VRNs (30.06.2011) – Bá Linh, Đức Quốc - Bộ Kinh Tế của Đức là cơ quan điều nghiên phát triển, điều động kinh tế quốc nội và kết thương buôn bán với thế giới bên ngoài. Truyền thống kinh tế của Đức rất mạnh về chất lượng sản phẩm và tạo ra thương hiệu “Made in Germany“ nổi tiếng hoàn cầu. Từ nhiều năm kinh tế Đức luôn đứng hàng đầu thế giới về xuất cảng, chỉ hai năm vừa qua Trung Hoa mới vượt mặt được người Đức về quán quân này.
Như vậy cho thấy vai trò của Bộ trưởng kinh tế Đức là chiếc chìa khóa thật quan trọng cho sự tăng trưởng của quốc gia này. Lý do duy nhất của đảng Dân chủ Tự do FDP đã thay đổi lãnh đạo trong chức vụ chủ tịch đảng vào tháng 5/2011 và đại hội đảng muốn người chủ tịch nắm vai trò Bộ trưởng Kinh tế. Một chàng trai nước Việt đến Đức sống từ lúc bé thơ bú sữa và lớn lên trưởng thành tại Đức, tên gọi là Philipp Rösler, 38 tuổi đã tiến thân vào chức vụ cao nhất: chủ tịch của đảng FDP và từ Bộ trưởng Y tế chuyển qua thành Bộ trưởng Kinh tế Đức. Hiện nay ông Philipp Rösler là phó thủ tướng Đức trong nội các của thủ tướng Angela Merkel.
Ai theo dõi kinh tế Đức thì có thể nói họ vững mạnh nhất Âu Châu, nạn thất nghiệp giảm mạnh xuống còn 7,7% dưới 3 triệu thất nghiệp theo thống kê tháng 5/2011, một con số thấp nhất từ 20 năm sau khi nước Đức thống nhất. Số nợ nhà nước gia tăng trên trăm tỷ Euro, hiện giờ đã giảm còn lại 30 tỷ Euro cho năm 2012. Phá sản tại Hy Lạp làm cho các quốc gia Âu Châu lo sợ và các ánh mắt chính trị đều đổ dồn về nước Đức cầu cứu trợ giúp. Hiện nay cả thế giới trong khủng hoảng kinh tế thì nước Đức thành công ngược lại về cách hái ra tiền trong chính sách tăng trưởng kinh tế của họ. Các đây hai năm khi đảng FDP thắng to lớn trong cuộc bầu cử liên bang và họ hứa hẹn với người dân dưới chiêu bài “Mehr Netto vom Brutto“ (hưởng nhiều lương từ tiền chưa đóng thuế): điều này làm cho giới lao động ngong ngóng mãi chẳng hưởng được gì từ 2 năm qua. Dân Đức tức giận trừng phạt đảng FPD bằng cách không bỏ phiếu nữa cho đảng này qua các cuộc bầu cử tại các tiểu bang như Baden Wüttermberg, Bremen, Rheinland-Pfalz, Sachsen Anhalt, Nordrhein Wesfalen, v.v… Đảng FDP thua thê thảm và bị đá văng ra khỏi nhiều quốc hội tiểu bang vì không vượt qua được ngưỡng cửa 5% của những lá phiếu.
Ngày 28/6/2011 đảng FDP đang được hồi sinh lấy lại sức từ những thành quả kinh tế. Tiền thuế thâu vào được nhiều hơn dự tính và đảng FDP nắm cơ hội này đòi đảng Liên Minh cầm quyền CDU/CSU thực hành chính sách giảm thuế cho dân trong khoản 10 tỷ Euro. Người đứng đầu của đảng FDP hướng dẫn những cuộc thương thuyết trong chính phủ Đức là người trai trẻ gốc Việt, ông Dr. Philipp Rösler. Phải tạo dựng lại niềm tin nơi cử tri, đó là tâm niệm vào ngày đắc cử chủ tịch đảng FDP của ông Rösler.
