VRNs (24.07.2011) - Melbourne, Úc – Hơn 20 năm trước, tôi có dịp qua Thái Lan thăm viếng những công việc mục vụ của anh em Dòng Chúa Cứu Thế để học hỏi. Tôi đã đến thăm các em cô nhi tại trung tâm Pattaya. Tham quan các địa danh như Nong Khai, Udon Thani, Khon Kaen và các vùng phụ cận miền Đông Bắc Thái Lan. Tại Nong Khai tôi đã được diễm phúc tiếp cận với những người Việt di cư sang Thái từ hồi bị cấm đạo bên Việt Nam. Có những làng toàn người Việt. Có cả nhà dưỡng lão. Tôi còn may mắn được tiếp xúc và thăm đồng bào dân tộc thiểu số trên Chiang Mai, phía Nam Thái Lan. Đi đến đâu và chứng kiến nhãn tiền những công việc của anh em, thì lòng tôi đều dâng lên một niềm cảm xúc và tự hào về lòng nhiệt thành và tinh thần phục vụ của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế gốc Mỹ và Thái Lan. Sau cùng tôi đến thăm trại tỵ nạn và được phép thăm các thuyền nhân ở trại giam tại Phanat Nikhom.
Đến Thái Lan mà không đi thăm viếng đền đài, chùa chiền thì thật là thiếu sót lớn. Thế mà, với chuyến tham quan – mà tôi gọi là “ngoài luồng” này- đã lưu lại trong tôi những ấn tượng thật khó phai mờ. Đó là bức tượng Đức Phật cười. Phật cười căng cả rốn, lộ cả hàm răng trắng nõn. Bụng thì to, tư thế ngồi rất nhàn hạ. Nét mặt Ngài thật bao dung, độ lượng, rất từ nhân. Tôi nghe người ta gọi Ngài là Đức Phật Di Lặc.
Mỗi khi hình ảnh của Đức Phật Cười hiện lên trong tôi, thì tôi lại tự hỏi lòng mình rằng: tại sao Phật Giáo lại có Đức Phật cười tươi hạnh phúc đến như thế? Trong khi đó, bên Công Giáo mình cứ rao giảng về một Đức Chúa chịu quá nhiều hình phạt. Trên thân mình Ngài mang bao nhiêu là vết thương, đau khổ đến tột cùng, rồi mới bị đem đi đóng đinh và giết chết.
Hẳn nhiên, cái chết của Đức Giêsu đóng một vị trò thật quan trọng trong niềm tin của mọi Kitô hữu chúng ta. Nhưng, qua bao nhiêu thế kỷ, việc tập trung nhấn mạnh như thế lại mang đến những ảnh hưởng tiêu cực khác, đến độ cho đến hôm nay, nhiều người vẫn cứ áy náy và ân hận rằng: Vì tội của tôi mà Chúa phải chết. Chính tôi đã giết Chúa. Rồi từ đó, lại để mặc cảm tội lỗi này dầy vò cuộc sống của chính mình. Vì tội của tôi mà Chúa chịu cực hình và chết đi! Ôi! Khốn nạn cho tôi biết là dường nào!
Dù xảy ra đã lâu, nhưng các câu hỏi đáp mà tôi từng ê a trong các lớp giáo lý bao đồng ngày trước vẫn cứ ám ảnh tâm trí tôi, kéo dài rất nhiều ngày.
Hỏi: Tại sao Chúa lại phải chết?
Đáp: Chúa chết để đền vì tội lỗi của chúng ta.
Hỏi: Chúa chết vì ai?
Đáp: Vì ý định của Chúa Cha mà Chúa vâng phục cho đến chết. Đến nỗi, ở vườn Cây Dầu Ngài đã phải thốt lên: “Xin đừng làm theo ý Con, một theo ý Cha”.
Như vậy, theo lối giảng dậy và lý luận nói trên thì Chúa chết là vì Ngài tuân theo Thánh ý của Cha Ngài. Và tội lỗi của chúng ta đã được đền bù bởi máu của Đức Giêsu Kitô.
Nhưng theo Thánh An-Phong, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, đã từng nói: “Chỉ cần một giọt máu châu báu cuả Đức Giêsu thôi, cũng khiến cho tội lỗi của nhân loại được tha thứ. Đâu cần gì Người phải chết đi. Và cũng theo Thánh nhân thì cái chết của Ngài không phải là hậu quả của sự đau khổ, nhưng đó là hành động chứng tỏ Tình Yêu tuyệt hảo của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và cũng một trật, Ngài ban tặng nguồn suối yêu thương đó cho nhân loại.”
