VRNs (03.07.2011) – Chúa Nhật XIV Thường niên, năm A – Mt 11, 25-30
Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 11,25-30) bắt đầu bằng ngữ đoạn “vào lúc ấy” (c.25), vốn có giá trị nối kết các nội dung được đề cập ở đây với những gì được tường thuật trong đoạn văn đi trước.
Trong các đoạn văn đi trước, chúng ta gặp những lời phê bình hoặc chí ít là những thái độ hoài nghi và không tín nhiệm đối với Chúa Giêsu. Đối diện với những thái độ tiêu cực đó, Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên tiếng khiển trách những thành phố không chịu ứng đáp với lời rao giảng của Người (cc. 20-24). Vậy, “vào lúc ấy”, tức là vào lúc xảy đến những thái độ tiêu cực đáng trách của những con người và tập thể chối từ sứ điệp của Chúa Giêsu, thì cũng xuất hiện một thái độ khác, hoàn toàn tích cực và thánh thiện: thái độ của những con người bé mọn biết đón nhận mạc khải của Thiên Chúa.
Khác với những lời khiển trách nặng nề phía trước, bây giờ Chúa Giêsu cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa. Người nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (cc.25-26). Chúa Giêsu ngợi khen Chúa Cha vì một quyết ý thánh thiện của Chúa Cha: những con người thông thái và khôn ngoan không được biết “những điều này”, còn những con người bé mọn thì lại được biết. Ngữ đoạn “những điều này” có lẽ quy chiếu về các việc Chúa Giêsu làm (11,2), tức là những hành động Mêsia của Người (11,19). Thiên Chúa mạc khải cho những con người bé mọn biết về những hành động và công trình ấy. Mạc khải dành cho những con người bé mọn được đề cập đến ở đây cũng chính là mạc khải mà Chúa Cha ban cho ông Simon Phêrô như được đề cập ở 16,17. Đó là mạc khải rằng Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia của Đức Chúa. Vậy vấn đề không phải là thấy và/hoặc biết về những hành động Đức Giêsu thực hiện, mà là hiểu và chấp nhận ý nghĩa và giá trị Mêsia của những hành động đó.
Tất nhiên mạc khải về Đấng Mêsia hoàn toàn có thể được thực hiện theo những cách thức huy hoàng và không phải tuỳ thuộc vào bất cứ điều kiện hay khung cảnh nào của con người. Tuy vậy, Chúa Cha đã lại muốn thực hiện mạc khải đó trong một cách thức có vẻ chẳng mấy vẻ vang gì. Người muốn việc mạc khải về mầu nhiệm Mêsia phải tuỳ thuộc vào tình trạng thực tế của con người: Người “đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn”, và đó là điều đẹp ý Người.
Theo thánh ý của Thiên Chúa, chỉ những tâm hồn thuần khiết, đơn thành, bé mọn… mới có thể nhận ra bàn tay nhiệm mầu và yêu thương của Thiên Chúa trong những hành động mà Đức Giêsu thực hiện. Những người “khôn ngoan và thông thái” không thể đón nhận mạc khải đó.
Cách nói “những người khôn ngoan và những người thông thái” được sử dụng ở đây, ám chỉ Is 29,14. Trong bản văn ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa khiển trách dân của Người vì thói giả hình của họ trong việc tôn thờ Thiên Chúa: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm” (29,13). Và vì thế, Người phán: “Sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan sẽ chuốc lấy thất bại, và trí thông minh của người thông minh sẽ tan thành mây khói” (29,14). Vậy, theo gợi ý của bản văn ngôn sứ Isaia này, có thể hiểu thực tại mà Đức Giêsu muốn nói đến ở đây là: sở dĩ những người khôn ngoan và thông thái không thể biết được ý nghĩa các hành động của Đức Giêsu, đó là vì sự thiếu chân thành và thói giả hình đã làm cho sự khôn ngoan của họ ra thành mây khói, đồng thời ngăn cản họ tin nhận những điều mà đáng lẽ sự thông minh và trình độ văn hoá của họ sẽ phải dẫn đưa họ đến. Thiên Chúa không chê bỏ sự khôn ngoan và thông thái của con người, nhưng chính thói giả hình và sự thiếu chân thành của con người trong tương quan với Thiên Chúa đã tàn phá những giá trị cao quý của sự khôn ngoan thông thái đó, và tước mất của con người sự thành công trong việc đón nhận mạc khải của Thiên Chúa. Chính sự giả hình và thiếu chân thành trong tương quan với Thiên Chúa đã là những chướng ngại vật đáng sợ.
