Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Ký ức Hoàng Sa (3)

VRNs (17.07.2011) – Sài Gòn - TRƯỚC GIỜ G…
Cũng trong chiều 18-01-1974, chúng tôi được biết, Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải quân VNCH bay ra bộ Tư lệnh Hải quân vùng 1, ở Tiên Sa, Đà Nẵng, để trực tiếp chỉ huy trận đánh. Ông ban hành lệnh hành quân Hoàng Sa 1, nhằm chiếm lại các đảo phía Nam như Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng, mà Hải quân Trung quốc vừa chiếm đóng cách nay không xa..



Tin tức trận hải chiến đã nở rộ và chắc chắn sẽ xảy ra, bữa cơm chiều ấy, anh em không ăn tập trung, mà là từng nhóm lấy cơm về phòng ăn riêng rẽ, cũng có thể để cùng nhau bàn tiếp chuyện chiến tranh. Đã có 1 số anh em lấy thêm các thực phẩm mang theo ra dùng trong bữa cơm ấy, chúng tôi vừa ăn, vừa chia sẻ cho nhau những lo âu, những suy tư… Câu chuyện cứ thế râm ran… Đêm nay, tôi lên quart 04h00 – 06h00.

Khoảng 03h00 ngày 19-01-1974, chúng tôi bị đánh thức. Toàn bộ sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên tập trung tại phòng ăn đoàn viên. Phòng ăn lớn đoàn viên rộng —- và cách vuông —– với tất cả khoảng 80 con người được tập họp đột xuất giữa đêm hôm khuya khoắt thế này… Chúng tôi, ai cũng hiểu là chuyện gì sẽ đến… Tôi ngần ngại nhìn mọi người trong cái giây phút ai nấy đều im lặng để chờ Hạm trưởng đến là tuyên bố. Một tiếng hô vang lớn của ai đó:

- Hạm trưởng đến! Vào hàng, phắc!

Tiếng hô to vang càng làm tăng thêm chút can đảm, mạnh mẽ hơn. Dáng người to lớn, khỏe mạnh, cùng với chiếc áo jacket xanh khoác bên người, ông đứng dậy và tóm tắt lệnh hành quân. Sau khi tuyên bố kế hoạch của cuộc chiến, một lần nữa, ông hội ý cùng với các sĩ quan, hạ sĩ quan phụ trách các khối và phân công, phân nhiệm đầy đủ để mọi người nhận lấy trách nhiệm.

Sau khi tan họp, tất cả chúng tôi đều phải đặt dưới sự điều động của hạm phó và khối vũ khí vỏ tàu lập tức chuyển toàn bộ đạn các loại, đem lên tập trung ở các ổ súng. Một nhiệm vụ nặng nhọc và khó khăn đã được hoàn tất trước 5h sáng. Những bước chân khập khiễng, nặng nhọc rầm rập, hòa lẫn tiếng đầu đạn, thùng đạn va chạm vào thân tàu, sàn tàu, tạo thành một âm thanh hỗn độn. Bên trong con tàu, đèn đuốc được thắp sáng mọi nơi, nhưng những ngọn đèn bên ngoài thì được che chắn cẩn thận, để tránh sự nghi ngờ của địch. Tại phòng ăn Đoàn viên, nhân viên tiếp vụ cũng được lệnh nấu mì, pha cà phê và cấp thuốc lá, để anh em bồi dưỡng. Chính nhờ tăng cường thực phẩm trong lúc này đã làm cho sự hoạt động nặng nề này giảm đi nỗi lo âu và mệt mỏi.

Tôi mồi điếu thuốc và bước lên nhận quart 04h00 – 06h00. Trên đài chỉ huy lúc này đã có vị chỉ huy trưởng chiến trường và hạm trưởng. Đại tá Ngạc vừa đàm thoại với các hạm trưởng, vừa tiếp nhận các tin tức, công điện khẩn trình lên của nhân viên phòng vô tuyến. Các báo cáo liên tục của các chiến hạm về máy móc, về hỏa lực cùng công tác vận chuyển đạn dược tập trung lên các ổ súng.

Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10 vẫn tình trạng máy móc như mấy ngày nay. Một máy chánh tải khoảng gần 1 phần 3 súng ống trên chiến hạm bất khiển dụng (vì công tác lâu ngày). Các chiến hạm còn lại đều tốt. Mặt trời trong Saigon thì giục giã việc hoàn tất chuyển đạn.

Đúng 5g, tôi nghe Đại tá Ngạc hội ý với hạm trưởng. Anh cho thả hết 2 xuồng để đổ bộ người nhái và hải kích lên đảo Quang Hòa – lệnh trên nói rõ: “Khi 2 xuồng chúng ta vào sát gần đảo, thì cho anh em lội xuống tiến vô đảo với vũ khí được chỉa thẳng lên trời nhé!” Một là chúng ta vẫn còn cơ hội mới để tiếp xúc và giải quyết tranh chấp với họ, hai là để tránh sự hiểu lầm rằng, chúng ta tiến vào tấn công họ.

Trong nhóm người nhái và hải kích đổ bộ vào đảo, có 2 sĩ quan phó và trưởng toán. Hai vị sĩ quan này được nhận các mệnh lệnh trực tiếp từ vị chỉ huy trưởng chiến dịch bằng máy bộ đàm.

Khi 2 chiếc xuồng chúng ta tiến vào đảo, trời vẫn còn nhá nhem tối. Khoảng chừng hơn nửa tiếng đồng hồ sau, chúng tôi nghe thấy 1 tràng thượng liên nổ vang giòn giã.

Tiếng súng nổ vang là sẽ có máu đổ, và cuộc chiến bắt đầu. Trên đài chỉ huy, Đại tá Ngạc báo cáo Mặt Trời vừa chạm với địch, tiếng súng đã nổ, tiếng máy PRC 25 của người nhái báo cáo:

- Báo cáo Đại tá, chúng tôi vừa bước xuống xuồng, phía địch đã nổ súng, và bên chúng tôi có 2 người đã chết, có người bị thương nữa.

- Đem người chết và bị thương lên xuồng và tất cả quay về tàu! Không được nổ súng vào đảo, vì còn có địa phương quân chúng ta trên đảo.

Các khẩu lệnh được nhận và phát đi liên tục suốt diễn biến của trận chiến…

- Quay về tàu, cho chuyển lên hết và chuẩn bị tác chiến!

Đại tá Ngạc, một lần nữa, nhắc lại nhiệm vụ của các chiến hạm ta là tiêu diệt và đối phó với từng mục tiêu. Ông chỉ thị cho tất cả phải dùng toàn bộ hỏa lực có trên mỗi chiến hạm, phải tấn công chủ động và tấn công áp đảo. Ông thừa biết thế lực của 2 bên, nên ông nhắc đi nhắc lại lệnh trên nhiều lần.

6g sáng, mọi việc tiếp nhận hết 2 toán người nhái và hải kích cũng như mấy chiến sĩ hy sinh lên tàu xong xuôi.

Lúc đó, tôi cũng bàn giao quart cho người bạn kế tiếp và bước xuống phòng. Đi ngang qua phòng y tá, tôi thấy xác của 2 người nhái được đem để trong phòng, mặt người phủ 2 tấm ra trắng, và mấy người bị thương thì được các y tá chăm sóc, băng bó. Trong 2 người nhái hy sinh đó, có 1 sĩ quan và 1 hạ sĩ. Tất cả họ đều còn rất trẻ.

Tôi không có nhiều thời giờ để nán lại. Về phòng, tôi bảo Cảnh:

- Mày đã ăn sáng chưa?
- Chưa, ăn gì nổi…
- Không nổi cũng phải cố mà ăn!

Tôi đưa mấy gói mì và mấy quả trứng cho Cảnh.

- Đem xuống nhà bếp nấu đi!

Một lát sau, tôi xách thêm nải chuối sứ vừa chín, được mua ở Vũng Tàu; tôi để lên bàn. Cảnh bê 2 tô mì đặt xuống và ngồi thừ người.

Tôi đưa đũa và bảo:

- Ăn đi!

