Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Tân Phúc Âm Hóa Để Truyền Bá Đức Tin Kitô Giáo (4)

VRNs (10.07.2011) – Sài Gòn – Chương hai của tài liệu THĐGM XIII đã bàn đến trung tâm điểm của niềm tin và sứ vụ của Giáo hội cũng như của người Kitô hữu: CÔNG BỐ TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ, việc gặp gỡ và kết hợp mật thiết với Đức Kitô: mục đích của truyền bá đức tin, sứ mạng Hội Thánh truyền bá đức tin mình đang sống, Lời Thiên Chúa và việc truyền bá đức tin, khoa sư phạm đức tin, các Giáo Hội địa phương: chủ thể truyền bá đức tin, lý giải: phong cách rao giảng, và các kết quả của việc truyền bá đức tin.
Xin mời quý vị tiếp tục đọc chương ba của đề cương làm việc này.



CHƯƠNG III – KHAI TÂM VÀO KINH NGHIỆM KITÔ GIÁO


“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:19-20).

18. Khai tâm Kitô giáo, tiến trình rao giảng Tin Mừng

Truyền bá Tin Mừng giữa những thay đổi xã hội và văn hóa đang đặt ra những thách thức cho Kitô giáo hôm nay. Trong Hội Thánh, tình hình này đã tạo ra một tiến trình suy nghĩ lại về những đường lối phải theo để dẫn đưa người ta vào đức tin và đến với các bí tích. Các phát biểu được đưa ra trong Công Đồng Vaticanô II (69) và phản ánh những ước mong của nhiều cộng đoàn Kitô thời ấy, nay đã trở thành thực tế trong nhiều Giáo Hội địa phương.

Nhiều điểm được nêu lên trong Công Đồng nay đã trở thành một phần của kinh nghiệm đời sống hằng ngày của chúng ta, bắt đầu với một sự ý thức hầu như phổ quát về mối liên kết nội tại giữa các Bí Tích Khai Tâm Kitô giáo. Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể không còn được coi như là ba bí tích tách rời nhau nữa, nhưng đúng hơn là những giai đoạn của một chặng đường từ lúc sinh ra cho tới tuổi trưởng thành Kitô giáo, trong một chương trình khai tâm đức tin có hệ thống. Bây giờ khai tâm Kitô giáo là một khái niệm và công cụ mục vụ phổ biến và ăn rễ sâu trong các Giáo Hội địa phương.

Trong tiến trình này, các Giáo Hội địa phương có truyền thống khai tâm Kitô giáo lâu năm mắc nợ nhiều đối với các Giáo Hội trẻ hơn. Tất cả các Giáo Hội bây giờ đã bắt đầu lấy các chương trình khai tâm đức tin cho người lớn làm mô hình, chứ không giới hạn vào trẻ em (70).

Tầm quan trọng của bí tích Rửa Tội được nhấn mạnh nhiều hơn qua việc lấy nghi thức huấn giáo dự tòng cổ xưa làm mẫu mực để soạn ra một chương trình mục vụ mà trong bối cảnh văn hóa ngày nay, nó giúp cho việc cử hành bí tích này một cách có ý thức hơn, có sự chuẩn bị nhiều hơn về bề sâu, và giúp cho người tân tòng có khả năng tham gia tích cực hơn vào đời sống Kitô giáo trong tương lai. Nhiều cộng đoàn Kitô đã bắt đầu có những thay đổi quan trọng trong việc cử hành bí tích Rửa Tội bằng cách duyệt lại những cách thức để nhấn mạnh sự tham gia của cha mẹ, trong trường hợp rửa tội trẻ sơ sinh, và cho thấy rõ hơn rằng đây là dịp để loan báo Tin Mừng và truyền bá đức tin một cách công khai. Các Giáo Hội đã cố gắng sắp đặt cơ cấu cho các cuộc cử hành bí tích Rửa Tội để có thể có sự tham dự rộng rãi hơn của cộng đoàn và cho thấy rõ hơn sự nâng đỡ dành cho các cha mẹ trong một nhiệm vụ ngày càng trở nên khó khăn hơn: nhiệm vụ giáo dục Kitô giáo. Học hỏi kinh nghiệm của các Giáo Hội Công Giáo Phương Đông cũng đã giúp đề cao khoa bí nhiệm (mystagogie), nghĩa là coi tiến trình khai tâm không kết thúc với việc cử hành bí tích Rửa Tội, nhưng như là một kinh nghiệm đào luyện liên tục, để nhắc nhở một cách minh nhiên rằng đích đến của tiến trình này là một đức tin Kitô giáo trưởng thành (71)

Cuộc gặp gỡ này (với các Giáo Hội Phương Đông) đã là nguồn cảm hứng cho một suy tư thần học và mục vụ lưu tâm tới những nét đặc trưng của các nghi lễ khác nhau, và giúp cho Hội Thánh tìm ra cách diễn tả mới với sự chia sẻ các yếu tố chuyên biệt trong các việc thực hành khai tâm và giáo dục đức tin này. Một ví dụ điển hình là vấn đề về thứ tự các Bí Tích Khai Tâm. Có các truyền thống khác nhau tồn tại trong Hội Thánh. Sự khác biệt này được thấy rõ trong các tập tục Hội Thánh của Phương Đông và lối thực hành tại Phương Tây liên quan đến việc khai tâm cho người lớn, so với việc khai tâm dành cho trẻ sơ sinh. Sự khác biệt này còn được thấy rõ hơn nữa trong cách thức cử hành và sống Bí Tích Thêm Sức.

