Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Ký ức Hoàng Sa (2)

VRNs (16.07.2011) – Sài Gòn - Về hỏa lực phía trước sân mũi có khẩu 127 ly. Sau đó là 2 khẩu 40 ly đôi và 2 đại bác 40 ly đơn ở sau lái. Bên hông phòng lái là 2 dàn đại bác 20 ly đôi, bên hông phòng lái dưới đài chỉ huy có 2 dàn 20 ly đơn cùng khẩu súng cối 81 ly ở sân giữa tàu.





Cùng đi Hoàng Sa với HQ 5 lần này, còn có anh chàng khu trục hạm Trần Khánh Dư HA 4. Ngoài vùng đã có HQ 16 – cùng loại với HQ 5 – và 1 hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ 10. Như vậy, sau khi nhập vùng, chúng ta có 4 chiến hạm.

Tình trạng 2 chiến hạm HQ 16 và HQ 10, máy móc đã đến thời kỳ tu bổ, bảo dưỡng, nhưng vì nhu cầu công tác đặc biệt, nên chưa được phép về tu sửa. HQ 10 còn cho biết thêm 1 máy chánh của tàu đã hỏng, máy điện thì vận hành cùng đủ sử dụng khi cần thiết, rất cần được tàu khác ra thay thế để về bến sửa chữa.

Lúc 15 giờ, chúng tôi đã nhìn thấy 2 chiến hạm của Trung cộng. Tàu Trung cộng sơn màu ôliu tối, giống màu sơn nhà binh, lúc đầu còn xa xa, tôi chưa nhìn thấy rõ, chúng tôi được phép tiến sát hơn để quan sát, khi còn cách chúng khoảng vài hải lý, tôi thấy nó chỉ nhỏ kém tàu ta hơn chút, bề ngang hẹp hơn; điều đó làm cho chúng xoay trở lẹ làng hơn ta. Lệnh của Trung tâm hành quân chỉ thị cho các chiến hạm của ta trao đổi với nhau bằng đèn cờ, nhưng tàu Trung cộng không trả lời, rồi đến khi 2 tàu đã tiến tới với nhau rất gần, có thể lối 5, 6 trăm mét, chúng tôi nhìn rõ người của nhau. Đến khi chiều xuống, họ còn bê cả cơm lên sân sau ngồi ăn nữa. Như 1 chiều bình yên không có gì đáng nói. Tôi thấy cả một số người của chúng vác đi, vác lại trên vai mấy khúc ngắn như khúc ống nước 10 ly. Nghe nói đó là các hỏa tiễn cầm tay đó.

Chiều nay, biển cũng tương đối tốt, gió nhẹ. Bấy giờ, 2 bên cho tàu thả trôi tự do, và thỉnh thoảng vận máy lại 1 chút để lấy lại vị trí. Chúng tôi chưa nhận được lệnh gì khác. Có lẽ 2 bên đang tìm 1 biện pháp thật tốt, tìm 1 tiếng nói chung, chứ chưa tính đến việc tấn công nhau bằng hỏa lực… Áp lực về chiến cuộc đã bớt căng thẳng.

Nắng vàng trải dài từng mảng trên mặt biển, tàu chòng chành, lắc lư nhẹ. Tôi lại có chút thả hồn phiêu du. Tôi nhớ đến Điệp, nhớ cái giây phút ngắn ngủi em đến thăm. Tôi thầm đọc lại bài thơ mà tôi đã làm tặng Diệp cách nay hơn 1 năm, cũng trong bối cảnh tàu lênh đênh 1 chiều trên biển, với tựa đề “Biển chiều” :

Chiều về nắng nhạt nhẹ vơi
Nhấp nhô mặt nước biển phơi nắng vàng.
Sóng kia là suối tóc nàng,
Dạt dào trắng xóa một tràng biển dương
Chân trời xanh ngát mờ xa,
Nhìn về đất mẹ lòng ta nhớ người
Nhớ người, nhớ cả nụ cười,
Nhớ người, nhớ cả nốt ruồi trên môi.
Mặt trời luyến tiếc nhìn tôi
Cố vươn màu đỏ để rồi ra đi
Riêng tôi chân đứng tay ghì
Nhưng con sóng vỗ đôi khi nghiêng tàu
Lòng tôi bận rộn làm sao
Nhớ về người ấy, lòng nao nao buồn.

