VRNs (16.07.2011) – Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43
Cũng giống trong Chúa Nhật trước, bài Tin Mừng hôm nay (Mt 13,24-43) gồm những dụ ngôn Chúa Giêsu kể liên quan đến mầu nhiệm Nước Trời. Nhưng nếu dụ ngôn về những loại đất khác nhau chỉ gián tiếp nói về mầu nhiệm Nước Trời khi đề cập đến những thái độ của con người trước lời rao giảng về mầu nhiệm ấy, thì các dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ trực tiếp nói về Nước Trời.
“Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất” (cc.24-25). Cỏ dại xuất hiện trong ruộng lúa, thực ra, là một hiện tượng bình thường. Điều đặc biệt ở đây là sự kiện vốn bình thường ấy lại được quy gán cho một kẻ thù, và kẻ thù ấy cũng làm một hành động giống như chủ ruộng: y gieo thêm cỏ lùng vào ruộng lúa, và là gieo một cách lén lút, bí mật, “khi mọi người đang ngủ”.
“Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? ” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó! ” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” (cc.26-28). Rễ cỏ lùng quyện chặt vào rễ lúa, đến nỗi khi nhổ cỏ lùng, người ta sẽ có thể nhổ bật cả gốc lúa. Vì thế, ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt ” (cc.29-30a).
Như thế, trong Nước Thiên Chúa ở trần gian (Hội Thánh), trước khi xảy đến ngày phán xét chung thẩm, sẽ luôn có cả lúa lẫn cỏ lùng hiện diện, tức là có sự tồn tại lẫn lộn người tốt kẻ xấu. Vẫn luôn có đó sự cạnh tranh của những thực tại xấu xa như cỏ lùng cạnh tranh sức sống với những cây lúa. Những thực tại “cỏ lùng” ấy có thể là những trào lưu tư tưởng hay thần học, những phong trào đạo đức sai lạc hay giả hiệu, những đường hướng hành động nguỵ tạo dáng vẻ Tin Mừng…
Cần có sự bao dung kiên nhẫn, như chính Thiên Chúa hằng kiên nhẫn bao dung trong tạo thành của Người, khi Người kính trọng sự tự do của con người: “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (5,45). Trong khi chờ đợi mùa gặt đến, cần phải có lòng kiên nhẫn và phải để cho cả lúa lẫn cỏ mọc lên chung nhau. Kết quả vào mùa gặt (x. 3,8.10; 7,17-19; 12,33; 21,43) sẽ tách biệt lúa và cỏ lùng. “Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (c.30b).
Có một sự song song đáng chú ý giữa 13,30 với lời của ông Gioan Tẩy Giả trong 3,12: việc sử dụng động từ “đốt đi” (katakaiô) và danh từ “kho lẫm” (apôthêkê). Điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu điều chỉnh quan niệm của Do Thái giáo và của ông Gioan Tẩy Giả về một cuộc phán xét trực tiếp và mang tính quyết định. Cuộc phán xét này sẽ không xảy đến trong khi Nước Trời còn đang ở giai đoạn hành trình lịch sử giữa trần gian.
Sau khi kể dụ ngôn cỏ lùng,“Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” (cc.31-32).
Trong Ed 17,23 có lời Thiên Chúa phán: “Ta sẽ trồng chồi cây hương bá trên núi cao của Israel. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành”. Đọc trong tương quan với sấm ngôn này, dụ ngôn hạt cải của Chúa Giêsu trong Mt 13,31-32 cho thấy: Nước Thiên Chúa không phải là một cây đại thụ nắm quyền thống trị trên tất cả cây cối trong một khu rừng đầy những cây lớn, mà chỉ là một thực tại khiêm tốn bắt đầu bằng một mầm mống bé nhỏ như hạt cải, vốn chỉ “là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống”. Để miêu tả sự bé nhỏ của một thứ gì đó, người Do Thái thường dùng hình ảnh hạt cải. sự đối lập giữa một bên là sự bé nhỏ đến vô nghĩa của hạt cải, và bên kia là sự to lớn và vĩ đại của một cây mà chim trời có thể đến làm tổ trên cành, chính là điểm nhấn căn bản của dụ ngôn. Chim trời ở đây là hình ảnh muôn dân thiên hạ sẽ chịu ảnh hưởng và nương náu nơi cây to lớn vốn chỉ được bắt đầu từ một tình trạng hết sức bé nhỏ. Tuy nhiên, khác với chồi non cây hương bá trong Ed 17, vốn được trồng trên núi cao, hạt cải trong dụ ngôn chỉ được gieo trong ruộng. Mặc dù vậy, từ hạt giống bé nhỏ, được gieo trong một mảnh ruộng đơn sơ, sẽ xuất hiện một cây lớn.
Nước Thiên Chúa, như thế, là một thực tại mới mẻ, được bắt đầu với những chiều kích vô cùng khiêm tốn, nhưng kết quả lại cực kỳ vĩ đại.