Hai đứa bạn ngồi bên đã ăn sáng xong, tôi mời họ ăn chuối, tôi nói:

- Việc gì đến sẽ đến! Chúng ta phải dùng cho no cái bụng đi đã. Nếu có phải đào thoát, thì cũng no, có sức để đối phó với biển cả. Nếu có chết cũng phải chết no chứ!

Mấy bạn tôi nghe câu nói có lý. Cảnh như cũng tán thành, hắn nở nụ cười và cầm đũa ăn. Tôi giục ăn nhanh, kẻo không còn thời giờ đâu! Tôi kêu 2 tách café và vội hớp.

Chưa đầy 5 phút sau, tiếng còi nhiệm sở tác chiến thực sự giục giã vang lên. Anh em ai nấy đều vội vã chạy vào kho nhận mũ, phao để vào nhiệm sở. Từ đài chỉ huy nhìn xuống mũi tàu trước mặt tôi, khẩu 127 ly được thiếu úy Đồng với quân phục mũ nón và chụp tai nghe lên tai để nhận lệnh. Chốc chốc, ông lại ngụp đầu xuống cùng anh em trong pháo chỉnh ngắm lại tọa độ, rồi lại đứng ngẩng đầu lên trong ổ súng. Nhìn thấy tôi, ông mỉm cười và đưa tay lên phất phất.

Bấy giờ, phía tàu Trung quốc cũng đã hoàn tất nhiệm sở tác chiến, 2 bên đang lăm lăm quan sát và luôn quay súng chĩa vào nhau chờ lệnh; và cứ như thế, cuộc chiến giữa 2 bên luôn có sự chuẩn bị thật chu đáo. Còn lệnh của Mặt Trời, lệnh của tư lệnh chiến trường, lệnh của chỉ huy trưởng vẫn còn ở sự hội ý, và tàu chiến 2 bên cứ thế luôn quay và đổi hướng liên tục để ngắm mục tiêu, chờ lệnh khai hỏa. Có nhiều lúc, tàu 2 bên tiến nhanh rất sát, có thể ở khoảng cách hơn 500m, và với khoảng cách đó giữa các tòa nhà nổi này, mục tiêu khi khai hỏa sẽ khó thành thương sát.

Qua máy bộ đàm PRC 25 phía bắc đảo, phân đội 2 cũng đã báo cáo là đổ bộ xong toàn người nhái lên đảo, những tiếng báo cáo của họ về tình hình trên đảo nghe rõ mồn một. Đại khái là Trung quốc đã xây dựng trên đó những công sự phòng thủ kiên cố và 1 đài quan sát được bảo vệ bởi 1 tiểu đoàn quân trú đóng. Toán đổ bộ cũng yêu cầu Tư lệnh đặc nhiệm cho phép thay đổi kế hoạch, để họ có thể sử dụng hỏa lực hầu tái chiếm đảo, vì họ sợ rằng, việc tránh sử dụng hỏa lực có thể làm cho họ hoàn toàn thụ động, và sẽ bị bắt sống bởi quân số địch vượt trội. Nhưng nếu thế thì mọi việc sẽ trở nên gay go và các chiến hạm của ta sẽ nhập cuộc, rồi cuộc hải chiến khốc liệt trong lịch sử sẽ mở màn…

Đại tá Ngạc, một lần nữa, nhắc nhở, yêu cầu 2 chiến hạm HQ 16 và HQ 10 đưa hết người nhái về tàu, và báo cáo tổn thất cũng như phân công cho 2 chiến hạm trên cũng chủ động tiêu diệt 2 mục tiêu 2 chiến hạm địch mang số hiệu 300 đang ở vùng phía Bắc đảo. Riêng HQ 5 thì chỉ định theo dõi và tiêu diệt HQ 271 của Trung quốc. Trận chiến được phân chia rõ ràng từng chiến hạm, đối đầu với từng chiến hạm địch. Rồi ông nhắc đi nhắc lại:

- Tất cả các chiến hạm chú ý! Khi nào tiếng súng lệnh HQ 5 nổ, thì tất cả các chiến hạm sẽ nổ đồng loạt, và nổ tối đa theo sự phân công vừa qua. Tất cả các ổ súng trên tất cả các chiến hạm phải cố gắng tiêu diệt chính xác, để giảm áp lực của tàu địch.

