Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Trung Hoa: Những Thánh Giá mới trong thế kỷ 21 (1)

VRNs (01.07.2011) – Về Tác giả: Anthony E. Clark là một giáo sư chuyên ngành lịch sử Trung Hoa tại Đại học Whitworth University và là tác giả của cuốn sách Các Thánh của Trung Hoa: Cuộc tử đạo Công Giáo dưới Triều Thanh, 1644-1911. Ông cũng là diễn giả trong loạt phim truyền hình sắp tới trên EWTN Các Thánh của Trung Hoa: Các vị Tử Đạo của Trung Vương quốc (Middle Kingdom).



Ngạn ngữ cổ Trung Hoa có câu: “Càng ở gần hoàng đế thì lại càng kề cận với móng vuốt của hoàng long”. Điều này vẫn đúng trong nước Cộng sản Trung Quốc ngày nay cũng như trong các triều đình Trung Hoa ngày xưa.

Trong một sắc chỉ của triều đình năm 1724, Hoàng đế Ung Chính đã khẳng định: “Đạo Công giáo từ phương Tây không thể được xem là chính thống … và pháp luật của chúng ta không chấp nhận nó″. Và 216 năm sau đó, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã tuyên bố: “Trong lĩnh vực hoạt động chính trị, người Cộng sản có thể hình thành một mặt trận thống nhất chống đế quốc và chống phong kiến ​​với một số người có lý tưởng và thậm chí với những người có tôn giáo, nhưng chúng ta không bao giờ có thể chấp nhận chủ nghĩa lý tưởng của họ hoặc các tín lý tôn giáo của họ”.

Bất cứ khi nào Mao thấy mình không hài lòng với các giám mục Công giáo Trung Hoa thì ông gọi họ là “bọn phản cách mạng”, một điều thật thuận tiện, thành thử vào năm 1951, Mao tuyên bố, “Hãy xác quyết là ta phải tấn công chắc chắn, chính xác, và không ngừng nghỉ trong việc đàn áp bọn phản cách mạng”.

Các nhà cầm quyền cai trị của Trung Quốc, trong suốt lịch sử lâu dài của Trung Vương quốc (Middle Kingdom), thường đánh vào các tín hữu Công giáo, là cộng đồng đã phát triển đều đặn kể từ khi Matteo Ricci thành lập hội hội thừa sai Trung Quốc đầu tiên của ngài cách nay 400 năm. Giáo Hội của thế kỷ 21, nay chỉ mới tròn một thập niên tuổi, đã phải đương đầu với những thánh giá mới dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, và trong những tháng gần đây đã đặt ra những hạn chế mới trên cộng đồng Công Giáo mỏng manh. Hai vị giám mục cá biệt đã trở thành những tiếng nói có thẩm quyền để nói với, và về Giáo Hội tại Trung Hoa ngày nay, là Đức Giám mục Aloysius Jin Luxian và Đức Hồng Y Joseph Trần Nhật Quân.

Tôi đã nói chuyện với Đức Giám mục Aloysius Jin ở Thượng Hải, và đã hỏi ngài về việc ai có lẽ là người liên quan mật thiết nhất với chính quyền của Trung Quốc và làm cách nào mà một người nào đó, trong vị trí gần gũi như thế với một chính phủ chính thức chống đối tôn giáo, lại có thể lèo lái để điều hướng. Đức Giám Mục Jin mỉm cười và trích dẫn Mattheo 10,16 – Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Này, ta sai các con đi như chiên ở giữa bầy sói, vì thế hãy khôn ngoan như con rắn và hiền lành như chim bồ câu”.

“Chính phủ cho rằng tôi quá gần gũi với Vatican,” ngài nói, “và Vatican nghĩ rằng tôi quá gần gũi với chính phủ.” GM Jin, hiện đã hơn 95 tuổi, được tấn phong giám mục vào năm 1985 mà không có phép của Đức Giáo Hoàng; ông từng được gọi là “giám mục của chính phủ”, mặc dù thời gian sau đó Vatican đã công nhận việc trở lại hiệp thông của ông với Rôma.

Ngài lưu ý rằng tình hình của người Công giáo ở Trung Hoa đã trở nên ngày càng chia rẽ, sau khi chấm dứt một thời khoan dung hơn cho thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Trong khi những năm trước đó các cộng đồng Công giáo hầm trú và công khai đã bắt đầu cộng tác với nhau. Đức cha Jin lưu ý: “Thật không đúng chút nào khi nói rằng đường ranh giữa chúng tôi [cộng đồng Công Giáo được công nhận] với cộng đồng hầm trú đang xóa mờ đi. Trong thực tế, sự phân rẽ hiện đang ngày càng tồi tệ hơn”. Ngài tiếp tục khẳng định rằng, bởi vì cộng đồng Công giáo công khai thì dễ nhận diện hơn, thành thử nó bị đặt dưới sự giám sát khắc nghiệt hơn: “Chúng tôi hiện đang sống dưới áp lực khủng khiếp để ngầm chấp thuận các đòi hỏi của Đảng”. Một trong số các phàn nàn chính yếu của Đức Giám Mục Jin là việc Đức Hồng Y Joseph Zen (Trần Nhật Quân) “khuyến khích GH hầm trú tại Trung Hoa giữ vững sự đối lập của mình đối với Giáo Hội được công nhận”.

