VRNs (12.07.2011) – Hà Nội - Sau khi kết thúc khóa học Kỹ Năng Truyền Thông Công Giáo – do Viện Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức, các học viên chúng tôi có một buổi thực tập viết phóng sự. Nhóm chúng tôi gồm bốn thành viên, sau khi nhận được đề tài thực tập là “Viết một phóng sự về trẻ em lang thang đường phố”. Đúng 8h ngày 16/6 nhóm chúng tôi lên đường để thực hiện phóng sự trên.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” đó là câu châm ngôn mà chúng ta vẫn thường nghe thấy ở nhiều trung tâm giáo dục trẻ em. Trẻ em có quyền được có cha mẹ, được nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc và được đến trường. Tuy nhiên, trong thực tế không phải trẻ em nào cũng được như thế, cuộc đời của nhiều em là dấu hỏi lớn cho chúng ta.
15 tuổi bán báo kiếm tiền mua sách cho em
Hè đến, sau khi kết thúc một năm học, nhiều trẻ em được nghỉ ngơi, được sinh hoạt hè, đi thăm quan du lịch, vui chơi giải trí…Ngược lại với những bạn trẻ may mắn đó là hình ảnh các em nhỏ phải lang thang mưu sinh giữa cái nắng oi ả nơi phố phường. Những em bé này mong lắm có một ngày được vào một khu vui chơi cho thiếu nhi, mong ước giản dị vậy thôi sao với các em lại xa vời thế?
Trước mắt chúng tôi là em Nguyễn Quang Huy. Em bán báo quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Sau khi mua báo cho em, tôi hỏi đôi điều về hoàn cảnh của Huy. Được biết em sinh ra ở một làng quê của tỉnh Thanh Hóa. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em “rời bỏ” miền quê bình yên đó để lên thành phố kiếm tiền. Mười lăm tuổi, em học hết lớp 8, cũng như bao bạn trẻ khác em mong muốn mình được đến trường như các bạn cùng trang lứa, nhưng em đành từ bỏ ước mơ đó để lên thành phố mưu sinh với nghề bán báo dạo. Em ngây thơ, trong sang, thật thà. Em tâm sự với chúng tôi: “Gia đình em có bố mẹ và ba anh chị em trong đó em là con cả trong gia đình. Sống ở thôn quê nghèo, không có việc gì làm ngoài vài sào ruộng nên em đã lên Hà Nội để bán báo. Một ngày thời tiết khô ráo em bán được khoảng 20 tờ báo, mỗi tờ báo em chỉ được lãi 1.500 đồng. Ngày mưa gió thì báo ế ẩm hơn”. Như em nói, may mắn một ngày em kiếm được 20 đến 30 ngàn đồng. Ngoài chi phí tiền nhà trọ, ăn uống em tích cóp được khoảng 15 ngàn đồng cho một ngày làm việc. Số tiền trên em dành để gửi về nhà mua sách vở, quần áo cho các em chuẩn bị cho năm học mới.
Liệu em có còn được như ngày nào?
Tuổi còn quá nhỏ, Huy phải rời xa gia đình thân yêu của mình, ra ngoài đời với bao khổ cực vất vả, nghe những lời tâm sự của em lòng chúng tôi như lắng lại. Ai cũng muốn làm một điều gì đó cho em nhưng dường như chỉ như một lời bỏ ngỏ…Bởi ở nơi thành thị này không chỉ có một mình Huy mà còn rất nhiều mảnh đời như Huy, thậm chí còn khổ hơn.Và đúng như suy nghĩ của chúng tôi, một người trong nhóm chúng tôi đã hỏi thêm Huy: “Em ở với ai, họ có bán báo như em không?” Huy trả lời: “Dạ! nhiều lắm anh ạ.” Huy tiếp tục thủ thỉ với chúng tôi: “Em không biết mấy anh ở cùng quê với em mỗi ngày họ làm việc gì mà nhiều tiền lắm anh ạ.” Sau khi gặng hỏi thêm Huy cho biết, mỗi sáng vào một giờ cố định, sẽ có người “nhờ” các anh ấy xách “túi đen, túi đỏ” rồi cho nhiều tiền lắm. Mỗi lần như vậy các anh ấy kiếm được vài trăm nghìn bằng em bán báo cả tháng. Kể đến đây tự nhiên Huy im bặt, dường như sợ chúng tôi hỏi em nhiều hơn nữa. Có lẽ, điều Huy vừa thủ thỉ với chúng tôi khiến nhiều người đặt câu hỏi về những người trẻ được thuê xách túi kia. Ai biết được trong những chiếc túi ấy là cái gì?
Thực tế, có rất nhiều ông bà chủ đang lợi dụng sức lao động của những người không có việc làm từ những miền quê lên thành phố, đặc biệt là những trẻ em. Hiện trạng đó đang diễn ra ngày một nhiều, cụ thể là ở những nhà hàng ăn uống hay những quán bia, quán nhậu… Không chỉ dừng lại ở đó, các em còn bị những người không tốt lợi dụng để đạt mục đích riêng mà không quan tâm đến những hậu quả sau này các em phải gánh chịu.
Bé Huy rất đáng yêu và đáng trân trọng. Em làm việc một cách chăm chỉ, em mang trong mình bao ước mơ hoài bão để có một tương lai tươi sáng và tốt đẹp cho ngày mai. Nhưng với sự nhiễu loạn nơi thị thành liệu em có còn trong sáng như ngày đầu mới ra Hà Nội chỉ biết bán báo dạo hay em lại bị chính những anh chị “đưa lối” vào nghề? Câu hỏi ấy cũng là trăn trở của anh em chúng tôi sau khi được trò chuyện với Huy. Nhìn chúng tôi với ánh mắt cảm ơn chỉ vì mua một tờ báo, Huy chào chúng tôi rồi tiếp tục lang thang trên con phố, mời người ta mua báo. Bóng Huy khuất dần nơi phố phường ồn ào, náo nhiệt xa dần theo bước chân nhỏ bé ấy. Bước chân của Huy sẽ đi về đâu, sẽ đến được những nơi nào, và bước chân ấy sẽ đưa em đến cuộc đời bình yên hay một cuộc đời không như mong đợi?
Giuse Nguyễn Văn Chung – Phêrô Đinh Văn Hùng – Bênado Phạm Thanh Bình – Maria Trương Thị Phi Nhung