Vâng, tôi nhớ Diệp và lòng thấy nao nao buồn hơn cho cái lo về chiến cuộc. Ít ra thì cũng trong lúc này, vì 2 bên đang tìm giải pháp tốt nhất cho việc tranh chấp. Tôi trở về phòng và khi đi ngang qua phòng ăn, mấy bạn tôi cũng đang có mặt. Thấy tôi, Kiệt đưa gói thuốc ra, tôi cầm lấy 1 điếu và ngồi xuống cùng góp chuyện.

- Mày nghe nói gì không?

- Theo tao thì có lẽ hải chiến sẽ không xảy ra. 2 bên đang tìm giải pháp thương thuyết.

Thày Tiến xen vào:

- Nếu bắn nhau, làm sao mình bắn lại tàu TC? Nó có hỏa tiễn cầm tay nữa đó, và chạy nhanh hơn mình nhiều, nếu hải chiến, tụi nó sẽ có các tàu ở Hải Nam đến tiếp viện rất nhanh và gần. Còn tin tức hành lang bên ta thì sẽ có đệ thất hạm đội Mỹ đang ở ngoài khơi, sẽ can thiệp khi chiến cuộc xảy ra, rồi nào là không quân nữa. C 130 sẽ từ Đà Nẵng bay ra ứng phó nữa đó. Thôi thì ba cái chuyện tin tức hành lang, kẻ nói này, người nói nọ đủ chuyện. Tuy nhiên, dù sao chúng tôi vẫn lo, lo cho 1 cuộc hải chiến thật sự xảy ra khi mọi biện pháp ngoại giao không đạt được. Điều gì sẽ xảy ra cho lúc đó bây giờ? Chúng ta chưa có được một chút kinh nghiệm về hải chiến. Hỏa lực tàu Trung cộng, chúng ta cũng chưa có…

Câu chuyện cứ thế lòng vòng, đêm cũng đã về khuya. Chúng tôi ai nấy đều trở về phòng, giấc ngủ đến với tôi đêm nay bỗng trở nên khó khăn. Nào là hình ảnh người thân, nào là bạn bè, nào là quê hương… Tôi nhắm mắt và nguyện cầu cho mọi chuyện được tốt đẹp.

Đêm nay, tôi lên quart “cách mạng” (24h00 – 04h00). Anh Thành bàn giao sổ hải hành và point cuối cho tôi. Đi quart với tôi trên đài chỉ huy lúc này là Đại úy Nam, thiếu úy Đồng và lái tàu là vận chuyển cơ. Đồng là sĩ quan trẻ và rất thông minh. Anh tốt nghiệp khóa 24 sĩ quan Đà Lạt. Sau đó, được chuyển ngành tu nghiệp Hải quân và trở thành sĩ quan Hải quân VN. Trong những lúc cùng đi quart chung với nhau, Đồng hay góp chuyện với tôi hơn hết. Tôi biết khá nhiều về Đồng. Anh cũng có tài làm thơ nữa, nên nói chuyện với tôi, anh em tâm đắc hơn, mặc dù mấy bạn tôi đều cho rằng, Đồng hay tỏ ra quan liêu, xa rời anh em. Có lẽ, cái niềm tự hào của 1 sĩ quan được tốt nghiệp từ trường Võ bị Quốc gia, họ luôn kiêu hãnh và tự đắc. Nhưng với các quân binh chủng khác kìa! Chứ với Hải quân chúng tôi, điều đó không làm cho mình sáng giá lên được…

Vừa nói chuyện, vừa quan sát và theo dõi 2 tàu của Trung cộng, có lúc chúng cùng vận chuyển nhẹ và chạy song song, có lúc quay đầu đột ngột, quay ngược vòng lên phía sau. Kéo thước đo khoảng cách, chúng tôi và họ cách nhau chưa đầy hải lý. Vậy là quá gần, ban đêm không nên đi gần nguy hiểm. Đại úy Nam cho quay nhẹ bên phải và lái thẳng con tàu giãn ra xa hơn 1 chút.

