Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Để được khôn ngoan

VRNs (22.07.2011) – Chúa Nhật XVII TN A
Theo truyền thống Kitô giáo, dựa vào sách tiên tri Isaia 11,1-2, thì một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần và cũng là ơn đầu tiên đó là ơn khôn ngoan. Để trình bày sự phát triển cách sung mãn của Đấng Cứu độ, thánh sử Luca ghi: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Khôn ngoan là một trong những nhân đức đáng kính, đáng trọng, vì người khôn ngoan là người biết hành xử như là thụ tạo trổi vượt trên các loài thụ tạo hữu hình.



Khôn ngoan là nhân đức giúp ta biết phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu, thiệt hơn… Người khôn ngoan còn biết phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là hệ quả, cái gì là bản chất, cái gì là hiện tượng, điều gì là nhất thời, chóng qua và điều gì là vạn đại thường tồn… Salômon, một vị vua nổi danh là khôn ngoan khó có ai bì vì ngài đã biết xin Thiên Chúa ơn ấy, khi kế nghiệp vương đế của vua cha. “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái”. Điều Salômon xin làm đẹp lòng Thiên Chúa nên Người đã “ban cho ông một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ông, chẳng một ai sánh bằng, và sau ông, cũng chẳng có ai bì kịp” (1V 3, 12).

Người khôn ngoan là người không chỉ biết phân biệt mà còn biết chọn lựa. Dĩ nhiên đã là khôn ngoan thì phải biết chọn điều tốt thay vì điều xấu, chọn điều đúng thay vì điều sai, chọn cái tốt hơn thay vì cái tốt kém… Không một sự chọn lựa nào mà không phải trả giá. Đã chọn điều này thì phải chấp nhận bỏ điều kia. Câu ngạn ngữ “chọn lựa là hy sinh” một cách nào đó diễn tả quy luật này.

Qua hai dụ ngôn về Nước Trời như kho báu chôn giấu trong ruộng, như viên ngọc quý mà Chúa Giêsu kể thì người phát hiện đều sẵn sàng “bán đi tất cả những gì mình có” để mua cho được thửa ruộng hay mua cho được viên ngọc quý. Bán đi một để được lợi gấp trăm, gấp nghìn lần là chuyện khỏi phải bàn, nếu ta có chút trí khôn suy xét hay có chút khôn ngoan để phân biệt. Những lợi lộc trần thế này thì hầu như ai cũng có thể cảm nhận vì nó cụ thể và thực tế trước mắt. Còn hạnh phúc Nước Trời thì sao đây? Làm sao ta có thể được như thánh Phaolô tông đồ là “chấp nhận mọi thua thiệt trước một mối lợi to lớn là được biết Chúa Kitô?” “Chúa là gia nghiệp của con, vì ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc”. Đây là một sự thật mà ta chỉ có thể nhận biết nhờ đức tin.

TIN LÀ MỘT CÁCH THẾ KHÔN NGOAN

Để được khôn ngoan đích thực thì cần phải có đức tin. Có thể nói theo phương diện hiểu biết, thì tin là nhìn nhận mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa. Dù rằng đức tin trước hết là ơn Chúa ban. Tuy nhiên phần phía con người cũng cần có sự đáp trả. Có nhiều cách thế đáp trả trước ân ban của Thiên Chúa, nhưng một trong những cách thế gần gũi và thiết thực đó là tiếp cận với Lời Chúa qua Thánh Kinh. Càng đọc Thánh Kinh, càng nghiền ngẫm và gẫm suy Kinh Thánh thì ta càng có cái nhìn như Chúa nhìn, càng có lối nghĩ suy như Chúa suy nghĩ, càng có tâm tình như tấm lòng của Thiên Chúa.

Lời đáp ca mà Hội Thánh dọn cho ta trong Thánh lễ Chúa Nhật này như là thái độ cần có của Kitô hữu để được khôn ngoan đích thực. “Luật pháp Ngài, Lạy Chúa, con yêu chuộng biết bao. Con coi trọng luật Chúa truyền ban hơn vàng muôn bạc triệu. Vì luật Chúa làm con vui sướng thỏa thuê. Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay. Giải thích Lời Ngài là đem lại ánh sáng cho kẻ đơn sơ thông hiểu”.

