Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Ai nấy đều được ăn no nê

VRNs (30.07.2011) – Chúa Nhật XVIII Thường niên



Is 55,1-3; Rm 8,35.37-39; Mt 14,13-21

Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 14,13-21) kể về một phép lạ đặc biệt: Chúa Giêsu hoá bánh và cá ra nhiều, cho hàng ngàn con người được ăn no nê trong phẩm giá của những con người tự do.

Hồi ấy, Chúa Giêsu nghe biết về ý kiến của vua Hêrôđê liên quan đến bản thân Người, rằng Người chính là ông Gioan Tẩy Giả bị giết và nay đã sống lại. “Nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt” (c.13a). Như thế là việc giảng dạy đám đông đã tạm kết thúc với các dụ ngôn.

“Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (cc.13b-14). Đám đông dân chúng kéo đến với Chúa Giêsu gồm cả những con người bệnh hoạn tật nguyền, và Chúa Giêsu chữa lành cho họ vì chạnh lòng thương họ. Người chạnh lòng thương họ là vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt (9, 36). Đối diện với đám đông như vậy, Chúa Giêsu luôn luôn nhân từ, cho dù chính bản thân Người đang muốn tìm một chỗ thanh vắng riêng biệt.

“Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (c.15). Tác giả Mt đưa ra một ghi nhận về thời gian: đã quá giờ ăn chiều. Các môn đệ là những người thực tế, phân tích tình hình khách quan và đề nghị một giải pháp mà các ông nghĩ là tốt nhất cho hoàn cảnh hiện tại. Các ông xin Chúa Giêsu giải tán đám đông để họ có thể vào các làng mạc mà mua thức ăn.

Thực ra, giải pháp đó không có tính khả thi, vì ở một nơi “hoang vắng riêng biệt” (c.13), với một số lượng người đông đến cả chục ngàn người như thế (nguyên đàn ông đã là 5000 người, chưa kể đàn bà và trẻ con, xem câu 21), thì nếu muốn và nếu có tiền đi chăng nữa, người ta cũng không mua được thức ăn ngay trong buổi chiều tối đó. Trái lại, trong tình hình đó, chắc chắn sẽ xảy ra tranh chấp, giành giựt nhau. Vì thế, chính giải pháp được đề nghị này lại là một bằng chứng hùng hồn chứng tỏ sự bất lực của các môn đệ trong việc giải quyết tình hình. Nhưng đó chưa phải là điều dở duy nhất trong đề nghị của các ông. Điều đáng nói nữa là: “mua” tức là trở lại với xã hội mà từ đó đám đông những con người nghèo khổ và bệnh tật kia đã xuất phát, để lại đặt mình dưới những quy luật làm ăn kinh tế vốn đã từng làm cho họ trở thành những con người khốn khổ.

Chúa Giêsu không đồng ý với giải pháp của các môn đệ. Người bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (c.16). Đối nghịch với “mua”, Chúa bảo “cho”. Chính các môn đệ có nhiệm vụ phải cho đám đông dân chúng ăn. Thực ra, Chúa Giêsu chính là người đầu tiên biết rõ tính chất thiếu thực tế của lệnh truyền này. Người hiểu rõ sự bất lực của các môn đệ trong việc giải quyết tình hình đang xảy ra. Và như kết cục của câu chuyện cho thấy, chính Chúa sẽ là Đấng cho đám đông dân chúng ăn no nê bằng quyền năng của Người, còn các môn đệ chỉ phải tham dự vào công việc phục vụ ấy. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu muốn làm nổi bật hai điều: thứ nhất, mối tương quan mang tính quyết định sẽ không phải là tương quan mang tính thương mại buôn bán, mà là tương quan hiến tặng; thứ hai, chính các môn đệ phải chủ động và tích cực trong việc thực hiện mối tương quan đó.

Tất nhiên, các môn đệ sẽ không thể thực thi mối tương quan hiến tặng ấy nếu không có Chúa Giêsu. Vì thế, các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” (c.17). Năm chiếc bánh và hai con cá, tổng cộng là bảy đơn vị, một con số diễn tả tính toàn thể. Rõ ràng các môn đệ không phải là những con người ích kỷ. Họ sẵn sàng chia sẻ, và là chia sẻ toàn bộ những gì mình có. Nhưng cũng chính tính cách toàn bộ của những gì họ có đấy (được biểu trưng bằng con số 7) lại là bằng chứng của sự bất lực của họ. Bởi lẽ bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho cả đám đông hơn mười ngàn người như vậy.

Nhưng Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy! “ (c.18).

“Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngả mình trên cỏ” (c.19a). Chi tiết “trên cỏ” này cho biết câu chuyện xảy ra trong mùa xuân, có nghĩa ám chỉ lễ Vượt Qua. “Ngả mình” (anaklithênai) để ăn chính là tư thế của những con người tự do (chứ không phải của các nô lệ) và là tư thế thích hợp để ăn tiệc vượt qua kỷ niệm cuộc giải thoát khỏi Ai Cập. Trong trình thuật về bữa tiệc Thánh Thể, tác giả Mt 26,20 cũng dùng động từ tương tự: Chúa Giêsu ngả mình (anekeito) trên giường tiệc.