Ông cho rằng, chính sự tác chiến chủ động của ta và chính sự bất ngờ tác chiến ấy làm cho đối phương trở tay chậm, sẽ chịu nhiều tổn thất hơn.

Thời gian nặng nề, chậm chạp trôi qua. Mỗi một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi tưởng tượng như 1 ngày dài. Chúng tôi vẫn trụ tại chỗ trong nhiệm sở tác chiến ấy. Từng giờ phút trôi qua, tôi loay hoay ghi chép vào sổ nhật ký hải hành và lót vào clart vị trí con tàu theo thời gian ngắn. Ghi nhận các khẩu lệnh và các công điện được tiếp nhận từ phòng vô tuyến gởi lên, nên tôi không có thời giờ nhiều để suy nghĩ việc này, việc nọ. Tuy nhiên, tôi luôn ở trong tư thế sẵn sàng và nếu có xảy ra tác chiến và chiến hạm bị chiếm, tôi phải làm gì? Tôi đã mở nhẹ các dây của bè lớn bên phía tả, vì có gì, tôi sẽ rút dây đạp bè và ôm giữ lấy bè, trên mình tôi còn có 1 áo phao đang mặc và 1 phao cá nhân chưa mở.

Như tôi đã nói phần trước, sau khi được phân chia làm 2 phân đội và phân nhiệm cho từng chiến hạm nào phải tiêu diệt chiến hạm nào xong, tất cả đâu vào đấy; và bấy giờ, khoảng cách giữa 2 phân đội cũng cách nhau khá xa, chừng gần 10 hải lý tác chiến trên mặt biển nhấp nhô độ lệch lớn và mục tiêu gần khó cho các khẩu súng lớn.

Đúng 9g30, sau khi hội đàm lần chót, tiếng vị tư lệnh tối cao truyền từ Saigon cho phép nổ súng, vị chỉ huy trưởng thét lên trong máy truyền tin:

- Tất cả chiến hạm chuẩn bị. Bắn!…

Một tiếng hô “Bắn” vang ra, con tàu bỗng rùng mình giật mạnh. Khẩu 127 ly trước mũi liên tiếp khạc đạn và đồng lọat các ổ súng triển khai tác chiến. Một vài giây sau, tiếng súng địch phản kích, tôi nhìn thấy chiến hạm 274 bị viên đạn đại bác đầu tiên trúng vào Đài chỉ huy và bốc lửa cháy, nhưng con tàu vẫn ngoan cố trở mình bắn trả. Đài chỉ huy là nơi được tàu địch chiếu cố, dĩ nhiên ăn đạn nhiều nhất!

Vài phút khai hỏa, tiếng báo cáo từ ổ súng 127 cho hay, thiếu úy Đồng đã bị trúng đạn vào đầu và đã hy sinh. Chúng tôi nghe rõ báo cáo của các nơi trên tàu, báo cáo của các chiến hạm loan về tới tấp. Còn trên Đài chỉ huy thì ăn đạn liên tục, có loại đạn lớn, đạn nhỏ, đã có mấy cỗ lớn nổ ra làm bung các thành sắt 5 ly tóe ra như những bông hoa lys đúng kỳ nở rộ. Bây giờ, chiến hạm 274 của địch mới quay đầu, ủi vào bãi san hô và chìm dần phần mũi của con tàu để chịu nhiệm sở đào thoát.

Hỏa lực trên HQ 5 đặc biệt mạnh và có hiệu quả, nhất là mấy khẩu đại bác 40 ly đôi trên boong và sau lái, cứ thế gồng mình nổ liên tục tiếng bùm bùm, bùm bùm nghe rát và nóng, khói trên chiến hạm tỏa ra mù mịt. Quay qua yểm trợ HQ 4 và chả mấy chốc, HQ 271 của địch cũng cháy tiếp.