Như thế, Chúa Giêsu đã không chia sẻ với chủ nghĩa Mêsia Do Thái duy dân tộc quan niệm về Nước Trời. Ngài không chấp nhận niềm hy vọng về một triều đại Mêsia huy hoàng và có quyền lực thống trị. Israel không có vị trí thống trị các dân tộc khác, và Nước Thiên Chúa trong lịch sử sẽ không mang đường nét của một đế quốc hùng cường. Chắc chắn những người Do Thái đương thời sẽ không chấp nhận được một cái nhìn như thế về niềm hy vọng Mêsia và về tầm mức của Vương Quốc Mêsia. Thật ra, ngay cả nhiều người Kitô hữu ngày nay cũng chưa thoát khỏi một cách nhìn sai lạc như thế về Nước Thiên Chúa giữa lịch sử hiện tại. Nhiều người vẫn mơ ước một Giáo Hội có quyền thống trị trên khắp cả các nước thiên hạ như một đế chế…
Sau khi kể dụ ngôn hạt cải, nhấn mạnh đến sự phát triển bề ngoài và mang tính số lượng của Nước Thiên Chúa (hạt cải bé nhỏ sẽ sinh trưởng thành một cây lớn), Chúa Giêsu sẽ kể một dụ ngôn khác, trong đó, ảnh hưởng nội tại và thuộc phương diện chất lượng của Nước Trời giữa thế giới được khắc hoạ và nhấn mạnh: dụ ngôn chút men trong một khối bột lớn: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (c.33).
“Ba thúng” tức là “ba sata”. Mỗi saton chứa được khoảng 14kg bột. Vậy 3 sata tổng cộng khoảng 42kg bột. Đó là một số lượng bột quá lớn để một nắm men nhỏ có thể gây ảnh hưởng và tác động trong đó. Thế mà nắm men nhỏ bé kia đã làm cho cả khối bột lớn như thế dậy men được. Bản văn Tin Mừng muốn nhấn mạnh sự đối lập giữa một bên là sự nhỏ bé của nắm men và bên kia là sự lớn lao của khối bột được dậy men, tương tự như sự đối lập giữa sự nhỏ bé của hạt cải và sự lớn lao của cái cây mà muôn chim có thể đến làm tổ.
Nắm men không hiện diện trong tư thế đối diện với khối bột, mà thấm nhuần vào sâu bên trong khối bột. Dụ ngôn về nắm men bổ túc cho dụ ngôn về hạt cải, vì ở đây, không phải muôn dân tìm đến nương ẩn trong Nước Thiên Chúa, mà là thực tại Nước Thiên Chúa tìm đến với người ta, tác động trên họ và làm họ họ biến đổi về chất, đưa con người đến tình trạng trường thành trong ơn cứu độ. Người đàn bà vùi nám men vào trong khối bột, tức là Nước Thiên Chúa hành động trong lòng và tác động từ bên trong nhân loại, từ nơi sâu kín nhất của thực tại nhân loại. Trong khi dụ ngôn về hạt cải tập trung trước hết vào khía cạnh bên ngoài và có thể nhận thấy được của thực tại Nước Thiên Chúa, thì dụ ngôn về nắm men chú ý đến hoạt động không thể nhìn thấy được của thực tại Nước Trời, hoạt động mà người ta không thể ấn định giới hạn và không thể nhận ra trước khi nó kết thúc.
Như thế, Chúa Giêsu đã dùng các dụ ngôn rất ý nhị để nói về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa cho đám đông dân chúng. Nhân sự kiện này, tác giả Mt đưa ra một ghi nhận về cách giảng dạy của Chúa Giêsu. Ông viết: “Tất cả các điều ấy, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa” (cc.34-35). Thật ra, đây là một sự thích nghi của chính bản thân Chúa Giêsu trước hết, trong một hoàn cảnh cụ thể. Đám đông dân chúng Do Thái chịu ảnh hưởng sâu xa của ý thức hệ và các thiết chế tư tưởng Do Thái giáo đương thời, nên không có khả năng đón nhận một cách dễ dàng và trọn vẹn mạc khải về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, vốn khác với quan niệm của Do Thái giáo về triều đại Mêsia đậm chất dân tộc chủ nghĩa, đặt nền trên sự bá quyền chính trị và tư tưởng…
Và quả thật, các dụ ngôn được kể trong bài Tin Mừng hôm nay mạc khải cho chúng ta một quan niệm về Thiên Chúa và về Nước Thiên Chúa khác rất xa với quan niệm của Cựu Ước. Chúng ta không gặp ở đây một vị Thiên Chúa uy hùng hiển hách, mà là Thiên Chúa khiêm nhường. Trong lịch sử trần gian, công trình của Thiên Chúa sẽ không mang tính cách hoành tráng huy hoàng, mà chỉ bé nhỏ đơn sơ như hạt cải và nắm men. Nước Thiên Chúa không được hoàn thành mà không gặp chướng ngại vật, nhưng sẽ lớn lên ở giữa những chướng ngại và cạnh tranh của các thực tại xấu xa (như cỏ lùng).
Hoá ra tình yêu cứu độ đồng một trật vừa rất mạnh mẽ vừa vô cùng yếu đuối.
Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.