Cùng ngày Thủ tướng Trung Hoa, ông Ôn Gia Bảo đang thực hiện một chuyến công du Âu Châu từ Hungary sang Anh và Đức trong thời gian từ ngày 24 đến 28/6/2011. Đến Đức ông Ôn mang theo một nội các hùng hậu chưa từng có: 13 bộ trưởng và 300 nhà kinh tế đại diện cho các hãng xưởng về sản xuất kỹ thuật, kỹ nghệ môi trường và máy móc công nghệ cao cấp, đồng thời có 100 nhà báo đi kèm. Chặng dừng cuối cùng ở Đức là quan trọng nhất đối với ông Ôn. Giới báo chí đưa tin hai nhà quán quân nhất nhì thế giới về xuất khẩu kinh tế hội ngội với nhau. Nhiều tờ báo địa phương còn gọi phái đoàn của ông Ôn là cuộc đi phố mua hàng “Shopping-Tour“ tại Âu Châu.
Hôm nay tại thủ đô Berlin nơi hậu trường chính trị, Phó thủ tướng Philipp Rösler kiêm nhiệm Bộ trưởng Kinh tế phải làm việc cận lực với phái đoàn kinh tế Trung Hoa. Tất cả 14 hiệp nghị kinh tế quan trọng đoạt danh thu lên đến 15 tỷ Euro giữa hai quốc gia được ký kết. Phó thủ tướng Philipp Rösler hài lòng và nhìn thấy triển vọng tốt: “Sự tăng trưởng của thị trường Trung Hoa cung cấp một cơ hội rất lớn cho các công ty của Đức“. Mặc dù Trung Hoa là địch thủ mạnh và cạnh tranh ở nhiều thị trường với nền kinh tế Đức, “Nhưng các công ty của nước Đức chúng tôi đang cạnh tranh trong tình trạng thi đấu tuyệt vời“, ông Philipp Rösler nói thêm. Nước Đức thực hành chính sách kinh tế theo kiểu ký kết hiệp nghị với 7 quốc gia mạnh trên thế giới. Trung Hoa không thể so sánh với nước Đức về kỹ năng này, một nhà kinh tế Đức cho biết. Thật ra hôm nay các hãng xưởng Đức sẽ hưởng được nhiều lời nhuận từ cuộc trao đổi kinh tế giữa hai quốc gia. Năm 2010 nước Đức xuất khẩu sang Trung Hoa 53,6 tỷ Euro và ngược lại nhập hàng từ Trung Hoa là 76,5 tỷ Euro. Cho đến nay, các công ty Đức đang tham gia đầu tư trực tiếp trong 7.000 hãng xưởng ở Trung Hoa.
Vì thế dịp gặp nhau ký kết nghị định về kinh tế ở thủ đô Berlin, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Liên bang Philipp Rösler (FDP) nhắc nhở đối tác từ Bắc Kinh về cách làm ăn uy tín và cho biết các công ty Đức mong đợi một sân chơi bình đẳng về kinh tế: “Chúng tôi không những chỉ cần bảo đảm về pháp lý mà còn cần đến quy tắc của pháp luật.”
Kinh Tế và Nhân Quyền
Trung hoa chỉ biết có tiền và phát triển kinh tế theo nghĩa tích cực và tiêu cực: hàng nhái, ăn cắp kỹ thuật, gián điệp kinh tế, không có chuẩn về môi trường. Mặt khác chính quyền cộng sản Bắc Kinh gia tăng đàn áp người đối kháng chính trị và không cải thiện về nhân quyền.
Để làm xoa dịu Âu Châu, trước khi lên đường thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thả những người đối kháng như nhà nghệ thuật Ai Weiwei và nhà dân chủ Hu Jia. Lá bài nhân quyền của cộng sản Tàu là như thế: bắt bỏ tù rồi thả ra khi có nhu cầu chính trị ngoại giao cấp bách. Đích nhắm quan trọng của ông Bảo là chính quyền tại Berlin và London. Như thế sự đòi hỏi về nhân quyền của nữ thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh David Cameron sẽ giảm đi trong lúc đối thoại.
