại những người Hmong Kitô Giáo.

Những đề tài này đã được lập đi lập lại bởi truyền thông quốc doanh, và đáng buồn thay, nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài sẵn sàng lập lại như vẹt luận điệu tuyên truyền của họ. Cộng sản Việt Nam đã rập theo lý thuyết của nhà tuyên truyền Quốc Xã Joseph Goebbel rằng nếu nói dối một chuyện lớn mà nhắc lại hoài, cuối cùng người ta sẽ tin đó là sự thực.

Các nhóm nhân quyền đã kêu gọi mở điều tra vụ diệt chủng này, và Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cũng hứa điều tra nội vụ. Tuy nhiên, sự thật có thể không bao giờ được biết tới. Thông tin nhỏ giọt từ vài tổ chức ngoài chính phủ ở địa phương đã lọt được ra ngoài vùng cô lập thông tin. Các viên chức cộng sản Việt Nam đã hạn chế tự do di chuyển và kiểm soát tất cả truyền thông, và các giới chức cộng sản cùng với các giáo chức bù nhìn của họ là những người duy nhất được phép nói với các giới chức ngoại giao và ký giả. Những người từ bên ngoài bị công an theo dõi chặt chẽ. Người ngoại quốc không được phép tự do đi lại trong vùng và luôn luôn có nhân viên chính quyền đi kèm hướng dẫn.

Chắc là Bộ Ngoại giao [Hoa Kỳ] sẽ đề cập tới vụ bách hại những người Hmong Kitô Giáo trong Tường Trình Thường Niên về Nhân Quyền. Thế nhưng Bộ Ngoại Giao đã liên tiếp từ chối làm bất cứ điều gì để trừng phạt, như đặt Việt Nam vào danh sách Nước Cần Đặc Biệt Quan Tâm về vấn nạn bách hại tôn giáo, điều có thể làm chế độ cộng sản bực mình vì nhậy cảm. Chẳng cần phải nói, Tổng Thống Obama có vẻ không biết tới những gì đang xẩy ra về bách hại tôn giáo và lạm dụng nhân quyền.

Nói cách khác, ban nhạc tiếp tục chơi.

Michael Benge
Nguồn: http://damau.org/archives/20523
VRNs biên tập