VRNs (26.07.2011) – California, USA – Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, một nỗ lực góp phần cải tạo xã hội và thăng tiến con người, là chủ đề của tác phẩm Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo, vừa xuất bản tại Việt Nam. Tác giả, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P., Giám Mục Giáo Phận Vinh, Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, là một giáo sư giảng dạy nhiều năm ở Roma và Nam Mỹ, đã từng xuất bản nhiều tác phẩm và bài viết, bằng tiếng Việt cũng như ngoại ngữ, về các lãnh vực triết lý, thần học, văn hoá, xã hội, giáo dục. Nhân dịp ngài có chuyến mục vụ tại California, USA, từ 15 – 22.06.2011, Trần Hiếu đã có cuộc phỏng vấn với Đức cha Phaolô.
VRNs xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện giữa ký giả Trần Hiếu và Đức cha Phaolô.
Trần Hiếu: Xin Đức cha vui lòng cho biết chủ đích của cuốn sách “Một cái nhìn về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo”? Đức cha nhắm độc giả là những ai?
Đức cha Nguyễn Thái Hợp: Cuốn sách “Một cái nhìn về Giáo huấn Xã hội Công giáo” được soạn thảo để làm tài liệu học tập cho sinh viên thuộc các đại chủng viện và các trung tâm thần học các dòng tu; đồng thời, người viết cũng muốn nhân cơ hội này giới thiệu Giáo huấn Xã hội của Công giáo cho xã hội Việt Nam. Vì vậy, tôi đã cố gắng tránh lối trình bày giáo khoa, giảm nhẹ các dụng ngữ chuyên môn và đại chúng hóa bao nhiêu có thể. Ngay cả khi phải trình bày một chuyên đề với nhiều từ chuyên môn, sách cũng được viết với văn phong nhẹ nhàng và sử dụng tối đa các từ thông thường để dễ dàng tiếp cận độc giả mọi giới.
H: Thật sự, có rất nhiều điều trong cuốn sách cần được nghiền ngẫm để đem áp dụng thực tế vào xã hội Việt Nam hôm nay; nhưng đâu là điều ưu tiên Đức cha mong muốn người đọc lưu ý?
Đ: Giáo huấn xã hội bắt nguồn nơi Kinh Thánh, rồi được nuôi dưỡng qua giáo huấn của các giáo phụ, các tiến sĩ hội thánh và các văn kiện của hàng giáo phẩm. Ngay từ đầu nó đã là thành phần giáo huấn của Giáo hội về quan niệm con người và cuộc sống xã hội. Đặc biệt, giáo huấn là một bộ phận của thần học luân lý xã hội, được xây dựng và phát triển dần dần tùy theo nhu cầu của mỗi giai đoạn lịch sử. Gia sản này được kế thừa và khai triển qua các thông điệp xã hội của các giáo hoàng, nhất là kể từ thông điệp “Tân Sự” của Đức Leo XIII, khi Tin Mừng tiếp xúc với xã hội kỹ nghệ tân tiến và hình thức mới về lao động, cũng như quyền sở hữu.
Áp dụng vào thực tại xã hội Việt Nam hiện nay, giáo huấn xã hội của Giáo hội ước mong cống hiến nguyên tắc suy tư, tiêu chuẩn phán đoán và đường hướng hành động trong lãnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội, chính trị… Nhưng ưu tiên nhất, tôi thiết nghĩ là vấn đề xây dựng xã hội và con người Việt Nam. Việc hình thành xã hội dân sự và chủ trương đào tạo con người đạo đức, sáng tạo, tự do và có chuyên môn là nhu cầu cấp bách của dân tộc Việt Nam. Tôi ước mong cuốn sách này đóng góp phần nhỏ nhoi của mình cho sứ vụ cao quý đó.
H: Vì lúc nầy là thời điểm đầy nguy cơ của đất nước?