Chưa đầy một tháng sau đó, tôi đã gặp Đức Hồng Y Zen, hiện đang cư ngụ tại Viện nghiên cứu Salêsiêng ở Hồng Kông. ĐHY Zen được xem là người thông hiểu nhiều nhất còn sống hôm nay về những gì đang diễn ra với người Công giáo bên trong bức Vạn Lý Trường Thành, và ngài còn nổi tiếng với tính bộc trực của mình liên quan đến việc hành xử của chính phủ đối với Kitô giáo. Giám Mục Jin nói đúng về Đức Hồng Y Zen, ngài thực sự có khuyến cáo cộng đồng hầm trú giữ vững sự tách biệt đối với Giáo Hội “công khai”.

“Tại sao cộng đồng hầm trú lại phải quy hàng vào Giáo Hội công khai?” ĐHY Zen đặt vấn đề, nhất là khi cộng đồng công khai đã phải chịu gánh nặng dưới sự kiểm soát của Đảng. Hiệp hội Công giáo Yêu nước là cơ chế mà chính phủ Trung Quốc sử dụng để khống chế Giáo Hội tại nước này, và HY Zen mô tả các giám mục được công nhận của Trung Quốc như là những “nô lệ” của Lưu Bách Niên, vị chủ tịch tai tiếng của Hiệp hội.

Từ sự bất đồng sẵn có giữa hai vị giám mục này, Jin và Zen, thực là một minh chứng của đức ái Kitô giáo khi hai vị đã gặp gỡ trong sự thanh thản đến thế, dịp Đức Hồng Y Zen đến thăm Thượng Hải vào cuối tháng Mười năm ngoái. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho cơ quan thông tấn Công giáo AsiaNews, Đức Hồng Y Zen đã thốt lên: “Cuộc gặp gỡ của hai anh em trong Chúa sau nhiều năm là một niềm vui lớn”, mặc dù ngài cũng nói rằng nó như thể “con sâu bỏ rầu nồi canh. Chúng tôi là những người bạn tuyệt vời, nhưng chúng tôi biết rằng có một số điều không thể nói được … vì ‘hệ thống’ không cho phép điều đó″.

Dưới các hạn chế hiện hành đối với Giáo Hội tại Trung Hoa, đặc biệt là trên các thành viên của Hiệp hội Yêu Nước như Đức Giám Mục Jin, “hệ thống ” mà ĐHY Zen than thở đã trở thành “một bức tường trong trái tim của người dân và một cái khóa trong miệng của người dân. “Một tin đồn xung quanh chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y đến Hoa lục cho rằng phát ngôn viên của Đức Giám Mục Jin đã không cho phép các phương tiện truyền thông tiếp xúc với GM Jin nếu không có phép chính thức trước đó từ Hiệp hội Yêu nước. Là giám mục cao cấp nhất của Trung Quốc, và là người có mối liên hệ vững chắc với Hiệp hội Yêu nước, GM Jin e dè cách dễ hiểu trong việc trì kéo móng vuốt của con rồng.

Sự gia tăng của tình trạng thiếu thốn giáo sĩ tại Hoa lục

Trong khi các GM Trung Quốc vẫn bị áp lực dưới những hạn chế của nhà nước, và trong khi nhà cầm quyền đưa ra những phương pháp đào sâu thêm sự chia rẽ giữa các cộng đồng hầm trú và công khai, các linh mục nằm trong các chiến hào cũng đang gặp khó khăn riêng của họ. Không giống như các cộng đoàn giáo hội chính tòa trong thành phố thuộc các đô thị lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, và Quý Dương, thường xuyên có một số linh mục thường trú để dâng Thánh Lễ hàng ngày, các nhà thờ tại nông thôn thường chỉ thấy linh mục chỉ một lần mỗi tháng.

Trong giáo phận nhộn nhịp tại Thái Nguyên, ví dụ, các linh mục thường được giao cho việc chăm sóc mục vụ của bốn, năm, hoặc sáu nhà thờ lớn, đôi khi cách nhau hàng giờ. Trong giáo phận này, sinh động nhất tại Trung Quốc, các linh mục thường ngồi tòa giải tội vài giờ đồng hồ tại mỗi điểm dừng trên các tuyến đường của họ, cũng như dâng Thánh Lễ, dạy các khóa học giáo lý, ban bí tích cuối cùng cho những bệnh nhân và những người nguy tử, chứng nhận hôn phối và giải quyết các tranh chấp không thể tránh khỏi phát sinh trong các giáo xứ mà không có một mục tử thường trực. Số người Công giáo ở Trung Quốc đã tăng từ 3 triệu tại thời điểm tiếp quản của Đảng Cộng sản vào năm 1949 cho đến khoảng 20 triệu người ngày nay, mặc dù – hay có lẽ do bởi các cuộc bách hại không ngớt. Nhưng ơn gọi không tăng cùng một nhịp độ với con số các tín hữu, và các linh mục chịu rất nhiều gánh nặng bởi đòi hỏi của lịch trình và sự kỳ vọng từ đàn chiên của họ.