Lúc này, HQ 10 báo cáo bị vô nước nhiều và tàu đã chìm, tiếng vị Anh cả Hạm trưởng, thiếu tá Nguyễn Văn Thà lạc đi, ông ban lệnh đào thoát.

HQ 16 cũng hư hỏng nặng, nhiều chỗ vô nước, làm cho tàu nghiêng đi 15 độ. Cũng báo cáo là có thể chìm, làm cho chúng tôi thấy lành lạnh trong người hơn, so với cái lạnh của khí hậu. Từ phòng điện tử báo cáo ông thượng sĩ Hảo cũng đã anh dũng hy sinh tại phòng điện tử. Thượng sĩ điện tử Hảo là người hạ sĩ quan phụ trách ngành điện tử, ông hy sinh ở cái tuổi 32 mà vẫn còn độc thân. Người vừa phải, mảnh mai, trắng trẻo. Ông có gương mặt buồn, trầm tư, ít nói. Chúng tôi không biết nhiều về đời sống và hoàn cảnh riêng tư của ông, chỉ biết rằng, ông cũng đang có một tình yêu rất nên thơ và lãng mạng. Tôi có nghe ít nhiều về mối tình đó, người yêu của ông vẫn còn là một nữ sinh và nhỏ hơn ông đến 14 tuổi. Mối tình đó được vun đắp và vượt qua bao nhiêu ngăn cản của gia đình, nhưng 2 người vẫn vượt qua và hứa hẹn mùa hè sang năm, ông sẽ đưa nàng qua sông, xây dựng cuộc sống phía bên kia bến bờ hạnh phúc.

Vậy mà xuân này với cái xuân của người tình nữ sinh, anh Hảo đã anh dũng ra đi, mãi mãi ra đi và chấp nhận cuộc đời lẻ loi, đơn độc. Tôi lặng người và chú tâm cho 1 lời nguyện cầu, lời nguyện cầu lạc lõng giữa đại dương muôn thẳm.

Rồi báo cáo bộ đàm ở dưới chiến hạm vang lên. Thêm trung sĩ nhất trọng pháo Hải cũng đã hy sinh trên sân giữa chiến hạm. Sân giữa của HQ 5 có 2 giàn đại bác 27 ly đôi phía trước. Kế tiếp là 2 khẩu 40 ly và 2 khẩu 81 phía sau sân giữa. Dưới sân lái phần đuôi tàu, có 2 khẩu 40 ly đôi. Hỏa lực ở những điểm này bắn rất sát và đã làm cho đối phương thiệt hại nhiều nhất. Trung sĩ nhất Hải trực tiếp xạ thủ khẩu 40 ly trên sân giữa. Anh Hải đã có gia đình và có 2 con. Anh ra đi ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời (30 tuổi). Lúc bấy giờ, con tàu đã chịu nhiều vết thương: bên hông phải, phía gần giữa tàu, một lỗ đạn xé to thân chiến hạm, làm nước vô nhanh và nhiều quá! Tiếng anh em huy động lấp kín không được, đành khóa miệng hầm phòng đó lại, chịu nước ngập. Rồi chỗ này báo cáo có người bị thương, chỗ khác báo cáo nước vô… Tôi vừa rời bàn chart, chạy ra bên hông đo lấy một hướng độ lấy thêm 1 khoảng cách nữa trên radar, để chấm 1 cái point. Một viên đạn bay vào chỗ tôi vừa rời và cũng đã nổ ra một bông hoa sắt. Tôi không biết sao lúc này, tôi vẫn còn làm công việc được? Một phút sau, một quả nữa bay vào sát ghế ngồi của hạm trưởng, quả đạn này nổ ra, làm vỡ mảnh đạn và một mảnh nhỏ đã ghim vào chân đùi của vô tuyến Minh đang mang ống nghe chụp lên đầu để nghe, và truyền lệnh trong nội bộ con tàu. Minh bị thương, được đưa xuống phòng y tá và người bạn đồng nghiệp lên thay thế.