Như thế, đám đông dân chúng nghèo khổ không chỉ được sống trong tương quan hiến tặng thay vì tương quan mua bán, mà còn được dự tiệc trong tư thế của những con người tự do.

Rồi Chúa Giêsu “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng” (c.19bc). Chúng ta gặp ở đây chuỗi động từ được dùng trong trình thuật về bí tích Thánh Thể (x. Mt 26,26): cầm lấy, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho. Rõ ràng tác giả cố ý dùng các công thức của trình thuật đó để giới thiệu trước về bí tích Thánh Thể. Đàng khác, đáng chú ý là việc tác giả dùng cùng một động từ cho cả Chúa Giêsu lẫn các môn đệ: động từ “trao cho, trao” (didômi) (khác với Mc 6,41 và Lc 9,16). Điều này chứng tỏ nhiệm vụ của các môn đệ là tiếp nối hành động của Chúa Giêsu đáp ứng nhu cầu của đám đông dân chúng.

“Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (cc.20-21). Theo quan điểm của văn chương kinh sư Do Thái, bữa tiệc là hình ảnh biểu tượng của cộng đoàn cánh chung. Chúa Giêsu ban cho đám đông dân chúng một bữa tiệc no nê nhờ quyền năng của Người. Người thực hiện cộng đoàn cánh chung. Con số 5000 ở đây cũng mang nghĩa biểu tượng. Năm ngàn tức là 100 lần của 50, ám chỉ các đoàn ngôn sứ Cựu Ước (1V 18,4.13; 2V 2,7), những người có Thần Khí nơi mình; “những con người trưởng thành” là kết quả của Thần Khí (đàn bà và trẻ con là những hình ảnh biểu tượng cho thực trạng yếu đuối, theo quan niệm người xưa). Con số năm ngàn người đàn ông này, như thế, diễn tả hình ảnh cộng đồng đông đảo những con người tham gia cuộc xuất hành mới dưới tác động của Thánh Thần. (Do vậy, các chữ “đàn ông”, “đàn bà” và “trẻ con” ở đây cần được hiểu theo nghĩa biểu tượng, chứ không phải theo nghĩa giới tính hay thành phần xã hội).

Câu chuyện được đặt trong tương quan với cuộc xuất hành: nơi chốn là hoang địa, sự thiếu thức ăn, đám đông được ăn no nê ngay trong hoang địa. Truyền thống Do Thái vốn nghĩ rằng Đấng Mêsia sẽ thực hiện cuộc xuất hành và giải thoát chung cục. Và quả thực, trong câu chuyện này, Chúa Giêsu đã đưa ra một mẫu thức xuất hành mới. Đám đông dân chúng đi ra khỏi các thành phố (c.13), tức là khỏi xã hội Do Thái vốn được biểu tượng bằng hình ảnh các thành mà Chúa Giêsu đã nặng lời khiển trách trong 11,20. Và đó chính là điểm khởi đầu của cuộc xuất hành. Bánh và cá mà đám đông được ăn đến no say trong hoang địa nhắc lại hình ảnh manna và chim cút xưa. Và cộng đồng mới, có Chúa Giêsu làm trung tâm, các môn đệ tiếp nối công việc trao ban của Người, các thành viên hiện diện trong tư cách những con người tự do, mối tương quan cốt yếu là tương quan tình yêu ban tặng chứ không phải tương quan mua bán…

Câu chuyện còn là một hình ảnh về Hội Thánh. Chúa Giêsu hiện diện ở trung tâm và là nguồn mạch mọi ơn huệ. Bên cạnh Người là các tông đồ cộng tác với Người trong việc ban phát các ân huệ thần linh cho đám đông dân chúng khôn khổ mà Người đã chữa lành, giáo huấn và làm cho trở thành những con người tự do. Đám đông ấy vui mừng và hạnh phúc được quy tụ chung quanh Chúa Giêsu và đón nhận ân huệ của Người. Mối tương quan mang tính quyết định trong cộng đồng ấy sẽ không phải là tương quan mua bán, mà là tương quan hiến tặng, tương quan phục vụ, tương quan đón nhận và trao ban cho nhau những ân huệ thần linh đến từ chính Chúa Giêsu và quyền năng của Người, quyền năng đã làm phép lạ khiến cho những đóng góp vốn rất nhỏ bé của các môn đệ (5 chiếc bánh và 2 con cá) được trở thành thực tại lớn lao không thể ngờ được.

Mỗi khi tham dự Tiệc Lời Chúa – Thánh Thể là chúng ta cử hành mầu nhiệm đó của Hội Thánh, và bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu một số khía cạnh quan trọng của mầu nhiệm ấy.

Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.