Vào tháng 12 năm 2010, tôi đã nói chuyện với Cha Zhang Jingfeng, một linh mục từ vùng thảo nguyên Mông Cổ bao la của Trung Quốc, người đã báo với tôi rằng các linh mục trong giáo phận của ngài hiện nay chịu áp lực từ hai nguồn chính. Thứ nhất, họ bị quá tải do hậu quả của tình trạng thiếu hụt ngày càng tăng cao của hàng giáo sĩ, và thứ hai họ thường xuyên phải chịu đựng mối quan hệ cực kỳ căng thẳng với giám mục của họ. Các giám mục thuộc Giáo Hội được công nhận ở Trung Quốc đang bị vắt nặn giữa sự o ép của chính phủ và đòi hỏi cấp bách của mục vụ. Kết quả là các giám mục cảm thấy cần phải quản lý chặt chẽ các linh mục của mình vì sợ bị các quan chức quấy rối, và các linh mục của họ lại đến lượt không tin tưởng vào vị giám mục của mình, vì cảm nhận rằng các giám mục là những con rối chính trị. Cha Zhang báo với tôi rằng, hậu quả không may từ hai yếu tố này là nhiều linh mục đang bị cám dỗ để rời bỏ chức linh mục.

Cha Peng Xin, từ Giáo phận Công giáo Vũ Hán, đã có kinh nghiệm trực tiếp về bầu khí mất lòng tin này. Ngài đã được đào tạo thần học ở Paris, do đó chính quyền TQ tại địa phương rất e dè ngài, điện thoại, email của ngài đều bị nghe trộm, và các linh mục anh em của ngài luôn lo sợ về việc liên lạc với ngài. Vị giám mục của ngài, là một thành viên của Hiệp hội Yêu nước, cũng duy trì một khoảng cách nhất định với ngài. Đó chính là những loại áp lực dẫn đến việc các giáo sĩ Trung Quốc biến mất dần vào đời sống thế tục.

Việc kiểm soát chính trị ngày càng gia tăng do nhà cầm quyền Trung Quốc đặt lên trên Giáo Hội tại nước này cũng dẫn đến một tình trạng nghi ngờ khủng khiếp giữa các tín hữu. Khi đến thăm ngôi nhà thờ đẹp đẽ tại Côn Minh, tôi bị ấn tượng bởi một số lượng bất thường của các hình ảnh và ngôn từ của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI, các bản tin, cột nhà thờ, các bức tường bên trong và bên ngoài tất cả đều treo các áp phích lớn của Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh Vatican. Điều lý thú (ngược đời), là vị giám mục sở tại, Đức Giám mục Joseph Ma Yinglin, lại là một trong số ít các giám mục ở Trung Quốc vẫn không có sự chấp thuận của Vatican. Khi ông được tấn phong giám mục vào ngày 30 tháng 4 năm 2006, phát ngôn viên của Vatican, TS Joaquin Navarro-Valls, ngay lập tức công bố vạ tuyệt thông trên Ma Yinglin. TS Navarro-Valls cho biết, “Đức Thánh Cha đã nhận được các tin tức với sự bất mãn sâu sắc”, và ông lưu ý rằng, việc tấn phong Ma Yinglin “là một vết thương nghiêm trọng cho sự hiệp nhất của Giáo Hội.” (*)

Trong thực tế, Vatican mô tả những vụ tấn phong GM bất hợp pháp như thế là những vi phạm nghiêm trọng đến tự do tôn giáo. Tín hữu lẽ tự nhiên bị rối ren lộn xộn khi thấy nhà thờ của họ được trang trí với hình ảnh của Đức Giáo Hoàng, đó chính lại là Vị Giáo Hoàng đã ra vạ tuyệt thông trên giám mục của họ, trong giáo phận này, các cộng đồng hầm trú đã phát triển lớn mạnh hơn so với cộng đồng công khai, gây nên những bất bình sâu sắc hơn giữa những anh em tín hữu Công giáo.

Vào khi bài tường trình này đang được viết, Giáo Phận Côn Minh trưng một bức hình nổi bật của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI trên trang web chính thức của họ. Và một số giáo sĩ trung thành với Roma trong vùng này cảm thấy bị bắt buộc phải rời bỏ chức linh mục, ít nhất là tạm thời, do đó chỉ còn một vài nơi được nhận các bí tích cần thiết cho đời sống Công Giáo.

Anthony E. Clark, PhD
(Còn tiếp kỳ 2)