Đ: Đúng vậy, đất nước Việt Nam đang trải qua giai đoạn khủng hoảng sâu thẳm về kinh tế, chính trị, xã hội… Một số nhân sĩ đã mạnh mẽ lên tiếng báo động mọi người trước những đe dọa đến sự tồn vong của Tổ quốc. Có người còn đề nghị triệu tập một “Hội nghị Diên Hồng” để cứu nguy Đất nước. Nhiều người băn khoăn trước hiện tượng xã hội xuống cấp về nhiều mặt, khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng, tham nhũng hoành hành khắp nơi, nhân phẩm và nhân quyền chưa được tôn trọng…
Cuốn sách bé nhỏ này không có tham vọng đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề to lớn ở trên, mà chỉ muốn đóng góp chút gì vào việc xây dựng một xã hội nhân bản, công bằng, tiến bộ và dân chủ hơn. Chính vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ mô hình xã hội “Kiềng ba chân” hay “Ba bàn tay”, chủ trương kết hợp hài hòa giữa bàn tay pháp lý của Nhà nước, với bàn tay vô hình của kinh tế thị trường và bàn tay liên đới của xã hội dân sự là điều kiện cần thiết để xây dựng một xã hội phát triển, dân chủ, công bằng và nhân ái.
Khởi điểm cho mọi cải tổ phải là giáo dục. Đã đến lúc phải giải thoát chương trình giáo dục hiện nay khỏi “vòng kim cô” của ý thức hệ giáo điều để đưa ra một triết lý giáo dục mới. Chỉ khi chúng ta chủ trương đào tạo những con người đạo đức, sáng tạo, tự do và có chuyên môn thì chúng ta mới hy vọng bảo vệ được độc lập, đưa đất nước đồng hành với nhân loại tiến bộ, văn minh, dân chủ.
H: Ba chân kiềng giúp phát triển xã hội gồm nhà nước, thị trường, và xã hội dân sự, thế nhưng, trong xã hội Việt Nam ngày nay, các tổ chức “xã hội dân sự” đều vắng bóng. Đức cha có hy vọng các cơ cấu “xã hội dân sự” sẽ được hình thành trong thể chế chính trị hiện tại của Việt Nam?
Đ: Ở Việt Nam hiện nay, các tổ chức phi chính phủ, các tôn giáo, công đoàn, hiệp hội, đoàn thể dân sự, truyền thông xã hội… chưa thể hiện được chức năng và vai trò của mình, như đáng lẽ ra phải có. Vì vậy, xã hội dân sự chưa thực sự hình thành. Nhưng tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa và dân chủ hóa sẽ tạo điều kiện tốt cho sự hình thành và phát triển xã hội dân sự. Phải chăng trong mấy năm gần đây đã xuất hiện một số dấu hiệu của tiến trình này?
H: Đức cha khẳng định bản chất Kitô giáo là một con đường cứu độ chứ không phải là một triết lý chính trị, một mô hình kinh tế, hay một thứ luân lý theo nghiã chặt. Nhưng các sứ điệp Đức Kitô rao giảng thách thức xã hội và nền chính trị đương thời và đó là điều đã dẫn đến cái chết của Người. Khi rao giảng các giáo huấn xã hội của Công giáo trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam hiện nay, Đức cha có mường tượng cái gía mà người rao giảng phải trả?
Đ: Tin Mừng của Đức Kitô nhằm mục đích cứu rỗi con người, nhưng con người nói đây là con người toàn diện, sống trong những môi trường văn hóa, xã hội, chính trị cụ thể. Chính vì vậy, Tin Mừng luôn chứa đựng chiều kích văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị. Do đó, giáo huấn của Đức Kitô rất nhiều lần đối kháng với tham vọng và quyền lợi của nhiều người, nhất là những người quyền thế.
Theo Đức Kitô, trần thế nói chung và quyền bính chính trị nói riêng có một “tự lập tương đối” nào đó trong chương trình của Thiên Chúa, nên người tín đồ phải chu toàn trách nhiệm của mình đối với nhà nước. Tuy nhiên, không một cá nhân hay nhà nước nào được tiếm quyền, tự mặc cho mình quyền bính tuyệt đối trên dân chúng. Bên trên quyền bính chính trị vẫn còn một quyền bính khác, một đấng khác, mà mọi người phải tôn trọng. Mối tương quan phức tạp này được giản lược trong câu tuyên bố thời danh: “Của César hãy trả lại cho César và của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa”.
Để phát triển con người cần đến gia đình, xã hội, giáo dục, kinh tế, chính trị, tôn giáo… Nhưng phân tích đến cùng, tất cả những cái đó thực ra chỉ là phương tiện, chứ không phải là cùng đích. Tất cả phải vì con người và để phục vụ con người, chứ không thể đảo ngược biến con người làm vật tế thần cho bất cứ truyền thống tôn giáo, đảng phái chính trị hay ý thức hệ nào khác. Nói theo ngôn ngữ của Đức Kitô, “Ngày thứ Bảy vì con người, chứ không phải con người vì ngày thứ Bảy”.