Hai bên vẫn còn tiếp tục giao tranh, nhưng hỏa lực có phần yếu đi. Tôi móc điếu thuốc gắn lên môi, như để tăng thêm sức mạnh và quên đi mọi diễn biến, rít thật mạnh rồi thả khói. Một nỗi trống vắng, xa xôi, không còn sợ hãi gì nữa, kể cả cái chết. Tôi nghĩ rằng, nếu tới số, cái chết sẽ không tránh khỏi; còn nếu chưa tới số, thì nhất định mình sẽ còn sống và sẽ trở về. HQ 5 được lệnh tác xạ hỗ trợ cho HQ 16 phía bắc đảo. Đưa ống nhòm quan sát HQ 16 đang bị thương nặng, nước vô nhiều làm con tàu nặng nề di chuyển. Một mặt, HQ 10 đã chìm, chỉ còn một mình HQ 16 độc lập đối phó 2 chiến hạm địch. HQ 5 và HQ 4 yểm trợ cho HQ 16 tháo chạy.

Bây giờ, lệnh tối cao cho phép các chiến hạm Việt Nam được phép rút lui và tìm cách rút lui an toàn, vừa rút, vừa bắn yểm trợ, để tập trung quay về vùng đảo phía Tây Hoàng Sa. Còn các binh sĩ đổ bộ lên các đảo Vĩnh Lạc và Can Tuyền thì không thể nào rút về được, và trên đảo Hoàng Sa nữa, có 1 trung đội địa phương quân của Quảng Nam, Đà Nẵng trú đóng cùng với 4 nhân viên nha khí tượng nữa. Thôi thì cứ để cho số phận an bài!…

Trong thời gian xảy ra chiến sự, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam nhận được thông báo của văn phòng Tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Saigon, cho biết, Radar của Đệ thất hạm đội ghi nhận một số phóng lôi hạm và chiến đấu cơ Mig từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Bộ Tư lệnh Hải quân yêu cầu Đệ thất hạm đội trợ giúp, nhưng không thành công. Các chiến hạm VNCH được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa.

Chiều hôm đó, 3 chiến hạm bị thương tật còn lại được lệnh rút về căn cứ Hải quân Đà Nẵng. HQ 10 vĩnh viễn nằm lại dưới lòng nước mặn của khu vực Hoàng Sa. Thủy thủ đoàn hơn 80 người tự đào thoát và mất liên lạc, cùng bỏ lại 1 toán người nhái của HQ 16 đổ bộ lên ngày hôm trước, và 1 trung đội địa phương quân và 4 nhân viên khí tượng.

Trên đường rút về Đà Nẵng, HQ 16 vẫn còn báo cáo là không biết có về được Đà Nẵng không nữa, vì nước vô nhiều phòng quá! Đại tá Ngạc ra lệnh cứ tiếp tục cho phòng tai bơm ra phòng nào có thể bơm được; một mặt khóa kín mít mấy phòng đó; máy móc thì vận hành yếu ớt, không đủ để sử dụng. HQ 4 cũng vậy, tuy nhẹ hơn…

Cho đến bữa cơm chiều, anh em phần vì quá mệt, phần vì giao động bởi các anh em đã hy sinh, còn nằm trên chiến hạm, nên không ai nuốt nổi… Con tàu cứ bập bềnh hụp lặn theo ngọn sóng, vậy mà tôi cứ ngỡ giống như nó đang cố gắng vẫy vùng, để khỏi phải chìm dần vào lòng biển cả…

Trên đường về Đà Nẵng, chúng tôi, 3 chiến hạm còn lại, vẫn giữ liên lạc thường xuyên để hỗ trợ khi cần.

HQ 16 tiếp tục báo cáo là nước đã vô ngập hầm máy chính, một máy phát điện đã bị phá hủy, rồi thì toàn hầm máy, chỗ nào cũng bị điện giật; nhưng các anh em đã rời khỏi hầm an toàn, báo cáo tàu sắp chìm… Tất cả những khẩu lệnh đó, tôi được nghe qua máy bộ đàm, phát ra từ vô tuyến trên đài chỉ huy. Đại tá Ngạc tiếp tục cô lập các phòng đã ngập nước, và cứ cố gắng vận chuyển về Đà Nẵng.

