VRNs (09.07.2011) – Is 55,10-11; Rm 8,18-23; Mt 13,1-23
Dụ ngôn người gieo giống trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 13,1-23) còn được gọi là dụ ngôn về bốn loại thửa đất.
“Hôm ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe” (cc.1-9).
Khi chỉ còn riêng Đức Giêsu với các môn đệ, “các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu” (c.10a). Câu hỏi của họ được trình bày rất rõ ràng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ [= dân chúng]?” (c.10b). Các ông không hiểu nguyên do của việc Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà giảng dạy dân chúng. Nói cách khác, theo quan điểm của các môn đệ, mọi người đều có thể trực tiếp đón nhận sứ điệp của Đức Giêsu.
Đáp lại, Đức Giêsu trả lời: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không” (c.11). Lý do của sự khác biệt, như vậy, là vì các môn đệ được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn dân chúng thì không. Kiểu nói “mầu nhiệm/bí mật Nước Trời” được Cựu Ước sử dụng từ sách Đaniel để chỉ thực tại Mêsia – cánh chung, là thực tại mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể mạc khải ra cho con người được biết (Đn 2,27-30.47), tức là thực tại vương quốc vĩnh cửu (Đn 2,44). Sự hiểu biết và trải nghiệm thực tại mầu nhiệm đó sẽ không giống nhau giữa hai nhóm người. Những môn đệ của Chúa là những kẻ đã tin vào Chúa, đi theo Chúa, gắn bó đời mình với Chúa; do vậy, họ có được chìa khoá để hiểu lời giảng dạy và những hành động của Ngài. Thế mà chính trong những giáo huấn và hành động đó của Chúa Giêsu, những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa được khai mở và diễn tả ra. Vậy sự khác biệt giữa các môn đệ với đám đông dân chúng ở đây không phải là kết quả của sự phân biệt đối xử của Chúa Giêsu, mà xuất phát từ sự khác biệt của họ trong tương quan với Ngài.
Một trong những điểm rất đáng chú ý: mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu rao giảng thì khác hẳn những gì dân chúng đang mong chờ về Nước Thiên Chúa. Đó không phải là một vương quốc dành riêng cho người Do Thái, mà là thực tại cứu độ dành cho mọi dân. Đó không phải là vương quốc Mêsia theo nghĩa chính trị, đem lại sự đắc thắng và vinh quang cho dân Do Thái. Đó không phải là thực tại thống trị đời sống con người dựa trên Lề Luật (x. 12,1-11). Đám đông vẫn sống theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan của người Do Thái, theo những truyền thống được các kinh sư lưu truyền và giảng dạy. Mặc dù họ được nhìn thấy Đức Giêsu nhãn tiền, được nghe Ngài giảng dạy trực tiếp, được chứng kiến tận mắt những hoạt động của Ngài, và thậm chí còn trầm trồ ngạc nhiên trước những điều đó, nhưng họ chưa tin vào Ngài, chưa gắn kết đời mình với Ngài. Vì thế, họ không hiểu những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Họ còn cần phải được vượt quá não trạng và lý tưởng Do Thái giáo đương thời. Nhưng đó lại là điều họ không thể thực hiện. Họ đang còn bị giam hãm trong não trạng và lý tưởng Do Thái giáo đó.
Đối diện với sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu, “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất” (c.12). Người nào ứng đáp với mầu nhiệm Nước Thiên Chúa thì sẽ nhận được sự hiểu biết và thẩm thấu ngày càng sâu xa hơn về mầu nhiệm ấy, nhờ đó, họ sẽ càng ngày càng hành động giống Chúa Giêsu hơn. Người nào không ứng đáp với mầu nhiệm Nước Thiên Chúa thì sẽ vẫn còn là những kẻ ở ngoài. Cho dù họ đã được nghe chính Chúa Giêsu giảng dạy và được chứng kiến trực tiếp những hành động quyền năng của Ngài, họ cũng sẽ vẫn bị tước mất ngay cả những điều mà họ đã nhận được đó.
“ Bởi thế – Chúa Giêsu nói tiếp – nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (cc.13-15).
