Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Khóa Offline IV: Một chút để nhớ

VRNs (31.07.2011) – Sài Gòn – Tôi vừa tham gia khoá học truyền thông công giáo IV, được tổ chức tại dòng Chúa Cứu Thế, đây là một khóa học ngắn nhưng để lại trong tội nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Tôi biết được khóa học này qua một người quen. Lúc đầu tôi cũng chỉ nghĩ là đi học để biết thêm một điều hay, biết một bài phóng sự ra làm sao, kỹ thuật chụp hình, quay video như thế nào? Và truyền thông công giáo là gì? Vì tôi cũng là một người Công giáo. Tôi không nghĩ là mình sẽ làm được một bài phóng sự vì khó lắm, người ta học trường lớp bao nhiêu năm chưa chắc viết được hay, đằng này mình chỉ học có 5 ngày thì làm sao mà viết nổi.

Sáng thứ hai ngày 18 tháng 07, tôi tham gia buổi học đầu tiên và thật sự đó là lớp học đặc biệt. Điều làm tôi “khớp” đầu tiên là các “bạn học” của mình, có người đã ra trường, đã đi làm và có người bằng tuổi cha, chú mình. Có nhiều người ở rất xa, tận Bình Dương, Biên Hòa, Thủ Đức, Gò Vấp, nhưng ai cũng cố gắng đi đúng giờ và đầy đủ.

Khởi động bằng bài hát “gặp gỡ Đức Kitô” và mọi người tự giới thiệu về mình. Người làm luật sư, người làm nhà báo, một số người cũng đang làm trong lĩnh vực truyền thông. Đúng là “gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh” những rào cản về tuổi tác, địa vị dường như không ảnh hưởng gi mà trái lại làm cho lớp học thú vị hơn. Mọi người cùng trao đổi, thảo luận nhóm và cùng nói lên suy nghĩ của mình, ý kiến của ai cũng được tôn trọng. Mỗi người đều có kinh nghiệm sống và cách nhìn vấn đề khác nhau làm bài học có cái nhìn đa chiều hơn.



Khác với cách dạy truyền thống, ghi chép nhiều và lý thuyết suông, các thầy các cha dạy theo phương pháp chủ động, học viên làm trung tâm và lý thuyết luôn đi đôi với thực hành. Lớp học sôi động hơn qua phần thảo luận nhóm, thuyết trình, mọi ý kiến đều được tôn trọng, Cha và thầy phân tích vấn đề và học viên tự rút ra bài học cho chính mình.

Làm sao quên được câu chuyện “con muỗi” của thầy Vinh, bằng các ví dụ sinh động, dí dỏm và sâu sắc, “Học thuyết xã hội công giáo và truyền thông” tưởng chừng như cao siêu, xa vời lắm nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống của mỗi chúng ta. Đằng sau những câu chuyện cười tưởng chừng đơn giản đó lại hàm chứa những bài học sâu sắc, câu chuyện về con muỗi cho ta bài học về sự liên đới của con người với nhau. Những kiến thức về pháp luật được lồng vào những câu chuyện đời thực, cũng cười đó nhưng cười ra nước mắt, cười về sự thật phũ phàng của xã hội mà chúng ta đang sống, về nạn tham nhũng, về cái mà ta gọi là “tự do ngôn luận” thật sự như thế nào ở Việt Nam.

Tôi biết thêm khái niệm thế nào là báo “lề trái”, báo “lề phải”, biết được đạo đức truyền thông. Nhưng quãng đường từ “biết” đến “sống và làm theo sự thật” thì không phải dễ mà mỗi người phải nỗ lực không ngừng. Tôi không thể sống và làm theo “sự thật” nếu không biết “sự thật” về cái xã hội mà tôi đang sống.



Trước khi học khóa học này, tôi rất ngây thơ nghĩ rằng mình đang sống trong một xã hội hòa bình và tự do vì tôi cũng chẳng hiểu hết nghĩa hòa bình và tự do là như thế nào, chỉ nghĩ rằng nước mình không có chiến tranh, không bị khủng bố chết người hàng loạt như các nước Trung Đông, thì thế là hòa bình rồi. Tôi như được “mở mắt” để nhìn rõ hơn về thực trạng xã hội mình đang sống, nào là lạm phát, tham ô, biết bao bất công, nghịch lý nhưng không phải để sợ hãi và suy nghĩ tiêu cực mà cần nhìn thẳng vào vào nó, đấu tranh cho sự thật và góp phần làm cho xã hội tốt hơn. Và điều tôi học được sau khóa học này là trở thành một “độc giả” thông minh hơn, không vội vàng tin những gì đọc được như lúc trước, biết sàng lọc thông tin, nhận xét, đánh giá.



Nhiều người nói đùa rằng “Việt Nam có 700 tờ báo nhưng chỉ một tổng biên tập”. Sự thật sao có thể khách quan nếu chỉ nhìn về một chiều, một lối suy nghĩ áp đặt, che giấu cái xấu hay không nói đúng về sự thật.

Trong buổi học về “tâm lý công chúng truyền thông Internet” của cha Thanh đã mở ra cho học viên những cái nhìn mới mẻ và xu hướng phát triển của truyền thông Internet trong tương lai. Cha Thoại dạy cho chúng tôi về những kỹ năng quay phim, chụp hình đơn giản. Những học viên khác cũng nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của mình, những kinh nghiệm quý giá chỉ khi làm việc lâu năm thì mới có và không thể tìm trên sách vở.

Hình ảnh cây thánh giá nhỏ bé, đơn sơ nhắc nhở ta về 2 chiều kích; sự liên đới giữa Thiên Chúa với con người và con người với nhau. Quên sao được sự nhiệt tình tận tụy của các Cha, các Thầy – những người dạy “không công”, những người luôn thao thức muốn truyền lửa, sự thật và công lý cho chúng tôi.

Cho tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến bác Hùng, người luôn bên cạnh và chăm lo cho chúng tôi từng miếng bánh, nước uống trong những giờ giải lao, làm những công việc không tên như: điểm danh, sắp xếp các đội trực nhật và sinh hoạt lớp. Nhờ đó đã tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi trong những buổi học dài. Phần hoạt náo của các nhóm rất dễ thương, nhí nhảnh, ai cũng cười thật tươi, và dường như mọi người xích lại gần nhau hơn.



Trong 5 ngày ngắn ngủi, tôi không những học hỏi những điều hay mà các cha dạy các thầy dạy mà còn họ hỏi rất nhiều từ các “bạn học” của mình. Bác Chiến chia sẻ cho chúng tôi những kinh nghiệm về chụp hình, về những điều bác tâm huyết và trăn trở trong công việc làm chủ tịch hội đồng mục vụ tại một giáo xứ. Tranh thủ những giờ nghỉ trưa, bác Chiến, bác Triển và một số người yêu thích âm nhạc chia sẻ những điều tâm đắc, hát Thánh ca và góp vui cho mọi người. Tôi ấn tượng với với cái vẻ “ngông” của anh Hào – một người cũng có nhiều kinh nghiệm trong truyền thông, những lý luận chặt chẽ, những câu hỏi hóc búa đặt ra cho mọi người cùng thảo luận, để nhìn sự việc với nhiều góc cạnh khác nhau. Anh cũng hay chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống, những điều mới nghe thì thấy “khó hiểu” và nghịch lý nhưng nếu ngẫm cho cùng thì đó là “sự thật” – những sự thật xảy ra xung quanh cuộc sống mà chúng ta chưa dám nhìn thẳng vào nó và vẫn mong một ngày nào đó sẽ tốt đẹp hơn. Buổi lễ kết thúc cuối khóa trở nên trang trọng hơn nhờ có phần đệm nhạc của bác Triển. Kết thúc khóa học, anh Huân là người có nhiều bài viết nhất. Đọc bài phóng sự kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chắc hẳn không ai nghĩ là của bạn Vũ – sinh viên năm cuối ngành CNTT, chỉ trong 5 ngày học có thể làm một bài phóng sự một cách bài bản như vậy. Nhớ anh Tuấn Anh – một giáo lý viên tâm huyết với việc dạy giáo lý, chị Trang với đề tài sôi nổi về “chợ Sặt”. Chị Thảo không phải là người Công giáo nhưng chị tìm thấy hình ảnh Chúa thông qua đời sống hôn nhân của mình với một người Công giáo. Một người phụ nữ dễ thương, vui vẻ và nhiệt tình là điều mà ai cũng có thể cảm nhận khi gặp chị. Chắc vì tính nhút nhát và chưa cởi mở mà tôi vẫn chưa nói chuyện và làm quen hết với mọi người trong lớp, nhưng 22 người là 22 cá tính khác nhau và có những điều hay mà tôi có thể học hỏi.



Tôi vẫn không quên được cảm giác khi lần đầu “tác nghiệp”, từ lý thuyết đến thực hành thật là khó. Để xác định những yếu tố cần thiết như: What, Who, Where, When, Why, How, bối cảnh và toàn cảnh đã không phải dễ, khi bắt tay vào thực tế lại có nhiều điều bất ngờ.

Tôi chọn đề tài là cuộc sống mưu sinh của các chú xe ôm, tôi lúng túng không biết đặt câu hỏi như thế nào, gợi chuyện ra sao. Những thông tin mà tôi thu thập được khác xa những giả thiết tôi nghĩ ban đầu. Tôi và chú xe ôm nói chuyện rất rôm rả đến nỗi tôi bị cuốn theo những câu chuyện mà quên mất mình phải đặt câu hỏi gì để làm bài phỏng vấn. Những câu chuyện tưởng chừng lan man ấy lại cung cấp cho tôi nhiều thông tin thú vị, nào là việc chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết mới chuyển nhà về Bình Dương, xóm Kỳ Đồng trước khi bị giải tỏa ra sao, những tên đường ở Sài Gòn trước 1975.

Phỏng vấn đã khó nhưng việc sắp xếp các thông tin để viết thành bài phóng sự cáng khó hơn. Chắc hẳn sau khi làm bài phóng sự cuối khóa, mỗi người đều có những trải nghiệm thú vị và rút ra kinh nghiệm cho chính mình.

Lời cuối cùng xin kính chúc quý Cha, quý Thầy, bác Hùng và mọi người trong khóa học truyền thông công giáo IV luôn dồi dào sức khỏe, tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa, biết dấn thân trong sự nghiệp truyền thông để đưa chân lý và sự thật cho mọi người.

Xương Rồng – Maria Nguyễn Thị Thanh Huệ