VRNs (11.07.2011) – Hà Nội – “Con người tội lỗi nhiều lắm, to lắm, nhưng “tình thương của Đức Kitô còn lớn lao hơn tất cả mội tội lỗi”. Chúng tôi mong rằng, một ngày nào đó sự sống sẽ được “tự do” nảy nở trên trái đất này, và thầm mong trái tim những người mẹ sẽ không khi nào “chai cứng”, bởi con họ cũng chính là thân xác họ vậy”.
Khi tiếng ve trên những tán cây bắt đầu dịu xuống, lúc những bóng đèn cao áp mới được bật nên. Đó là giờ những bước chân nhỏ bắt đầu đi từ các phòng khám và bệnh viện để mang ngọn lửa tình thương để thắp nên ngọn đèn sự sống.
Là cha, là mẹ thì có quyền giết con?
“Tôi là mẹ nó, tôi muốn nó sống thì nó sống, tôi muốn nó chết thì nó phải chết”; “Chẳng đem lại được cuộc sống no đủ cho nó, nó khổ, thì thà rằng bỏ nó từ bây giờ, thôi thì xin thượng đế cho nó kiếp sau được đầu thai vào một gia đình khá giả hơn, giàu có hơn cho nó đỡ khổ”; Hay “Số nó phải chết, nó chết đi thì bố nó mới có cơ hội thăng chức”. Đó là những “tuyên ngôn” xanh rờn của những bậc làm cha, làm mẹ, những người đang mang trong mình chính giọt máu của họ. Họ tự cho mình có quyền tùy ý giết bỏ đứa bé khi nó nằm trong cơ thể họ. Nhưng, họ không biết rằng: “Đấng tạo ra chúng ta trong dạ mẹ không phải là Đấng tạo ra nó hay sao? Cùng một Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta hết thảy”. (Job 31:15)
Khi “va chạm” với những câu nói đó, tự dưng tôi nghẹt thở, như có cái gì đó đang cầm nắm, đang bóp chặt lấy nhịp đập trái tim tôi. Trong tôi lởn vởn hình ảnh một người mẹ khóc đến phát điên vì mất con trong trận lũ, và hình ảnh một cặp vợ chồng kĩ sư thành đạt, giàu có ở đất cảng Hải Phòng phải chạy đôn đáo khắp chốn hầu mong “gặp thầy, gặp thuốc” vì khát khao được làm cha, làm mẹ. Tại sao trong xã hội này lại có những sự trái ngược đến vậy?
Một nghìn ông bố, bà mẹ đưa nhau đi phá thai thì có đến một nghìn lẻ một lý do “hợp tình, hợp lý” được đưa ra.
Những người đem tình thương đi tìm “sự sống”
Theo chân những người làm công tác Bảo vệ sự sống, chúng tôi có dịp được trải nghiệm với những vất vả, những khó khăn, gian khổ của những người mang trong mình lý tưởng “bảo vệ sự sống”.
Khoảng 9h sáng, một người trong nhóm mang về một bọc ni lông đen, không để chúng tôi phải tò mò nhiều, anh và cô Hải (trưởng nhóm Bảo vệ sự sống Thái Hà) bắt tay ngay vào “việc”. Mở bọc ni lông ra, bên trong là hai bào thai, và tất cả chúng tôi vỡ òa kinh ngạc, một bé gái đã 7 tháng tuổi, đã mang trong mình hình hài một con người toàn diện, đầy đủ các bộ phận. Đôi bàn tay em bé xíu, mái tóc đen rậm, và một đôi mắt “không mở”, cả đời này em sẽ chẳng khi nào mở đôi mắt ấy nữa. Sau khi tắm gội và làm phép rửa cho các em, tất cả mọi người cùng nhau đưa tiễn các em tới chân Đức Mẹ, nơi ấy em sẽ mãi mãi là một thiên thần đáng yêu luôn bên Mẹ.
Cùng ngồi trò chuyện trong văn phòng giáo xứ, chúng tôi được nghe những trải lòng của người làm công tác ấy. Nhóm bảo vệ sự sống giáo xứ Thái Hà được thành lập được hơn 3 năm, nhưng hầu như chẳng có ngày nào mà nhóm không nhận các em hài nhi bị phá. Việc nhận xác thai nhi thường xuyên và đều đặn đến nỗi người ta có thể gọi là một “nghề”. Mỗi ngày, có trung bình khoảng 9-10 Thai Nhi được đưa về đây, có cháu mới chỉ là cục máu đỏ, nhưng có những cháu đã chuẩn bị trào đời để sống một cuộc sống mới. Cô Hải kể: “Có lần mang cháu về khi tắm và làm các phép thì phát hiện cháu mất đầu, sáng hôm sau thì nhận được điện thoại tới để mang phần đầu của cháu về”.
Không có tình yêu, không có tâm huyết với “nghề” thì chắc sẽ chẳng ai làm được công tác ấy, bởi nó ám ảnh, nó ăn sâu vào tâm trí con người. Có những cháu khi được nhận về, mắt mở tròn to, dù cố gắng làm cách nào bé cũng không nhắm mắt lại. Có lẽ, em mở to đôi mắt ấy để nhìn “đời”, nhìn rõ “cái sự đời”.
Cô Hải kể, những lúc bận việc không thể bỏ, thì chồng và con là những cánh tay đắc lực giúp cô. Nỗi trăn trở như đi vào cả vô thức, cô kể có hôm ngủ dậy, cậu con trai đến nói với cô rằng đêm qua em nằm mơ thấy hai cô bé tóc xoăn về cười đùa với em, nhưng rồi, mặt hai cô bé bỗng tím tái và ngã xuống. Trưa hết bàng hoàng về giấc mơ lạ ấy thì, 10h sáng hôm đó cô nhận được điện tới lấy xác các em về, cô ngỡ ngàng khi thấy hai bé nhận được hôm đó chính là hai bé gái.
Còn rất nhiều những kỉ niệm, những câu chuyện đau lòng trong những hành trình bảo vệ sự sống mà cô Hải và mọi người trong nhóm đã trải qua mà chúng tôi không thể kể hết.
Nhóm ra đời mang tên BẢO VỆ SỰ SỐNG, nhưng đó cũng chính là nỗi đau, nỗi trăn trở lớn nhất của nhóm vì công việc “bảo vệ” nhiều khi không đạt được kết quả như mong muốn, mà nhận về chỉ là sự mắng mỏ, sỉ vả, và cuối cùng là “một bọc ni lông”.
Những con người ấy vẫn luôn âm thầm cầu nguyện và lặng lẽ bênh vực cho sự sống, bởi họ mang trong mình tình yêu của Đức Kitô. Con người tội lỗi nhiều lắm, to lắm, nhưng “tình thương của Đức Kitô còn lớn lao hơn tất cả mội tội lỗi”. Chúng tôi mong rằng, một ngày nào đó sự sống sẽ được “tự do” nảy nở trên trái đất này, và thầm mong trái tim những người mẹ sẽ không khi nào “chai cứng”, bởi con họ cũng chính là thân xác họ vậy.
“Chúa đã ban cho con người tình thương và sự sống, quan tâm đến từng hơi thở của con người”. (Job 10, 12)
Giuse Đinh Văn Trung – Đaminh Nguyễn Văn Tùng – Anna Nguyễn Thị Trang – Giuse Nguyễn Văn Hoạch – Phaolô Nguyễn Quang Minh – Luis Vũ Đức Dũng