VRNs (05.07.2011) – Sài Gòn – Bảo vệ môi trường luôn là vấn đề thách thức đối với nhân loại và đặc biệt với những dấu hiệu bất ổn của khí hậu gần đây đã chứng minh được điều này, những biến cố do thiên tai mang đến ngày càng có nhiều khuynh hướng dữ dội và khốc liệt hơn.
Có thể kể đến trận động đất sóng thần xảy ra vào ngày 11tháng 3 vừa qua tại các tỉnh Đông Bắc Nhật Bản đã làm cho hàng nghìn người thiệt mạng và mất tích, kèm theo đó còn là sự tan hoang và đổ vỡ nhà cửa và những cơ sở hạ tầng khác. Nhật Bản được mệnh danh là nước có công nghệ dự báo sóng thần hiện đại vào loại bậc nhất thế giới, thế mà Nhật Bản vẫn không tránh khỏi “sự tàn bạo” của thiên nhiên mang lại. Phải chăng điều này đánh lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta rằng về những nguy cơ tiềm tàng mà thiên nhiên bất ngờ xảy đến? Liệu rằng những biện pháp phòng trừ tối tân hiện nay có còn bảo vệ tối ưu mạng sống của chúng ta được nữa hay không? Chính vì thế, nó thôi thúc chúng ta phải suy nghĩ và tìm ra hướng đi mới để đạt được “sự an toàn hơn”. Riêng Việt Nam, là một trong mười nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu thì đây là một thách thức không nhỏ đối với nước ta. Vì thế, chính bản thân chúng ta phải nhận thức được điều này và nỗ lực hơn nữa trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo thống kê của tổ chức khí tượng thế giới (WMO), so với những năm 1950, hàm lượng CO2 trong khí quyển không có nhiều thay đổi, nhưng kể từ sau năm 1950 hàm lượng này đã tăng lên đến 38%. Nguyên nhân chủ yếu là do việc đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch, nạn phá rừng và những thay đổi về việc sử dụng đất đai. Bên cạnh đó, Metan là loại thứ khí thải thứ hai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng tăng lên 158%, chủ yếu do hoạt động của con người như chất thải sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi. Với quan niệm trước đây, nguyên nhân chính gây nên hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên của toàn cầu là do khí thải từ nhà máy công nghiệp hay là do khí thải của các phương tiện giao thông. Nhưng thông qua khảo sát và điều tra, thực tế lại nói rằng, chính chăn nuôi gia súc, gia cầm lại là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này. Để có số lượng gia súc, gia cầm phong phú, không còn cách nào khác con người phải phá rừng để xây dựng nông trại cho chúng cư trú và tiếp theo đó là những đồn điền trồng hoa màu để nuôi dưỡng chúng. Chính vì thế, diện tích rừng ngày càng thu hẹp nhanh chóng và các nhà nghiên cứu ước tính rằng cứ một phút trôi qua có thêm một diện tích rừng bằng 35 sân vận động bóng đá bị phá hủy. Điều này thật sự đáng báo động! Không còn rừng, không còn “lá phổi” thì coi như chúng ta đã tự rút “đường thở” của chính mình.
Và một số liệu khác có thể chứng minh cho sự bất ổn của khí hậu như hiện nay, đó là hiện tượng băng tan. Trong khoảng thời gian từ đầu mùa đông vừa qua cho đến cuối tháng 3 năm 2011, độ dày của tầng ozon ở Bắc cực đã giảm khoảng 40%. Mức giảm cao nhất trước đây mà WMO ghi nhận được là khoảng 30%. Và dữ liệu từ vệ tinh và các trạm dự báo thời tiết tự động tại Nam Cực cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. “Hiện tượng tan băng đang xảy ra ở phía tây của Nam Cực. Đó là điều không ai nghĩ tới”, Colin Summerhayes, giám đốc chương trình nghiên cứu Nam Cực của Anh, thông báo. Trong nhiều năm qua, lục địa nằm ở đáy hành tinh được coi là nơi duy nhất trên hành tinh không chịu tác động của tình trạng thay đổi khí hậu, vì một nghiên cứu từng khẳng định nhiệt độ ở Nam Cực giữ nguyên, thậm chí còn giảm đi ở một số nơi. Điều này cho thấy rằng khí hậu Nam Cực có xu hướng ấm dần lên và hệ quả của nó là sự dâng lên của mực nước biển và điều này gây nên sự biến mất lãnh thổ của một số quốc gia trên thế giới. Việt Nam trong tương lai gần có khả năng sẽ lãnh kết cục như vậy vì những điều xảy ra trước mắt chúng ta không thể chối cãi được. Hiện tượng xâm thực xảy ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn tại Cà Mau và các nhà phân tích cho rằng có thể năm mươi năm nữa mũi đất Cà Mau của Việt Nam sẽ chìm ngập trong nước biển. Hiện tượng này chỉ là một trong những dấu hiệu bất thường của khí hậu, vì thế Việt Nam cần phải hành động nhanh hơn nữa so với tốc độ hủy diệt này.
Trước những báo động như vậy, câu hỏi lớn được đặt ra là: Chúng ta phải làm gì để bảo vệ môi trường? Đây cũng chính là điều băn khoăn và trăn trở của nhiều tổ chức bảo vệ môi sinh trên thế giới.
Giải pháp được coi là tối ưu nhất và mang lại lợi ích lâu dài nhất chỉ có thể là trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Việt Nam đã và đang áp dụng thành công mô trình trồng cây ngập mặn ven biển tại ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang để chống xói lỡ, bảo vệ đê biển do AUSAID tài trợ và GIZ thực hiện dự án từ năm 2008-2011. Khu vực thí điểm dự án là khu vực có tổng diện tích trên 3,36 ha, chiều dài con đê 1,5km và được giao cho 14 hộ gia đình đang sinh sống tại đó với mức tiền công 100.000 đồng/ngày. Loại cây được chọn trồng trong khu vực chính là cây tràm với khả năng tái sinh rất tốt và tốt hơn cả khi trồng mới đã thực sự đem lại kết quả như mong đợi. Tiến sĩ Sharon Brown – cố vấn kỹ thuật của Tổ chức GIZ, cho biết rằng bà tin tưởng mô hinh ở Vàm Rầy có tính ứng dụng cao. “Chúng tôi đang chuẩn bị mở rộng nó sang các khu vực khác ở Việt Nam, các nước thuộc khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và Indonexia _ những nước gặp vấn đề tương tự như ở đồng bằng sông Cửu Long và tất nhiên phải nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng cho từng vùng”, tiến sĩ nói. Mô hình trồng cây ngập mặn ven biển được đánh giá cao kết quả thực tiễn và trên cơ sở đó chính phủ Australia và Đức quyết định mở rộng thành chương trình Biến đổi khí hậu với nguồn kinh phí giai đoạn tới (kéo dài 5 năm) cao gấp hơn hai mươi lần so với giai đoạn đầu.
Ngày bảo vệ môi trường thế giới năm nay ngày 5 tháng 6 đã được được Liên hợp quốc chọn với chủ đề “Nhân loại – Một hành tinh – Tương lai chúng ta” hưởng ứng Năm Quốc tế đa dạng sinh học, nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo tồn đa dạng sự sống trên trái đất. Ngày Môi trường Thế giới năm nay cũng được chọn là Năm Quốc tế về Rừng với chủ đề “Rừng: Giá trị cuộc sống từ tự nhiên”. Với chủ đề này nhằm mục tiêu thúc đẩy việc quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tất cả các loại rừng, phòng chống phá rừng và suy thoái rừng. Qua đó, khẳng định tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống và hệ sinh thái, đồng thời đưa ra cảnh báo về tình trạng phá rừng và suy thoái rừng trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra.
Tôi muốn đưa ra những nội dung trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9-6-2011 của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 dành cho các đại sứ của 6 nước cạnh Tòa Thánh là Moldavia, Guinea Equatoriale, Belize, Siry và Ghana, và New Zealand, đến trình quốc thư như là kết luận cho vấn đề này: Trong buổi tiếp kiến, Ngài kêu gọi các chính phủ tôn trọng môi sinh và khai thác các năng lượng sách để bảo tồn thiên nhiên. Ngài nói: “Hoàn toàn chấp nhận một lối sống tôn trọng môi sinh và hỗ trợ việc nghiên cứu, khai thác các năng lượng sạch, bảo tồn gia sản của công trình sáng tạo và không gây nguy hiểm cho con người, những điều ấy phải là những ưu tiên về chính trị và kinh tế”.
Đức Thánh Cha kêu gọi “Thiên nhiên không phải chỉ là một không gian có thể khai thác hoặc đùa giỡn. Nó chính là nơi sinh ra của con người, có thể nói là nhà của con người, là điều thiết yếu đối với chúng ta. Sự thay đổi não trạng trong lãnh vực này, kể cả những bó buộc mà nó kéo theo, phải giúp mau lẹ đi tới một nghệ thuật sống cùng nhau, tôn trọng giao ước giữa con người và thiên nhiên, nếu không gia đình nhân loại có nguy cơ biến mất”. Ngài nhấn mạnh rằng: ”tất cả các nhà cầm quyền phải dấn thân bảo vệ thiên nhiên và giúp thiên nhiên chu toàn sứ mạng thiết yếu cho sự sống còn của nhân loại. Tôi thấy LHQ là một khuôn khổ tự nhiên để suy tư như thế, và suy tư này không thể bị lu mờ vì những lợi lộc chính trị và kinh tế sự mù quáng phe phái, trái lại cần dành ưu tiên cho tình liên đới hơn là tư lơi”.
Peter Hồ văn Hạnh
Online II