Chắc chắn có thể quả quyết rằng diện mạo tương lai của Kitô giáo trong thế giới mình đang sống và khả năng của đức tin Kitô giáo để nói chuyện với nền văn hóa đương đại sẽ lệ thuộc vào cách mà Hội Thánh tại Phương Tây thực hiện tốt đẹp việc duyệt xét lại các lối thực hành bí tích Rửa Tội. Nhưng trong tiến trình xét lại, không phải mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ. Có những sự ngộ nhận, nghĩa là ước muốn cắt nghĩa những sự thay đổi cần thiết như là cơ hội để cắt đứt với quá khứ: từ quan điểm này, người ta muốn coi các cách thực hành mới mẻ như là dịp để đưa ra những phê phán tiêu cực về quá khứ gần đây của Hội Thánh, đồng thời muốn đưa vào những mô hình xã hội hoàn toàn mới lạ để sống và nói về đức tin Kitô giáo hôm nay. Nhiều khi lối suy nghĩ này tất yếu dẫn đến việc từ bỏ việc thực hành rửa tội cho trẻ nhỏ. Ở một thái cực khác, hiện đang có một cản trở khác cho việc xét lại này, đó là tình trạng ù lỳ của một số cộng đoàn Kitô giáo, họ tin rằng chỉ cần trung thành với lối hành động như trong quá khứ cũng đủ để bảo đảm hoạt động của Hội Thánh sẽ tốt đẹp và thành công.

Trong tiến trình duyệt xét này, Hội Thánh đang đối diện với những thách thức quan trọng tại một số nơi và hoàn cảnh, đặt các cộng đoàn Kitô giáo vào tư thế phải thực hiện công việc phân định và chọn một giải pháp mục vụ mới. Chắc chắn một trong những thách thức đối với Hội Thánh hôm nay là tìm ra một vị trí thích hợp cho việc cử hành Bí Tích Thêm Sức. Yêu cầu này cũng đã xuất hiện trong Đại Hội Thường Kỳ lần thứ XI của Thượng Hội Đồng về bí tích Thánh Thể, và đã được Đức Bênêđitô XVI đề cập trong Tông Huấn của ngài sau Thượng Hội Đồng (72).

Trong những năm gần đây, các Hội Đồng Giám Mục đã có những chọn lựa khác nhau về vấn đề này, dựa trên những quan điểm khác nhau (sư phạm, bí tích và giáo hội học).

Một thách thức khác mà Hội Thánh phải đối diện là đưa nội dung và hoạt năng của chiều kích bí nhiệm vào trong tiến trình khai tâm, vì nếu thiếu chiều kích này, chính lộ trình khai tâm sẽ mất đi một yếu tố nòng cốt của tiến trình phát sinh đức tin. Sau cùng, một thách thức nữa là kiên quyết chống lại cám dỗ muốn từ bỏ trong các chương trình giáo dục văn hóa hay tôn giáo nhiệm vụ chính của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng và phát sinh đức tin, đặc biệt đối với các thiếu nhi và thanh niên. Các việc thực hành này khác nhau từ nước này đến nước khác, vì thế không thể có một mẫu giải đáp duy nhất hay đồng loạt. Nhưng mỗi Giáo Hội địa phương đều phải tìm cách đánh giá.

Như có thể cảm nhận được, lãnh vực khai tâm quả thực là một yếu tố cơ bản của nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. “Tân phúc âm hóa” có nhiều điều để nói về vấn đề này: thực vậy, Hội Thánh cần phải mạnh mẽ và kiên quyết theo đuổi việc phân định đang được tiến hành và đồng thời tìm ra nghị lực cần thiết để tạo động lực trở lại cho những cá nhân và những cộng đoàn đang cho thấy dấu hiệu mệt mỏi hay cam chịu. Diện mạo tương lai của các cộng đoàn chúng ta tùy thuộc phần lớn vào những nghị lực được đầu tư vào hoạt động mục vụ này và những sáng kiến cụ thể được đề nghị và thực hiện để đánh giá và phát động công việc này.

19. ‘Loan báo ban đầu’ và các hình thức mới cần có để nói về Thiên Chúa

Thế giới hôm nay nhiều khi đặt ra một thách thức nữa trong công việc đánh giá chương trình khai tâm đức tin, đó là tình trạng con người ngày càng khó có điều kiện để nghe người khác nói về Thiên Chúa và gặp gỡ những nơi và những kinh nghiệm giúp mở lòng họ ra cho đề tài Thiên Chúa. Thời gian gần đây, Hội Thánh đã từng đề cập đến vấn đề này không chỉ bằng việc nêu ra khó khăn nhưng còn cống hiến những giải đáp khác nhau cho thách thức này. Trên thực tế, Đức Phaolô VI đã lưu tâm tới thách thức này và khẩn trương đề nghị Hội Thánh tìm ra những cách thức mới để trình bày đức tin Kitô giáo (73).

Sự kiện này đã làm nảy sinh ý tưởng về ‘loan báo ban đầu’ (74), được hiểu như là một sự phát biểu minh nhiên, hay chính xác hơn, một sự loan báo về nội dung cơ bản của đức tin. Lúc ấy, thành ngữ “loan báo ban đầu” được lấy và sử dụng trong việc tái cấu trúc tiến trình dẫn vào đức tin. Loan báo ban đầu có ý nhắm đến những người không có đức tin, nghĩa là những người dửng dưng với tôn giáo. Nói chung, loan báo ban đầu có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng và kêu gọi hoán cải đối với những người chưa biết Đức Giêsu Kitô. Khác với loan báo Tin Mừng, huấn giáo có mục đích giúp phát triển sự hoán cải ban đầu này và giảng dạy đức tin cho những người đã được hoán cải, nhờ đó tháp nhập họ vào cộng đoàn Kitô. Tuy nhiên, không dễ nhận ra mối tương quan giữa hai hình thức này của thừa tác vụ Lời Chúa, và cũng không dễ thực hiện. Cũng không nhất thiết phải phát biểu rõ ràng mối tương quan này.

Ngược lại, có thể coi mối tương quan này như là một hành động kép được kết hợp trong cùng một hoạt động mục vụ. Trên thực tế, những người đến với huấn giáo thường là những người cần sống đời sống hoán cải đích thực hơn. Vì vậy, các chương trình huấn giáo và khai tâm đức tin có thể được thêm phong phú nhờ nhấn mạnh nhiều hơn vào việc loan báo Tin Mừng, tức là một lời mời gọi hoán cải và duy trì, nuôi dưỡng sự hoán cải này. Như vậy, hoạt động tân phúc âm hóa có thể tạo sinh lực mới cho các chương trình giáo dục đức tin hiện nay qua việc nhấn mạnh tính chất loan báo ban đầu (kerygmatic) (75).

Như vậy, một đáp ứng trực tiếp cho thách thức này đã được thực hiện. Tuy nhiên, vượt lên trên sự đáp ứng trực tiếp này, việc phân định mà chúng ta đang làm đòi hỏi một sự hiểu biết sâu hơn về những lý do tại sao nói về Thiên Chúa lại là điều xa lạ đối với văn hóa của thời đại chúng ta đến thế. Câu hỏi này trước tiên đòi chúng ta phải xét xem nó liên quan thế nào tới chính các cộng đoàn Kitô giáo chúng ta (76).

Các cộng đoàn này cần phải tìm ra những hình thức và phương tiện để nói về Thiên Chúa, để trang bị cho mình những công cụ đáp ứng những lo âu và kỳ vọng của con người thời nay, bằng cách chỉ cho họ thấy sự mới mẻ của Đức Kitô chính là món quà mà tất cả chúng ta mong đợi và là sự thành đạt niềm khát vọng vô biên của con người trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa và khao khát chân lý. Vì vậy tình trạng quên nói về Thiên Chúa sẽ trở nên một cơ hội cho việc loan báo Tin Mừng. Đời sống hằng ngày sẽ giúp chúng ta biết có thể tìm thấy những “sân của Dân Ngoại” (77), những nơi mà lời nói của chúng ta không chỉ được nghe thấy dễ dàng, mà còn có ý nghĩa và là một phương thuốc chữa lành những bệnh tật của nhân loại. Nhiệm vụ “tân phúc âm hóa” là dẫn đưa cả những người đang sống đức tin Kitô giáo lẫn những người có những thắc mắc về Thiên Chúa và đang đi tìm Người, để lương tâm họ nhận ra được tiếng gọi của Người. Tân phúc âm hóa là lời mời gọi các cộng đoàn Kitô tin tưởng nhiều hơn vào Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn họ trong dòng lịch sử. Bằng cách này, họ có thể lướt thắng cám dỗ của sự sợ hãi và thấy rõ hơn những nơi và những hoạt động mà câu hỏi về Thiên Chúa có thể được nêu lên giữa cuộc sống con người thời nay.

20. Khai tâm đức tin, giáo dục sự thật

Một hậu quả của nhu cầu nói về Thiên Chúa là khả năng và nhu cầu nói về con người. Đây cũng là một đòi hỏi của tân phúc âm hóa và trực tiếp liên quan tới nó, vì có một mối liên kết chặt chẽ giữa khai tâm đức tin và giáo dục, như lời dạy của Công Đồng Vaticanô II (78).

Mới đây, Đức Bênêđitô XVI đã xác nhận lại niềm tin này: “Ngày nay có một số người hoài nghi về sự tham gia của Hội Thánh trong hoạt động giáo dục, và họ cho rằng tốt hơn Hội Thánh nên dồn sức lực của mình vào những lãnh vực khác. […] Sứ mạng hàng đầu của Hội Thánh là rao giảng Tin Mừng, trong đó các tổ chức giáo dục đóng một vai trò tối quan trọng.

Sứ mạng này phù hợp với khát vọng cơ bản của một dân tộc là phát triển một xã hội thực sự xứng với phẩm giá con người. Tuy nhiên đôi khi người ta vẫn đặt dấu hỏi về sự đóng góp của Hội Thánh cho diễn đàn công cộng. Vì thế, cần phải nhắc lại rằng các sự thật của đức tin và của lý trí không bao giờ mâu thuẫn nhau” (79).

Nhờ chân lý mặc khải, Hội Thánh thanh tẩy lý trí con người và giúp họ nhận ra sự thật tối hậu như là nền tảng của luân lý và đạo đức con người. Do bản chất của mình, Hội Thánh nâng đỡ những phạm trù đạo đức cơ bản, đồng thời duy trì niềm hi vọng sống động nơi nhân loại.

Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI liệt kê những lý do tại sao việc rao giảng Tin Mừng và khai tâm đức tin tất yếu phải bao gồm hoạt động giáo dục, một công việc mà Hội Thánh đảm nhận để phục vụ thế giới. Có vẻ như thời đại và các bối cảnh văn hóa hôm nay làm cho mọi hình thức hoạt động giáo dục trở nên quá khó và dễ bị chỉ trích khiến chính Đức Giáo Hoàng phải nói đến một tình trạng “khẩn trương giáo dục” (80).

Khi dùng thuật ngữ “khẩn trương giáo dục”, Đức Giáo Hoàng có ý nói đến tình trạng khó khăn ngày càng gia tăng không chỉ trong hoạt động giáo dục Kitô giáo mà cả trong hoạt động giáo dục nói chung. Truyền đạt cho các thế hệ mới những giá trị cơ bản để sống và hành xử đúng đắn đang trở nên ngày càng cam go hơn. Không chỉ các bậc cha mẹ đang nhận thấy khả năng ảnh hưởng của họ đối với tiến trình giáo dục ngày càng bị xói mòn, mà cả những người tham gia chuyên môn vào hoạt động giáo dục, trước hết là với các trường học, cũng rơi vào tình trạng này.

Có thể phần nào dự báo được tình trạng này trong các xã hội và các nền văn hóa bị thống trị bởi chủ nghĩa tương đối, thiếu ánh sáng sự thật. Nhiều người cho rằng nói về sự thật là việc quá nặng nề và quá “độc đoán.” Lối suy nghĩ này khiến họ hoài nghi sự tốt lành của cuộc đời – “Làm người có ích gì không?” “Sống có ích gì không?” – và họ hoài nghi giá trị của các mối quan hệ và các cam kết trong cuộc đời. Trong bối cảnh ầy, làm cách nào có thể đề nghị cho giới trẻ và truyền đạt cho các thế hệ tương lai – cá nhân cũng như cộng đồng – ngay cả những yếu tố cơ bản nhất của sự ổn định và chắc chắn, những qui tắc sống, ý nghĩa đích thực của hiện hữu con người và những mục tiêu phải theo đuổi? Hậu quả là giáo dục ngày càng có xu hướng bị giản lược vào việc chỉ thông truyền cho người ta những kỹ năng nhất định và dạy cho các thế hệ sau cách thỏa mãn ước muốn hạnh phúc của họ bằng những sản phẩm của chủ nghĩa tiêu thụ hay bằng một sự tự thỏa mãn nhất thời. Trong tình hình này, các bậc cha mẹ và nhà giáo dục dễ bị cám dỗ từ bỏ nhiệm vụ giáo dục chuyên biệt của họ, và không còn hiểu vai trò và sứ mạng được giao cho họ là gì nữa.

Đó chính là tình trạng “khẩn trương giáo dục”: chúng ta không còn có khả năng cống hiến cho giới trẻ và các thế hệ mới tất cả những gì chúng ta phải truyền lại cho họ. Chúng ta cũng là những người mắc nợ họ về những giá trị đích thực làm nền tảng cho đời sống. Như thế, mục đích thiết yếu của giáo dục không được hoàn thành và bị lãng quên, đó là đào luyện những cá nhân có khả năng sống đời sống một cách sung mãn và cống hiến phần độc đáo của mình cho lợi ích chung. Tại nhiều nơi, người ta đang ngày càng nêu lên vấn đề giáo dục đích thực cũng như nhu cầu có những nhà giáo dục thực sự. (Quan tâm và nhiều khi lo âu trước tương lai của con cái họ), các bậc cha mẹ đang yêu cầu chính những điều này nơi các nhà giáo dục (những người đang trải nghiệm tình trạng xuống dốc đáng buồn của trường học) và nơi chính xã hội, nơi mà chính nền tảng của cuộc sống chung đang bị đe dọa.

Trong tình hình này, bổn phận của Hội Thánh trong việc dạy dỗ về đức tin, tư cách môn đệ và chứng tá cho Chúa trở nên một sự cống hiến đích thực hơn bao giờ, nó cho phép xã hội chúng ta ra khỏi tình trạng đau buồn của cuộc khủng hoảng giáo dục, bằng cách xua tan sự nghi kỵ và sự “thù ghét chính mình”, cũng như các hình thức miệt thị bản thân đang nổi bật trong một số nền văn hóa. Bổn phận của Hội Thánh trong lãnh vực này có thể cung cấp cho các Kitô hữu cơ hội mạo hiểm vào các diễn đàn công cộng của các xã hội chúng ta, và lại có thể nói về Thiên Chúa và đem đến cho xã hội món quà của Hội Thánh là truyền thống hoạt động giáo dục chuyên biệt mà các cộng đoàn Kitô giáo dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã thực hiện suốt nhiều thế kỷ.

Về phương diện này, Hội Thánh có một truyền thống giáo dục lâu đời, đó là các tài nguyên sư phạm, suy tư và nghiên cứu, các tổ chức, các nhân sự−thánh hiến hay không thánh hiến trong các dòng tu và các cộng đoàn−những người có khả năng cống hiến sự hiện diện đầy ý nghĩa của mình trong thế giới học đường và giáo dục. Ngoài ra, do sự quan tâm tới các biến đổi xã hội và văn hóa hiện nay, chính tài nguyên này cũng chịu những biến đổi quan trọng. Vì vậy, một tiến trình phân định trong lãnh vực này cũng sẽ có lợi không chỉ để phân biệt những điểm thảo luận về những biến đổi này, mà còn để nhận ra những nguồn lực thiêng liêng và những thách thức tương lai trong giáo dục cần được giải quyết thỏa đáng. Đồng thời chúng ta cũng phải ý thức hoàn toàn rằng nhiệm vụ cơ bản của Hội Thánh là giáo dục đức tin, tình môn đệ và đời sống chứng tá, và giúp con người đến gặp gỡ thân tình với Chúa Kitô và Chúa Cha.

21. Mục tiêu của một “khoa sinh thái nhân vị”

Có thể dễ nhận ra mục tiêu của tất cả sự cam kết giáo dục của Hội Thánh, đó là xây dựng cái mà Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI gọi là một “khoa sinh thái nhân vị” “Cần phải có cái gọi là một khoa sinh thái nhân vị, hiểu theo đúng nghĩa của nó. […] Vấn đề có tính quyết định là thái độ đạo đức toàn diện của xã hội. Nếu thiếu sự kính trọng đối với quyền sự sống và quyền có một cái chết tự nhiên, nếu sự thụ thai, mang thai và sinh nở của con người được làm bằng phương pháp nhân tạo, nếu người ta hi sinh các bào thai cho việc nghiên cứu, thì ý thức xã hội sẽ đi đến chỗ đánh mất khái niệm về một khoa sinh thái con người, và cùng với nó là khoa sinh thái môi trường. Khi mà các hệ thống giáo dục và luật pháp của chúng ta không giúp con người tôn trọng chính mình, thì sẽ là điều mâu thuẫn nếu chúng ta đòi các thế hệ tương lai phải tôn trọng môi trường tự nhiên. Quyển sách thiên nhiên là duy nhất và bất khả phân chia: Nó không chỉ bao gồm môi trường nhưng cũng bao gồm cả sự sống, giới tính, hôn nhân, gia đình và các quan hệ xã hội: tóm lại là sự phát triển con người toàn diện. Các nghĩa vụ của chúng ta đối với môi trường tự nhiên thì gắn liền với các nghĩa vụ đối với nhân vị nơi bản thân nó và trong tương quan với người khác. Đề cao một cái mà chà đạp lên cái kia là việc làm sai trái. Đây chính là chỗ mâu thuẫn nghiêm trọng giữa cách suy nghĩ và thực hành của thời đại chúng ta hôm nay: một thời đại hạ giá nhân phẩm, tàn phá môi trường và hủy hoại xã hội” (81).

Đức tin Kitô giáo giúp đỡ trí khôn để hiểu sự cân bằng sâu xa của lịch sử và toàn thể hiện hữu. Đức tin hoàn thành nhiệm vụ này không chỉ một cách chung chung hay bên ngoài, nhưng bằng việc chia sẻ với lý trí sự khao khát hiểu biết, khao khát nghiên cứu, đồng thời hướng dẫn lý trí tới lợi ích của con người và vũ trụ. Đức tin Kitô giáo cống hiến cho sự hiểu biết về nội dung sâu xa của những kinh nghiệm cơ bản của con người, như bản văn vừa trích trên kia cho thấy. Đó là một nhiệm vụ−đối chất có phê phán và định hướng−mà Hội Thánh Công Giáo đã thực hiện từ lâu. Để làm việc này, Hội Thánh luôn luôn cải thiện tổ chức của mình, bằng việc lập ra các trường học, các trung tâm nghiên cứu, các đại học, là kết quả của trực giác và đặc sủng của một số cá nhân hay nhiệt tình giáo dục của một số Giáo Hội địa phương. Các tổ chức này bảo đảm chức năng của chúng trong mặt bằng chung của việc nghiên cứu và của sự phát triển tri thức trong các nền văn hóa và các xã hội khác nhau.

Những biến đổi văn hóa và xã hội đã trình bày ở trên đặt ra những vấn đề và những thách thức cho các tổ chức ấy. Công việc phân định cơ bản của cuộc “tân phúc âm hóa” được kêu gọi lưu tâm đến sự dấn thân văn hóa và giáo dục của Hội Thánh. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể xác định được những điểm phê bình của các thách thức này, những nỗ lực cũng như những chiến lược phải sử dụng để bảo đảm tương lai không chỉ của Hội Thánh mà cả của con người và toàn thể nhân loại.

Đương nhiên một cuộc “tân phúc âm hóa” coi những lãnh vực văn hóa này là những “Sân của Dân Ngoại”: giúp con người sống đầy đủ mục đích cơ bản hay “ơn gọi” của họ giữa những đổi thay mà họ đang trải nghiệm, đó là đưa vấn đề Thiên Chúa và đức tin Kitô giáo lên diễn đàn của con người thời nay, và coi những lãnh vực này là quĩ đạo ở đó những con người được đào luyện để trở nên tự do và trưởng thành, và đến lượt họ, họ có thể đưa vấn đề Thiên Chúa vào đời sống, gia đình và nơi làm việc của chính họ.

22. Người rao giảng Tin Mừng và người giáo dục: Những chứng nhân

Tình trạng “khẩn trương giáo dục” hiện nay làm cho những lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI có ý nghĩa đặc biệt: “’Con người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn nghe những thầy dạy, và nếu họ có nghe những thầy dạy thì đó là vì những thầy dạy này là những chứng nhân.’ […] Vì vậy, Hội Thánh sẽ phúc âm hóa thế giới chủ yếu bằng chính hành vi và đời sống của mình, nói khác đi, bằng việc làm chứng lòng trung thành của Hội Thánh đối với Chúa Giêsu−chứng tá về sự nghèo khó và vô cầu, chứng tá về sự tự do trước những quyền lực của thế giới này, tóm lại, chứng tá về sự thánh thiện” (82).

Bất kể việc phúc âm hóa có những đề nghị gì, bất kể việc rao giảng và truyền bá đức tin có kế hoạch mục vụ gì, một sự thật không thể tránh là đời sống của người ta tạo nên sức mạnh cho cố gắng truyền giáo. Chính bằng cách này mà đời sống của họ trở nên một mẫu gương đặc biệt, nó xác nhận sự tận tụy hi sinh của họ là trung thực và điều họ dạy là sự thật và mời gọi người khác sống theo. Tình trạng “khẩn trương giáo dục” hôm nay kêu gọi các nhà giáo dục biết cách trở nên những chứng nhân đáng tin về thực tại này và về các giá trị có thể được dùng làm cơ sở cho đời sống con người và những kế hoạch chung của đời sống cộng đồng trong xã hội. Về phương diện này, chúng ta chỉ cần nhớ lại những mẫu gương đời sống của các vị thánh như Thánh Phaolô, Thánh Patrick, Thánh Bonifaxiô, Thánh Phanxicô Xaviê, hai Thánh Cyrilô và Mêthôđiô, Thánh Turibiô thành Mongrovejo, Thánh Đamianô Veuster và Chân Phước Mẹ Têrêxa Calcutta.

Yêu cầu này đối với Hội Thánh hôm nay có nghĩa là cống hiến sự nâng đỡ và đào luyện cho nhiều người đã lâu năm dấn mình vào công cuộc rao giảng Tin Mừng và giáo dục (các giám mục, linh mục, giáo lý viên, các nhà giáo dục, giáo viên và cha mẹ). Cũng thế, các cộng đoàn Kitô phải biết nhận ra và đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa cho nhiệm vụ thiết yếu này vì tương lai của Hội Thánh và của nhân loại. Vị trí trung tâm của công cuộc rao giảng Tin Mừng, loan báo và truyền bá đức tin phải được xác định rõ trong các Giáo Hội của chúng ta.

Các hoạt động ưu tiên của mỗi cộng đoàn cũng phải được đánh giá lại để tăng cường sức mạnh và nguồn lực trong dự án chung của cuộc “tân phúc âm hóa”.

Việc duy trì và nuôi dưỡng đức tin tất yếu bắt đầu trong gia đình, đơn vị nền tảng của xã hội và là chỗ tối ưu để học cầu nguyện (83).

Dạy dỗ đức tin chủ yếu diễn ra trong gia đình dưới hình thức dạy trẻ em biết cầu nguyện. Khi cầu nguyện chung với con cái, các cha mẹ làm cho chúng quen ý thức sự hiện diện của Chúa, và đồng thời chính họ trở nên những chứng nhân đáng tin cho con cái họ.

Việc đào tạo và quan tâm cần thiết để nâng đỡ những người đã dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng, cũng như việc chiêu mộ những lực lượng mới không được chỉ giới hạn vào việc chuẩn bị thực tiễn, dù vẫn cần thiết. Ngược lại, đào luyện và chăm sóc mục vụ phải trổi vượt về bản chất thiêng liêng, nghĩa là, một trường học đức tin, được soi sáng bởi Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để dạy cho con người những hệ quả của việc trải nghiệm tình phụ tử của Thiên Chúa. Người ta chỉ có thể phúc âm hóa người khác khi chính họ đã được phúc âm hóa và để cho mình được phúc âm hóa, nghĩa là được canh tân thiêng liêng qua sự gặp gỡ thân tình và hiệp thông sống động với Chúa Giêsu Kitô. Những người như thế có sức mạnh truyền bá đức tin, như Thánh Phaolô Tông Đồ đã chứng thực: “Tôi đã tin, nên tôi mới nói” (2 Cr 4:13).

Vì chủ yếu là một nhiệm vụ phải làm và một thách thức thiêng liêng, việc tân phúc âm hóa là trách nhiệm của mọi Kitô hữu nghiêm túc theo đuổi sự thánh thiện. Trong bối cảnh này và với cách hiểu này về đào luyện, việc hữu ích phải làm là dành thời gian và nơi chốn để xem xét những tổ chức và những phương tiện mà các Giáo Hội địa phương đang có để giúp những người đã rửa tội biết ý thức về nhiệm vụ truyền giáo và rao giảng Tin Mừng của họ.

Muốn cho chứng tá của chúng ta đáng tin cậy khi chúng ta đáp ứng từng bối cảnh này của việc tân phúc âm hóa, chúng ta phải biết nói với thời đại chúng ta bằng ngôn ngữ dễ hiểu, và công bố trong những bối cảnh này các lý do của niềm hi vọng sống động nơi chúng ta (x. 1 Pr 3:15). Một nhiệm vụ như thế không thể thực hiện mà không có cố gắng; nó đòi hỏi sự chăm chú, giáo dục và quan tâm.

Câu hỏi

Kế hoạch tân phúc âm hóa được đề nghị như một sự vận dụng việc đánh giá mọi bối cảnh và mọi hoạt động đang có trong Hội Thánh để có thể loan báo Tin Mừng cho thế giới.

1. Công cụ “loan báo ban đầu” có được biết rõ và phổ biến trong các cộng đoàn Kitô của chúng ta không?

2. Các cộng đoàn Kitô chúng ta có lập kế hoạch mục vụ với mục tiêu chuyên biệt là rao giảng nếp sống phù hợp với Tin Mừng và sự trở lại Kitô giáo không?

3. Nói chung, mỗi cộng đoàn Kitô đang đáp ứng các đòi hỏi của việc tìm ra các hình thức nêu vấn đề về Thiên Chúa trong xã hội và trong chính cộng đoàn của mình không? Họ có những kinh nghiệm quí báu nào đáng được chia sẻ với các Giáo Hội địa phương khác?

4. Kế hoạch “Sân của Dân Ngoại” đã được vận dụng và được khai triển như thế nào trong các Giáo Hội địa phương khác nhau?

5. Mỗi Giáo Hội địa phương đã dành ưu tiên nào cho việc dấn thân mạo hiểm vào các cách thức mới của việc rao giảng Tin Mừng? Những sáng kiến nào thành công nhất trong việc làm cho các Giáo Hội địa phương mở ra với hoạt động truyền giáo?

6. Có những kinh nghiệm, tổ chức và hiệp hội hay nhóm mới nào được thành lập hay phát triển để loan báo Tin Mừng cho loài người một cách vui vẻ và dễ tiếp thu?

7. Những cố gắng hợp tác giữa các nhóm nói trên và các giáo xứ đã mang lại những kết quả nào? Hội Thánh đã dành nhiều nghị lực cho việc soạn thảo lại các chương trình khai tâm và giáo dục đức tin.

8. Kinh nghiệm khai tâm Kitô giáo cho người lớn đã được dùng làm mô hình như thế nào trong việc duyệt lại các chương trình khai tâm đức tin trong các cộng đoàn chúng ta?

9. Công cụ khai tâm Kitô giáo đã được dùng tới đâu? Cách nào? Nó đã giúp thế nào cho việc suy tư mới về mục vụ thanh tẩy và sự nhấn mạnh mối tương quan giữa các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể?

10. Các Giáo Hội Công Giáo Phương Đông cử hành đầy đủ các Bí Tích Khai Tâm Kitô giáo cho trẻ em. Đâu là những điểm phong phú và những nét khác biệt của kinh nghiệm này? Lối thực hành này ảnh hưởng thế nào tới suy tư và những thay đổi đang diễn ra trong lãnh vực khai tâm Kitô giáo của Hội Thánh Công Giáo?

11. “Huấn giáo dự tòng” đã gợi hứng thế nào cho việc duyệt lại lộ trình chuẩn bị các bí tích, bằng cách biến nó thành những giai đoạn khai tâm Kitô giáo có khả năng lôi kéo sự tham dự tích cực của các thành phần khác nhau của cộng đoàn (đặc biệt những người lớn), chứ không chỉ ảnh hưởng tới những người liên quan trực tiếp? Các cộng đoàn Kitô giáo đóng vai trò nào bên cạnh các bậc cha mẹ, trong bổn phận truyền đạt đức tin ngày càng khó khăn hơn?

12. Vị trí của bí tích Thêm Sức đã có những phát triển nào trong lộ trình này? Vì những lý do nào?

13. Các yếu tố của khoa bí nhiệm đã được tháp nhập vào tiến trình này như thế nào?

14. Các cộng đoàn Kitô đã thành công đến đâu trong việc thích nghi tiến trình dạy dỗ đức tin cho người lớn, nhờ đó tránh được nguy cơ chỉ giới hạn vào việc dạy giáo lý cho trẻ em mà thôi?

15. Các Giáo Hội địa phương ý thức thế nào về vai trò của việc rao giảng và nhu cầu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát sinh đức tin và chương trình mục vụ đối với bí tích Rửa Tội?

16. Các cộng đoàn giáo xứ đã tránh như thế nào sự cám dỗ bỏ mặc việc dạy dỗ đức tin cho những người hoạt động giáo dục tôn giáo khác (ví dụ, họ khoán trắng trách nhiệm này cho nhà trường, và lẫn lộn việc giáo dục đức tin với các hình thức giáo dục văn hóa về tôn giáo)? Trong các Giáo Hội của chúng ta, thách thức giáo dục là có thật và là chuyện cấp bách.

17. Thách thức này đã được nhận ra và đối phó như thế nào? Chúng ta có những phương tiện nào trong lãnh vực này?

18. Sự hiện diện của các tổ chức Công Giáo trong thế giới trường học có phải là một sự trợ giúp trong việc đáp ứng lại thách thức này không? Có những thay đổi đáng chú ý trong các tổ chức này? Có những nguồn lực nào để đáp ứng các thách thức này?

19. Các tổ chức này có những tương quan gì với các tổ chức khác của Hội Thánh? Và có tương quan gì với đời sống giáo xứ?

20. Các tổ chức này có khả năng tham gia như thế nào vào văn hóa và xã hội, qua việc cống hiến kinh nghiệm đức tin Kitô giáo cho các cuộc thảo luận công cộng và các não trạng của nền văn hóa hôm nay?

21. Các tổ chức Công Giáo có mối tương quan như thế nào với các tổ chức giáo dục khác? Và với xã hội nói chung?

22. Bằng cách nào các tổ chức văn hóa lớn của Công Giáo (các đại học, trung tâm văn hóa, trung tâm nghiên cứu của Công Giáo) có thể để lại một di sản cho lịch sử, có một tiếng nói trong cuộc thảo luận hiện nay về các giá trị cơ bản của con người (bảo vệ sự sống, gia đình, hòa bình, công lý, tình đoàn kết, vũ trụ)?

23. Bằng cách nào các tổ chức ấy có thể giúp người ta mở rộng trí óc và tìm kiếm sự thật để nhận ra những dấu vết kế hoạch của Thiên Chúa mang lại ý nghĩa cho lịch sử chúng ta? Cũng vậy, bằng cách nào các tổ chức ấy có thể giúp các cộng đoàn chúng ta phân định và cổ vũ việc lắng nghe những thắc mắc và những mong đợi sâu xa của nền văn hóa hôm nay?

24. Các tổ chức nào của Hội Thánh có thể được gọi là nằm trong kinh nghiệm về “Sân của Dân Ngoại”? Các tổ chức nào là nơi mà người Kitô hữu có thể chứng tỏ sự mạnh dạn trong việc tạo ra các hình thức đối thoại để đáp ứng những mong đợi sâu xa của loài người và niềm khao khát Thiên Chúa? Các tổ chức nào là nơi người Kitô hữu có thể chứng tỏ sự mạnh dạn trong việc nêu lên vấn đề Thiên Chúa trong các cuộc đối thoại này? Các tổ chức nào là nơi người Kitô hữu có thể chứng tỏ sự mạnh dạn trong việc chia sẻ kinh nghiệm của mình về việc tìm kiếm Thiên Chúa và cắt nghĩa về sự gặp gỡ thân tình của mình với Người trong Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô? Kế hoạch tân phúc âm hóa đòi hỏi sự đào luyện cho việc rao giảng và làm chứng.

25. Các cộng đoàn Kitô đang chứng tỏ như thế nào sự cấp bách của việc tuyển mộ, đào tạo và nâng đỡ những ai sẽ trở thành những người rao giảng Tin Mừng và nhà giáo dục qua việc làm chứng bằng đời sống của họ?

26. Những việc phục vụ nào−các thừa tác vụ theo luật định hay các việc phục vụ khác (phổ biến hơn)−đã phát sinh hay được khuyến khích trong các Giáo Hội địa phương với mục tiêu rõ ràng là rao giảng Tin Mừng?

27. Các giáo xứ chứng tỏ thế nào sự cởi mở trước sức sống của một số phong trào hay một số nhóm đặc sủng?

28. Những thập niên gần đây, nhiều Hội Đồng Giám Mục đã đặt hoạt động truyền giáo và rao giảng Tin Mừng làm tâm điểm và nhiệm vụ ưu tiên trong kế hoạch mục vụ của họ. Có những kết quả gì? Kế hoạch này đã có khả năng bao nhiêu để làm cho các cộng đoàn Kitô ý thức về khía cạnh “thiêng liêng” của thách thức truyền giáo này?

29. Sự nhấn mạnh việc “tân phúc âm hóa” đã giúp ích thế nào trong việc đánh giá lại và tổ chức lại các chương trình đào luyện cho các ứng sinh linh mục? Các tổ chức chịu trách nhiệm về việc đào tạo này (chủng viện giáo phận, chủng viện vùng, chủng viện của các dòng tu) đã có thể đánh giá lại và thích nghi qui luật đời sống của họ với nhiệm vụ ưu tiên này như thế nào?

30. Thừa tác vụ phó tế vĩnh viễn đã được đưa vào trong sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh như thế nào?

(Còn tiếp 1 kỳ)