Chúa Giêsu cho thấy lý do khiến Ngài phải dùng dụ ngôn mà giảng dạy cho dân chúng. Sự kiện Ngài phải làm như thế ứng với một thực tế: đám đông dân chúng không hiểu. Chúa Giêsu không ép họ. Trong thực tế, cho đến bây giờ, Ngài luôn hành động một cách minh bạch, không che giấu bất cứ điều gì. Nhưng dân chúng vẫn chẳng hiểu gì cả. Vì vậy, Ngài không trình bày sứ điệp của Ngài cho họ với tất cả sự cao rộng và triệt để của sứ điệp ấy, bởi lẽ họ không có khả năng hiểu được. Ngài dùng dụ ngôn bởi vì, như lời ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm, dân chúng đóng cửa tâm hồn trước sứ điệp của Ngài.
Tương tự đám đông dân chúng, các môn đệ cũng chứng kiến những gì Chúa Giêsu làm và nghe được những gì Ngài giảng dạy. Họ cần phải ý thức về sự cao cả của sự kiện họ được thấy và được nghe đó. Chính Chúa Giêsu quả quyết: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (cc.16-17).
Cần ghi nhận: mặc dù công nhận rằng các môn đệ được thấy và được nghe Chúa Giêsu, nhưng cc.16-17 đã không khẳng định rằng các ông hiểu và thẩm thấu được sứ điệp của Ngài. Vì thế, ngay cả đối với các ông, nhiều lần Chúa Giêsu phải dùng dụ ngôn. Điều kiện để Chúa Giêsu giảng dạy một cách tường minh chứ không phải bằng cách dùng dụ ngôn, là người nghe phải tin vào Ngài, phải có sự gắn bó với Ngài, phải dấn thân đi vào chương trình của Ngài. Khi Chúa phải dùng dụ ngôn mà dạy các ông (13,18-23.49-50), thì điều đó có nghĩa là các ông không hiểu sứ điệp của Ngài; nhưng sau đó, việc Ngài giải nghĩa các dụ ngôn đó cho các ông (13,36-43) lại chính là dấu hiệu cho thấy các ông có khả năng đón nhận được sứ điệp đó. Tất nhiên cũng có những trường hợp Ngài không giải nghĩa dụ ngôn cho các môn đệ (13,31.33.44.45). Điều đó chứng tỏ nơi họ vẫn còn có những chướng ngại vật ngăn cản họ đón nhận sứ điệp của Ngài. Và những chướng ngại vật đó thường xuất phát từ một số khía cạnh nào đó của lý tưởng Do Thái giáo.
Trong trường hợp của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giải nghĩa cho các môn đệ hiểu về dụ ngôn người gieo giống mà Ngài vừa nói cho đám đông. Chúa không trách cứ các môn đệ như trong Mc 4,13. Ngài bắt đầu ngay việc giải nghĩa với một cung giọng ôn tồn: “Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (cc.18-23).
Hạt giống mà người gieo giống đem gieo là “lời rao giảng Nước Trời” (c.18), là “mầu nhiệm Nước Trời” (c.11). Hạt giống ấy được gieo trên bốn loại thửa đất khác nhau. Trong cả bốn trường hợp, tác giả Mt đều đặt ở số ít: “kẻ đã được gieo bên vệ đường”, “kẻ được gieo trên đất tốt”… (trong khi Mc đặt ở số nhiều: “những kẻ gieo bên vệ đường”, “những người được gieo trên đất tốt”…). Đó là những loại người khác nhau với những thái độ khác nhau khi đối diện với mầu nhiệm Nước Trời. Nhưng đó cũng có thể là những thái độ khác nhau của một người, trong những hoàn cảnh khác nhau, những giai đoạn khác nhau hay những phương diện khác nhau của cuộc sống, khi người đó đối diện với lời rao giảng Nước Trời.
Trước hết là trường hợp nghe mà không hiểu: “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường” (c.19). Không chỉ nghe, mà còn phải hiểu nữa. Nếu người đón nhận lời rao giảng không hiểu, tức là không lấy sứ điệp Tin Mừng Nước Trời làm chuẩn mực cho cách sống của mình, thì quỷ dữ sẽ làm cho lời rao giảng ấy bị mất đi.
