VRNs (01.07.2011) – Suy niệm Lời Chúa CN 14 TN A
Cuối mỗi cấp, học sinh phải thi để lấy bằng tốt nghiệp, ra trường: tốt nghiệp trung học phổ thông, tốt nghiệp đại học. Không biết có ai đã dùng từ tốt nghiệp cho những người học giáo lý, giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân không, nhưng hình như mới đây, hai từ “tốt nghiệp” cũng dành cho những đại chủng sinh hoàn tất chương trình Đào Tạo Linh Mục tại các Đại Chủng Viện.
Thiết tưởng, ấy cũng chỉ là chuyện từ ngữ theo cách của xã hội mà thôi.
Điều quan trọng ở chỗ: học không phải chỉ để tốt nghiệp, càng không phải để lấy bằng tốt nghiệp, nhưng là để có một cuộc biến đổi nên người trưởng thành. Học sinh nên người trưởng thành là có ý thức và trách nhiệm về tư tưởng, lời nói việc làm của mình. Cũng vậy, người học giáo lý nên người trưởng thành, ấy là có ý thức chuẩn xác về ơn gọi được làm con Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô, và có trách nhiệm sống cho ra người con của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay cũng nhắc đến chữ “học”: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an”
Trong Tin Mừng, tất cả những câu mệnh lệnh của Chúa Giêsu đều nói đến việc “làm”, như: “Hãy tin”, “hãy từ bỏ”, “hãy cầu nguyện”, “hãy tha thứ”, “hãy yêu nhau” …. “Đừng thù oán”, “đừng lên án”….. Và chỉ có một câu duy nhất này, Chúa bảo “hãy học”.
Như vậy, hẳn là môn học mà Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy học, ấy là môn học quan trọng lắm. Đã vậy Chúa lại bảo “hãy học cùng Ta”, không học ở nơi thầy nào khác, cho thấy rằng chỉ có Chúa Giêsu mới xứng đáng là thầy dạy môn học nầy. Môn học đó là “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.
Hãy học cùng Chúa Giêsu, vì Chúa hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.
Quả thật, chỉ có Chúa Giêsu mới là người hiền lành kiểu mẫu, hiền lành đến mức chấp nhận thương tích mà không đánh trả, hay báo thù, hiền lành vì yêu và yêu cả người phản bội, sỉ nhục, thóa mạ hay hành hung tàn nhẫn… đúng như tiên tri Isaia tiên báo: “Người hiến thân vì người tình nguyện và không mở miệng như con chiên hiền lành bị đem đi giết, và như chiên non trước mặt người xén lông, người thinh lặng chẳng hé môi” (Is 53,7). Và Thánh Vịnh 30 mô tả chân dung của Chúa Giêsu: “Con đã nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng. Bạn bè thân thích đều kinh hãi, thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa”. (Tv 30)
Sự hiền lành ấy còn mang nét đẹp trung tín đến ngàn đời, không có gì thay đổi được bản tính “hiền lành, hay thương xót” của Thiên Chúa Cha, phản chiếu nơi Chúa Giêsu, Người Con chí ái. Ấy vậy, tiên tri Giêrêmia nói: “Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi” (Gr 11,19).
Chỉ có Chúa Giêsu mới là người khiêm tốn, như tiên tri Dacaria ca tụng: “Này vua ngươi đến với ngươi. Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ (Dcr 9,9)
Và thánh Phaolô còn khẳng định lòng khiêm nhượng của Chúa Giêsu sâu thẳm đến mức không giữ cho mình địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng lại khiêm hạ vâng phục Thiên Chúa Cha mọi đàng: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Phil 2,6-8)
Bài học “hiền lành và khiêm nhượng” của Chúa Giêsu quả là một bài học khó nuốt, vì có vẻ như bài học ấy muốn dẫn học viên đến cái chết vì yêu như Ngài đã chết vì yêu vậy. Hơn nữa, lại không thấy Chúa nói đến lễ tốt nghiệp, hay vinh quang gì khi tốt nghiệp.
Thực ra, Chúa đã nói đến lễ tốt nghiệp ấy rồi: “và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an”.
