VRNs (02.07.2011) – Sài Gòn – Sống theo ý Thiên Chúa sẽ hạnh phúc, vì ngay từ đầu, vì ý của Người mà tôi và các bạn có mặt, được sinh ra. Nhưng làm sao để biết đâu là ý Thiên Chúa, đâu là ý riêng của mình và đâu là ý của thế gian?
Chương 1 theo tin mừng Luca có thể giúp chúng ta phần nào nhận ra được điều này, và nhất là kinh nghiệm theo Chúa của Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta phân định ơn gọi của mình rõ ràng hơn.
Đức Mẹ có ý riêng hay không?
Xin trả lời ngay là có!
Thánh Luca cho chúng ta biết trước khi được «Truyền tin», Đức Mẹ đã thành hôn (theo bản dịch của Nhóm phiên dịch Phụng vụ các giờ kinh) hay đã đính hôn (theo bản dịch của cha Yuse Nguyễn Thế Thuấn, CSsR): «Bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai thiên sứ Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Yuse, thuộc gia tộc vua Đavit. Trinh nữ ấy tên là Maria» (Lc 1, 26-27).
Chúng ta không thể vì quá yêu mến Đức Mẹ mà cho rằng việc kết hôn/đính hôn ấy là Đức Mẹ đã bị ép gả (!) Tuy thời xa xưa ấy chuyện cưới xin là chuyện của bố mẹ chứ không phải chuyện của con cái như thời nay, thì hầu như mọi người con cũng đều thuận theo ý cha mẹ như là ý mình. Hoặc ít nhất ở đây chúng ta biết, ý Đức Mẹ là không phản đối ý định của các đấng sinh thành.
Trong tiệc cưới Cana, tác giả tin mừng theo thánh Yoan viết: «Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu [Mẹ Maria] Đức Yêsu nói với Người: ‘Họ hết rượu rồi’. Đức Yêsu đáp: ‘Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ con chưa đến’» (Yn 2, 3-4). Việc Đức Mẹ quan tâm đến đôi tân hôn và nhà đám, và lo lắng cho chuyện không vui sắp xảy ra với họ là «hết rượu» là một việc làm «thương người như thể thương thân» của mạc khải Thiên Chúa dành cho cộng đồng Do Thái, và như thế là đẹp lòng Thiên Chúa. Nhưng qua câu trả lời của Chúa Yêsu «Giờ con chưa đến» cho chúng ta thấy, việc cầu cứu này là ý riêng của Đức Mẹ.
Nhiều người trong chúng ta ưu phiền vì không biết phải làm cách nào để có thể loại bỏ được ý riêng mãi mãi, vì cái ý riêng đã quá nhiều lần làm khổ đời mình. Qua hai chi tiết được liệt kê ở trên, chúng ta biết ý riêng có lúc được đặt ra với chúng ta một cách mãnh liệt, buộc phải bỏ ngay, tức khắc, vì nếu không, công trình cứu độ của Thiên Chúa cho mình và cho nhân loại này có thể bị trì hoãn, nhưng cũng có lúc, ý riêng của con người được Chúa thanh luyện từ từ, để rồi đến lúc nào đó, ý Thiên Chúa chính là ý của mình, còn mình thì hạnh phúc vì được ý Thiên Chúa vừa hướng dẫn vừa là sức mạnh sống và hành động.
Đức Mẹ nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa như thế nào?
Tin mừng Luca cho chúng ta biết Đức Mẹ nhận ra ý Thiên Chúa nhờ biết lắng nghe và đối thoại với Thiên Chúa. Còn để thánh ý Thiên Chúa trở thành sự sống, niềm vui vượt qua mọi khổ đau lại là một tiến trình dài băng qua những khốn khó của thân phận con người.
Sứ thần Gabriel nói với Đức Maria: «Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì?» (Lc 1, 28-29). Sứ thần là một người đại diện cho một vị vua ở một nơi mà vị vua muốn người đại diện của mình đến loan báo, làm việc gì đó. Ở đây sứ thần Gabriel đại diện cho Thiên Chúa, được sai đến với Đức Mẹ để «Truyền tin». Như vậy lời của sứ thần Gabriel ở đây là chính Lời của Thiên Chúa. Một lời Chúa phán tạo thành muôn tinh tú. Tức lời chân thật, lời hiện hữu.
Thánh Phaolô khi nhìn về lịch sử cứu độ đã nói: «Mọi người đã phạm tội và bị mất vinh quang Thiên Chúa» (Rm 3, 23). Thế thì tại sao Thiên Chúa lại chào Đức Mẹ với tước hiệu «Đấng đầy ân sủng»? Đầy ân sủng cũng là đầy vinh quang. Đây có thể là lý do Đức Mẹ «bối rối», chứ không chỉ do nhìn thấy sự chói sáng vinh quang của sứ thần, nên Đức Mẹ bối rối.
Lời Thiên Chúa không chỉ là lời chân thật ở ý nghĩa, mà còn là lời hiện hữu. Thiên Chúa phán là thành, nên lời của sứ thần Gabriel là lời xác nhận tình trạng hiện tại vinh quang của Đức Mẹ. Ở đây chúng ta thấy, Thiên Chúa có cái nhìn riêng biệt về Đức Mẹ, tức là có ý định riêng cho trinh nữ Maria, bất chấp yếu tố chung tội lỗi của con người.