Sau đây là lối giảng dậy theo kiểu khác.
Thiên Chúa là Đấng Cao cả và thánh thiện. Tội lỗi xúc phạm đến Chúa, thì chỉ mình Chúa mới giải trừ được. Vì thế nên, Thiên Chúa đã sai Con Một Người, vừa là Thiên Chúa vừa là Con người xuống trần gian, chịu mọi khổ nhục và sau cùng chịu chết để xóa tội cho chúng ta.
Tương tự thế, sau đây là một đọan trích trong sách Sáng Thế:
“Thiên Chúa gọi ông: “Áp-ram!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-sa-ác, đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho ngươi.”
Tới nơi Chúa chỉ, ông Áp-ram dựng bàn thờ tại đó. Xếp củi lên. Trói I-sa-ác con ông lại, và đặt bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Áp-ram đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con của mình.
Nhưng sứ thần Ðức Chúa từ trời cao gọi ông: “Áp-ram! Áp-ram!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người nói: “Ðừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!”
Ngày xưa, việc hiến tế con của Áp-ram có thể được ca tụng là việc làm để biểu lộ lòng tin của ông. Nhưng thời đại chúng ta, nếu ai làm thế sẽ bị đưa ra tòa với tội danh có ý định mưu sát trẻ em.
Không lẽ Thiên Chúa của chúng ta chỉ vì yêu thuơng nhân lọai mà lại đem con của mình đem đi giết hay sao? Có ông bố nào hành xử như thế mà lại được tuyên dương công trạng đâu?
Kiểu dậy dỗ và truyền đạo nói trên đã thống trị và đào tạo nên một lớp người – qua bao nhiêu là thế hệ – có lối sống đạo dựa trên nguyên tắc ‘thưởng phạt’. Và chỉ vì ‘sợ hãi’ mà họ đã cố gắng chu toàn những khoản luật. Trọng tâm của lối giảng dậy như thế chỉ nhấn mạnh đến tội, đến nỗi khổ đau và cái chết thôi. Thiên Chúa của lối giải thích này, là Thiên Chúa của sự trừng phạt, tay cầm cây roi và mắt thì chỉ tìm lỗi lầm của con người để giáng phạt, mà thôi. Và, Đức Giêsu có được đề cập thì cũng lại được tập trung nhấn mạnh như ‘con chiên vô tội bị đem đi giết’ để đền bù tội lỗi của chúng ta. Chẳng hề nói đến sự thiện hảo, tốt lành và niềm vui, nào hết. Trái lại, chỉ thấy nào là hãi sợ, tội lỗi và chết chóc .
Vẫn biết là ngày nay về mặt lý thuyết thì những lối giải thích như trên đang được điều chỉnh lại. Nhưng, trên thực tế, còn nhiều đấng bậc vẫn dùng quyền hạn của mình để hù dọa dân con đi Đạo. Còn đám dân đen chân lấm tay bùn làm gì có cơ hội để học hỏi ngõ hầu biết cách mà thay đổi lối sống của mình sao cho phù hợp với tinh thần của Đức Chúa hơn.
Vào đúng dịp mùa chay năm 2004, đạo diễn Mel Gibson đã cho trình làng cuốn phim nói về ‘Cuộc thương khó của Đức Ki-tô’. Hầu như toàn bộ cuốn phim chỉ nói về những đau khổ của Đức Kitô trên đường dẫn đến thập tự. Những ngọn roi, những cú đánh như trời giáng xuống trên thân thể của Ngài. Rồi cuối cùng, là cái chết của Ngài. Nhiều người xem phim đã khóc lóc thảm thiết khi nhìn vào các vết thương đầm đìa những máu trên thân xác vô tội của Chúa. Vẫn chỉ là màn kịch buồn, chứ chẳng thấy đâu là tin vui an bình, cả. Kiểu trình bầy về ơn cứu độ như một màn trả giá từ khổ đau của Chúa.
Tình yêu vắng bóng trên hành trình Thập Giá của Đức Giêsu, nhường chỗ cho những hành xử đầy tàn bạo và man rợ của con người. Thế nhưng, vẫn có nhiều đấng bản quyền dùng phim ấy làm phương tiện truyền đạo và quảng cáo không công, cho cuốn phim đầy bạo lực ấy. Cuối cùng, phim thành công vuợt bực về mặt tài chính là nhờ có sự yểm trợ hết mình của các đấng bậc này.