Đêm đó, không ai ngủ được. Chúng tôi, ai không đi quart thì vẫn tụ họp tại phòng ăn Đoàn viên, bên cạnh những ly café với mấy cái xác người nằm bất động trên những chiếc băng ca, được phủ kín bằng mấy tấm ra trắng. Trên gương mặt của các bạn tôi đang đăm chiêu thả từng vòng tròn khói thuốc. Cũng như tôi, chắc họ đang chú tâm cho một lời nguyện cầu, để cho hương hồn các anh được nương theo con tàu và trở về miền đất mẹ. Một chút gì cay cay nơi khóe mắt, khóc cho các bạn… Tôi không chịu nổi nỗi đau này nữa rồi!…

Anh Hảo, anh Hải, anh Đồng… Các anh đã anh dũng hy sinh, hy sinh cho sự độc lập và bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Các anh ra đi tại nhiệm sở và đi quá nhanh, không có một lời nào cho người ở lại. Tôi nghĩ đến thượng sĩ Hảo, tôi nghĩ đến thiếu úy Đồng. Một anh trung niên, một anh còn trẻ, và cả 2 còn độc thân. Riêng anh Đồng thì để lại phía sau 1 tương lại tràn đầy ước mơ, tràn đầy tham vọng, vì tôi biết rằng, từ khi anh tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia, rồi chuyển qua Hải quân không ngoài mục đích là tìm lấy “chữ Thọ”, và quyết chọn gắn bó dài lâu với binh nghiệp… Vậy mà xuống chiến hạm mới được 1 năm, chỉ mới tham dự 1 trận hải chiến khốc liệt, đã vĩnh viễn ra đi, vĩnh viễn mang lon cố Trung úy Nguyễn Minh Đồng.

Rồi còn anh Hảo nữa, để lại lời cầu hôn với người tình nữ sinh còn quá trẻ… cũng như tôi. Diệp ơi! Anh sẽ về, anh sẽ về, để dìu em đi phố xuân này. Anh sẽ về, để nhìn em mặc chiếc áo xanh màu thủy. Còn nữa…Diệp ơi! Con tàu của anh sẽ quay về, chứ không thể nào bị chìm sâu. Anh không muốn nhìn thấy những gợn sóng trong đáy mắt em còn lăn tăn trong đó nữa. Mai này, chúng ta sẽ gặp lại…

Tin tức từ trong đất liền thì mấy ngày nay được dành cho trận hải chiến. Họ luôn ca tụng bằng những mỹ từ: kiêu hùng, oai dũng…, và sáng mai, các chiến hạm của chúng ta sẽ trở về cập cảng Tiên Sa.

Để chuẩn bị đón tiếp các chiến hạm đã thắng trận và anh dũng trở về, trong đất liền đang tổ chức một buổi lễ thật quy mô và long trọng.

Và rồi, buổi sáng lịch sử đó cũng đã đến. Khi con tàu còn ở ngoài xa xa, Hạm trưởng đã ra lệnh cho chúng tôi thay quần áo, giày mũ nghiêm chỉnh để cho cuộc tiếp đón thêm phần long trọng. Vệ sinh trên tất cả các phòng… Thả ống nhòm nhìn vào đất mẹ, tôi thấy cả một rừng người với áo quần đủ màu sắc, với những rừng cờ và những biểu ngữ được căng ra và giương cao.

Thành phố Đà Nẵng còn huy động cả quân, dân, cán, chính và cả các đoàn sinh viên, học sinh cũng được ra cảng chào đón những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, những chiến sĩ đã ngoan cường chiến đấu cho sự bảo toàn lãnh thổ. HQ 5 được vào cập bến đầu tiên. Trong những cái vẫy tay, trong những tiếng hô vang, trong những câu biểu ngữ, tôi chú ý tới tấm băng rôn đỏ viết chữ trắng: “Thày trò Đoàn khối nữ sinh trường trung học công lập SAO MAI hân hoan chào đón các anh từ Hoàng Sa về”.

ĐÀO VĂN THỌ
(Còn tiếp)