VRNs (23.07.2011) – Sài Gòn – Chiều ngày 22/07/2011, Khóa kỹ năng truyền thông Công giáo offline IV đã tổ chức lễ bế mạc tại nguyện đường Nhà hưu dưỡng DCCT Kỳ Đồng, Sài gòn. Khóa học do các cha Giuse Đinh Hữu Thoại, cha Antôn Lê Ngọc Thanh và thầy Gioan Lê Quang Vinh hướng dẫn trong năm ngày đã đi đến kết thúc. 18/22 tham dự viên được xác nhận đã tham gia và hoàn thành khóa theo đúng yêu cầu của Viện truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam (VRMI) đề ra.
Trong 5 ngày tìm hiểu về truyền thông, các tham dự viên đã viết 26 bài, trong đó có 17 phóng sự, 8 tin thời sự, và 1 bài phỏng vấn. Các bài phóng sự đa dạng góc nhìn: Bài học đạo đức truyền thông Công giáo, Cần thay đổi phương pháp dạy giáo lý? Kênh Nhiêu Lộc: ngày ấy-bây giờ, “Kể chuyện trong giáo lý” là kỹ năng là quan trọng nhất, Hãy đến mà xem – Bảng tin DCCTVN, Sân chơi thiếu niên phát triển, Đời sống công nhân di dân, Dạy trẻ biết yêu thương trong xã hội nhiều ganh ghét, Dân Sài Gòn khổ vì những cơn mưa bất chợt, Thú chơi sách, Sinh viên sử dụng thời gian rảnh như thế nào? Phụ nữ ngày nay, Giá cả và dân nghèo của khu vực chợ Hoàng Hoa Thám P.12 Q.Tân Bình từ dịp tết Tân Mão đến nay, Ngày Tết xa quê, Chân dung một thanh niên đam mê truyền thông, “Con ngựa sắt” và cuộc sống mưu sinh, Cụ già và bài thơ “Đi lễ đứng ngoài”, Lễ lòng Chúa thương xót tại Chí Hòa, Một giáo xứ đang hồi sinh và phát triển.
Đây là một kỷ lục về bài viết phóng sự so với 5 khóa huấn luyện trước đây. Ngoài ra các tham dự viên khóa IV này cũng viết những tin thời sự về Sự cố tại ATM Ngân hàng Đông Á: Khách hàng có nguy cơ mất tiền, Giật điện thoại tại chợ Bình Hưng Hòa A, Tiết kiệm thôi, Kiểu lừa đảo mới.
Kỷ yếu các Khóa Kỹ Năng Truyền thông Công giáo năm 2011
Khóa học bàn về nhiều chiều kích của truyền thông: “Tầm nhìn Truyền thông công giáo; kỹ năng quay phim, chụp hình; cấu trúc một bài báo; thực hiện một cuộc phỏng vấn; tâm lý công chúng truyền thông Internet; viết phóng sự; đạo đức truyền thông; biên tập một bài viết; kiến thức luật pháp cho người làm truyền thông và kết thúc khóa học là lễ bế mạc, nhận chứng chỉ kết quả nghiên cứu truyền thông. Các buổi học luôn có hai phần, phần lý thuyết và phần thảo luận làm việc theo nhóm đúc kết phân tích của một vấn đề xã hội Chính trị, kinh tế, văn hóa dưới dạng tin, bài phóng sự.
Các tham dự viên hát với nhau lúc nghỉ ngơi
Học viên Antôn Trương Đình Công Vũ tâm sư: “Mình rất may mắn được học Khóa kỹ năng truyền thông Công giáo offline IV, kết thúc khóa học biết được cách viết tin về cấu trúc và tập phân tích cấu trúc của một bài báo theo các câu hỏi What, Who, Where, When, Why, How (Cái gì, Ai, Ở đâu, Khi nào, Tại sao, Như thế nào). Nhờ vậy, bản thân mình cũng đã có một bài viết và viết khá tốt, giờ đây mình rất tin tưởng vào tay viết của chính mình”.
Còn các học viên Thanh Tùng, Thanh Huệ, Xuân Kim, Khắc Tiên cho biết: “học khóa truyền thông này không chỉ biết cách viết tin, bài báo ngoài ra chúng tôi có cơ hội đi sâu vào phân tích các đề mục cụ thể về kinh tế truyền thông, chính trị truyền thông, văn hóa truyền thông và giáo dục truyền thông trong cái nhìn chung của đạo đức truyền thông Công giáo”.
Đúc kết khóa học, các học viên đều nhận ra một điều: “Mục đích của truyền thông là phục vụ con người bằng cách giúp con người sống hạnh phúc và biết hành động như những vai trò trong cộng đồng. Các phương tiện truyền thông sẽ làm việc này bằng cách khuyến khích mọi người ý thức phẩm giá của mình, đi sâu vào tâm tư ý nghĩ của người khác, vun trồng ý thức trách nhiệm, đối với nhau, ngày càng dành được tự do cho bản thân mình mà vẫn tôn trọng sự tự do của người khác, và càng ngày có khả năng đối thoại nhiều hơn”.
Các học viên hoàn thành khóa nghiên cứu
Kết khóa, cha Antôn Lê Ngọc Thanh nói rõ: “Viện truyền thông Chúa Cứu Thế (VRMI) ra đời nhằm nghiên cứu những giải pháp góp phần phát triển truyền thông Chúa Cứu Thế cho đúng với ý hướng của Công Hội Tỉnh DCCT năm 2009, là hướng đến loan báo Lời Chúa cho người nghèo, bảo vệ người bị áp bức, và hướng dẫn những người yêu mến tin thần Anphong sống và thi hành sứ vụ Anphong giữa đời.
VRMI thực hiện khóa huấn luyện kỹ năng truyền thông Công giáo đầu tiên vào tháng 7 năm 2010. Từ đó đến nay đã mở được 4 khóa trực tiếp (còn gọi là Offline) tại Sài Gòn, Kontum và Hà Nội, hai khóa trực tuyến (gọi là Online) trên Internet. Tổng số học viên của 6 khóa khoảng 300, trong đó chỉ có hơn 100 tham dự viên được đánh giá là hoàn thành khóa nghiên cứu kỹ năng truyền thông Công giáo.
Học viên toàn khóa Offline IV
Với khóa Offline IV này, chúng tôi nhận thấy các anh chị tham dự viên phải hy sinh rất nhiều, vì phải bỏ trọn mọi công việc trong một tuần lễ để tham gia khóa. Chỉ việc các anh chị chuyên cần đến dự khóa cũng đủ cho chúng tôi khâm phục và đánh giá mức độ quan tâm và muốn dấn thân cho truyền thông Công giáo của các anh chị. Chúng tôi ước mong, những kỹ năng và kinh nghiệm các anh chị đã cùng nhau trải nghiệm trong năm ngày qua đủ sức làm cho anh chị em tin rằng Chúa muốn mời gọi anh chị em dấn thân cho sứ vụ truyền thông”.
Tin: Hoa Hồng
Ảnh: Hoa Hồng – Thế Anh
Thầy Vinh và các học viên nữ của khóa Offline IV
Một nhóm chạy đâu rồi, mà chỉ còn 4 nhóm?