Đó là một trong những lý do khiến con đường cứu độ của Đức Kitô phải đối diện với sức đối kháng của các nhà cầm quyền cũng như các lãnh đạo tôn giáo đương thời. Sự chống đối ngày càng mạnh mẽ và cuối cùng đã dẫn ngài đến cái chết thê thảm trên thập giá.
Giáo hội có sứ vụ tiếp nối chương trình cứu rỗi con người, mà Đức Kitô đã khai mở. Vì vậy, như Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II đã xác quyết, “Con người là con đường của Giáo hội”, khi rao giảng Tin Mừng nói chung và phổ biến giáo huấn xã hội của Giáo hội nói riêng, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chúng ta phải chấp nhận trả giá.
H: Lời Nhà Xuất Bản ở đầu sách nói rằng họ đề nghị tác giả cắt bỏ một số điểm “có thể gây hiểu lầm trong bạn đọc, và tác giả đã vui lòng chấp thuận”. Nhưng với một văn phong dễ hiểu, độc giả trung bình đều có thể lãnh hội được các ý tưởng, vậy điểm nào mà nhà xuất bản sợ gây hiểu lầm? Hay đây là một hình thức kiểm duyệt?
Đ: Lời Nhà Xuất Bản ở đầu cuốn “Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo” là một trường hợp khá đặc biệt và họa hiếm. Một số độc giả đã nêu câu hỏi: đây là một hình thức kiểm duyệt hay một thứ thỏa hiệp? Và cụ thể những đoạn văn nào đã bị cắt bỏ? Lúc này tôi đang ở Hoa Kỳ nên không có tập hồ sơ trên tay nên rất tiếc không thể nói rõ có bao nhiêu đoạn NXB đề nghị cắt bỏ và chúng nằm ở trang nào. Gần như có ba hay bốn đoạn gì đó và hầu hết nằm ở phần chú thích (footnote). Hai đoạn trích từ hồi ký “Quãng đời đánh mất” của nhà văn Nguyễn Khải nói về thời bao cấp và sự lấn át của tập thể trên cá nhân ở giai đoạn đó; một đoạn khác trích dẫn phát biểu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về cơ hội ngàn vàng để đoàn kết và hòa giải dân tộc đã bị đánh mất sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975.
H: “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”, kể cả các hình thức nghèo đói vế tinh thần, là tình cảnh rất phổ thông ở xã hội Việt Nam ngày nay. Với cuốn sách, Đức cha có hy vọng người ta sẽ ưu tiên chọn lựa và dấn thân hơn cho người nghèo, cho người bị áp bức trong xã hội?
Đ: Không ai có thể phủ nhận là trong gần hai thập niên vừa qua kinh tế Việt Nam đã đạt được mức độ tăng trưởng cao. Nhưng nếu phân tích kỹ, chúng ta không thể không âu lo khi thấy nền kinh tế VN vẫn ở trong tình trạng cơ cấu lạc hậu, sức cạnh tranh thấp, hiệu quả kinh tế yếu kém và lạm phát cao. Kết quả tiêu cực là mặc dù thu nhập bình quân trên đầu người tăng, nhưng chất lượng cuộc sống xuống thấp trong nhiều mặt, phân phối thu nhập thiếu công bằng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị nới rộng.
Đối diện với hiện tượng xuống cấp này, người Công giáo nói chung và hàng giáo phẩm nói riêng không thể không lên tiếng. Giáo huấn xã hội của Giáo hội mời gọi chúng ta phải ưu tiên chọn lựa người nghèo và tích cực dấn thân tranh đấu cho những người bị thiệt thòi trong xã hội. Ngoài ra, Tin Mừng còn đòi hỏi các Kitô hữu phải đi xa hơn trong việc tranh đấu cho công bằng xã hội để xây dựng một xã hội nhân ái và yêu thương.
Chúng tôi cũng hy vọng rằng các cơ quan hữu trách sẽ có những quyết định cụ thể để bảo vệ quyền lợi của những người nghèo, phù hợp với chủ trương một nhà nước của người nghèo.