Quỷ dữ ở đây, trước hết, có thể hiểu là tên cám dỗ (x. 6,13). Những cám dỗ tương tự những cám dỗ mà Chúa Giêsu đã phải đối diện trong hoang địa, đặc biệt là cám dỗ vinh quang và quyền lực, có thể làm cho sứ điệp Tin Mừng bị giựt khỏi tâm hồn người ta, khiến cho mầu nhiệm Nước Trời không lưu lại dấu vết gì nơi đó. Đàng khác, “kẻ ác” ở đây cũng có thể hiểu là những người Pharisêu (12,34), các kinh sư và mấy người Pharisêu đòi Chúa Giêsu làm dấu lạ (12,39). Thiết chế Do Thái giáo cùng với ý thức hệ của thiết chế ấy về Đấng Mêsia quyền lực, đã bị Đức Giêsu gọi là là “thế hệ gian ác” (12,45). Thiết chế và ý thực hệ đó làm cho hạt giống là lời rao giảng Nước Trời bị đẩy khỏi tâm hồn và con tim người ta, khiến cho hạt giống ấy bị tước mất đi trước khi kịp tác động trong tâm hồn con người. Cách nói “bên vệ đường” sẽ xuất hiện trong 20,30, nói về hai người mù kêu cầu với Chúa Giêsu trong tư cách Ngài là “Con vua Đavít”, tức là trong tư cách Mêsia theo cách hiểu Do Thái giáo.
Thái độ thứ hai trước lời rao giảng Nước Trời là thái độ nông nổi nhất thời. Chúa nói: “Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay” (cc.20-21). Anh ta đón nhận Lời, nhưng không trung thành với chọn lựa đó của mình. Anh xây nhà trên cát: “Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (7,26-27). Những môn đệ thân tín của Chúa Giêsu cũng có thể bị vướng vào thái độ sống đó (x.26,31).
Thái độ thứ ba là thái độ quá lo lắng và bận tâm đến những thực tại không phải của Tin Mừng: “Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì” (c.22). Trong 6,25-34 Chúa Giêsu đã giải thích rõ ràng về loại thái độ này. Đây cũng là một dạng thức của sự không trung thành với chọn lựa ban đầu.
Cuối cùng là trường hợp mảnh đất tốt: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (c.23). Đây là kẻ xây nhà trên đá (7,24-25: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá”).
Chúa Giêsu đem mầu nhiệm Nước Trời đến cho trần gian, nhưng sự thành công của Nước Trời còn tuỳ thuộc vào chính con người. Nước Trời không được thiết lập nếu không có sự cộng tác nhân loại. Nước Trời không được áp đặt từ trên cao. Mầu nhiệm Nước Trời cần phải được con người đón nhận và sẽ sinh hoa kết quả tương ứng trong đời sống con người. Và không phải mọi người đều đón nhận mầu nhiệm ấy như nhau. Và ngay nơi một người, sự đón nhận mầu nhiệm ấy cũng không phải là một thực tại đơn giản: những loại đất khác nhau trong dụ ngôn không phải chỉ là những hạng người khác nhau, mà còn là những loại thái độ và lập trường khác nhau của cùng một con người trước mầu nhiệm Nước Trời.
Mầu nhiệm Nước Trời không sinh hoa trái như nhau nơi mọi người hay nơi mọi cảnh huống cuộc sống. Mảnh đất đón hạt giống Lời phải được tự do, trước hết, khỏi những dự định và tham vọng quyền lực (c.19) mà các ý thức hệ, các trào lưu tư tưởng và các hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá và tôn giáo gây nên cho người ta. Thứ hai, cần phải có thái độ dứt khoát và kiên định, bất chấp những khó khăn xảy đến sau này (cc.20-12). Thứ ba, cần phải thoát khỏi sự kềm toả của những lo lắng và bận tâm về các giá trị bên ngoài Tin Mừng (c.22). Như thế, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy có hàng loạt những nguyên nhân khiến cho mầu nhiệm Nước Trời thất bại nơi mỗi cá nhân và trong cộng đồng xã hội.
Nhưng, bất chấp những thất bại đó, người gieo giống sẽ vẫn miệt mài đi gieo hạt giống của mình. Vì vẫn còn đó những mảnh đất tốt. Và sẽ có mùa gặt bội thu: gấp trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi…
LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.