Đất Úc là một trong những nước bị ‘thế tục hóa’ nhất thế giới. Thế mà, vào những dịp thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần Thánh, các nhà thờ vẫn đầy nghẹt những người là người. Ở nhiều nơi, số người tham dự vào hai dịp lễ này, còn đông hơn các dịp lễ khác, ngay cả Phục Sinh. Vì sao thế? Phải chăng vì ta vẫn có mặc cảm tội lỗi của mình khiến Chúa chết thảm? Có lẽ vì thế nên ta phải cố chờ đến Thứ Tư Lễ Tro để được nhắc nhở về thân phận bụi tro. Thêm vào đó, là lời mời gọi hãy hối cải để bù lại những thiếu sót của mình.
Quả thật, đây là hậu quả của hệ thống giáo điều dựa trên thưởng phạt, chất thêm gánh nặng tính “hù dọa” lên lối sống đạo vốn đã bị đè nặng bởi “hãi sợ”, khiến cho cuộc sống đạo thêm nặng nề thêm. Làm gì cũng sợ phật ý Chúa. Hành xử thế nào cũng sợ đi sai đường lối của Ngài. Chúng ta làm như thể Chúa là Đấng rất khó tính, chẳng bao giờ Ngài hài lòng nếu ta sống vui tươi, hồn nhiên và không biết sợ. Trái lại, lúc nào cũng làm ra vẻ ủ rũ, âu sầu não nuột, có vậy mới được Ngài vui lòng xót thương.
Chúa Giêsu đã chết. Đó là sự thật. Nhưng với lối sống âu sầu và hãi sợ kiểu như trên, thì Chúa chết chỉ để tha tội cho một thiểu số tín hữu của Ngài thôi, còn đại đa số không được tha và vẫn cứ phải sống trong cảnh âu sầu, rầu rĩ. Thật ra, bằng vào sự chết, Đức Giêsu muốn chứng tỏ cho toàn thể nhân lọai, chứ không phải chỉ cho một thiểu số dân con được tuyển chọn, để họ nhận ra tình thương yêu và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa của người nghèo. Và, của những kẻ bị bỏ rơi, bị hất hủi, bị đối xử bất công và hà khắc. Và, một khi Ngài đứng về phía họ, thì hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo, những kẻ cầm cân nẩy mực và giới có quyền sẽ lên án Ngài, xếp Ngài vào hàng ngũ của những kẻ chống đối. Và từ đó, sự chết là án phạt dành để cho Ngài.
Đức Giêsu không chết vì Ngài làm cách mạng. Nhưng Tình Yêu mà Ngài dành cho Thiên Chúa và nhân loại còn mạnh hơn việc Ngà lo cho sự an toàn bản thân. Đức Giêsu đã không chết để chúng ta phải sống trong đau khổ. Nhưng Ngài chết là để ta được tự do. Được trở nên công chính. Như lời Thánh Phaolô đã nói:
“Thật vậy, trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Ngài. Ngài không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa. Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cor 5, 19 -21)
Vẫn biết rằng tiến trình hoà giải với Chúa trước tiên là ân huệ. Dù con người có lầm lỗi đến mấy đi nữa, Thiên Chúa là Đấng trung tín, vẫn không bao giờ quên Giao Ước của Ngài. Giao ước Tình yêu và không dựa trên công trạng của con người. Tuy nhiên, Tình yêu và ân huệ của Ngài được ban tặng cách nhưng không, ngõ hầu giúp ta thay đổi lối sống. Ân huệ Ngài ban mà không đủ sức đánh động tâm can của con ngưòi và không đủ sức giúp họ thay đổi lối sống, thì chỉ là ân huệ ‘rẻ mạt’. Không đáng kể.
Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài, Đức Giêsu đã chẳng hối thúc mọi người rằng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. (Mc 1:15) Sám hối đây, không là chừa bỏ một vài thói hư tật xấu, thôi. Mà là quyết định đổi thay cuộc sống. Quyết làm hoà với Thiên Chúa. Tuy nhiên, không ai trong chúng ta có thể thành công với quyết định của mình. Chúng ta liên tục được mời gọi sống hối cải và làm hoà với Thiên Chúa. Thiên Chúa biết rõ lòng thành muốn đổi thay của mỗi người. Và, Ngài cũng hiểu và biết rất rõ tính yếu đuối, trói buộc khiến con người không thực hiện được quyết tâm của mình. Vì thế, Người rất vui khi nhận ra sự cố gắng của bất cứ ai trong hành trình cộng tác với Ngài để thánh hoá bản thân.