H: Ở trang 147 của cuốn sách, Đức cha trích dẫn Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1903 nói rằng, “Nếu nhà cầm quyền đưa ra những luật lệ bất công hay sử dụng những biện pháp trái đạo đức, lương tâm không buộc phải theo,…” Giáo huấn nầy có được cổ võ rộng rãi trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay không?
Đ: Quan niệm trên nằm trong truyền thống cố cựu của Kitô giáo. Ngay từ thế kỷ XIII, thánh Tôma Aquinô đã xác định nó như một nguyên tắc của thần học luân lý. Kể từ đó, nguyên tắc cổ điển này luôn hiện diện trong các giáo trình về thần học luân lý và sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo hiện nay đã lặp lại. Chính vì vậy, nguyên tắc này phải được phổ biến ở Việt Nam, cũng như ở tất cả mọi nơi trên thế giới, kể cả tại Hoa Kỳ.
H: Đức cha đã dành hai chương nói đến “dấn thân phục vụ” và “đời sống chính trị”, vạch ra một lối đi mới cho người tín hữu giáo dân nhằm tham dự tích cực vào đời sống công cộng. Nhưng giữa những chọn lựa chính trị và Tin Mừng cần có sự nhất quán. Đức cha cũng nói đến định hướng mục vụ mà Đức Biển Đức XVI khuyến khích tín hữu Việt Nam “đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành”. Trong bối cảnh chính trị xã hội Việt Nam hiện nay, điều nầy có khả thi không?
Đ: Công đồng Vatican II và nhiều thông điệp xã hội của Giáo hội mời gọi các tín hữu tích cực dấn thân trong lãnh vực chính trị. Một số bản văn còn cho thấy mọi thay đổi rõ rệt và bền vững phải thể hiện trên lãnh vực chính trị. Nhưng công đồng cũng nói rõ là không hề có sự đồng nhất giữa Tin Mừng và chọn lựa chính trị. Trong một số trường hợp, các tín hữu có cùng niềm tin và nhiệt tâm như nhau, nhưng có thể có những chọn lựa chính trị khác nhau. Vì vậy, không ai có thể vỗ ngực cho rằng chọn lựa chính trị của mình là lý tưởng và phù hợp với Tin Mừng hơn cả. Do đó, các tín hữu cần đối thoại và liên đới với nhau để tìm kiếm những giải pháp chính trị khả thi nhất.
Thiết tưởng, cũng cần nhắc lại rằng, theo Giáo huấn xã hội Công giáo, các giám mục, linh mục và tu sĩ cần phải có quan niệm và chọn lựa chính trị phù hợp giáo huấn của Giáo hội. Tuy nhiên, dấn thân hoạt động chính trị, nhất là hoạt động chính trị đảng phái, là lãnh vực riêng của giáo dân.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam, người ta thảo luận nhiều về lời mời gọi của Đức Giáo chủ Biển Đức XVI: “Đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành”, cũng như câu nói thời danh “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Trong Lễ Ra mắt của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, chúng tôi đã đề nghị các tham dự viên thảo luận về câu nói trên. Các nhóm đã đưa ra một đúc kết sơ khởi, tuy nhiên vẫn còn mơ hồ, đi vòng quanh và thiếu nhất quán. Có lẽ phải mất một thời gian nữa mới hy vọng tìm được một câu trả lời khả thi và mang tính thuyết phục.
H: Cuốn sách có phải là đường hướng hoạt động của Đức cha trong cương vị Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam?
Đ: Đường hướng hoạt động của UB-CLHB nằm trong Kinh Thánh, trong diễn từ của các ngôn sứ, giáo huấn của Đức Kitô, suy tư của các thánh giáo phụ cũng như các thánh tiến sĩ, đặc biệt trong các văn kiện và thông điệp xã hội của Giáo hội, kể từ thông điệp Tân Sự. Ngoài ra có thể kể thêm nguồn tài liệu rất phong phú được mệnh danh là “Tư tưởng xã hội” thuộc rất nhiều thế hệ các tác giả qua nhiều giai đoạn lịch sử. Cuốn sách của tôi thực ra chỉ là “Một cái nhìn về Giáo huấn Xã hội Công giáo” . Chắc chắn trong xã hội đa phức và đa diện hôm nay, còn nhiều cái nhìn khác nữa cho cùng một vấn đề mà chúng ta đang thảo luận.
Chân thành cám ơn Đức cha.
Trần Hiếu San Jose, CA
Gởi trực tiếp cho VRNs