Chúa muốn chúng ta được bình an trong cuộc đời. Bình an có một giá trị lớn lao trong đời sống con người, vì khi có bình an hồn xác, ta mới có được hạnh phúc. Bình an là kết quả của lòng hiền lành khiêm nhượng, vì Chúa biết khi không có lòng hiền lành và khiêm nhượng thì chỉ chuốc lấy đau khổ, khó nhọc và gánh nặng.
Vì muốn chúng ta được bình an, Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta đến và học cùng Ngài: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.
Nhìn lại cuộc sống chúng ta, quả là đang khó nhọc và gánh nặng. Khó nhọc, gánh nặng là vì chưa khiêm nhượng trong lòng đủ để có thể ký thác đường đời cho Chúa, lại ảo tưởng với trí tuệ, khả năng, sự khôn khéo của mình có thể giải quyết mọi vấn đề để mang lại cho mình bình an hạnh phúc.
Khó nhọc và gánh nặng là vì không đủ hiền lành nhẫn nhịn chấp nhận sự thua kém, lại nông nổi lao mình vào chỗ tranh chấp hơn thua để chuốc lấy cái mất bình an cứ dày vò, đày đọa tâm hồn.
Khó nhọc và gánh nặng cho nhau trong cuộc đời là vì không đủ hiền lành và khiêm tốn nhìn nhận mỗi sự hiện diện của người bạn đời, của tha nhân, kể cả của người nghèo hèn thấp kém, mất tư cách, mất phẩm hạnh… đều có thể mang lại cho ta một hồng ân quí giá của Thiên Chúa.
Khó nhọc và gánh nặng vì lòng tự phụ, vì tính chủ quan của người lớn hoặc tự cho mình là lớn, hoặc chỉ thích “chức”, quyền mà không chấp nhận thi hành nhiệm “vụ”, chắc chắn sẽ có lúc vấp ngã trên đường đời để lộ chân tướng dối trá của lòng mình ra cho thiên hạ đàm tiếu.
Khó nhọc và gánh nặng là vì mình chấp nhận làm nô lệ cho những đam mê xác thịt hay hư nát này: hư danh, lạc thú, giàu sang, hưởng thụ… dẫn đến sự suy sụp tinh thần, kiệt quệ sức lực, mất cả ý chí nghị lực trong cuộc đời.
Thánh Phaolô khuyến cáo chúng ta“chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động xấu xa của thân xác, thì anh em sẽ được sống”(Rm 8, 11-13)
Vâng, chính những món nợ xác thịt làm cho chúng ta ra khó nhọc và gánh nặng, ra đau khổ và mất bình an. Món nợ hư danh, món nợ nhục dục, món nợ của cải phù vân, món nợ hưởng thụ. Như tâm sự của tác giả TMT:
Tôi đã vay của trần gian,
mấy ngàn mảnh hữu danh vô thực
Tôi đã mượn của thân xác phù vân,
những thoáng mơ màng hạnh phúc
Tôi phải trả cho đời,
bằng sự nô lệ cả con người tôi
Tôi phải trả cho phù vân,
bằng sự chết nghìn thu tan tác
Có còn được nghe niềm bình an ca hát
Nơi vực thẳm lòng kiêu ngạo của tôi?
Ôi! Đức Khiêm Hạ trên cao vời
Hãy nhỏ xuống lòng tôi,
những giọt ân tình lòng thứ tha, thương xót
một kiếp đời không chịu học Chúa Giêsu…
Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta học và sống “hiền lành và khiêm nhượng” theo gương Ngài, không phải để chúng ta phải chết, nhưng là
- để chúng ta được vinh dự chết cái tôi kiêu hãnh, cái tôi mặt dày mặt dạn của mình, cái tôi khó từ bỏ của mình để sống cho người khác được sống,
- để chúng ta cất được những khó nhọc, những gánh nặng do làm nô lệ tính xác thịt của mình
- và cuối cùng là để tâm hồn chúng ta được bình an
Lạy Chúa Giêsu hiền lành khiêm nhượng trong lòng, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa, tin tưởng Chúa và học cùng Chúa sự hiền lành khiêm nhượng, để chúng con được thanh thản, bình an, hạnh phúc trong Chúa luôn. A men.
PM. Cao Huy Hoàng – Sài gòn 29-6-2011