Cho đến gần hết quart, tàu tôi được lệnh đón Hải quân Đại tá Hồ Văn Ngạc, Chỉ huy trưởng Hải đội 8 lên tàu. Ông được chuyển từ HQ 4 lên.

Đại tá Ngạc lên tàu với sự thống nhất chỉ huy 4 chiến hạm trong vùng. Sự hiện diện của 1 sĩ quan cao cấp, đã từng tu nghiệp đại học hải chiến ở Hoa Kỳ, làm cho chúng tôi thêm phần tin tưởng. Ông nhận quyền chỉ huy trưởng lực lượng đặc nhiệm cho trận chiến.

Trong ngày 18-1-1974, ngày trọng đại của lịch sử đó, Đại tá Ngạc cùng với hạm trưởng họp bàn liên tục với vùng 1, với các bộ tham mưu cao cấp hơn. Tình thế đã đổi khác, tôi đọc được trên gương mặt các vị. Buổi trưa hôm đó, không một ai được nghỉ ngơi…

Để thực hiện cái sở học của mình, sau khi nhập vùng và nhận quyền OTC (chỉ huy), Đại tá Ngạc đã hội ý với các hạm trưởng qua máy truyền tin. 4 chiến hạm sẽ thực tập lại kế họach các nhiệm sở tác chiến mà sự học ở nhà trường có người nay mới có được dịp thực hành. Chúng tôi sẽ vận hành điều khiển mệnh lệnh với nhau bằng các thao tác màu cờ trên các dây cột cờ. Các hiệu lệnh quay trái, quay phải, vận tốc tăng, giảm, đều được ra hiệu bằng các màu sắc các lá cờ. Buổi thao diễn được tập trung cao độ và mệnh lệnh cao, các chiến hạm đều làm tốt. Điều đó cũng làm nên một buổi phô diễn lực lượng có chủ đích, làm phía Trung cộng chắc chắn phải có 1 báo cáo mới để đối phó.

Chúng tôi tiến hành hàng dọc, đi đầu là 2 tuần dương hạm HQ 16 và HQ 5, với 2 khẩu đại pháo phía trước mũi được giương cao để thị uy, kế đến là HQ 4, và sau cùng là đứa em út HQ 10. Tất cả đều chạy với 2 máy tiến 2 cách khoảng 500 – 600m hùng dũng băng mình vào phía trước tàu địch. Đại tá Ngạc có mặt trên Đài chỉ huy trực tiếp điều lệnh. Khi vừa chạy được hơn 2 hải lý, các chiến hạm Trung cộng thấy vậy, cũng vận máy tăng tốc chạy ngược lại phía chúng tôi. Tàu của chúng chạy nhanh và xoay trở lẹ làng hơn. Chúng tiến gần sát khoảng cách chừng 1000m, rồi bẻ lái, quay mũi gần sát đầu HQ 16. Một dòng nước trắng xóa được khuấy lên bởi con tàu xoay quay và tiến nhanh để lại những đợt sóng vỗ vào tàu HQ 16, làm cho con tàu ngừng hẳn. Một hành động đầy khiêu khích, làm cho gương mặt vị chỉ huy chiến dịch đanh lên và cảm thấy khó xử.

Không thể dùng vũ lực, cũng không thể tiến lên và hành động như chúng; cuối cùng, chúng được lệnh thôi diễn tập và quay mũi hàng dọc tiến về phía nam.

Giải tán nhiệm sở tác chiến đội hình, chúng tôi trở lại với công việc thường ngày. Ai không đi quart đều trở về phòng ăn và bàn tiếp theo cuộc hải chiến sắp sửa diễn ra. Không còn nghi ngờ gì nữa, mấy ngày nay, trên tàu sóng radio của các đài đều phát đi, phát lại nhiều lần tin tức Trung cộng đã ngang nhiên vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam một cách trắng trợn. Chúng đã cho quân chiếm đóng các đảo mà chính phủ VNCH đã xác lập chủ quyền, các dấu tích của ta, chúng đều xóa bỏ và còn cắm cờ của chúng trên đảo.