Cần biết liều một chút: Dẫu sao đi nữa, đã nói là tin thì chọn điều mà mắt không hề thấy, đúng hơn là chưa thấy rõ tận tường, đo đó cần có một chút liều. Yếu tố liều là yếu tố không thể thiếu trong niềm tin. Tuy nhiên cái sự liều của chúng ta không là vô căn cớ hay là phi lý. Pascal, một tư tuởng gia lỗi lạc đã làm một thách đố với người không tin và ông đã chỉ ra kết quả là người tin chỉ có hòa và thắng chứ không hề thua. “Tôi tin có Chúa và nhận Người làm gia nghiệp, còn anh không tin. Nếu không có Người thì tôi và anh, kẻ tin, người không tin, vẫn hòa nhau, còn nếu thực sự có Người hiện hữu thì tôi lãi lớn”. Cái sự được gọi là cá cược của Pascal tuy có vẻ hấp dẫn nhưng vẫn chưa mang tính thuyết phục, vì vẫn chưa làm nổi bật sự cao trọng và quý giá của Nước Trời. Để có thể cảm nhận hay nói theo ngôn từ nhà Phật là ngộ ra sự vô giá của hạnh phúc Nước Trời, thiết tưởng chúng ta cần noi gương vua Salômon: Xin cho con có được một tâm hồn biết lắng nghe.

BIẾT LẮNG NGHE : MỘT THÁI ĐỘ TẤT YẾU CỦA NGƯỜI TIN

Về mặt tiêu cực: nhận ra sự hữu hạn và chóng qua của những điều được cho là tốt là đẹp ở đời này. Với một tâm hồn biết lắng nghe tức là biết thức tỉnh thì ta sẽ có thể nhận ra sự mong manh, bất toàn của các thiện hảo đời này. Sắc đẹp không qua khỏi làn da và cũng chẳng thoát được sự tàn phá của thời gian. Tiền bạc có thể mua được người tình mà chẳng có thể mua được tình yêu, có thể mua được thuốc tốt nhưng chẳng thể mua được sức khỏe, có thể mua được chiếc giường son, chăn ấm mà không thể mua được giấc ngủ ngon… Hơn nữa, không ai có thể mang của tiền theo mình xuống nấm mộ. Danh vọng hay quyền lực có thể làm cho cái tôi của mình phình rộng ra nhưng không thể làm cho nhân cách của mình lớn lên. Quyền cao chức trọng thì có thể sai bảo được nhiều người nhưng rồi chính bản thân lại không thể tự mình đi xuống huyệt lạnh. Phù vân trên mọi phù vân, tất cả đều là phù vân.

Về mặt tích cực: nhận ra sự vô biên, hằng hữu, tuyệt hảo của Đấng dựng nên ta từ hư vô. Với một tâm hồn biết lắng nghe, đặc biệt bằng sự cầu nguyện, ta sẽ nhận ra rằng ta không tự mua lấy sự sống đời này. Không một ai phải trả một cái giá nào để làm người, để chào đời. Không một ai chọn cho mình hoàn cảnh làm người, môi trường chào đời, thời gian lịch sử làm người… Nhờ sự cầu nguyện, nhờ kết hiệp với Đấng là căn nguyên và cứu cánh đời ta thì ta sẽ cảm nghiệm và nhận ra đâu là hạnh phúc vĩnh cửu.

Các nhà thông thái, các triết gia rất có khả năng nhận ra tính phù du của thụ tạo bằng sự phản tỉnh, nhưng chính các bậc thánh nhân mới là những người khám phá kho tàng vô giá của Nước Trời bằng đời sống cầu nguyện. Khi sinh thời Chúa Giêsu thường khuyên dạy các môn sinh và dân chúng là hãy biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn (x.Mt 26,41).

Sự khôn ngoan không phải là nhân đức ta có được một lần cho cả đời nhưng là nhân đức ta cần chuyên chăm đón nhận và tập luyện cả đời. Khôn ba năm mà có thể khờ dại vỏn vẹn trong một giờ. Cuộc đời của vua Salômon là một đan cử điển hình. Về cuối đời vua Salômon đã chiều theo các bà vợ mà đánh mất sự khôn ngoan của một thời. Để được khôn ngoan, để biết chọn điều tốt nhất với bất cứ giá nào, cho dù phải bán đi tất cả những gì mình có, chắc chắn cần có niềm tin, một niềm tin dựa trên nền tảng Lời Chúa cùng với sự chuyên chăm tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ, không ngừng.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột