VRNs (29.07.2011) – Không phải Dòng Chúa Cứu Thế đã “phát minh” hình thức mục vụ Đại phúc, mà việc giảng Đại phúc đã có trước đó (1732). Ngay từ khi còn là một chủng sinh và sau đó là một linh mục triều, Anphong de Liguori đã tham gia các cuộc giảng Đại phúc. Nhưng khi đã là đấng sáng lập DCCT thì ngài đã làm cho kỳ Đại phúc mang đậm chất DCCT hơn.
Mời quý độc giả xem bài giảng của Lm. JB Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R. trong thánh lễ ngày thứ hai (28/07/2011) của Tam nhật chuẩn bị lễ thánh Anphong về sứ vụ Đại phúc DCCT, tại DCCT Sài Gòn, lúc 17g00.
DẪN NHẬP
Chiều nay, cộng đoàn suy gẫm đề tài: Thánh Anphong với sứ vụ Đại Phúc. Đây là dịp để ta suy gẫm xem thánh Anphong đã thực hiện việc Đại Phúc như thế nào và việc này có liên hệ gì đến sự hình thành và phát triển của Dòng Chúa Cứu Thế.
Để suy gẫm đề tài này, tôi kính mời cộng đoàn lần lượt suy gẫm ba kỳ Đại Phúc quan trọng thánh Anphong đã thực hiện ở ba giai đoạn trong cuộc đời của ngài: 1. Kỳ thực tập Đại Phúc (khi thánh Anphong còn là chủng sinh) – 2. Kỳ Đại Phúc chính thức (khi ngài là linh mục) – 3. Kỳ Đại Phúc bị “ép buộc” (khi ngài đã là Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế).
I. KỲ THỰC TẬP ĐẠI PHÚC
KHI THÁNH ANPHONG CÒN LÀ CHỦNG SINH
Ta vừa nghe Tin Mừng thánh Luca (4, 16-19) gợi lên sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu, một sứ vụ cứu độ con người cách toàn diện.
- Thân xác: những người mù được sáng mắt
- Tinh thần: những người bị giam cầm, bị áp bức được tự do
- Thiêng liêng: muôn dân được đón nhận năm hồng ân của Chúa.
Lòng tin mách bảo ta, Chúa Giêsu vẫn đang tiếp tục ban ơn cứu độ cho nhân loại qua việc không ngừng ban cho Hội Thánh những sáng kiến mục vụ cần thiết, cách riêng qua mục vụ Đại Phúc. Sử sách ghi nhận, thời thánh Anphong trong Hội Thánh đã có Tu Hội giảng phúc tông đồ. Từ khi còn là chủng sinh, thầy Anphong luôn nuôi chí ý loan báo ơn cứu độ cho những người bị bỏ rơi hơn hết. Để thực hiện điều này, thầy đã xin tham gia vào Tu Hội.
Ngày 18.11.1724 cha Giulio Torni hướng dẫn một đoàn thừa sai gồm 43 linh mục và 5 tập sinh trong đó có thầy Anphong de Liguori còn là tập sinh đã đến nhà thờ Santo Eligio Napoli cử hành cuộc Đại Phúc. Sau khi khai mạc Đại Phúc với kinh Chúa Thánh Thần, đoàn thừa sai chia làm hai hướng vừa đi vừa hát kinh cầu Đức Mẹ đồng thời rung chuông kêu gọi người ta đến dự Đại Phúc.
Được mời gọi, dân chúng từ những con hẻm nhầy nhụa thiếu bóng mặt trời tuôn đến dự Đại Phúc mỗi lúc một đông. Họ là những người: buôn thúng bán bưng, dân chạy hàng lậu, đám thuyền chài, phu khuân vác, gái giang hồ, lũ trẻ mình trần thiếu áo quần… bọn du côn cãi nhau inh ỏi quanh những con bài, những người say rượu đánh nhau chửi đổng… Thật phức tạp! Ấy vậy mà các thừa sai Đại Phúc không hề ngần ngại khi tiếp xúc với họ. Hơn bốn mươi linh mục chia nhau giảng dạy. Tất nhiên, tập sinh Anphong thì có dịp quan sát và bắt đầu học việc với những phận vụ như: hướng dẫn hát, hướng dẫn cầu nguyện – đi thăm bệnh nhân, người già lão, các hang ổ, những căn lều chen chúc nhiều gia đình – giúp những cô gái giang hồ, những chàng ma cô, những ông chồng sau rượu đánh đập vợ con, những đứa trẻ mới tí tuổi đã ăn cắp đánh bài quậy phá cha mẹ… – tiếp cận với những người đã rửa tội nhưng không biết gì về giáo lý, những người thù ghét Hội Thánh…Cứ thế, thầy Anphong đã lận lội khắp các hang cùng ngõ hẻm để thấy và cảm thông cho những người nghèo khó đang ngập chìm trong đó và thầy đã kêu cầu lòng Chúa xót thương họ.
Các công việc Đại Phúc bao gồm:
- Sáng: Suy gẫm, Thánh Lễ kèm theo những lời hướng dẫn cầu nguyện. Sau Thánh Lễ có giảng về những chân lý căn bản, về các tội hay phạm, các thói tật xấu như nghiện rượu đánh bài…Bài giảng dài khoảng 45 phút.
- Chiều: Lần chuỗi có hướng dẫn suy niệm các mầu nhiệm. Tiếp theo có bài đại giảng trước kéo dài khoảng 1 tiếng 15 phút. Cùng lúc trong nhà thờ mọi người nghe giảng thì ở những ngã tư hoặc phố đông người, các nhóm thừa sai quy tụ dân chúng, kêu gọi, khuyên bảo, nói chuyện, trao đổi… để nhắc nhở mọi người trở về cùng Chúa.
- Tối: Sau khi mọi người nghe giảng xong thì trời cũng đã tối . Lúc này, mọi người đọc Thánh Vịnh và dốc lòng thống hối ăn năn. Sau khi nhận phép lành Thánh Thể, đàn bà và trẻ con ra về, những ai ở lại thì cùng các thừa sai dùng những chiếc dây thừng để đánh tội.
Cuộc Đại Phúc tại S. Eligio kéo dài 8 ngày. Cả một khu vực được Chúa Thánh Thần khuấy động. Nhiều người ăn năn trở lại và được huấn luyện đức tin. Cuộc Đại Phúc để lại cho thầy Anphong ấn tượng thật khôn tả! Thầy đã hiểu thế nào về cuộc Đại Phúc. Có sử gia cho rằng có lẽ công cuộc Đại Phúc của Dòng Chúa Cứu Thế sau này đã được manh nha trong tâm chí AnPhong từ đây.
Sáu tháng sau, thầy Anphong được dịp tham gia cuộc Đại Phúc ở một vùng thôn quê cách Napoli 25 km. Dân chúng ở đây đa phần làm nghề nông nghiệp và có khoảng 11.000 người. Vùng quê này cảnh đẹp nhưng tội lỗi thì nhen nhúm khắp nơi. Tham gia kỳ Đại Phúc, thầy Anphong chứng kiến đời sống thiêng liêng sâu xa, tinh thần vô vị lợi và sự đùm bọc yêu thương của các thừa sai Đại Phúc. Các thừa sai đọc kinh nhật tụng chung với nhau, cùng nhau chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ sách thiêng liêng. Họ không nhận của dân bất cứ điều gì: tiền lễ, của ăn, quà biếu xén … Ai vi phạm các điều này có thể bị đuổi khỏi Hội Đại Phúc.
Thời gian tập sinh nơi Tu Hội thừa sai đã trôi qua, ngày 22. 7. 1725, thầy Anphong được nhận chức Phó tế. Khi đã có chức Phó tế thầy chính thức được nhận vào huynh đoàn của Tu Hội Thừa Sai. Hôm ấy, thầy Phó tế Anphong đã dâng lời nguyện: “Tôi, Anpong Maria de Liguori… tôi quyết định thành thật công tác hết sức mình với Đức Kito, chúa chúng ta, và các chủ chăn của Giáo Hội, lo phần rỗi các linh hồn, cách riêng bằng các cuộc giảng phúc thánh. Tôi tuyên hứa vâng phục lề luật và các bề trên của Tu Hội giảng phúc tông đồ mà Thiên Chúa đã ban ơn cho tôi gia nhập. Xin Chúa nhân hậu cho tôi bền đỗ trong các điều tôi quyết hứa cho tới ngày chết. Amen”
Thầy Anphong đã nguyện cứu rỗi các linh hồn bằng phương thế giảng Đại Phúc cho đến lúc chết. Thầy sẽ thực hiện lời nguyện này thế nào trong sứ vụ linh mục?
II. KỲ ĐẠI PHÚC CHÍNH THỨC
KHI THÁNH ANPHONG LÀ LINH MỤC
Mùa thu năm 1727, kỳ Đại Phúc thường niên được tổ chức tại thánh đường Napoli. Kỳ này, đoàn Đại phúc gồm 56 thừa sai. Suốt tuần Đại Phúc từ 15-10 đến 3-11 cha Anphong được giao nhiệm vụ phụ trách nửa giờ suy niệm buổi sáng về các chân lý tứ chung. Trước đó mấy hôm, ngọn núi Vésuve khạc lửa và tro, dân chúng sợ hãi chạy đến tòa giải tội. Cha Anphong giảng và giải tội đến thấm mệt.
Năm 1728-1729 năm toàn xá do Đức Giáo Hoàng Benedicto XIII ban hành, nhóm thừa sai của cha Anphong lại có dịp hoạt động cật lực.
Năm 1730 một kỳ Đại Phúc cho hai giáo xứ S. Spirito ở Marano di Napoli (5000 dân) và Casoria (4000 dân). Kỳ này, tại thánh đường Capodimonte, cha Anphong một linh mục trẻ mới 3 năm được chịu chức đã được cha bề trên giao nhiệm vụ giảng một bài đại giảng kéo dài 1 tiếng 15 phút. Sau kỳ Đại Phúc, nhóm của cha Anphong tiếp tục đi giảng cho dòng nữ Annuziata. Hậu quả là sau những lẫn gắng sức, cha Anphong đã bị bênh sưng phổi và nguy hiểm đến tính mạng.
Năm 1730, cha Anphong lên đường đi dưỡng bệnh. Cha đã chọn miền núi Scala không khí trong như gương, ánh sáng tinh ròng, tràn đầy hương thơm núi đồi và cây cối … làm chốn nghỉ ngơi. Tưởng rằng ở đây cha Anphong được thoải mái nghỉ ngơi, hít thở không khí núi đồi … nhưng kỳ thực tại chốn này, cha không thể làm ngơ trước những đám dân nghèo giữa miền núi cùng khổ.
Tuy đau ốm nhưng với lương tâm của một mục tử cha Anphong đã vui mừng tiếp nhận những người chăn chiên và nhiều cư dân tản mác trên các vùng quê xung quanh. Cùng các bạn, cha dạy giáo lý cho những người nông dân, giúp họ xưng tội và sống đời bác ái. Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ các miền xa xăm cũng tìm tới với cha Anphong. Thế là nhà nghỉ hè của các thừa sai đã biến thành nơi tổ chức Đại Phúc thường trực, gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.
Cứ thế, chẳng mấy chốc toàn vùng Scala đã biết đến sự hiện diện của các thừa sai trong địa phương của họ. Chính đức giám mục D. Nicola Guerriro giám mục hai giáo phận Scala và Ravello đã đích thân mời cha Anphong giảng ở đại thánh đường Scala. Ngày 11-6 sự hiện diện của cha Anphong đã làm cho không khí Scala như một ngày Đại Phúc. Vui hơn tết!
Sau kỳ nghỉ ở Scala cha Anphong trở về Napoli nhưng trái tim của ngài còn để lại Scala. Ra đi nhưng tâm hồn ngài luôn bị vương vấn bởi hình ảnh những người nông dân miền núi. Ngài cầu xin Thiên Chúa cho họ có những những mục tử phục vụ họ. Thế là tháng 6 năm 1730 cha có ý tưởng lập một tu hội thừa sai để phục vụ những người bị bỏ rơi, bị quên lãng.
Chuyện đến phải đến: Ngày 9-11-1732 tại thị trấn Scala thánh Anphong Maria de Liguori, vì động lòng thương cảm những người nghèo khó, nhất là đám nông dân chiếm phần đa số trong miền, đã thành lập Dòng Chúa Cứu Chuộc, về sau (1749) lấy danh hiệu là Dòng Chúa Cứu Thế để đi theo chính Đấng Cứu Thế rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó như lời Chúa nói: Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4, 18). Thánh Anphong và các tu sĩ của ngài sáng chói nhất có thánh Gierado Majella đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của dân quê nghèo khó thời đó bằng các kỳ Đại Phúc, các tuần tĩnh tâm, các tuần tái phúc theo gương thánh Phaolo đã làm (Cv 15, 36) (Trích Do lai và Phát triển Dòng Chúa Cứu Thế).
Cha Anphong đã bước theo Đức Giêsu miệt mài cứu rỗi các linh hồn nhất là những linh hồn tất bạt bằng phương thế của các kỳ Đại Phúc. Cha đã phục vụ cật lực đến kiệt sức. Cha đã tận dụng mọi hoàn cảnh để đem ơn cứu độ đến cho muôn người. Việc làm của cha AnPhong tự nó là một Đại Phúc trường kỳ cho mọi người và cách riêng cho người nghèo. Ta có thể nghĩ: chính người nghèo và những hoạt động Đại Phúc đã góp phần giúp cho sự hình thành của Dòng Chúa Cứu Thế trong lòng Hội Thánh. Khi Dòng Chúa Cứu Thế đã xuất hiện và với tư cách của Đấng sáng lập dòng, cha Anphong đã thực hiện Đại Phúc thế nào?
III. KỲ ĐẠI PHÚC BỊ “BẮT BUỘC”
KHI THÁNH ANPHONG ĐÃ LÀ ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG
Ngày 3-12-1742, Đức giáo hoàng Benedicto XIV ban hành thông điệp Ubi prinum nhắc nhở các giám mục quan tâm sâu sát đoàn chiên được trao phó. Thông điệp này đã làm cho đức tổng giám mục Spinelli tổng giám mục giáo phận Napoli quyết định tiến hành tổ chức Đại Phúc cho toàn giáo phận. Với mục đích canh tân toàn bộ đoàn chiên một cách hiệu quả và tạo cơ hội cho các thừa sai ở Napoli học tập mô hình truyền giáo của cha Anphong, đức giám mục đã chọn hai nhân vật mà ngài cho là có khả năng tổ chức kỳ Đại Phúc: linh mục Anphong và linh mục Sarnelli cả hai đều thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.
Một phần xác định đặc sủng của Hội Dòng phục vụ người nghèo ở miền quê nghèo, phần khác vì e dè trong giáo phận hiện có nhiều nhà thừa sai lẫy lừng đáng bậc thầy của cha Anphong tỉ như cha Torni cha Gizzio… thuộc Tu Hội giảng phúc tông đồ, nên cha Anphong đã tìm cách từ chối sự ưu ái của đức tổng giám mục Napoli. Sau nhiều lần từ chối không được, cha Anphong phải cúi đầu vâng phục và tiến hành việc tổ chức kỳ Đại Phúc.
Ngày 14-5-1741 Đại Phúc được khai mạc tại 3 giáo xứ vùng đông bắc Napoli khoảng 11.000 dân và cuộc Đại Phúc đã kéo dài 15 ngày ròng rã.
Sau tuần Đại Phúc, tất cả các thừa sai họp rút kinh nghiệm dưới sự chủ tọa của đức tổng giám mục. Một tài liệu đã được soạn thảo mang tên: “Các chỉ dẫn của nhóm thừa sai được kêu gọi đi rao giảng tại giáo phận Napoli” công bố ngày 12-10-1741 do đức hồng y Spinelli sắc ký. Tài liệu này được soạn thảo tựa như một qui chế. Xin nên những ý chính sau:
- Ý tưởng chủ đạo của việc Đại Phúc là thiết lập bền vững những việc đạo đức để giúp cho ơn bền đỗ bắt rễ sâu trong hàng giáo sĩ, trong giáo dân và đặc biệt nơi giới thiếu niên.
- Hàng giáo sĩ tại khắp các nhà thờ có bổn phận tiếp tục những việc đạo đức đã được các thừa sai phát động trong kỳ Đại Phúc.
- Cuộc Đại phúc kéo dài ít nhất 15 ngày. Cuối Đại Phúc dân chúng được dạy ít là ba bốn ngày về việc thực hành đời sống tân hiến: cầu nguyện suy gẫm.
- Qui chế còn hướng dẫn cả việc: lập các hiệp hội cho thiếu nhi, cho thanh niên – mở trường dạy học cho học sinh nam, cho học sinh nữ – giảng linh thao cho giáo sĩ – tổ chức cho giáo sĩ thuyết trình hàng tuần về luân lý – đào tạo các linh mục biết cách hướng dẫn nguyện ngắm chung và biết cách dạy giáo lý sau Đại Phúc.
Qui chế còn lưu ý việc hậu phúc để kiểm tra đôn đốc kết quả đã đạt được trong cuộc Đại Phúc.
Những số liệu của tháng 6-1742 cho biết: sau một năm, Napoli được hưởng 17 cuộc Đại Phúc từ 15 đến 40 ngày cho 40. 000 dân tại 12 địa phương khác nhau và mỗi thừa sai phải giải tội 7 tiếng đồng hồ buổi sáng chưa kể công việc buổi chiều; có lúc số thừa sai phải huy động đến 150 người.
Do hoàn cảnh tế nhị, ngày 20-07-1742, cha Anphong chào đức giám mục rồi cỡi lừa trở về Ciorani Villani để lại công việc Đại Phúc cho cha Sarnelli điều khiển. Cha Sarnelli làm bề trên Đại Phúc cho đến ngày chết 30-06-1744. Cha Testa thay thế cha Sarnelli được một tháng thì kết thúc kỳ Đại Phúc kéo dài 3 năm ròng rã.
Sau đây là ơn huệ của kỳ Đại Phúc:
- Những thói hư tật xấu, gương mù gương xấu, sự lộng hành bất kính tan biến:
- Phụ nữ bỏ cách ăn mặc hở hang và trở nên nết na hơn
- Các quán rượu mất khách
- Làng quê không còn lối khiêu vũ giải trí giữa đàn ông đàn bà, giữa trai với gái.
- Các bài hát đạo thế chỗ cho những khúc ca ướt át.
Ơn huệ này đã giúp cho Dòng Chúa Cứu Thế được “thơm lây” thể hiện qua việc đức tổng giám mục Spinelli cho phép Dòng lập một tu viện tại giáo xứ S. Aniello ở Barra.
Cuộc Đại Phúc còn vang dội đến Tòa Thánh nên ngày 08-09-1745 Đức Benedicto XIV đã gửi sứ điệp cho tất cả các giám mục ở Napoli nói về Đại Phúc thánh. Xin nêu lên ý quan trọng:
“Phía ngoài các thành thị của chư huynh, đại đa số con chiên trong giáo phận, cách riêng tại những vùng rừng núi đang phải hư mất. Các kỳ Đại Phúc là liều thuốc có tính tông truyền nhất, hiệu lực nhất để chạy chữa cho các khốn cùng của tội nhân. Cần phải gửi đi những vị thừa sai thông thái hầu dạy dỗ đến nơi đến chốn đám dân ấy.”
Một năm sau, ngày 16-12-1746, Đức giáo hoàng gửi thông điệp cho toàn thế giới cổ võ việc nguyện ngắm:
“Cần dạy dỗ mọi người khắp nơi kể cả những người thô sơ (mù chữ) nhất biết nguyện ngắm. Ta được biết có một vài giáo phận thiết lập việc nguyện ngắm chung. Thật là tuyệt diệu nếu thực hiện việc đó ở mọi giáo phận. Ước sao mỗi ngày nghe tiếng chuông đổ, dầu ở nhà thờ hay ở nhà riêng tất cả dân chúng hoặc tất cả gia đình tề tựu làm việc nguyện ngắm”.
Kỳ Đại Phúc kết thúc tốt đẹp. Dân Chúa đón nhận được ơn Chúa cách sung mãn thể hiện qua những biểu hiện quyết tâm biến đổi đời sống nên tốt hơn. Các thừa sai tân tụy dấn thân đến hơi thở cuối cùng. Giáo quyền nhìn nhận những thành quả của Đại Phúc và đã giúp cho sự phát triển cộng đoàn của Dòng Chúa Cứu Thế. Tất cả những điều này đã để lại cho các thế hệ Dòng Chúa Cứu Thế bài học vô cùng quý giá về tinh thần khiêm tốn vâng phục, dấn thân phục vụ ơn cứu độ qua mục vụ Đại Phúc.
Chính vì thế, ngày nay, khi nhắc đến Dòng Chúa Cứu Thế nói chung cách riêng Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam, đa phần dân Chúa thường liên tưởng ngay đến những kỳ Đại Phúc do Dòng thực hiện. Thừa hưởng tinh thần năng động thừa sai Đại Phúc của cha thánh Anphong và các thánh trong Dòng, các cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam từ Nam chí Bắc, từ thời các thừa sai Canada cho đến nay vẫn đang miệt mài phục vụ Đại Phúc với những sáng kiến mục vụ thích nghi với hoàn cảnh Việt Nam hầu mang ơn cứu độ của Chúa đến cho con dân đất Việt.
KẾT LUẬN
Sử sách chứng thực mục vụ Đại Phúc đã được thực hiện từ xa xưa trong Hội Thánh. Thánh Anphong Maria Liguori Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế đã tích cực tham gia việc Đại Phúc của Hội Thánh và truyền lại cho các tu sĩ của mình một cách hiệu quả.
Hẳn suốt cuộc đời thánh Anphong đã thực hiện rất nhiều cuộc Đại Phúc, mang lại lợi ích cho biết bao linh hồn nhất là những trường hợp thiếu trợ giúp thiêng liêng. Hôm nay, khi suy gẫm đề tài Thánh Anphong với sứ vụ Đại Phúc, ta suy gẫm ba kỳ Đại Phúc quan trọng thánh Anphong đã thực hiện ở ba giai đoạn khác nhau trong đời của ngài. Tuy khác nhau về thời gian, nhưng cả ba kỳ Đại Phúc này cùng điểm chung. Đó là sự nỗ lực của thánh Anphong theo sát Chúa Giêsu mang ơn cứu độ toàn diện cho muôn người. Từ lòng yêu mến các linh hồn nhất là những linh hồn thiếu trợ giúp thiêng liêng, và từ tinh thần vâng phục Hội Thánh, cha Anphong đã nguyện giảng Đại Phúc cho đến chết. Hữu xạ tự nhiên hương. Thiên Chúa đã chúc lành cho công cuộc Đại Phúc của cha thánh Anphong và của các thế hệ Dòng Chúa Cứu Thế.
Theo dòng lịch sử, mục vụ Đại Phúc vẫn luôn là yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự hình thành, phát triển và sự trường tồn của Dòng Chúa Cứu Thế. Chúng tôi tin tưởng nhờ ơn Chúa và sự trợ giúp của quý ông bà anh chị em các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế sẽ vui mừng bước theo Chúa Kitô và trung thánh với ơn gọi Cứu Thế.
DCCT Sài Gòn 23-07-2011
Lm Jb Nguyễn Minh Phương, CSsR