Các bài bình luận và tố cáo hành động vi phạm chủ quyền được lập đi lập lại trong các bản tin đầu giờ. VNCH kêu gọi cộng đồng quốc tế nên có biện pháp can thiệp và giúp đỡ VN giành lại chủ quyền. Ngoài vùng biển chiến trận là thế! Trong đất liền, từ thủ đô Saigon cho đến các thành phố lớn trong cả nước, đều được chính quyền tổ chức các cuộc biểu tình lớn, lên án Trung cộng. Chúng tôi, những quân nhân trực tiếp làm nhiệm vụ trong vùng chiến sự không phải lấy lòng mình dấy lên một niềm tự hào, kiêu hãnh, với khí phách anh hùng của những con người đang trực tiếp bảo vệ tổ quốc.

Tâm trạng của tất cả các anh em hiện diện trên các chiến hạm chiều nay đã thực sự căng thẳng. Anh em người nhái và hải kích cũng vậy, họ tỏ ra đăm chiêu hơn, ít nói chuyện phiếm, hoặc vô tư đánh bài như mọi khi. Những gói thuốc trên bàn cứ thế vơi đi. Tôi cùng vài bạn cũng có mặt ở đó, bên ly café cùng góp chuyện. Kiệt nói:

- Đáng lẽ chuyến này, tao đã được đi phép, nhưng vì lệnh hành quân gấp, thiếu quân số, nên hạm trưởng không cho đi.

Vâng, tôi thấy Kiệt nói đúng. Vì Kiệt đã nộp hồ sơ về trường Đại học Chiến tranh chính trị Đà Lạt, và đã được trường tuyển dụng, chờ ngày tập trung nhập học. Vậy mà đùng một cái, phải đi thêm trong chuyến công tác đặc biệt này.

Ví dụ như chuyến đi lần này chỉ có đi mà không có về, thì bạn tôi có phải là đứa chịu nhiều oan ức lắm không?

Thật vậy, không có gì mà phải che giấu nữa! Chúng tôi xác định, hải chiến xảy ra. 4 chiến hạm chúng tôi, với quân số 350 con người đang có mặt, có thể không có được ngày về… Chúng tôi nhớ lại câu nói của vị hạm trưởng thốt lên từ lúc họp khối hành quân…

Cũng trong chiều nay, 4 chiến hạm của HQVN được chỉ huy trưởng vùng phân ra làm 2 phân đội rõ rệt.

- Phân đội I, gồm có Tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5 và Tuần khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4.

- Phân đội II, gồm có Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16, và Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10.

Phân đội 2 theo dõi và đối phó với 2 chiến hạm Trung cộng mang số 389 và 391 ở phía Bắc Đảo. Chỉ huy phân đội là HQ Trung tá Lê Văn Thự.

Phân đội 1 theo dõi và đối phó 2 mục tiêu mang số tà 274 và 271, ở phía nam đảo. Chỉ huy phân đội 1 là HQ Trung tá Vũ Hữu San.

Tuy nhiên, trong phân đội 1 có Đại tá Hồ Văn Ngạc hiện diện trên tàu HQ 5, nên vừa là chỉ huy tổng quát, là Soái hạm.

Lúc này, Đại tá Ngạc quá bận rộn, ông như con thoi chạy lên, chạy xuống Đài chỉ huy với phòng CIC, vừa trực tiếp chỉ huy và điều lệnh với các chiến hạm, vừa trực tiếp nhận và trả lời diễn biến chiến cuộc với các cấp từ vùng 1 Saigon…. Những khẩu lệnh được truyền đi trong lúc này là cực kỳ quan trọng, có thể với tư lệnh Hải quan và cao hơn nữa, có thể là Mặt Trời số 1 (Tổng tư lệnh tối cao)…

ĐÀO VĂN THỌ
(Còn tiếp)