Ngành tư pháp của cộng sản Tàu trở thành một cánh tay nối dài của đảng và cũng là những người nô bộc trung thành với họ. Các quốc gia trong Liên Hiêp Âu Châu đã thương thuyết đến 30 lần với Trung Hoa kể từ năm 1995 và Âu Châu biết rằng đã có 100 ví dụ về vi phạm nhân quyền trắng trợn tại đây.
Tổ chức Ân xá Quốc tế lo ngại rằng vấn đề đòi hỏi nhân quyền tại Trung Hoa được đẩy vào hàng thứ yếu sau những nghị định ký kết về kinh tế. “Điều đáng quan tâm và sợ rằng sự chỉ trích về vi phạm nhân quyền tại Trung Hoa trong tương lai chỉ còn thực hành trong lặng lẽ“, chuyên gia của Đức về Bắc Kinh, ông Dirk Pleiter cho biết. Ngoài ra theo ông Pleiter: “Một số quốc gia trong khối EU phụ thuộc kinh tế vào Trung Hoa thì sự tình sẽ khó xây dựng một lập trường chung trong khối EU đối với Bắc Kinh, để nói chuyện rõ ràng về nhân quyền và giải quyết các xung đột.“
Tại Âu Châu thủ tướng Ôn Gia Bảo ra sức tuyên truyền về nhân quyền của chế độ cộng sản Tàu, hầu như chỉ nặng về mặt lý thuyết khi ông nói với thủ tướng Anh Cameron hôm thứ hai rằng: “Về cách nhìn nhân quyền Trung Hoa và Anh Quốc cần chấp nhận lẫn nhau nhau, hãy xem xét các sự kiện, đối xử tương đương với nhau. Các bất đồng khác cần được giải quyết thông qua sự đối thoại”.
Không biết có phải ấn tượng bởi sự tự do dân chủ tại Âu Châu hay không mà thủ tướng Ôn nói luôn về nét đẹp của tự do dân chủ mà người nghe khó lòng tin được những gì ông ta đang đàn áp bắt bớ những người đấu tranh cho nhân quyền và môi trường trong nước: “Nếu không có tự do thì không có dân chủ thực sự. Và không có sự bảo đảm về các quyền kinh tế và chính trị thì không có tự do thực sự”.
Giữa Đức và Trung Hoa có những cuộc đối thoại về nhân quyền và quy tắc của nhà nước pháp quyền. Những cuộc họp ngoại giao đôi bên nói chuyện về các vấn đề khó khăn và giải pháp trả tự do cho một số tù nhân.
Cuộc đối thoại về nhân quyền đã bị Trung Hoa ngừng lại tạm thời, khi Thủ tướng Đức đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại phủ thủ tướng ở thủ đô Berlin vào năm 2007. Cử chỉ của nữ thủ tướng Merkel được Bắc Kinh cho là “can thiệp vào công việc nội bộ” của họ và ngưng lại các cuộc đàm phán về nhân quyền.
Cộng sản Tàu đã xâm chiếm Tây Tạng vào năm 1951. Thủ tướng Merkel đã tỏ thái độ thật rõ ràng qua sự niềm nở tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma, đồng thời cho Bắc Kinh biết rằng họ không có quyền ra lệnh ngừng đón tiếp khách của nước Đức. Theo ý của thủ tướng Merkel thì sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong phủ thủ tướng là một biểu tượng rất đầy đủ, cho dù bà Merkel không lên tiếng tố giác vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Thời gian là phương thuốc chữa lành vết thương, Trung Hoa cần Âu Châu và Âu Châu cũng cần Trung Hoa. Mối quan hệ giữa thủ tướng Angela Merkel và ông Ôn Gia Bảo đã được cải thiện trong những năm qua vừa qua. Chuyến thăm của thủ tướng Angela Merkel vào năm 2010 ở Bắc Kinh và Tây An được xem là môt cột mốc. Tại đây, ông Ôn người lãnh đạo của của một tỷ dân, đã dành rất nhiều thời gian cho nữ thủ tướng của Cộng hòa Liên bang Đức, một quốc gia tương đối rất nhỏ so với Tàu.
