VRNs (14.07.2011) – Hà Nội – Vấn đề môi trường đang được đặt ra cho thế giới nhân loại, trong đó phải kể tới sự ô nhiễm các dòng sông, hồ nước đã tới hồi báo động. Hà Nội, một thủ đô đất chật người đông, vấn đề nước sinh hoạt và khu chứa nước thải đang được đặt ra cho các nhà chức trách nói riêng, mọi người dân nói chung. Các hồ chứa, sông ngòi đang lên tiếng kêu cứu bởi sự ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu như sông Tô Lịch, một con sông chết bởi chất thải thì các hồ nước trong trung tâm thành phố được kể như là những khu vui chơi, giải trí cho người dân cũng đang ô nhiễm không kém. Một trong những hồ phải kể đến là Hồ Đắc Di nằm trên làng Nam Đồng, vùng đất kéo dài từ ngã ba giáp ranh hai phố Nguyễn Lương Bằng và Tây Sơn đến phố Đặng Văn Ngữ.
Hồ Đắc Di vẫn là nơi dạo mát, ngắm cảnh, tìm lại một sự sảng khoái cho tâm hồn những người sống khu vực quanh nó hay một số người sống ở xa nhưng yêu thích nó. Những người tìm đến đây thuộc mọi thành phần từ em nhỏ đến người già, từ sinh viên đến công chức, từ dân cư ở đây đến những người không thuộc địa bàn ở đây. Ai cũng có những mục đích và hoạt động khác nhau. Có người đi bộ tập thể dục, có người ngồi thiền để tâm tĩnh lặng, có nhóm người ngồi nói chuyện, tất cả mọi hoạt động diễn ra như quy luật tự nhiên. Hàng cây cối góp phần làm cho không khí ở đây trong lành hơn, nên thơ hơn. Với nhịp sống của thời đại Công nghệ thông tin, điện tử con người càng cần những khoảnh khắc trầm lặng để tìm sự thư thái tâm hồn. Hồ Đắc Di càng là nơi quan trọng với cuộc sống của những người dân sống quanh khu vực này. Mặt hồ tĩnh lặng, không khí thoáng mát nhờ những hàng cây quanh hồ mang lại cho người ta cảm giác bình an, thoải mái, yêu đời hơn, muốn sống hơn.
Theo một số dân cư ở đây, trước năm 1997 phủ trên mặt hồ toàn là rau muống xanh mơn mởn, làn nước trong veo, sạch nhưng sau năm đó, dân cư tập trung ở đây đông đúc hơn, đường phố được khai thông và từ đó xuất hiện những đống rác ở những góc hồ. Trao đổi với ông Thái Thạch Cương, một người dân đang sống tại số nhà 63A phố hồ Đắc Di, chúng tôi được biết: năm 2008 nước dâng lên trên cả mặt hồ phủ khắp con đường trong trận lụt lịch sử, khi nước rút còn đế lại trên đường phố những đống rác lớn, bùn đất, xác động vật và một luồng khí thật ghê tởm. Trận lụt này như là dịp thanh tẩy, trả lại một phần sự trong sạch cho hồ nước như tình trạng nguyên so của nó. Bình thường nước hồ chỉ vỏn vẹn chưa được 1/3 hồ, nước ngày càng rút dần, cạn dần và rất đen. Nếu như trước đây vào mỗi buổi sống khi ánh bình minh xuất hiện, mặt hồ lấp lánh như những viên ngọc tỏa sáng thì bây giờ làn nước trong veo thay vào đó là một màu đen đục và người ta không còn cảm nhận được khung cảnh nên thơ nơi hồ này nữa.
Nếu buổi sáng đẹp trời đi dạo quanh hồ để hít thở khí trời nơi đây, có lẽ không ai không cảm nhận được niềm tiếc nuối cho một hồ nước lẽ ra phải được giữ gìn cho trong sạch.
Hiện nay, sau mỗi đợt mưa, khu vực xung quanh ngập tràn bùn đất, rác thải, bốc mùi hôi thối, mặt nước đen ngòm vừa. Và không thuần túy như trước đây, ảnh hưởng đến môi sinh vừa làm mất mỹ quan. Song, vì lợi cho cá nhân, nhiều người đã bất chấp sự ô nhiễm, không quan tâm tới công ích nên đã ngang nhiên kinh doanh trên bờ hồ và xả rác một cách vô tư vì “cha chung không ai khóc”. Hàng loạt các loại hình kinh doanh ra đời trên ven hồ. Đủ mọi thể loại kinh doanh như quán cà phê, Karaoke, quán cơm, cửa hàng xe máy, trà sữa trân châu.
Nơi đây cũng không thiếu những tiệm cà phê cao tầng, không gian trên thượng tầng thoáng, nhìn ra hồ nước, thu tiền với giá cắt cổ. Đằng sau những bàn cà phê đèn mờ ấy còn có các sòng bài sát phạt nhau. Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm thế nào để giữ gìn và duy trì một khu vực giải trí lành mạnh, trong lành để người dân có thể an tâm dạo chơi và hít thở không khí? Làm thế nào để khôi phục và bảo tồn một nếp sống văn hóa, văn minh vốn có của một khu vực thuộc trung tâm thủ đô mà nay đã đánh mất? Trách nhiệm này thuộc về ai, người dân hay các nhà chức trách? Đây chính là câu hỏi không dành cho riêng ai nơi thủ đô vốn có danh tiếng “Thăng Long ngàn năm văn hiến” này. Hồ Đắc Di đang lên tiếng kêu cứu mà chỉ những ai có trái tim mới nghe thấy được.
Maria Bùi Thị Liễu – Maria Đặng Thị Liên – Maria Mai Ngọc Trâm