Những con người bé nhỏ không gặp phải những chướng ngại vật đó, và họ có thể đón nhận mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu và qua những hành động của Đức Giêsu. Thật ra, mạc khải của Đức Giêsu và ơn cứu độ do Người mang lại cho chúng ta, là mạc khải cứu độ dành cho mọi người và mọi người đều được mời gọi đón nhận. Nhưng những ai tự coi mình là công chính sẽ không nhận biết được rằng chính họ đang cần ơn cứu độ đó, và họ sẽ đóng kín tâm hồn mình lại trước lời mời gọi của Đức Giêsu.
Vậy vấn đề không phải là Thiên Chúa giấu không cho người ta biết ý nghĩa và giá trị Mêsia của những công trình Đức Giêsu thực hiện, nhưng là vì nơi con người có những chướng ngại vật ngăn cản họ đón nhận những mạc khải đó. Về phần Thiên Chúa, Người chấp nhận mạc khải của Người có thể bị từ chối bởi những con người “khôn ngoan và thông thái”, tức là Thiên Chúa chấp nhận rằng mạc khải cứu độ của Người bị điều kiện hoá và tuỳ thuộc tâm thế của con người. Người đi vào mầu nhiệm “tự huỷ” của chính mình. Đó là ý nghĩa của mệnh đề “vì đó là điều đẹp ý Cha”.
Đức Giêsu đã hân hoan dâng lời ngợi khen và chúc tụng Chúa Cha vì mầu nhiệm khiêm hạ đó của chính Chúa Cha, Đấng đã trở thành “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” nơi Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Người. Chính trong mối liên hệ với mầu nhiệm khiêm hạ đó, Đức Giêsu tiếp tục khẳng định: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi” (c.27a). Thực ra, lời khẳng định này không phải là duy nhất trong Mt. Đức Giêsu đã từng khẳng định về việc Ngài có quyền bính của Thiên Chúa từ câu chuyện Ngài chữa lành một người bị bại liệt (9,6).
Giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha có một mối tương quan thần linh thâm sâu. Vì thế, Ngài tuyên bố: “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (c.27bc). Không ai có thể biết về Chúa Con cũng như về Chúa Cha, nếu người đó không được chính Chúa Cha và Chúa Con mạc khải cho, trong Thánh Thần. Nói cách khác, ở bên ngoài Chúa Giêsu Kitô, tất cả những hiểu biết của người ta về Thiên Chúa và về chương trình cứu độ của Ngài sẽ không phải là những hiểu biết chính xác và đích thực, nhưng chỉ là những thực tại bất toàn và phiến diện. Những người (tự nhận là) “thông thái và khôn ngoan” trong Do Thái giáo đã thủ đắc những hiểu biết về Thiên Chúa nhờ nghiên cứu Luật Môsê, và họ vinh vang vì những hiểu biết đó. Nhưng thực ra, vì những hiểu biết đó của họ không phải là do Chúa Con mạc khải cho (bằng chứng là họ không chấp nhận con người, đạo lý và hoạt động của Chúa Giêsu), nên nói theo ngôn ngữ của Is 29,14, sự khôn ngoan của họ sẽ chuốc lấy thất bại, và trí thông minh của họ sẽ tan thành mây khói, không có sức mạnh cứu độ. Cũng tương tự như thế là tất cả những hiểu biết về Thiên Chúa và về chương trình của Người mà không phát xuất từ Chúa Kitô và không ở trong Chúa Kitô.
Như thế, yếu tố mang tính quyết định là sự kiện người ta được thuộc về Đức Giêsu và được ở trong Ngài. Do đó, Ngài kêu gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường ” (cc.28-29a).
“Những người đang vất vả mang gánh nặng nề”, trước tiên, là những ai đang mệt mỏi và chịu sức ép bởi giáo huấn của những con người “khôn ngoan và thông thái” đã được nói đến trên kia. Chúa Giêsu tự giới thiệu về mình như là vị Tôn Sư, nhưng khác với thói đời tầm thường và chắc chắn khác với các kinh sư đương thời, Ngài không tìm cách thống trị hay chi phối các môn đồ. Ngài đi ngược lại xu hướng kiêu ngạo của các bậc thầy trong dân Israel bấy giờ. Những ai đón nhận giáo huấn của Ngài sẽ được Ngài cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Chúa Giêsu kêu gọi các đồ đệ mang lấy ách của Ngài. “Mang lấy ách” của Chúa Giêsu tức là chấp nhận những đòi hỏi phát xuất từ giáo huấn của Ngài. Ách của Ngài nhẹ nhàng và êm ái, hoàn toàn khác với ách của Lề Luật mà những kẻ “khôn ngoan và thông thái” bắt buộc người ta phải mang. Thay vì những luật lệ không mang lại niềm vui, Đức Giêsu đề nghị sự phục vụ trong niềm vui và trong tình bạn (9,15).
Trong Chúa Giêsu, những tâm hồn bé nhỏ sẽ được bình an và hạnh phúc như chính Ngài đã khẳng định: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (cc. 29b-30).
LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.