Điều thú vị có thể giúp nhiều người trong chúng ta trả lời cho câu hỏi liệu Thiên Chúa có biết ý của mình không ở chỗ này. Kinh Thánh nói Đức Mẹ «rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì?» Đây là điều hoàn toàn xảy ra trong tâm tưởng của Đức Mẹ, nhưng Thiên Chúa đã nghe, đã biết và sứ thần đã giải đáp: «Thưa bà Mria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa» (Lc 1, 30). Như vậy, những lời nguyện thầm kín, thậm chí là cả những khắc khoải của đời mình Thiên Chúa cũng đã biết và Người đang trả lời cho chúng ta, nhưng chúng ta có biết cách nhận ra không?
Nhờ trình thuật Truyền tin của thánh Luca, chúng ta thấy Đức Mẹ có khả năng lắng nghe cách tuyệt vời. Nghe kiểu Đức Mẹ ở đây không chỉ dừng lại ở mức lắng nghe thấu cảm như các chuyên gia tâm lý mong muốn, mà tiến xa đến mức người nói có khả năng tự nhận ra ý của người đang lắng nghe mình. Sự lắng nghe của Đức Mẹ, theo thánh Luca mô tả, có sức chuyển hóa tâm tư, tình cảm và chọn lựa dấn thân của Đức Mẹ. Từ «bối rối» đến «bình tĩnh thắc mắc» và đến «ưng thuận».
Khi tiếp tục nghe sứ điệp của Thiên Chúa qua sứ thần thì Đức Mẹ biết ý định Thiên Chúa trên đời Mẹ không chỉ là «Đấng đầy ơn phúc», mà còn là Mẹ «Con Đấng Tối Cao» (Lc 1, 32). Với sức người phàm, Đức Mẹ thốt lên: «Việc ấy xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?» (Lc 1, 34). Một người sắp về nhà chồng mà nói «tôi không biết đến việc vợ chồng», thì chỉ là xác nhận việc trinh trắng, nguyên tuyền của mình mà thôi, mặc dù cách xác nhận đó hơi lạ. Vượt trên bận tâm của chúng ta, sứ thần đáp: «Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa» (Lc 1, 35). Đây là một điều quan trọng có thể xem như là nền tảng cho việc đáp lại «thưa vâng» của Đức Mẹ.
Chính Chúa Thánh Thần làm và hoàn tất kế hoạch lớn lao của Thiên Chúa trên cuộc đời của Đức Mẹ chứ không chỉ là Mẹ. Phần của Đức Mẹ ở đây là «Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời thiên sứ nói» (Lc 1, 38). Có nghĩa là Đức Mẹ bằng lòng với kế hoạch của Thiên Chúa, vui lòng đón nhận kế hoạch đó và xin Thiên Chúa thực hiện kế hoạch đó cho mình. Điều cần chú ý ở đây là Đức Mẹ không xin cho mình có đủ ơn để rồi tự mình làm việc của Chúa, mà xin Chúa thực hiện, hoàn tất kế hoạch của Chúa trên đời sống của mình. Chúa chính, con phụ!
Như vậy, có một hành trình để cô thôn nữ Maria trở thành Đức Mẹ.
Cô Maria con ông Yoakim và bà Anna, đang chuẩn bị về nhà Yuse, sống đời vợ chồng với Yuse như bao nhiêu người khác. Thiên Chúa đến mạc khải cho cô Maria biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trên cuộc đời của Maria và qua đó cho cả nhân loại cùng vũ hoàn này. Maria vượt qua bối rối nhờ biết đó là ý định của Thiên Chúa, Maria trong bình an phó thác để thưa lời Fiat nhờ nghiệm được chính Thiên Chúa sẽ thực hiện kế hoạch của Người trên cuộc đời của Maria trong Thánh Thần. Đức Mẹ còn được củng cố ơn gọi của mình thông qua một bằng chứng cụ thể là người chị họ Elisabeth đã già rồi lại hiếm muộn, mà nay nhờ Chúa lại đang mang thai (x. Lc 1, 36-37).
Tạm kết
Chúng ta cảm thấy được nâng đỡ rất nhiều khi biết Đức Mẹ đã từng có ý riêng, đã từng muốn làm theo ý mình. Chính vì thế Đức Mẹ sẽ là mẫu gương tuyệt diệu cho chúng ta trong việc dám từ bỏ ý riêng để chọn ý Thiên Chúa như là điều mình ước ao «xin Người thực hiện cho tôi». Và hơn hết, kinh nghiệm của Đức Mẹ là kinh nghiệm được Chúa Thánh Thần ngự xuống tràn đầy, được Thiên Chúa thi hành sứ mạng cứu độ của Người trong cuộc đời mình.
Thiên Chúa luôn luôn có kế hoạch riêng cho mỗi người trong kế đồ cứu độ chung, Người muốn chúng ta sẵn sàng với Người. Còn Người cũng luôn luôn sẵn sàng với chúng ta trong thời khắc đã định để một khi chúng ta hạnh phúc thì nhân loại cũng được cứu độ nhờ niềm vui lớn mà mình vừa đón nhận.
Lm. AN THANH, CSsR