Giám đốc điều hành Khối Xanh tại quốc hội Đức, ông Volker Beck yêu cầu vấn đề nhân quyền là một thành phần quan trọng trong đối tác quan hệ Đức – Trung Hoa và là nhu cầu trong tất cả các cuộc đàm phán chính phủ cấp cao.
Chuyên gia về Tây Tạng, ông Klemens Ludwig thấy rất ít hy vọng về Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong cuộc viếng thăm nước Đức để nói về vấn đề Tây Tạng. Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới của Tây Tạng đến cuối tháng 7 cho những người ngoại quốc.
Nước Đức và Việt Nam
Nhìn vào chính trường Đức hôm nay với thông tin nóng bỏng của cuộc thăm viếng từ Bắc Kinh. Chính phủ Đức dưới sự cầm quyền của nữ Thủ tướng Angela Merkel và Phó thủ tướng Philipp Rösler tỏa sáng với các hiệp nghị kinh tế mang lại lợi nhuận lớn lao cho người dân Đức.
Tại thủ đô Berlin một trung niên gốc Việt Nam, Philipp Rösler vừa độ tuổi 38 ngẩng mặt ngang hàng với thủ tướng Ôn Gia Bảo để bàn thảo đôi bên về mọi vấn đề thời sự chính trị, kinh tế và về cả nhân quyền. Ông Philipp Rösler ngồi trân trọng ký các nghị định kinh tế trước mắt của Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Angela Merkel, việc này được truyền hình trực tiếp và loan tin suốt ngày. Hôm nay ai nhìn thấy anh Philipp Rösler ngồi bên cạnh nữ Thủ tướng Angela Merkel mà chẳng hãnh diện về cội nguồn Việt Nam?
Câu phỏng vấn của báo Bild hôm nay dành cho Phó thủ tướng Philipp Rösler: “Hôm nay Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Hoa với một đoàn tùy tùng hùng hậu đến thủ đô Berlin. Điều này thu hút sự chú ý về sự gia tăng nhanh chóng của Trung Hoa sang các thị trường Âu Châu và Đức. Chúng ta có sợ họ không?”
Philipp Rösler: “Sợ hãi luôn luôn là một cố vấn thật xấu! Nhưng tất nhiên vai trò ngày càng tăng của Trung Hoa tại các thị trường thế giới và các nước đang phát triển là một thách thức cho nền kinh tế Đức. Trung Hoa có nghĩa là cho chúng ta một cơ hội hơn nếu chúng ta đảm bảo khả năng cạnh tranh qua kỹ thuật tân tiến, tính linh hoạt và tập trung vào khách hàng. Đối với nền kinh tế Đức đang hưởng được lợi từ sự tăng trưởng mạnh trong thị trường Trung Hoa. Quan hệ kinh tế của chúng tôi là tuyệt vời.”
Nghĩ đến đây người viết lại buồn da diết và đau lòng con quốc quốc về tình hình Biển Đông. Nếu được phép màu ước mong Phó thủ tướng Philipp Rösler nói vài câu trước mặt thủ tướng Ôn Gia Bảo nhằm chống đối về đường lưỡi bò của Bắc Kinh tại Biển Đông nhỉ?
Về vấn đề tranh chấp Biển Đông và sự xâm lăng hỗn xược của giặc Phương Bắc, nhà nước cộng sản Việt Nam nên học câu nói hiên ngang của Phó thủ tướng Đức gốc Việt trước sự bành trướng của Bắc Kinh và có thêm can đảm bảo vệ chủ quyền quốc gia: “Sợ hãi luôn luôn là một cố vấn thật xấu!“.
Hà Long
Tác giả gởi trực tiếp cho VRNs