Thiên Chúa của Đức Giêsu không phải là Đức Chúa bẳn gắt rất khó chịu, hoặc thích làm tội làm tình con người. Trái lại, Ngài là Đấng rất nhân từ và giàu lòng xót thương. Tất cả mọi giáo huấn Ngài dạy, những việc chữa lành Ngài thực hiện và mọi việc Ngài làm đều phát sinh từ lòng từ nhân, đầy xót thuơng của Thiên Chúa ở nơi Ngài.
“Ra khỏi thuyền, chợt thấy đám đông Ðức Giêsu chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Mc 6, 34)
và:
“Ðức Giêsu dừng lại, Ngài gọi họ đến gần và nói: “Các anh muốn tôi làm gì cho các anh?” Họ thưa: “Lạy Người, xin cho mắt chúng tôi được mở ra!” Ðức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Ngài. (Mt 20, 32-34)
Lòng nhiệt thành hoàn tất ý định của Cha Người đã thiêu đốt và chiếm hữu toàn bộ cuộc sống của Ngài:
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12: 49tt)
Ngài tỏ bày sự bực tức khi chứng kiến việc làm của giới lãnh đạo tôn giáo đương thời. Họ chỉ lý đến lợi lộc cá nhân mà biến Đền Thờ thành hang trộm cướp, chốn bán buôn:
“Thầy trò đến Giêrusalem. Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, Ngài bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Ðền Thờ. Ngài lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Ngài không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Ðền Thờ. Ngài giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc sao? Vậy mà các người lại đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” Các thượng tế và kinh sư nghe vậy, thì tìm cách giết Ðức Giêsu. (Mc 11: 15 -18)
Tóm lại, sứ vụ của Đức Giêsu hoàn toàn phát sinh từ Tình Thương Yêu và lòng nhiệt thành thực hiện ý định và công việc của Chúa Cha. Tình Yêu này là tình yêu phổ quát, dành cho toàn thể nhân loại, chứ không riêng một ai, bất kỳ họ thuộc nhóm người nào. Và với Đức Giêsu, không ai bị loại trừ: cả người giàu có lẫn kẻ khó nghèo. Người công chính cũng như hàng tội nhân. Người Do Thái cũng như Hy Lạp, đàn ông cũng như đàn bà. Tất cả đều được đón nhận tình thương yêu và lòng hiền từ nhân hậu của Ngài. Và chúng ta được mời gọi để nên một với Ngài, theo khuôn thước giữa Chúa Cha và Ngài là Một. Và trong trạng huống ấy, chúng ta là những người được Chúa giải thoát. Được tự do trong Thần khí. Và như Đức Giêsu, chúng ta có trách nhiệm rao truyền khuôn thước tình yêu và lòng nhân hậu từ ái của Đức Giêsu đến với mọi dân tộc. Và, giống như Đức Giêsu, chúng ta cũng được thử thách để cân nhắc về sứ mạng được mời gọi và trao ban sự an toàn bản thân.
Cuối cùng thì, dù có phải hy sinh tính mạng để thể hiện lòng mến của ta đối với Cha, và vì nhiệt thành với công việc của Cha, khiến ta có bị thiệt thân, thì đó cũng là vinh dự, chứ không phải là giá của sự khổ đau, sầu buồn.
Bởi thế nên, những điều mà tôi muốn trình bày ở đây, là đừng nhân danh cụm từ khổ đau, thuơng khó, hay thập giá để biện minh cho những khó khăn của mình trong cuộc sống. Nếu ai đó cảm thấy được ơn gọi mà mình hằng đeo đuổi chất chứa toàn cực hình và đau khổ, thì tôi đề nghị nên suy nghĩ lại. Bởi, Thiên Chúa tạo dựng và mời gọi con người hãy cứ sống vui, Ngài mong muốn ta sống hạnh phúc trong mọi tình huống chứ không bao giờ Ngài muốn ta sầu buồn. Hệt như lời Thánh Phao-lô đã nói trong thư cho tín hữu Philipphê như sau: “Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi xin lặp lại: anh em hãy vui lên!” (Pl 4: 4-5)
Joe Mai văn Thịnh C.Ss.R
viết vào Lễ Thánh Phêrô và Phaolô 2011
Notre Dame College
OMI Hong Kong