VRNs (17.07.2011) – Sài Gòn – Hôm nay, Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam chính thức ra mắt trang thông tin mới: Truyền thông Giáo huấn Xã hội Công giáo – www.ghxhcg.com. Đây là một trang thông tin, nghiên cứu, trao đổi về các vấn đề xã hội dưới ánh sáng của Giáo huấn xã hội Công giáo, và cũng là một sân chơi cho những ai đang ưu tư về các vấn đề tạm gọi thuộc về Công lý & Hòa bình.
Xin mời quý độc giả cùng chia sẻ tâm tình với cha Matthêu Vũ Khởi Phụng, CSsR, Bề trên DCCT Hà Nội – Trưởng ban truyền thông DCCT, nhân dịp chính thức ra mắt trang www.ghxhcg.com hôm nay.
Một ngày cuối năm 2008, tôi có dịp từ Hà Nội trở lại Sài Gòn. Giáo xứ Thái Hà chúng tôi vừa trải qua một thời gian hết sức sôi động và căng thẳng. Báo đài đã kích chúng tôi cả tháng trời và qui kết cho chúng tôi nhiều tội vạ. Nhưng đàng khác, cũng có rất nhiều anh chị em bày tỏ lòng thương mến. Nhất là rất nhiều anh chị em quen cũng như lạ, đã hiệp thông cầu nguyện nâng đỡ chúng tôi. Chúng tôi rất cảm động và biết ơn những tình cảm quí báu đó vô cùng.
Tôi được gặp lại nhiều bạn cũ phương Nam. Chúng tôi có dịp trao đổi với nhau. Thái Hà không có chủ ý mà lại trở nên một điểm nóng thời sự trong Giáo Hội. Thái Hà làm lộ rõ nhiều khát vọng, nhiều trăn trở, nhiều bình luận. Từ kinh nghiệm đó, chúng tôi tự hỏi không biết có thể làm gì căn cơ hơn chăng, để có một chút đóng góp cho cộng đồng vào thời điểm phức tạp này. Những suy nghĩ của chúng tôi cô đọng lại thành một dự tính: chúng tôi sẽ cùng nhau học hỏi, nghiên cứu về đường lối của Giáo Hội trong lãnh vực xã hội, dựa trên tài liệu “tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội công giáo” do Hội Đồng Tòa Thánh về công lý và hòa bình soạn thảo, và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam giao cho Ủy Ban Bác Ái Xã hội biên dịch.
Đây là một tài liệu dày 450 trang khổ 14,5 x 22 cm với rất nhiều chú thích để qui chiếu. Tôi cũng hơi lo tài liệu này có khô khan quá chăng. Nhưng các bạn đã hăng hái nhập cuộc, vì ai cũng mong muốn tìm cho mình một định hướng và muốn chia sẻ những tâm nguyện của mình với mọi người thiện chí, nhất là những người nghèo khổ thua thiệt, những nạn nhân của bất công, bất nhân. Tôi phải nói rằng các bạn không hẳn là những người non nớt, mỗi người đều đã từng lăn lộn trong lãnh vực chuyên môn của mình, người trong ngành y tế, người trong ngành giáo dục, tư pháp, công tác hay tham vấn xã hội, v.v… cho nên ở những câu chữ mà người không có kinh nghiệm tưởng như chỉ là lý thuyết trừu tượng, thì các bạn như gặp lại những kinh nghiệm xương máu của mình. Hẳn là vì thế nên các bạn đi vào những bản văn dày cộm đó một cách thích thú.
Một hôm các bạn chất vấn tôi: “Tại sao Giáo Hội có những tầm nhìn quý báu đó mà các Cha không chịu giảng ở nhà thờ?” Tuy bị “chiếu tướng”, nhưng tôi cảm thấy rất phấn khởi. Các bạn hỏi như thế có nghĩa là điều Giáo Hội xưa nay ấp ủ đã tìm ra chốn đồng thanh đồng khí ngay trong lòng các tín hữu của mình. Có nghĩa là hạt giống gieo đã nảy mầm.
Từ khi có sinh hoạt học hỏi này, mỗi lần về Sài Gòn, tôi lại tìm đến thăm viếng nhóm. Tôi vui mừng nhận ra sự hăng say, kiên trì, tình nghĩa anh chị em trong nội bộ nhóm. Hơn nữa, từ một nhóm ban đầu, nay đã thành bốn nhóm; có những khuôn mặt còn rất trẻ đã tiếp bước đàn anh, đàn chị.
Tôi vẫn nghĩ rằng học thuyết xã hội của Giáo Hội phản ảnh cả một quá trình tâm linh của những người đã sống đức tin của mình giữa những hoàn cảnh cam go, phức tạp và đa dạng của lịch sử loài người hơn hai thế kỷ vừa qua. Nếu chúng ta có dịp đi sâu vào những tình huống, tâm tư, nỗ lực của những người đã góp phần hun đúc nên kho báu học thuyết ấy, sẽ thấy nó còn hay hơn bất kỳ cuốn tiểu thuyết lịch sử nào, bởi vì ở đây là kinh nghiệm sống thực, có sự đổi mới, sự ly kì, có nỗi đau của con người, có mặt sáng mặt tối của nhân thế, có những phấn khởi của khám phá và tiến bước, có chất vàng ròng của cõi tâm, của nhân ái, của tin, cậy, mến.
Lịch sử ấy ngày nay vẫn tiếp tục, nó giải thích những tình huống bi đát hay hào hùng mà thế giới và đất nước, và Giáo Hội chúng ta đã, đang, sẽ đi qua. Nó lay tỉnh phần ý thức ở nơi ta, nó là một tiếng gọi, một ánh sáng soi đường. Nếu ta để ánh sáng ấy tắt đi, ta sẽ lỗi đạo với Chúa và Hội Thánh, ta sẽ không chu toàn được nhiệm vụ của ta với cuộc sống hôm nay.
Nay các bạn nghĩ rằng đã đến lúc chia sẻ với nhiều người hơn nữa những điều quý báu các bạn đã phát hiện. Tôi thành thực cầu chúc các bạn một chặng đường mới phong phú và đầy sức sống. Một bên có ánh sáng của Hội Thánh, một bên có kinh nghiệm sống, có sự ngụp lặn của các bạn trong cuộc đời, chúng ta có quyền hy vọng trang mạng mới này sẽ là bạn tâm giao của những ai nặng lòng với Hội Thánh và với con người.
Vũ Khởi Phụng, CSsR